Vì sau tàu chiến châu Âu ngần ngại đi qua eo biển Đài Loan ?

Đăng ngày: 28/04/2023

\"\"
\"\"
Khu trục hạm Pháp FS Prairial – F731 (phía trên) phối hợp với tàu Philippines thực hiện bài tập (PASSEX) ở ngoài khơi Agno, tỉnh Pangasinan, Philippines. Ảnh do sứ quán Pháp tại Manila công bố ngày 24/03/2023. AFP – HANDOUT

Đức Tâm

Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, ngày 23/04/2023, đã kêu gọi hải quân các nước châu Âu đi « tuần tra » qua eo biển Đài Loan. Cho đến nay, hải quân Hoa Kỳ thường xuyên đi tuần tra, với danh nghĩa bảo đảm « tự do hàng hải ». Hải quân các nước châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc hoàn toàn tránh né. Liên quan đến châu Âu, chỉ có tàu chiến của Pháp và Anh Quốc « phiêu lưu » tới nơi đó, còn hải quân các nước châu Âu khác thì lưỡng lự.

Trong một diễn đàn trên báo Pháp « Le Journal du Dimanche », phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, phụ trách ngoại giao, ông Josep Borrell, nhấn mạnh, hải quân các nước châu Âu cần đi tuần tra qua eo biển Đài Loan để thể hiện sự gắn bó của châu Âu đối với tự do lưu thông hàng hải ». Bởi vì Trung Quốc thường xuyên chà đạp luật pháp quốc tế.

Báo Pháp Le Figaro nhắc lại, ngày 13/06/2022, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) dường như tuyên bố, eo biển Đài Loan không phải là một vùng biển quốc tế, mà nằm trong lãnh hải của Trung Quốc. Từ đó đến nay, Bắc Kinh cố ý duy trì sự mập mờ, không làm rõ quan điểm chính thức của Trung Quốc về eo biển Đài Loan.

Tháng Tư 2019, khu trục hạm Pháp Vendémiaire đi qua eo biển Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc tìm cách hù dọa và ra lệnh cho tàu phải rời khỏi khu vực này. Sau đó, Bắc Kinh chính thức phản đối và lên án hành động của tàu Pháp là bất hợp pháp. Đầu tháng Tư 2023, vài giờ sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron kết thúc chuyến công du Trung Quốc, khu trục hạm Pháp Prairial băng qua eo biển Đài Loan giữa lúc hải quân Trung Quốc đang tập trận  bao vây hòn đảo. Bắc Kinh không có phản ứng.

Theo giới chuyên gia, luật biển quy định rõ ràng : vùng lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ bờ biển. Bên ngoài lãnh hải là vùng đặc quyền kinh tế. Quốc gia sở hữu vùng này có quyền khai thác tài nguyên nhưng không thực hiện quyền chủ quyền. Khoảng cách giữa Đài Loan và Trung Quốc ít nhất là 130 cây số. Trung Quốc chỉ có quyền đối với một diện tích rất nhỏ trên eo biển. Do không có cơ sở pháp lý, Trung Quốc tìm cách gộp toàn bộ eo biển Đài Loan vào vùng biển của Trung Quốc.

Khi duy trì sự mập mờ về quy chế eo biển Đài Loan, cùng với thời gian, Trung Quốc hy vọng gây dựng được lý lẽ để biện minh cho một số hành động trong tương lai, ví dụ phong tỏa eo biển này. Chính vì thế, lãnh đạo ngoại giao châu Âu kêu gọi tuần tra qua dải biển này nhằm làm cho Trung Quốc thấy là châu Âu kiên quyết duy trì nguyên trạng và chống lại việc dùng vũ lực.

Bộ Ngoại Giao Pháp cho biết tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan mỗi năm một lần. Ngoài hải quân Mỹ, các tàu của hải quân Hoàng gia Anh cũng băng qua nơi đây, trong sự « phối hợp chiến thuật và tác chiến » với hải quân Hoa Kỳ. Thế nhưng các nước châu Âu khác thì « không mạo hiểm ».

Năm 2021, khu trục hạm Đức Bayern, lần đầu tiên đến hoạt động tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nhưng « cẩn thận » tránh né eo biển Đài Loan. Cùng năm, tàu chiến Hà Lan đến tập trận với hải quân Nhật Bản nhưng cũng không đi qua hành lang biển này. Hải quân Ý sẽ tập trận cùng Indonesia tại biển Đông, ghé thăm Nhật Bản và Hàn Quốc , nhưng khó có thể mường tượng được là tàu chiến Ý sẽ băng qua eo biển Đài Loan.

Có nhiều lý do giải thích cho sự ngần ngại, lưỡng lự này. Trước tiên là rất ít nước châu Âu tàu chiến đủ khả năng hoạt động ở đại dương và cách xa căn cứ của mình. Yếu tố thứ hai là cho đến gần đây, đa số các nước châu Âu không quan tâm đến các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương, cho dù gần đây, đã có những thay đổi tầm nhìn đáng kể. Yếu tố cuối cùng và không kém phần quan trọng là trên phương diện chính trị, một số nước không muốn « gây chuyện » với Trung Quốc.

Chuyên gia Marc Julienne, phụ trách hồ sơ Trung Quốc tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), được báo Le Figaro trích dẫn, nhấn mạnh đến các ích lợi đối với hải quân các nước khi đi «  tuần tra » qua eo biển Đài Loan : thu thập thông tin, dữ liệu về môi trường, giám sát hoạt động của quân đội Trung Quốc trong khu vực và đặc biệt và trên hết là bảo vệ một cách hòa bình quyền tự do lưu thông hàng hải.  Đương nhiên, việc đi qua eo biển Đài Loan giống như người đi trên dây : Cần huy động tàu chiến đi qua nơi đây để khẳng định quyền tự do lưu thông, nhưng đó không phải là những phương tiện quân sự mang tính chiến lược để tránh bị coi là một hành động hung hăng, khiêu khích.

Bài Liên Quan

Leave a Comment