Thủy Quân Lục Chiến VNCH và Chiến Dịch Sóng Tình Thương 1963 tại Năm Căn

Thủy Quân Lục Chiến VNCH và Chiến Dịch Sóng Tình Thương 1963 tại Năm Căn

Aug 8, 2020 cập nhật lần cuối Aug 8, 2020

\"\"/
Bản đồ vùng Năm Căn thuộc tỉnh Cà Mau. (Hình: vi.wikipedia.org)

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Từ khi được thành lập (1 Tháng Mười, 1954) cho tới lúc tham gia Chiến Dịch Sóng Tình Thương 1963 tại Năm Căn, Cà Mau, mặc dù chưa có đầy đủ quân số để tiến lên cấp lữ đoàn (vào năm 1965) và sau cùng là sư đoàn (vào năm 1968), Liên Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia một số trận chiến quan trọng.

Theo đó, trên suốt chiều dài lãnh thổ miền Nam Việt Nam, các trận chiến Liên Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tham gia như trận Đầm Dơi (1956), trận U Minh (1961), và trận Đỗ Xá (1963).

Vào Tháng Giêng, 1963, Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH quyết định phối hợp cùng lực lượng TQLC tổ chức một cuộc hành quân lớn tại vùng Năm Căn thuộc tỉnh Cà Mau, nơi miền cực Nam của đất nước, và đó là Chiến Dịch Sóng Tình Thương. Mục đích của chiến dịch là nhằm tái chiếm và bình định khu vực Năm Căn ở phía Nam Đầm Dơi, mà vào thời điểm này, tức chín năm sau Hiệp Định Geneva 1954, vẫn do các lực lượng Cộng Quân chiếm giữ.

Diễn tiến của Chiến Dịch Sóng Tình Thương

Theo bài viết nhan đề “Chiến Dịch Sóng Tình Thương 1963” của Mũ Xanh Tôn Thất Soạn trên trang mạng tqlcvn.org, chỉ huy tổng quát Chiến Dịch Sóng Tình Thương, khai diễn ngày 3 Tháng Giêng, 1963, là Đại Tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải Quân VNCH. Hải Quân đã tung ra một lực lượng hùng hậu nhất thời bấy giờ, bởi vì ngoài các chiến hạm tham dự, còn có thêm các tàu của Duyên Đoàn và Giang Đoàn Xung Phong cùng toán người nhái tháo gỡ chất nổ. Lực lượng TQLC đổ bộ gồm có Tiểu Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 4 cùng Đại Đội Công Binh và Pháo Đội A 75 ly sơn pháo. Trung Tá Lê Nguyên Khang, chỉ huy trưởng Liên Đoàn TQLC, là vị chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân.

Sau khi được tàu Hải Quân chuyển vận từ tỉnh lỵ Cà Mau tới chiến trường trên sông Bảy Hạp hướng về Năm Căn, và sau khi các chiến sĩ Duyên Đoàn của Hải Quân đã tiến chiếm một số vị trí để làm nút chặn phía Nam của bãi đổ bộ Charlie, các Cọp Biển của Tiểu Đoàn 2 TQLC đã đổ bộ lên bờ sông Năm Căn vào lúc 6 giờ 30 phút sáng, kế đó là Đại Đội Công Binh và Pháo Đội A TQLC. Tất cả các đơn vị cùng nhau tiến quân xuống phía Nam, tức là về hướng mũi Cà Mau, theo sau các giang đĩnh mở đường. Lực lượng TQLC tiến sâu vào bên trong các rặng dừa nước, rồi nới rộng vòng đai an ninh ra. Cộng Quân chống cự yếu ớt một hồi rồi hối hả “chém vè,” bỏ chạy vào khu rừng đước bạt ngàn che khuất tầm nhìn của lực lượng tấn công.

Các đơn vị TQLC khởi sự cuộc lục soát trên trục tiến quân về hướng Nam theo kế hoạch hành quân. Khi cánh A của Tiểu Đoàn 2 vừa chiếm xong mục tiêu đầu tiên, khoảng một cây số về phía Nam của bãi Charlie, thì Cộng Quân khai hỏa một loạt súng cối 60 ly, nhưng hầu hết đều rớt xuống sình lầy, rừng đước và không gây thiệt hại gì cho quân bạn. Các cánh quân Tiểu Đoàn 2 tiếp tục tiến hành lục soát trong vùng có địa thế sình lầy này. TQLC chỉ chạm súng lẻ tẻ với du kích Cộng Sản trước khi họ rút lui và để lại một số vũ khí, gồm súng trường và súng bazooka, tức “súng ngựa trời,” cùng mìn bẫy và lựu đạn.

