Một Cuộc Bể Dâu

hoànglonghải: Một Cuộc Bể Dâu

04/26/2019

\"\"/

Thuật hoài

Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Đặng Dung

Dù nhìn vấn đề dưới lăng kính nào, biến cố 30 tháng Tư 75 là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Biến cố đó là vui hay buồn?

Hồi đó, có người bảo rằng ông Võ Văn Kiệt phát biểu về ngày 30 Tháng Tư: Có triệu người vui, có triệu người buồn. Nói như vậy là xác nhận người Việt Nam có hai phía, đối nghịch nhau. Không phải triệu người. Nói cho đúng là hằng triệu người vui, hằng triệu người buồn. Hằng triệu là nhiều triệu, không phải chỉ một triệu.

Người ta hiểu một cách đơn giản: Vui là cái vui của người miền Bắc, “Bên thắng cuộc”; Buồn là “Bên thua cuộc”, người miền Nam. Không hẳn như vậy đâu. Ở Bắc vĩ tuyến 17, bên thắng cuộc, không ít người, dù có bị Cộng Sản Bắc Việt đàn áp, bóc lột hay không, hoặc vì lẽ phải, vì lương tâm, người ta đã mong Miền Nam đem quân “giải phóng” Miền Bắc để cứu đồng bào ngoài ấy. Họ chờ sự kiện ấy bao nhiêu năm nay rồi, đến ngày 30 thán Tư, nghe tin miền Nam thua trận thì họ buồn. Họ ở miền Bắc, họ buồn như người miền Nam, buồn với người Miền Nam.

Trong khi đó, nói chung, người Miền Nam thua trận thì buồn, nhưng cũng có nhiều người vui. Có nhiều lý do để họ vui, vì họ có “liên hệ Việt Cộng, thiên Cọng”, cũng có nhiều thanh niên vui mừng, bởi vì 30 tháng Tư có nghĩa là hết chiến tranh, là hòa bình, là khỏi lo bị bắt đi lính, bắt đi quân dịt, quân gà.

Điển hình nhứt là ông Trịnh Công Sơn. Ông trốn lính hơn chục năm rồi, ông núp bóng bao nhiêu “người” để đi lại, hát ca mà không sợ Quân Cảnh, Cảnh Sát, chận xét giấy tờ. Ông Sơn “làm lính kiểng” cho ông Lưu Kim Cương, rồi “trả ơn” bằng bài hát “Cho một người nằm xuống”. Ông Liên Thành, trưởng ty Cảnh Sát Thừa Thiên Huế, xác nhận ông Sơn là “nhơn viên” của ông Liên Thành. Nhơn viên gì đâu! Cấp một cái “giấy ma” để ông Sơn đi lại mà không sợ Quân Cảnh, Cảnh Sát vậy thôi. Có gì đâu mà phải nổ. Ông Sơn còn được một văn phòng của một ông “phụ tá tổng thống” cấp cho giấy tờ như thế. Tất cả cũng vì người Huế với nhau và phục tài ông Sơn cả thôi. Nếu ông Sơn không phải là người có tài, không có tiền “trà nước”, mấy đời mà ông Liên Thành cấp giấy tờ cho.

Ở Miền Nam, trường hợp như ông Sơn, trước hết là “sợ đi lính”, sau đó, để mặt mũi “sáng sủa” thì “ngụy danh Dân Tộc”, trí thức, yêu nước yêu nòi, phản chiến phản thùng… thiếu gì. Tới 30 tháng Tư họ không “vui mừng” sao được. Yêu gì thì yêu, “yêu mình trước hết”. Đó là tâm lý một số không ít thanh niên, sinh viên, trí thức miền Nam.

