Trong những năm làm giám đốc điều hành của một trong những công ty xây dựng lớn nhất Ukraine, Oleh Maiboroda đã cất giữ những cuộn tiền USD trong két sắt sau bàn làm việc của mình, theo Reuters.
Số tiền này, Oleh Maiboroda nói với Reuters, nhằm mục đích hối lộ các quan chức nhà nước để họ phê duyệt các dự án xây dựng. Nhiệm vụ giao tiền mặt, ông ta nói, được giao cho một luật sư tên là Oleh Tatarov, hiện là cố vấn cấp cao của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
“Tatarov từng giải quyết mọi vấn đề với các cơ quan thực thi pháp luật,” ông Maiboroda nói trong một cuộc phỏng vấn ở Vienna, nơi ông tới để thoát khỏi việc bị truy tố ở Ukraine với cáo buộc có vai trò trong các kế hoạch tham nhũng liên quan tới công ty xây dựng Ukrbud Development LLC.
Maiboroda cho biết các khoản hối lộ được chuyển đi thông qua ông Tatarov từ năm 2014 tới 2019. Các mối liên hệ của luật sư này với cảnh sát, tòa án và các công tố viên khiến ông trở thành một trung gian hoàn hảo. “Tất nhiên ông ấy trả tiền” để chính quyền thông qua các dự án, bao gồm việc đảm bảo về giấy phép xây dựng, ông Maiboroda nói. “Ông ấy đưa tiền cho họ và vì thế mà các thỏa thuận này được thực hiện,” ông nói thêm.
Các phát biểu của ông Maiboroda đe dọa khơi dậy một cuộc tranh cãi đã gây khó khăn cho Tổng thống Volodymyr Zelensky ngay cả trong thời chiến: các cáo buộc từ phe đối lập và các nhà vận động chống tham nhũng rằng những người có quyền lực đã che chắn cho ông Tatarov khỏi bị truy tố.
https://www.bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/world-66863472/p0gfdmmk/viChụp lại video,
Siêu du thuyền ‘bị bỏ hoang’ ở Caribe liên quan gì đến cuộc chiến Ukraine?
Ông Maiboroda không đưa ra bằng chứng cho cáo buộc của mình. Chúng lặp lại một cáo buộc chống lại ông Tatarov, được các cơ quan chống tham nhũng của Ukraine đưa ra, rằng ông ta tổ chức một vụ hối lộ. Các công tố viên đã khép lại vụ án vào tháng 4/2022 vì lý do tố tụng.
Ông Tatarov, cố vấn của tổng thống về các cơ quan thực thi luật pháp và an ninh kể từ năm 2020, đã phủ nhận các cáo buộc và được tuyên vô tội. Ông nói rằng những người cáo buộc ông đang cố gắng trả thù chính trị.
Ông Zelensky trước đó đã nói rằng tham nhũng không có chỗ trong chính quyền của ông. “Tôi muốn nhấn mạnh: Nếu những người làm việc với tôi bị nghi ngờ tham nhũng, họ sẽ bị sa thải. Và tôi chưa thấy những trường hợp này tại văn phòng của mình,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn tháng 12/2020 với tạp chí Focus của Ukraine.
Cả ông Zelensky và Tatarov đều trả lời các câu hỏi chi tiết mà Reuters đặt ra cho bài báo này.
Ông Zelensky được ung hô như một lãnh đạo thời chiến kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine tháng Giêng năm ngoái. Tuy nhiên, một số người đã đặt câu hỏi về cam kết chống tham nhũng của ông. Ukraine liên tục bị xếp ở nửa dưới trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng toàn cầu hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Trong khảo sát mới đất nhất vào năm 2022, chỉ có Nga bị đánh giá tham nhũng hơn ở châu Âu.
Hàng tỷ USD viện trợ dành cho chính phủ của ông Zelensky và tham vọng gia nhập EU chứng minh rằng nước này nghiêm túc trong cuộc chiến chống tham nhũng và một nền quản trị tốt.
Trong một báo cáo hồi tháng Sáu, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế nói rằng các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế cần nhìn thấy các cải cách để cải thiện quản trị, tính minh bạch và giải quyết vấn đề tham nhũng ‘một cách không chậm trễ’. Trong một đánh giá về cơ hội gia nhập EU của Ukraine, được xuất bản tháng 6/2022, Ủy ban châu Âu mô tả tham nhũng như “một thách thức nghiêm trọng đòi hỏi tiêp tục được quan tâm”.
Một khảo sát do hai cơ quan thăm dò của Ukraine công bố ngày 11/9 cho thấy 78% người Ukraine cho rằng ông Zelensky phải chịu trách nhiệm về tham nhũng trong chính phủ. Một cuộc thăm dò liên quan cho thấy 55% người dân tin rằng viện trợ quân sự của phương Tây nên có điều kiện về chống tham nhũng.
Trong những tháng gần đây ông Zelensky đã thực hiện một số bước để phản hồi những người đang hoài nghi cam kết của ông.
Ông đã sa thải hàng loạt quan chức cao cấp vào tháng Giêng giữa những cáo buộc công khai về tham nhũng và hành vi không đúng mực. Ông tuyên bố “bất cứ vấn đề nội bộ nào can thiệp vào nhà nước đều đang được làm sạch và sẽ được làm sạch.” Đầu tháng này, ông Zelensky thay bộ trưởng quốc phòng Oleksii Reznikov, nói rằng cần có các ‘cách tiếp cận mơi’. Động thái này được thực hiện sau một loạt các cáo buộc do truyền thông Ukraine đưa ra rằng bộ trưởng quốc phòng đã mua sắm hàng hóa với giá cao hơn thị trường. Ông Reznikov nói trong một cuộc họp báo tại Kyiv một tuần trước khi mất chức rằng các báo cáo này không chính xác.
