Thêm Việt Nam, Mỹ mở rộng mạng lưới đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông

Đăng ngày: 18/09/2023

Việt Nam là nước tiếp theo trong ASEAN thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng hăm dọa, bành trướng ở Biển Đông, bằng chứng mới nhất là Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên Trung Quốc giúp lãnh thổ nước này « phình » thêm.

Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) chủ trì lễ đón cấp Nhà nước tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 10/09/2023.
Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (P) chủ trì lễ đón cấp Nhà nước tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 10/09/2023. AP – Luong Thai Linh

Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ được tổng thống Joe Biden coi là « bước đi vô cùng thiết yếu đối với hai nước »« vào lúc chúng ta phải đương đầu với thách thức có tác động lớn tới quan hệ trong khu vực và trên thế giới ».

Chính sự hung hăng, cậy nước lớn của Trung Quốc khiến nhiều nước Đông Nam Á (Philippines, Việt Nam, Indonesia) có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh ở Biển Đông phải thắt chặt hợp tác với bên thứ ba (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Mỹ) để thể hiện quyết tâm răn đe trước những đòi hỏi chủ quyền ngày càng lớn của nước láng giềng khổng lồ nhưng cũng là đối tác thương mại quan trọng.

Việt – Mỹ : Hai nước cựu thù thành đối tác chiến lược

Ngày 10/09/2023 đánh dấu cột mốc lịch sử cho quan hệ song phương Mỹ-Việt. Tổng thống Joe Biden công du Hà Nội theo lời mời của tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Hai nhà lãnh đạo ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Sau 50 năm, cựu thù Mỹ trở thành một trong 5 nước hàng đầu trong hệ thống phân cấp quan hệ đối ngoại chính thức của Việt Nam.

Trả lời RFI Tiếng Việt qua thư điện tử ngày 11/09, giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inoue (DKI APCSS) tại Hawaii, Hoa Kỳ đánh giá về tầm quan trọng và lợi ích của thỏa thuận quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đối với hai nước :

« Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nâng Hoa Kỳ lên vị trí hàng đầu trong hệ thống phân cấp quan hệ đối ngoại chính thức của Việt Nam. Nó cũng sẽ nâng Mỹ lên ngang hàng với Trung Quốc và Nga trong hệ thống phân cấp này. Sự « cân bằng » giữa các cường quốc này là điều chưa từng có trong lịch sử nước Việt Nam cộng sản.

Có một quy tắc bất thành văn về cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ đối ngoại của Việt Nam là nó được dành cho những quốc gia không gây ra mối đe dọa nào đối với sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản ở Việt Nam. Nâng Hoa Kỳ lên hàng đầu này, Hà Nội cho thấy rằng họ không còn coi Washington là mối đe dọa đối với chế độ của mình.

Mối quan hệ hợp tác được nâng cao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ phần nào khắc phục cán cân quyền lực trong vùng ở Đông Nam Á, bao gồm cả Biển Đông. Khi Hoa Kỳ coi Việt Nam là một « quốc gia xoay trục » ở châu Á, mối quan hệ đối tác được nâng cao với Việt Nam sẽ tạo ra sự cân bằng quyền lực thuận lợi hơn (hoặc ít bất lợi hơn) cho Washington ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

Theo nhật báo New York Times, trong suốt chuyến thăm cấp Nhà nước của nguyên thủ Mỹ, cả hai nhà lãnh đạo không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc khi phát biểu. Thế nhưng, chính Trung Quốc là lý do ngầm để Mỹ-Việt quyết định nâng cấp quan hệ song phương trong bối cảnh tổng thống Biden cố thiết lập một mạng lưới đối tác trong vùng để ngăn cản hành động hung hăng của Bắc Kinh.

Việt Nam rõ ràng sẵn sàng mạo hiểm chọc giận Bắc Kinh bằng cách nâng cao mối quan hệ với Washington. Tại sao Hà Nội lại làm như vậy ? Giáo sư Alexander Vuving phân tích :

« Sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, cùng với ảnh hưởng của họ ngày càng tăng ở Cam Bốt và Lào, đã khiến Việt Nam không có « chiều sâu chiến lược ». Việc Việt Nam nâng cao mối quan hệ với Hoa Kỳ là một phản ứng trước tình hình này. Nó sẽ tạo ra một đối trọng phù hợp hơn với Trung Quốc.