Cũng không thiếu trường hợp “Ngựa về ngược” vậy. Đáng ra họ phải buồn thì lại vui hoặc họ vui, thì lại buồn. Trường hợp Bà Dương Thu Hương chẳng hạn. Bà người phía Bắc Vĩ Tuyến 17. Bà “nghe lời đảng” (?) mà đi “thanh niên xung phong”khi còn trẻ. Bả cùng bạn bè, phá đất, đập đá, “xẻ núi, lấp sông” làm đường cho xe Molotova vào Nam. “Xe chưa qua, nhà chưa yên”. Vậy rồi khi “giải phóng miền Nam”xong rồi, vào tới Saigon, Bà chợt tỉnh, bèn “ngồi xuống bên đường” mà khóc. Bả uất hận (?), Bả tiếc nuối (?). Bà uất hận vì thấy mình bị tuyên truyền, bị lừa phỉnh (Cộng Sản mà, có thật thà bao giờ). Bà đã bỏ phí một thời trẻ trung, một thời thanh xuân trong rừng sâu, trong núi thẳm. Bà khóc! Nước mắt của Bà là nước mắt của Uất Hận, của Tiếc Thương. Tội nghiệp Bà!

So với mấy chị trong xóm tôi, khi tôi còn trẻ, có chị cũng khóc, cũng nguyền rủa, cũng tiếc nuối, vì mấy chị bị “bồ đá”. Mấy chị la làng: “Thằng Sở Khanh, thằng đểu cáng, thằng lưu manh”. “Cơm no, bò cởi” xong rồi, nó dông tuốt, nó bỏ chạy. Mấy bà chị của tôi “tức hơn bò đá!”. Tôi thấy tội nghiệp cho mấy chỉ lắm.

So với Bà Dương Thu Hương, nỗi đau của Bà to hơn nhiều, đau hơn nhiều. Giọt nước mắt của Bà nặng hơn, mặn hơn nước mắt của mấy bà chị xóm tôi nhiều lắm.

Đâu có phải một mình Bà Dương Thu Hương bị lừa phỉnh, bị tuyên truyền. Những người “sinh Bắc tử Nam” thì sao?! Những người “xương trắng Trường Sơn” thì sao?! Những chú bộ đội tình nguyện “đi lính cụ Hồ”, “tất cả cho miền Nam ruột thịt” cũng thấy mình bị phỉnh, cũng uất hận như Bà Dương Thu Hương vậy. Những Mẹ, những Cha, Anh, Chị tiễn con đi “giải phóng miền Nam” thì sao? Cả mấy thế hệ bị phỉnh gạt, cả một dân tộc bị phỉnh gạt. Cái hậu quả của “giải phóng miền Nam”, của 30 tháng Tư ghê gớm đau đớn biết chừng nào!

Miền Nam sụp đổ, không có nghĩa “chính quyền miền Nam” sụp đổ. Nói “chính quyền” tức là nói kẻ “cầm quyền”. Kẻ cầm quyền, nếu kể từ chóp bu thì có tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng … Tướng, tá, úy… thấp nhất, thì có xã trưởng, trưởng ấp, (thậm chí như bây giờ ở trong nước là khóm trưởng, khu phố cũng có quyền vậy). Tất cả những người nầy, ít nhiều đều có quyền, “cầm” cái “quyền” mà cai trị dân đen. Chiếm miền Nam xong, những ai không nhanh chân mà “tam thục lục kế”, Việt Cộng cho “đi tù” hết. Nói trắng ra là “đi tù”, “học tập cải tạo” gì đâu!

Bên cạnh kẻ có quyền (cầm quyền), người có tiền cũng là người có quyền cai trị. Chú Hỏa, Quách Đàm, Lý Long Thân, Hoàng Kim Quy, ai cai trị mấy ông nầy? Mấy ông nầy tuy không cầm quyền, tuy không làm quan, nhưng miệng họ có gang có thép cả đấy.

Miền Nam sụp đổ sau ngày 30 Tháng Tư là sụp đổ hoàn toàn, từ trong nhà, ra ngoài phố, vô tới cả nhà thờ, đình chùa miếu mạo… và Phật, Chúa cũng rung rinh! Sự sụp đổ không riêng gì mấy ông chóp bu, không riêng gì giai cấp thống trị, không riêng gì anh binh nhì hay thầy Cảnh Sát, mà sụp đổ tất cả, kể cả chị bán hàng, anh xích lô, phu ba gác, mà cả người bán vé số, kẻ ăn mày và “chị em ta”. Người bán vé số đông hơn, kẻ ăn mày nhiều hơn, “chị em ta” đông đảo. Nhiều hơn, đông đảo hơn thì “cạnh tranh” dữ dội hơn!!!