Đơn vị TQLC bắt được năm thanh niên bị tình nghi là Cộng Quân đang lẩn trốn trong rừng. Đại Đội Công Binh TQLC tham gia cuộc hành quân có nhiệm vụ nghiên cứu thiết lập các doanh tại đồn trú cho các lực lượng Bảo An địa phương – tức lực lượng Địa Phương Quân sau này – tại một nơi nằm cách quận lỵ Năm Căn chừng 1 cây số sau khi Cộng Quân đã bị đánh tan. Vào buổi trưa trong ngày đầu hành quân, địch quân thình lình pháo kích một loạt đạn súng cối 81 ly vào khu vực lều trại của TQLC nhưng không gây tổn thất nào đáng kể cho quân bạn.

Ngày hôm sau, 4 Tháng Giêng, các chiến sĩ thuộc Tiểu Đoàn 4 TQLC được một dương vận hạm của Hải Quân chở đến và đổ bộ lên một vị trí nằm ở hướng Đông Mũi Cà Mau, về phía Biển Đông, dưới sự yểm trợ hỏa lực của Giang Đoàn Xung Phong, là đơn vị đang làm nút chặn tại một địa điểm gần Mũi Cà Mau. Trước đó, một toán người nhái Hải Quân đã bí mật xâm nhập vào bờ biển, thám sát và đặt mìn phá hoại các cơ sở cũng như các công sự chiến đấu của địch trong vùng. Sau khi cuộc đổ bộ hoàn tất, Tiểu Đoàn 4 lục soát lên hướng Bắc trong thế gọng kìm với Tiểu Đoàn 2, dồn địch quân vào giữa. Nhưng TQLC chỉ chạm súng lẻ tẻ với Cộng Quân trong địa thế sình lầy rậm rạp dừa nước.

Các chiến sĩ Tiểu Đoàn 4 đã phát giác và phá hủy một công binh xưởng chế tạo mìn bẫy nội hóa của Cộng Quân. Những ngày kế tiếp, các đơn vị TQLC tiếp tục cuộc hành quân lục soát trong vùng. Một số các cơ sở hậu cần của Cộng Quân cũng đã bị phát giác và phá hủy. Phía du kích địa phương có một số bị tử thương, số khác cùng với những kẻ tinh nghi thì bị bắt giữ. Số còn lại, nhờ quen thuộc với địa thế, đã lợi dụng đêm tối thoát chạy sang các vùng lân cận. Lực lượng TQLC chỉ có vài quân nhân bị thương vì mìn bẫy hoặc vì đạn pháo kích của địch vào các vị trí đóng quân. Cuộc hành quân trải rộng qua các vùng sông Ông Đốc, cửa Bồ Đề, sông Cửa Lớn, sông Bảy Hạp, xóm Ông Trang, Đầm Dơi, Năm Căn…

Chiến Dịch Sóng Tình Thương tiếp diễn đến ngày 10 Tháng Giêng thì một phái đoàn gồm Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH phối hợp với Bộ Chiêu Hồi và Phòng Tâm Lý Chiến Hải Quân đã đến nơi để ủy lạo và giúp thiết lập hệ thống hành chánh VNCH tại Năm Căn. Dịp này, Hải Quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền, trong vai trò chỉ huy tổng quát cuộc hành quân, đã cùng phái đoàn đến thăm viếng và khen ngợi các đơn vị tham dự chiến dịch qua những thành qủa thu đạt được.

Từ ngày 13 Tháng Giêng trở đi, các chiến sĩ Tiểu Đoàn 4 TQLC hoạt đông tại khu vực Rạch Ông Trang. Vào thời điểm này, Hải Đoàn Xung Phong 22 của Hải Quân Đại Úy Lê Hữu Dõng được điều động vào Năm Căn để hoạt động trên sông Bồ Đề, sông Cái Lớn, ấp Voi… dẫn đường cho các đơn vị tham gia Chiến Dịch Sóng Tình Thương. Trên đường tiến quân, tại khúc sông Bồ Đề gần kinh Cái Nháp, Cộng Quân vừa kháng cự vừa tháo lui, bỏ lại năm xác đồng đội và một khẩu đại bác 75 ly cùng hai súng cá nhân.

