Tháng Tư. Nhìn lại ‘Tháng Ba Gãy Súng’

Tháng Tư. Nhìn lại ‘Tháng Ba Gãy Súng’

Tim Nguyễn

Tháng Tư… Những đám mây đen rũ xuống trí óc những người lính năm xưa như chúng ta. Dù muốn hay không muốn, chúng ta vẫn phải nghĩ đến cuộc chiến đã qua. Bốn mươi bốn năm rồi, chúng ta còn nhìn thấy con mắt đen niềm im lặng sâu ấy như trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Hôm nay, một ngày của Tháng Tư chúng ta thử nhìn lại tháng Ba 1975.

Quả đúng với nhiều người Việt, nhất là những người lính Việt Nam Cộng Hòa, tháng 3 năm 1975 đánh dấu sự bắt đầu một khúc quanh lịch sử. Ban Mê Thuột rơi vào tay bộ đội cộng sản ngày 10 tháng Ba. Từ đó lãnh đạo miền Nam có những quyết định di tản chiến thuật sai lầm đầy máu và nước mắt, từ cao nguyên về Nha Trang, từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn, để rồi dẫn đến một ngày cuối tháng Tư đau buồn.

Riêng với Nguyễn, tháng Ba 1975 đã để lại những ấn tượng sâu sắc về Nha Trang. Và mình đã viết bài Nha Trang Tháng Ba 1975 trong lần đi tìm mẹ và em di tản từ Pleiku.

… tháng ba ơi. đang giữa bản đàn

bỗng nghe ve ngâm. vượn hót

người yêu người. làm sao quên

mái tóc đi về rặng cây bông sứ

tháng ba. tháng ba. trong đời tôi

và lịch sử. hoàng hôn nghiêng mái quán

hải âu. bay xa. về đâu

thùy dương dậy. chiều tà. hung hãn

tháng ba. cọp chạy. người xa người

em mang hồn hoa sứ

ngủ ngàn năm. đất xưa

\"thang-tu-nhin-lai-thang-ba-gay-sung\"

Và Tháng Ba Gãy Súng  của Cao Xuân Huy.  Trong Tháng Ba Gãy Súng, hồi ký của Cao Xuân Huy, nguyên Trung úy Thủy Quân Lục Chiến trong quân đội miền Nam Việt Nam, kể về giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh ấy tại Quảng Trị-Thừa Thiên-Huế.

Cao Xuân Huy đã kể lại một trận đánh được xem là bị buộc phải mở đường máu mà với số lượng binh sĩ hiện diện cùng với tình hình bi đát ở những giây phút cuối của cuộc chiến, ông và đồng đội hiểu rất rõ cái chết đang sát một bên lưng và sự chọn lựa nào cũng đều vô vọng.

Ông nói: “Còn nỗi bi thảm nào hơn tình thế của chúng tôi trong lúc này. Có những người tìm cái sống trong cái chết, ít ra họ còn cái hy vọng tìm thấy cái sống, mặc dù rất nhỏ nhoi, hy vọng nhỏ đến đâu cũng vẫn là hy vọng. Một mảnh ván mục giữa biển cũng là hy vọng. Còn chúng tôi, miếng ván mục cũng không trông thấy. Chúng tôi không thất vọng, chúng tôi không tuyệt vọng, mà chúng tôi vô vọng. Chúng tôi, những thằng thanh niên khỏe mạnh, yêu đời, rất ham sống, đang ngồi mơ được giậm chân tại chỗ này, đánh nhau để rồi chết tại đây cho đỡ mệt chứ không muốn mở đường máu để chết dần chết mòn dọc đường, cuối cùng đến được một chỗ cũng để chết. Cái chết kiểu này quả tình không hứng thú tí nào hết.”

Mở được đường máu chưa phải là kết thúc. Bi kịch chỉ bắt đầu khi tác giả dẫn một toán lính tìm lối thoát vào Nam bằng đường biển. Con tàu duy nhất có thể đón ông và toán lính lại trở thành nơi chiến đấu, chiến đấu giữa những người lính với nhau để giữ mạng sống. Con tàu thì nhỏ chứa được khoảng ngàn người mà số người di tản đông tới hơn chục ngàn, tất nhiên phải xảy ra sự tranh giành, đấm đá để khỏi bị Việt Cộng bắt.