Khi đảo chánh, khuếch lác là “cách mạng”, hay thấp hơn một nấc là “chỉnh lý” thì chỉ thay bậc đổi ngôi mấy ông chóp bu mà thôi, tức là mấy ông “tai to mặt lớn” mà thôi. Còn như cấp nhỏ, người ta không cần phải thay. Trước ngày đảo chánh, cũng “thầy cảnh sát” ấy đứng gác đường, gác chợ. Sau ngày đảo chánh, cũng thấy thầy ấy gác đường, gác chợ, có thay đổi người nào khác đâu. Thậm chí, thời Tây nô lệ dân ta (Một trăm năm nô lệ giặc Tây), cũng mấy ông ấy làm quan cai trị với Tây. Cụ Ngô lên làm tổng thống, cũng mấy ông ấy cai trị chớ ai vô. Có cả ngàn lý do khiến cụ Ngô không thay được họ. Nhìn chung đó là “giai cấp thống trị”, dù thời Tây, thời cụ Ngô hay thời ông Thiệu, trước sau, họ đều ở trên cổ dân đen cả.

Khi Cộng Sản chiếm miền Nam xong rồi, họ thay hết. Ai “dọt lẹ” thì thôi. Ai “kẹt” lại, Cộng Sản cho đi “học tập” hết, thậm chí thầy cảnh sát gác đường gác chợ, trưởng ấp, trưởng khóm dù ở quê hay ở tỉnh, cũng “học tập” hết. Cấp thấp thì “học tập tại chỗ” năm ba ngày là xong. “Quan to súng dài”, phải học lâu mới chín. “An ninh tình báo” thì khó nấu, khó chín, phải học cả chục năm, “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín”như Trần Tế Xương nói vậy.

Thay đổi toàn bộ một giai cấp thống trị, đó là “Cách Mạng Vô Sản”, tức là “Cách mạng triệt để”. Trong ý nghĩa đó, không chỉ “giai cấp thống trị” ở miền Nam có tội, mà ai phục vụ cho giai cấp đó, làm tay sai cho giai cấp đó cũng đều có tôi cả.

Có ông thầy chùa “phản ảnh” với ông cán bộ:
– “Nam mô A-Di-Dà Phật”, bần tăng là kẻ tu hành, bần tăng không có tội.”
– “Ai bảo “ông” không có tội? “Ông” cầu an cho tên lính ngụy, để nó “an” tâm cầm súng đánh phá “cách mạng”. Như thế, sao “ông” không có tội? “Ông” phải học tập cải tạo!”

Tiếp đó, ông cha nhà thờ trình bày:
– “Lạy Chúa tôi”! Tôi chỉ là người cầu kinh, lạy Chúa, xin “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Tôi không có tội.”
– “Anh” nầy ngoan cố nhỉ? Ai bảo “anh” không có tội. “Anh” cầu nguyện “Chúa của anh” che chở cho tên lính ngụy, để nó bình an cầm súng đánh phá “cách mạng”. “Anh” có tội quá đi chớ! Sao lại không?”

Ông bác sĩ năn nỉ:
– “Xin thưa! Tôi là bác sĩ. Người nào đau ốm, bệnh hoạn, thương tích, tôi lấy lương tâm mà chạy chữa cho họ mau lành. Tôi có tội gì đâu!”
– “Ai bảo “ông” như thế! Thằng lính ngụy đang bệnh, đang bị thương tích. “Ông” chữa cho nó mau lành, để nó cầm súng chống lại “cách mạng”. Tội “ông” “nà nớn nắm!” Ông biết chưa? Mau đi cải tạo.”