Để giảm thiểu nguy cơ chọc giận Trung Quốc, Việt Nam đã thực hiện chiến dịch ngoại giao nhằm trấn an Bắc Kinh. Chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng năm ngoái (2022) đã phá vỡ quy định kéo dài hàng chục năm rằng điểm đến đầu tiên ở nước ngoài của một người đứng đầu đảng Cộng Sản Việt Nam sau khi đắc cử hoặc tái tranh cử tại Đại hội đảng Cộng Sản Việt Nam là Lào chứ không phải Trung Quốc.

Hai tuần trước chuyến thăm Việt Nam của Biden, ông Nguyễn Phú Trọng đã tới cửa khẩu (Hữu Nghị) với Trung Quốc, gặp đại sứ Trung Quốc và ca ngợi tình hữu nghị với Trung Quốc. Một tuần trước chuyến thăm của Biden cũng chứng kiến ​​hai sự kiện khác trong quan hệ Việt-Trung : Bí thư Đảng Cộng sản Trọng tiếp ông Lưu Kiến Siêu, trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, và hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau tại biên giới Trung-Việt ».

Ngày 05/09, khi tiếp Lưu Kiến Siêu, trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh luôn luôn « coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ Việt-Trung ». Chính những hoạt động « trấn an »« xoa dịu » này là cơ sở để giới chuyên gia Trung Quốc cố giảm thiểu tầm quan trọng của sự kiện Mỹ-Việt nâng cấp quan hệ lên hàng Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ngay khi ông Trọng và ông Biden ra tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương, Hoàn Cầu thời báo đã đăng nay một bài nhận định của các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Việt Nam sẽ không « đi quá xa » vì nước này không đặt quan hệ Trung-Việt làm đối trọng với quan hệ Mỹ-Việt. Trong ngày công du thứ hai của tổng thống Biden, cũng Hoàn Cầu thời báo trích nhận định của chuyên gia Hu Xijin cho rằng « Washington không nên kỳ vọng biến Việt Nam thành Philippines thứ hai ».

Nhiều nước Đông Nam tìm đến Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc

Philippines là nước thay đổi thái độ rõ ràng và triệt để kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. trở thành tổng thống, khác với những lo ngại trước đó của giới chuyên gia về quá khứ thân Trung Quốc của dòng họ Marcos. Trong chuyến công du Washington của tân tổng thống Philippines, ông Joe Biden khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh, kể cả ở Biển Đông, là « vững chắc như thép ».

Quân đội Mỹ được tiếp cận tổng cộng 9 căn cứ của Philippines. Quân đội hai nước thường xuyên tập trận chung thủy-lục-không quân, thêm vào đó là các cuộc tập trận đa phương cùng với các đồng minh và đối tác Úc, Nhật Bản, New Zealand, Ấn Độ. Ngoài quân sự, Mỹ và Philippines còn tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy phát triển công nghệ cao.

Trước đó, Washington đã đưa Seoul và Tokyo xích lại gần nhau hơn, ký các hiệp ước quốc phòng ở Thái Bình Dương. Có thể nói, Hoa Kỳ dường như đã đạt được một số thành công quan trọng ở châu Á trong năm 2023. Vậy bước tiếp theo của chính quyền Biden là gì để tiếp tục tăng cường liên minh ở châu Á vào thời điểm này ? Giáo sư Alexander Vuving phân tích :

« Tại cuộc họp ASEAN gần đây nhất, Hoa Kỳ và Indonesia đã công bố ý định nâng quan hệ song phương lên « quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ». Tôi nghĩ đây là một bước đi đúng hướng. Cả Việt Nam và Indonesia đều nằm trong số « các quốc gia xoay chiều » ở châu Á, do đó, điều quan trọng là Mỹ phải ngang hàng với Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại của các quốc gia này. (Indonesia cũng là một « đối tác chiến lược toàn diện » của Trung Quốc.)