Cuốn sách được khép lại với cảnh những người lính thất thểu một đoàn dài khi trở thành tù nhân bị dẫn đi và bị bắn giết như thế nào. Trong đoạn văn này, từng giọt máu như đang rỉ ra theo gót chân của đoàn tù. Máu theo chân, máu đổ khắp nơi khi từng viên đạn bắn đi, từng người một ngã xuống, ngã xuống…người còn sống không biết bao giờ thì đến phiên mình, tất cả chờ đợi cái chết đến, chờ đợi trong hãi hùng, trong khủng khiếp: “Lúc nãy ở bờ bên kia phá chúng tôi được nếm mùi cướp bóc thổ phỉ, và bây giờ trên con đường đất hai bên là ruộng, là lùm, là bụi này, chúng tôi được thưởng thức món giết người.”

Quả đúng như thế, Tháng Ba Gãy Súng đầy những âm thanh và cuồng nộ, tiếng chửi thề, hơi rượu, chết chóc, thịt nát xương tan, và máu. Tuy vậy, đây đó vẫn còn những cảm xúc của tình người như trong đoạn văn sau đây.

“Huế đang là một thành phố chết và đang là một thành phố bị bỏ ngỏ. Cả thành phố chỉ còn lại vài ba ngọn đèn đường, cái sáng cái tối. Ðạn pháo Việt Cộng nã đều vào cầu Trường Tiền và khách sạn Hương Giang, đó đây người ta đang đạp xe ba bánh, xe xích lô đi hôi của.

Ði lối Cầu Mới thì được an toàn, nhưng tôi sẽ đi lối cầu Trường Tiền mặc dù cầu này đang bị pháo. Một chút lãng mạn trong người tôi nổi dậy, chẳng gì cũng chỉ còn là lần chót. Ngay đầu cầu, một chiếc M-48 nằm chình ình, máy vẫn còn nổ mà không có người. Lên đến giữa cầu, tôi nói với mấy thằng lính đệ tử: ‘Quay lại nhìn Huế lần chót bây, chắc chắn là mình sẽ không đánh ra tới đây để lấy lại đâu’.”

Qua Tháng Ba Gãy Súng ta chứng kiến cảnh cướp bóc, tranh giành nhau để tìm cái sống. Ngoài ra còn được  thấy những người lính trong giây phút tuyệt vọng, ôm lấy nhau nổ lựu đạn chết. Như trong truyện ngắn Biển Xưa của Nguyễn Mộng Giác. Ôi, còn gì bi thảm và anh hùng bằng.

Những trang sử của Tháng Ba lật qua. Bây giờ là Tháng Tư. Triệt thoái cao nguyên. Triệt thoái miền Trung. Mặt Trận Long Khánh đổ máu, kiêu hùng. Nhà báo Lê Ngọc Châu ghi lại trên Cali Today:

“Mỗi lần, tháng Ba hay tháng Tư về là những hình ảnh xa xưa của năm 1975 sống lại trong tôi. Nếu tôi ghé Ban Mê Thuột thăm người thân như Má tôi nói qua phôn khi vừa có mặt tại Sài Gòn vào cuối tháng Hai năm 1975 thì có lẽ tôi đã kẹt ở đó, nếu thiếu may mắn có thể đã … khi thành phố Ban Mê Thuột thất thủ. Không như cô em tôi tình cờ quen gần đây qua FB/Internet nói (đùa) là biết đâu chúng ta gặp nhau trên đại lộ kinh hoàng! Về miền Trung được vài ngày thì Việt cộng đã đánh đến ngoại ô cách thị xã nơi gia đình tôi ở chỉ 7 hay 8 cây số. Ðêm đêm đại bác của VC bắn vào thành phố, có lần nổ tung cách nhà tôi chừng 500 mét. Tình hình quá căng thẳng, tuy chưa thăm hết bạn bè, người quen, nhưng vâng lời Ba Má nên tôi vào lại Sài Gòn và tùy cơ ứng biến. Rồi vùng I di tản, sau đó đến cao nguyên vùng II. Chính tôi đã thấy rõ những hình ảnh đau thương đồng hương dìu nhau trốn chạy Việt cộng! Gia đình tôi cũng bỏ hết tất cả, theo chân đoàn người di tản vượt gần 800 cây số vào Sài Gòn tá túc bà con, chờ xem tình hình…Ba tôi là người đi sau cùng và lần cuối hai cha con gặp lại nhau sau khi vùng 2 chiến thuật mất. Lúc gặp ở Sài Gòn, Ba tôi chỉ hỏi một câu thật ngắn gọn: “Sao con chưa đi cho rồi, còn chần chờ chi nữa’.”

Thương ơi, đời tôi có một Tháng Tư. Với bi thương và uất hận. Làm sao quên!

TN

Dallas

Bài Liên Quan

Leave a Comment