Chị bán cháo, bỏ gánh xuống, nghĩ mình là “nhân dân lao động”, không có tội, cãi lại ông cán bộ:
– “Thưa ông cán bộ! Tui là người bán rong, bán chè bán cháo bên đường, lấy công làm lời để có tiền nuôi con. Tui không có tội.”
– “Ai bảo chị không có tội. Chị bán cho tên lính ngụy bát cháo, chén chè, để nó ăn, nó khỏe, nó mạnh mẽ hăng hái cầm súng bắn lại cách mạng. Tội chị không nhỏ!”

Bỗng cây cột đèn chiếu sáng lên, phát biểu:
– “Thưa ông, tôi là cái cột đèn bên đường. Đêm đêm tui chiếu sáng cho người đi đường thấy đường mà đi, không va vấp nhau. Ấy là tui có công chớ tội gì đâu!”
– “Tội anh “nà nớn nắm”. Anh chiếu đường cho sáng, “đồng chí biệt động thành” biết núp vào đâu cho địch không thấy. Nhờ anh chiếu sáng mà tên lính ngụy thấy chỗ núp của “đồng chí chúng tôi.” Chúng nó bắn vào đó, “đồng chí cách mạng” bị thương, “hy sinh”… Tội “anh” kể sao cho hết.”

Cả miền Nam, ai cũng có tội cả, vậy nên ông tổng thống chạy trước, ông thủ tướng chạy sau, ông sư của chùa, ông cha nhà thờ, ông bác sĩ của bệnh viện, chị bán cháo ngoài đường cũng chạy tuốt. Chỉ có “anh cột đèn” là không chạy được. Tội nghiệp! Anh chỉ có một chân, không có hai chân để mà chạy. Hơn nữa, “Sở Điện Lực” sợ “anh” bị té hay muốn “lập công với cách mạng”, đã chôn chặt chân “anh”xuống đất sâu! Anh chạy làm sao, anh chạy đường nào!? Tôi bắt chước “nhạc sĩ hề”Trần Văn Trạch, cất một tiếng than cho số phận hẩm hiu của “anh cột đèn” đành phải ở lại muôn năm với Cộng Sản. Nếu như “Đảng và Bác” còn chút lương tâm, xin nhẹ tay cho “anh cột đèn” của tôi một chút nhé!

Có người bảo tôi đừng “đổ tội cho tổ tiên”! Hỏi thêm, người ta nói. Tại tôi phê phán việc ông Lạc Long Quân với vợ ông, bà Âu Cơ, chia nhau một trăm đứa con. Ông đem năm mươi con lên núi. Bà đem năm mươi con xuống biển. Sự “chia ly” từ lúc bắt đầu lịch sử của Dân Tộc tạo ra “cái huông” về sau cho người Việt Nam. Khi nào sự Chia Rẽ cũng mạnh hơn Đoàn Kết. Vì cái huông đó mà có việc ông Trần Thủ Độ diệt tôn thất nhà Lý, khiến ông Lý Long Tường đem gia quyến dông tuốt lên Triều Tiên, khiến ông Tường trở thành “Ông Tổ vượt biên”. Mai mốt đây, dân Vượt Biên phải thờ ông Tường làm ông Tổ, như dân hát bội thờ Tổ vậy, đời sống mới được yên. Vì cái huông đó mà lịch sử tổ tiên lại chia đôi “Nam Triều, Bắc Triều”“Trịnh Nguyễn phân tranh”“Phân chia Quốc Cộng”, chia đôi ở sông Bến Hải: “Bắc Cộng Sản, Nam Quốc Gia” nay thì tới Hải ngoại với trong nước. Làm như lúc nào cũng có người cầm sẵn con dao bén để “Rạch đôi sơn hà”. Gia tài ông Bà để lại như thế thì con cháu gánh chịu như thế, than trách vào đâu!