Sau hơn một tháng hoạt động tính từ ngày khai diễn Chiến Dịch, lực lượng TQLC đã hoàn tất nhiệm vụ giao phó và nhận được lệnh bàn giao trách nhiệm cho lực lượng an ninh lãnh thổ trước khi rút khỏi Năm Căn. Trong thời gian diễn ra cuộc hành quân ở Năm Căn thì Tiểu Đoàn 1 TQLC, dưới quyền Đại Úy Trần Văn Nhựt, đã tham gia cuộc hành quân liên binh chủng do Đại Tá Nguyễn Khánh chỉ huy vào vùng U-Minh-Hạ, và Hòn Đá Bạc trong Vịnh Thái Lan, đem về các chiến thắng rực rỡ.

\"\"
Huy hiệu Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa. (Hình: en.wikipedia.org)

Nhận định về thành quả Chiến Dịch Sóng Tình Thương

Chiến Dịch Sóng Tình Thương là cuộc hành quân thủy-bộ đầu tiên và lớn nhất có sự phối hợp hoạt động của các lực Hải Quân và TQLC VNCH, nhằm mục dích tái chiếm và bình định vùng Năm Căn thuộc tỉnh Cà Mau tại vùng cực Nam của đất nước, vốn do Cộng Sản chiếm giữ và kiểm soát từ trước Hiệp Định Geneva 1954, trong khi chính quyền quốc gia cấp xã, ấp của ta từ những năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã không đủ lực lượng để giành lại.

TQLC VNCH, tuy sinh sau, đẻ muộn so với binh chủng Nhảy Dù, là đơn vị từng có kinh nghiệm chiến đấu cùng với Quân Đội Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ 1954, đã trưởng thành nhanh chóng qua những cuộc đọ sức với Cộng Quân, kể cả cuộc hành quân phối hợp với Hải Quân tại Năm Căn trong Chiến Dịch Sóng Tình Thương. Nhờ được võ trang mạnh mẽ hơn và được TQLC Mỹ, binh chủng thiện chiến nhất của các lực lượng võ trang Hoa Kỳ, chia sẻ những kinh nghiệm chiến trường quý giá từ Thế Chiến 1, Thế Chiến 2, và Chiến Tranh Triều Tiên, TQLC VNCH ngày càng hùng mạnh và phát triển, từ cấp liên đoàn tiến lên cấp lữ đoàn rồi sư đoàn. Với thời gian, các Thủy Thần Mũ Xanh của Quân Lực VNCH đã chứng tỏ họ là một đội quân tổng trừ bị hết sức thiện chiến qua các cuộc giao tranh ác liệt trên các chiến trường Tết Mậu Thân (1968), Cambodia (1970), Hạ Lào (1971)… để rồi lên tột đỉnh vinh quang sau trận chiến thắng vang dội trước đoàn quân xâm lược Cộng Sản tại Cổ Thánh Đinh Công Tráng ở Quảng Trị hồi Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

Điều đáng tiếc là, sau cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vào ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, tiếp theo đó là một thời gian dài xáo trộn về chính trị tại miền Nam Việt Nam, công cuộc bình định vùng Năm Căn sau Chiến Dịch Sóng Tình Thương 1963 đã không kéo dài được bao lâu khi các quận (chi khu) và tỉnh (tiểu khu) xa xôi bị trung ương bỏ bê và rơi vào tay các lực lượng Cộng Sản địa phương. Phải chờ cho tới năm 1966, khi quân chiến đấu Mỹ có mặt tại miền Nam Việt Nam, Quân Lực VNCH và các lực lượng Mỹ mới tái lập được các đơn vị hành chánh và quân sự của chính quyền quốc gia tại Năm Căn và Mũi Cà Mau, trực thuộc tỉnh và tiểu khu An Xuyên. (Vann Phan) [qd]

Bài Liên Quan

Leave a Comment