Ngoài quan hệ song phương với các quốc gia chủ chốt trong khu vực, Washington phải thúc đẩy việc thành lập nhiều nhóm « tiểu phương » tập trung hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu, khoáng sản chiến lược, chuỗi cung ứng, trí thông minh nhân tạo hoặc an ninh mạng. Ví dụ, Hoa Kỳ có thể bắt đầu một nhóm mới với các quốc gia có tầm quan trọng chiến lược, dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu như Việt Nam và Indonesia, cũng như các quốc gia có cùng quan điểm nhưng có đủ nguồn lực để chống lại biến đổi khí hậu như Nhật Bản, Đức hoặc Úc.

Không nước thứ ba nào muốn đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn, nhưng hầu hết các nước trong khu vực đều rất cần sự hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực quan trọng cho sự thịnh vượng và an ninh của họ. Tận dụng những nhu cầu này của các nước trong khu vực là chìa khóa cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc ».

Vế an ninh luôn được Hoa Kỳ nhấn mạnh trong hợp tác với các đối tác trong vùng nhưng không phải là lĩnh vực duy nhất trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương công bố năm 2021. Chiến lược được coi là một « bước tiến lịch sử nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời điều chỉnh vai trò của mình cho phù hợp với thế kỷ 21 ». Theo trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, năm 2022, « Hoa Kỳ đã tiến hành hiện đại hóa các liên minh lâu đời của mình, củng cố các mối quan hệ đối tác mới nổi, cũng như tạo dựng các liên kết mang tính sáng tạo cùng với các đồng minh và đối tác nhằm đối phó với những thách thức cấp bách, từ việc cạnh tranh với Trung Quốc cho tới biến đổi khí hậu và ứng phó với đại dịch ».

Chính sách hung hăng của Trung Quốc bị phản tác dụng ?

Trong khi Hoa Kỳ cố thể hiện là một đối tác « sẵn sàng hợp tác với mỗi nước », Trung Quốc lại quyết liệt bảo vệ chủ quyền, lợi ích bất chấp phản đối của các nước làng giềng, sự kiện mới nhất là Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên Trung Quốc gồm « 10 đoạn », gộp hầu hết Biển Đông và cả Đài Loan, cùng với hai phần lãnh thổ có tranh chấp với Ấn Độ và kể cả phần diện tích của Nga trên hòn đảo Bolshoy Ussuiysky ở sông Amur.

Sự tự tin thái quá này lại gây phản tác dụng và càng tạo cớ chính đáng để Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông, theo phân tích ngày 12/09 của nhà nghiên cứu Pascal Boniface, người sáng lập Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế (IRIS) :

« Bản đồ này một lần nữa nhấn mạnh đến những đòi hỏi chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc lại khiến các nước láng giềng quan ngại. Thực vậy, mong muốn khẳng định sức mạnh ngày càng quyết liệt của Trung Quốc lại dẫn đến hệ quả các nước láng giềng, lúc đầu có thể không quá lo lắng về sự trỗi dậy được coi là « ôn hòa » của Trung Quốc nhưng giờ cho rằng sự trỗi dậy đó không « ôn hòa » như Bắc Kinh khẳng định.

Những quan ngại đó cuối cùng mang lại kết quả tức thì, đó là yêu cầu Mỹ « bảo trợ ». Hành động của Trung Quốc lại phần nào giúp tái hợp thức hóa cho sự gia tăng hiện diện của Mỹ theo yêu cầu của một số nước trong vùng.

Ông Tập Cận Bình tự tin vào bản thân, tin vào quyền lực của ông, thượng đỉnh BRICS dường như củng cố thêm quyền lực cho ông. Ông có thể tự cho phép không đến dự thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ. Nhưng chúng ta cũng tự hỏi liệu mong muốn mãnh liệt thúc đẩy sức mạnh Trung Quốc lại không gây phản tác dụng ngay đối với cả lợi ích của Trung Quốc.

Nếu không tính đến những phản ứng của các nước láng giềng, không chú ý đến môi trường quốc tế thì Bắc Kinh cũng sẽ phải chịu những hạn chế trong quá trình trỗi dậy, trong khi điều đó không phải là chủ đích của ông. Thế nhưng, điều này ngày càng được thấy rõ và giúp hợp thức hóa tuyên bố, của nhiều nước trong vùng, coi Trung Quốc không phải là một cường quốc « ôn hòa » mà là một đối thủ, thậm chí là một mối đe dọa tiềm tàng ».

Thu Hằng

Bài Liên Quan

Leave a Comment