Tôi đâu có đổ tội cho ai? Ông Quân với Bà Âu cho rằng hai giống Tiên Rồng không ở với nhau được mà chia tay. Ấy là họ không có tham vọng gì cả. Có thể là vì vợ chồng không có “tình nồng ấm” “lạnh như tro tàn” nên hai ông bà mỗi người mỗi ngã. Còn như hậu thế thì vì tranh nhau cái ngai vàng. Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Trịnh Kiểm mượn danh giành lại ngai vua cho vua Lê. Các chúa Nguyễn muốn lập quốc ở phương Nam. Tất cả đều vì tham vọng, tranh quyền mà ra cả.

Vậy năm 1945, ai làm nên “Lằn ranh Quốc Cộng” để cuộc tranh giành kéo dài tới ngày 30 tháng Tư. Cũng tại tranh quyền chớ có khác gì những kẻ cướp ngôi ngày trước đâu. Nếu không giành độc quyền cho “giai cấp vô sản”, nếu Cộng Sản không muốn một mình một chợ mà tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia, thành phần Quốc Gia. Nếu “cụ” Hồ chịu bắt tay với những người không phải là Cộng Sản, đoàn kết dân tộc thật lòng, thì người Việt Nam đâu có mắc nạn như ngày nay.

Đặt bút ký vào Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, “Ta đánh đây là đánh cho Liên xô, Trung Quốc”“Chia cắt đất nước, “đánh giặc thuê cho ngoại bang” là hai cái tội lớn đối với Đất Nước và Dân Tộc mà đau đớn nhứt là Ngày 30 tháng Tư. Hồ Chí Minh và những người Cọng Sản trả lời, biện bác làm sao với lịch sử.
Ở trong nước, Cộng Sản tổ chức Lễ Mừng Ba Mươi tháng Tư.
Ở hải ngoại, ngưòi lưu vong tổ chức Ngày Quốc Hận.
Sự Mâu thuẫn, thù ghét, tranh chấp ấy không bao giờ chấm dứt.

Việc tổ chức mừng “thống nhứt đất nước”, ở trong nước là việc của chính quyền. Dân chúng có tham gia chỉ là bắt buộc, đe dọa. “Ai không đi, chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Tuy nhiên, vì là ngày “Vui”, được nghỉ việc, có tổ chức văn nghệ, hoặc công ty, xí nghiệp tổ chức liên hoan thì người ta vui chơi, không cần biết đó là ngày gì. Thậm chí, có người trẻ “quên” rằng anh chị của mình, thân nhân của mình, “vượt biên mất tích trên biển.”

Ở hải ngoại khác đi. Chính quyền (Mỹ) chẳng bao giờ tổ chức “kỷ niệm ngày 30 tháng Tư” cho người tỵ nạn. Công việc ấy, người tỵ nạn tổ chức với nhau, để nhớ ngày “mất nước”. Bên cạnh những tay “biểu tình chuyên môn” hay show up, ưa xuất hiện trước công chúng, “thắt cà vạt”, “đọc diễn văn”, “ban huấn từ”… nhất là khi có truyền hình, có phỏng vấn chiếu lên TV thì trái lại, rất nhiều người mỗi khi tới ngày 30 tháng Tư, không khỏi buồn cho số phận lưu vong của mình nơi chân trời góc bể. Cuộc sống tuy giàu có, khá giả ở xứ người, con cái học hành tới nơi tới chốn, nhưng nghĩ tới ngôi nhà cũ, xóm làng cũ, trường học cũ, bà con, bạn bè đang vật lộn với khó khăn hàng ngày để kiếm cho được manh áo, miếng cơm, lòng người xa xứ quặn thắt xót xa. Họ có “ngày tưởng nhớ” theo cách riêng của họ, có khi rất cảm động và đáng ngưỡng phục.

