CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI LÍNH TỬ THỦ AN LỘC

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI LÍNH TỬ THỦ AN LỘC
Phạm Phong Dinh
(Để nhớ lại những ngày Mùa Hè Bão Lửa – Tri Ân những Người Lính QLVNCH)

Ngày 7.7.1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đáp xuống An Lộc tuyên dương công trạng và đặc cách thăng cấp tất cả chiến sĩ tử thủ An Lộc sau gần ba tháng ác chiến với bốn sư đoàn cộng quân 5, 7, 9 và Bình Long. Trong lúc tình hình mặt trận vẫn còn rất ngột ngạt, tuy rằng các sư đoàn địch đã lùi ra xa, nhưng không có gì bảo đảm rằng sự hiện diện của vị Tổng Tư Lệnh là không nguy hiểm cho chính bản thân ông. Tổng Thống Thiệu được đích thân Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh lái xe Jeep chở đi một vòng thành phố để quan sát những đổ vỡ của chiến tranh. Tổng Thống Thiệu đã cảm khái đứng lặng thinh bên những nấm mộ chôn vội của tử sĩ và người dân An Lộc. Chiếc xe Jeep phải chạy ngang khu bến xe An Lộc để ông có thể ngậm ngùi trông thấy được một cái nghĩa trang nhỏ, đơn sơ nhưng rất tươm tất, nơi an táng hình hài của 68 anh hùng 81 Biệt Cách Dù, mà đã được đồng đội còn sống lập nên thành.


Chiến thắng An Lộc mang một kích thước quá lớn, không còn của riêng dân tộc Việt Nam đánh bại đạo quân tiền phong của khối cộng sản quốc tế là binh đội Bắc Việt, mà nó còn là một biểu tượng của thế giới tự do đánh thắng chủ nghĩa cộng sản, là khúc dạo đầu báo hiệu sự hủy diệt cái chủ nghĩa quái thai đó 17 năm sau: Cuộc sụp đổ năm 1989 của Liên Sô và khối cộng sản Đông Âu. Tổng Thống Thiệu đã trân trọng trao tặng quân dân tử thủ ở cái thành phố nhỏ bé mà cang cường này một mỹ danh mà sẽ vĩnh viễn đi vào những trang sử dân tộc và cả quân sử thế giới: BÌNH LONG ANH DŨNG – AN LỘC ANH DŨNG. Vị Tổng Thống đã vui vẻ gọi về cho phu nhân của mình, giọng hân hoan của ông có thể được nghe rộng rắp đất nước từ hàng triệu chiếc máy thu thanh:

– Bà đừng chờ cơm tôi. Tôi ở đây ăn cơm với anh em chiến sĩ An Lộc.

Người cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã tươi cười đứng giữa những chiến hữu của ông chụp nhiều bức hình, mà ngày hôm sau đã nằm ở trang đầu của những tờ báo Thủ Đô Sài Gòn và cả trên các báo khắp thế giới. Đó há chẳng phải là một vinh dự cực lớn mà quân dân Bình Long Anh Dũng đã xứng đáng nhận được từ chính máu xương của mình. Há chẳng phải đó là một thách thức ngạo nghễ đối với lũ âm binh què quặt của bốn sư đoàn cộng quân đang lẩn trốn đâu đó trong những cánh rừng già Miền Đông và bên kia biên giới. Há chẳng phải là một cú đấm ngàn cân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào giữa mặt cái khối gọi là “các nước xã hội chủ nghĩa anh em”. Há chẳng phải đó mà một xác nhận cuộc chiến bại nhục nhã mà tướng tá Hà Nội dù có lật lọng đến đâu cũng phải cúi đầu câm nín hay sao.

Chiếc trực thăng phành phạch đập cánh quạt đưa Tổng Thống Thiệu và phái đoàn hùng hậu quan khách Sài Gòn ra thăm viếng đã xa dần. Nhưng đối với quân dân An Lộc, cuộc chiến đấu vẫn còn rất gian nan ở phía trước. Cộng quân đâu đã cam chịu chiến bại, các đơn vị của chúng vẫn còn lẫn quẩn bên ngoài An Lộc dội pháo quấy phá ngày đêm.

Ngày 22.6.1972, các đơn vị tiền phong của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã nhảy xuống thay thế nhiệm vụ trấn thủ An Lộc cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Các đơn vị Sư Đoàn 5 Bộ Binh lục tục được không vận về Căn Cứ Lai Khê, trong khi các đơn vị của Sư Đoàn 18 tiếp tục đổ vào thành phố. Vẫn còn một khối lượng công tác chiến đấu ngỗn ngang đang chờ đón đoàn tinh binh tràn đầy nhuệ khí này. Đồi Gió, Đồi 169, phi trường Quản Lợi vẫn còn đang nằm trong tay quân giặc. Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo và chiến sĩ Nỏ Thần Miền Đông của ông sẽ rất bận rộn trong những ngày hành quân trước mặt. Nhưng dù thế nào mặc lòng, buổi chào cờ sáng và thượng Quốc Kỳ mỗi thứ Hai luôn được Chuẩn Tướng Đảo cho cử hành trang trọng, bất chấp địch đang pháo hay không pháo.