Thật ra, họ không chờ tới ngày 30 Tháng Tư mới tỏ bày lòng yêu nước của mình. Tấm lòng hướng về quê cha đất tổ, về quê hương xa vời hiện hữu trong đời sống hằng ngày của họ: Xây đắp một đời sống hạnh phúc ở quê người, chăm sóc, dạy dỗ con cái nên Người (chữ Người viết hoa), gìn giữ cái gì được gọi là Việt Nam, trong đời sống tinh thần cũng như vật chất… và không quên cuộc đời lưu vong, như con thuyền đã ra khơi, khuất mờ ở cuối thiên nhai, mà cánh buồm bao giờ cũng chỉ hướng về quê cũ, bâng khuâng suy nghĩ biết khi nào mới trở lại quê xưa, sống lại những ngày đầm ấm vui vầy.

Cũng có rất nhiều người buồn bã và bồn chồn lo lắng. Khi ra đi, những tưởng năm, mười năm “Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương” như lòng mong ước của cô Kiều trong suốt mười lăm năm lưu lạc, bao giờ cũng “mơ một ngày về”. Tâm trạng “Thuật Hoài” “Mài kiếm dưới trăng” càng ngày càng lan tỏa trong tâm hồn những người lưu vong nay tóc đã thay màu nhiều rồi.

Nay thì tuyệt vọng. Bốn mươi bốn năm qua rồi. Còn bao lâu nữa thì đúng nửa thế kỷ, đời chúng ta dù có tới trăm năm đi nữa thì e cũng không còn kịp để “Hẹn một ngày về”.

Đó là số phận, nếu ai đó tin số phận. Đó là sức người không qua khỏi mệnh trời!

Cũng không phải hoàn toàn tuyệt vọng đâu, bởi vì tình cảm và ý chí sẽ nung cứng, sẽ làm vững lòng người. Năm 1225, Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý, sau đó Trần Thủ Độ tìm cách tiêu diệt tôn thất nhà Lý để ngai vàng họ Trần được vững bền. Do đó, Lý Long Tường đem gia quyến chạy lên phía Bắc, định cư ở Triều Tiên.

Chín trăm năm sau, con cháu nhà Lý từ Triều Tiên tìm về Việt Nam để xác nhận gốc tích của mình. Việc ấy có muộn chăng? Có lẽ các nhà sử học giải thích rằng “Lịch sử không bao giờ muộn.”

Người Do Thái, sau hai ngàn năm ly tán khắp mặt địa cầu, rồi họ cũng về quê cũ để lập quốc, nay trở thành quốc gia Do Thái, đất không rộng, dân không đông, nhưng giàu mạnh.

Quốc gia Do Thái nhỏ bé đang hùng cứ ở giữa các nước Hồi giáo trùng trùng vây bủa, nhưng họ vẫn tồn tại với niềm hy vọng vững chắc, họ sẽ không trở thành “Người Do Thái lang thang” khắp mặt địa cầu như cha ông họ. Cuối cùng, người Do Thái cũng đã trở về!

Tình cảnh nước ta đâu có khác chi! Nước Tầu to lớn – người Cọng Sản Việt Nam gọi một cách tôn kính là Trung Quốc vĩ đại – với một tỷ bốn trăm triệu dân cùng với thế lực hùng mạnh của nó, cũng đang bao vây, muốn nuốt trọn nước Việt Nam nhỏ bé.

Cuối cùng rồi, nếu chúng ta không về kịp thì con cháu chúng ta sẽ về.

Người Việt khắp mặt địa cầu có về, cũng sẽ về trong Chính Nghĩa. Trong hoàn cảnh đó, người Cộng Sản trong nước có giương cao “ngọn cờ Chủ Nghĩa Mác” hay ngọn cờ “chiến thắng vinh quang”, “Đảng Anh Hùng” thì cũng chỉ là ngọn cờ tay sai, nô lệ.

Có gì là vẻ vang, là vinh quang khi “Chúng ta đánh đây là đánh cho Liên xô, Trung Quốc”.

Miền Nam chiến bại, nhiều người bỏ nước ra đi. Miền Bắc không phải là người chiến thắng khi chiến công của họ là “đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô.”

Kẻ chiến thắng là ai?
Lịch sử sẽ trả lời!

hoànglonghải
26 Tháng Tư 2019

Bài Liên Quan

Leave a Comment