Trong những ngày ngột ngạt đó, phóng viên chiến trường Lưu Văn Giỏi nhận lệnh của Bộ Tư Lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa nhảy xuống An Lộc để ghi nhận những đổ nát của chiến tranh, những hoạt động âm thầm của những người lính bay Không Quân và người lính Bộ Binh, cùng quân dân An Lộc đã chiến đấu anh dũng như thế nào, đang và sẽ chiến đấu ra sao, cùng những mất mát não lòng. Anh Lưu Văn Giỏi từng là Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Toronto, Canada nhiều nhiệm kỳ. Anh đã về hưu từ lâu và vui thú điền viên. Nhưng những thiên bút ký chiến trường ngày xưa của anh và những đóng góp của anh trong công cuộc đấu tranh chống cộng và tôn vinh Lá Cờ Vàng Đại Nghĩa cùng Những Người Lính QLVNCH vẫn luôn ghi khắc sâu trong lòng mỗi chúng ta. Bài viết Trên Vùng Trời Đất Nước của anh đã nhận được Giải Ba Cuộc Thi Phóng Sự Chiến Trường Năm 1973 của Cục Chính Huấn:

Tại Sư Đoàn 2 Không Quân, tôi nhận một công điện từ Bộ Tư Lệnh Không Quân gọi về trình diện gấp, vì nhu cầu công vụ, thời gian công tác và ngày về sẽ cho đơn vị biết sau. Một chiếc phản lực A37 đi công tác đưa tôi từ Nha Trang vào Sài Gòn. Tại Parking vãng lai, tôi thót lên “Honda ôm” trực chỉ Bộ Tư Lệnh Không Quân. Và nửa giờ sau tại đây tội nhận một sự vụ lệnh khác, thời gian và nơi đến là 8 ngày tại An Lộc. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi có mặt trên bãi đậu trực thăng của Sư Đoàn 3 Không Quân để đi Lai Khê. Lần đi này ngoài hợp đoàn 18 chiếc trực thăng võ trang UH, còn có 6 chiếc CH 47 (loại trực thăng khổng lồ tải hàng).


30 phút ở Lai Khê
Phi trường Lai Khê là một phi trường nhỏ được dùng làm Bộ Chỉ Huy Tiền Phương, tất cả trực thăng yểm trợ cho An Lộc đều đặt ở đây để tiện đường cho quân bạn tải quân, tải hàng đến, và nhất là để thu ngắn đường chim bay đến An Lộc. Tại đây, dưới những gốc cao su già có những hàng cơm, hàng nước kiểu dã chiến, vài hoa tiêu mắc võng nằm nhai bánh mì chờ… thời tiết.
Tôi gặp Đại Úy Đào Vũ Anh Hùng, nhà văn kiêm hoa tiêu trực thăng. Thấy tôi, Hùng hỏi:
– Đi làm hay đi chơi? Câu hỏi ngắn và tôi cũng trả lời gọn:
– Đi làm.
Hùng moi trong túi áo bay ra một gói xôi bắp đã bẹp:
– Ăn không? Tôi lắc đầu vỗ nhẹ tay lên bụng, trong khi anh nhìn tôi từ đầu đến chân:
– Vào Điện Biên Phủ thứ hai mà cứ y như là đi du lịch vậy? Không có áo giáp, nón sắt thì phòng không và pháo kích nó không chê bạn đâu.
Hùng chỉ chiếc máy ảnh tôi đang mang trước ngực:
– Phải có thêm một nón sắt nhỏ cho ống kính mới an toàn, nếu không thì bạn có nhiều triển vọng thất nghiệp đấy!
– Kỳ trước có một ông bạn Báo Chí lên An Lộc, khi ông ta vừa đưa máy lên ngắm thì một viên AK đã ưu ái chui vào nằm gọn trong ống kính. Cũng may là tầm đạn đã yếu nên không bị chột.
Có nhìn thấy cái cảnh phi công Việt Nam treo võng nằm tòn teng dưới những gốc cao su gậm bánh mì, cạp xôi bắp chờ phi vụ ta mới thấy thương họ. Nghỉ ngơi và ăn uống như thế mà bay như điên, bay bất kể giờ giấc và thời tiết. Có khi vừa đáp, chưa kịp nghỉ ngơi mà thấy có tên trong Phi Vụ Lệnh là lại xách nón đi bay. Cứ sáng vác tàu đi, tối vác về… Có người đi rồi không bao giờ trở lại. Cũng có người về mà trên thân tàu lổ chổ đầy dấu đạn phòng không. Cũng có người khi đã đáp an toàn trên bãi đậu rồi mới biết người xạ thủ phi hành của mình đã gục đầu trên cây đại liên mà chết tự lúc nào. Cũng có khi người hoa tiêu chánh bị phòng không ngồi chết ngay ngắn trong ghế lái trong “tư thế còn sống”, cái chết thật đẹp như cái chết của một Từ Hải mà người hoa tiêu phụ vẫn cố cắn răng để nước mắt mình lăn dài xuống má, tiếp tục bay thi hành cho xong sứ mạng đã, rồi mới về. Cũng có người phải bỏ tàu giữa rừng để về bằng một tàu khác, hoặc băng rừng lội suối, rồi năm bảy ngày sau mới về với một thể xác đói khát và đầy thương tích. Ta có thể so sánh những tiện nghi cùng số giờ bay và thành tích chiến đấu một trời một vực giữa phi công Hoa Kỳ và phi công Giao Chỉ như sau:
Pilot Hoa Kỳ không biết mắc võng ở gốc cây nằm gặm bánh mì chờ phi vụ như pilot An Nam ta. Hồi tháng 4.1972, ở mặt trận Tây Nguyên, tại Bộ Chỉ Huy của tiền đồn Tân Cảnh, tôi đã thấy một Đại Úy phi công Hoa Kỳ trong bữa cơm. Ông ta đã ăn gần nửa kí thịt với bơ, sữa, hột gà, táo, nho, rồi mới bước lên chiếc trực thăng võ trang Cobra mà cất cánh, trong khi hoa tiêu Giao Chỉ cũng trước một phi vụ nhưng chỉ… “thổi hết một cái kèn bằng bột”, rồi ngửa cổ ừng ực nước lã trong bi đông, xong… cuốn võng leo lên ghế lái, bay vù vù, bay như điên. Về số giờ bay và thành tích, ta có thể so sánh thật thà như sau : “Chiến trận Hạ Lào chính thức khai diễn ngày 8.2.1971, trong 29 ngày đầu tại đây, người Mỹ có số giờ bay cao nhất là một Thiếu Tá, 80 giờ. Trong khi đó, phi công có số giờ bay cao nhất là Trung Úy Dương Đức Ngọc, thuộc Không Đoàn 62 Chiến thuật, Sư Đoàn 2 Không Quân, 168 giờ. Người Mỹ đánh nhiều chiến xa nhất, một Trung Úy phi công phản lực, 3 chiếc. Trong khi đó Trung Úy Dương Đức Ngọc đánh 17 chiếc T54. Số giờ bay và thành tích đó đã làm vẻ vang về tinh thần chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh quân đội đồng minh tại Hạ Lào. Trong trận này, Ngọc cũng là người lãnh đạn phòng không nhiều nhất. Một lần phi cơ anh đứng một chong chóng, phài đáp ở Đà Nẵng lúc 23 giờ 30, 3 lần khác bị gãy cánh trái và cánh đuôi, nhưng lúc bấy giờ thời tiết ở Việt Nam không cho phép, nên anh phải dẫn tàu qua Thái Lan đáp trên phi trường Nakhom – Phakhom. Sự so sánh thật thà trên đã là một chứng minh cụ thể cho ta thấy tinh thần chiến đấu cao độ của người lính Việt Nam trên đất nước nghèo nàn này.
Đồng hồ tay chỉ 7 giờ 45, trời vẫn còn xấu. Các hoa tiêu có vẻ sốt ruột, họ tụm năm tụm ba ngồi đấu láo với nhau, nói chuyện thời tiết, nói chuyện phi vụ hôm qua, chuyện hào hoa, lã lướt đêm rồi và bàn với nhau cho phi vụ sắp tới. Một nhân viên của toán Điều Không đến nói với Hùng:
– Cứ cất cánh, vì An Lộc đang chờ. Tôi đứng dậy nhưng không đi với Hùng, vì anh bay tàu C and C (Hướng dẫn C and C = Command and Control và chỉ huy, không đáp).
Tôi theo chân một hoa tiêu ra chiếc võ trang đậu ngoài bãi. Tại đây, lương thực, vũ khí, đạn dược và chiến sĩ đổ bộ đã chờ sẵn. Tôi đi chiếc tàu tải đạn. Mười phút sau tất cản những chiếc trực thăng tại đây đã bốc khỏi mặt đất và… trực chỉ An Lộc. Trên đường từ Lai Khê đến An Lộc trần mây thật thấp, sương mù còn thật mù, họ phải để đèn báo hiệu cho khỏi đụng nhau trên trời. Ngồi trên trực thăng nhìn chung quanh những chiếc võ trang đang lù lù bay theo, tôi có cảm tưởng như đây là một đàn ong khổng lồ bị vở tổ và đang di dân. Sau vài phút bay, đến một nơi quang đãng hơn, dưới mắt tôi ruộng đồng xơ xác, những hàng tre cháy xém, những hố đạn, hố bom cày nát trên ruộng đất bỏ hoang…

Bài Liên Quan

Leave a Comment