Những thay đổi đã đặt ông Tatarov vào vị trí hiện tại. Một số người trong cuộc được Reuters phỏng vấn nói rằng ông là một nhân vật quan trọng giúp Zelensky kiểm soát các công ty thực thi pháp luật và an ninh rộng lớn của Ukraine.
“Ông Tatarov đã trở thành biểu tượng của sự khoan dung với tham nhũng của ông Zelensky trong mạng lưới nội bộ của ông ấy,” tờ Kyiv Independent viết hồi đầu năm nay, đưa ra các cáo buộc về hối lộ.
Daria Kaleniuk, giám đốc điều hành Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng của Ukraine (AntAC), một NGO, tin rằng trong một thể chế dân chủ lành mạnh, bất cứ quan chức nào bị cáo buộc tham nhũng cũng nên bị đình chỉ công việc cho đến khi mọi chuyện rõ ràng. “Trừ phi ông Zelensky lọai bỏ ông Tatarov, ông ta sẽ không được nhìn nhận là nghiêm túc trong cuộc chiến chống tham nhũng của Ukraine,” bà nói với Reuters.
Các đồng minh của ông Tatarov nói ông là nạn nhân sự hiệu quả của mình với tư cách là người đại diện cho Zelensky về mặt thực thi pháp luật. “Họ đang cố thử mọi thứ có thể để loại bỏ ông này bởi vì ông ta là người giơ đầu chịu báng,” ông Nicola Mirto, một doanh nhân người Ý và cựu khách hàng của ông Tatarov. Mirto nói rằng ông Tararov đã vấp phải sự giận giữ từ các nhóm lợi ích quyền lực do ông ủng hộ phong trào chống tham nhũng trong giới tài phiệt ở Ukraine.
Tranh cãi trước đó
Ông Zelensky trở thành tổng thống tháng 5/2019 với lời hứa sẽ phá bỏ chủ nghĩa thân hữu và tham nhũng vốn đã khiến Ukraine tàn lụi trong nhiều thập kỷ.
Ông trở nên nổi tiếng với vai trò diễn viên trong một bộ phim châm biến chính trị trên truyền hình, “Những người hầu của nhân dân.” Bộ phim mở đầu với cảnh một nhóm các ông trùm đang nhấm nháp đồ uống phía trên Quảng trường Độc lập của Thủ đô và suy ngẫm về việc ai trong số ứng cử viên được lựa chọn của mình có thể thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Sự nghiệp chính trị của ông Tatarov bắt đầu vài năm trước đó. Ông là một quan chức dưới quyền Viktor Yanukovych, một tổng thống thân Nga, người bị lật đổ bởi cuộc nổi dậy toàn quốc năm 2014. Ông Tatarov gây tranh cãi vào thời điểm đó với một bài phát biểu sau khi lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình. Ông khẳng định một số phát súng bắt nguồn từ đám đông. Hơn 100 người chết trong ba ngày nổi dậy đầy bạo lực.
“Một số người chết có các vết thương sau đầu,” ông nói tại một cuộc họp với các nhà ngoại giao châu Âu được phát trên truyền hình Ukraine. Điều này, ông nói, cho thấy các phát đạn được bắn đi từ cự ly gần, bởi những cá nhân trong số người biểu tình.” Ông Tatarov không cung cấp thêm bằng chứng cho khẳng định của mình vào thời điểm đó. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 với một kênh truyền hình Ukraine, ông nói rằng mọi thông tin mà ông đưa ra đều dựa trên “thông tin từ các tài liệu của các vụ án hình sự. Tôi không thể đưa ra ý kiến cá nhân nào.” Ông không phản hồi các câu hỏi của Reuters về vấn đề này.
Sau khi ông Yanukovich bị lật đổ, ông Tatarov hành nghề luật sư tư nhân. Ông cũng là cố vấn luật cho một công ty xây dựng trực thuộc tập đoàn Ukrbud do nhà nước sở hữu.
Lĩnh vực xây dựng là điển hình của ranh giới mờ nhạt giữa lĩnh vực tư và công tại Ukraine thời hậu Xô Viết. Các công ty có đăng ký của Anh và Ukraine và các tài liệu của tòa án cho thấy chủ tịch tập đoàn Ukrbud lúc bấy giờ, Maxym Mykytas, kiểm soát hơn 75% cổ phần của một công ty tư nhân tên là Ukrbud Development LLC vốn được phép sử dụng logo của tập đoàn nhà nước Ukrbud.
Ông Mykytas hiện đang bị tù, với cáo buộc âm mưu hối lộ, liên quan đến một hợp đồng tàu điện ngầm, điều mà ông ta phủ nhận. Ông này nói trong một tuyên bố gửi tới Reuters rằng không một nguồn lực nào của các tập đoàn nhà nước được sử dụng bởi công ty tư nhân mà ông gián tiếp kiểm soát.
Theo Maiboroda, ông Mykytas dùng ông Tatarov cho các nhiệm vụ khó khăn, bao gồm trả tiền hối lộ thay mặt cho Ukrbud Development. Ông Maiboroda nói ông từng nhận các chỉ đạo từ ông Mykytas để chuyển các khoản tiền mặt cho ông Tatarov. Trong tuyên bố gửi tới Reuters, ông Mykytas buộc tội ông Maiborada đã ‘khai man’ và cư xử ‘như một con thú bị dồn vào chân tường’ sau khi chính ông bị cáo buộc tham nhũng. Ông nói rằng các mối liên hệ và ảnh hưởng của ông Tatarov đã ‘bị thổi phồng quá mức’.
Ông Maiboroda nói ông Tatarov đã là một nhà điều hành khéo léo, làm việc từ xa trong các quán cà phê nơi ông gặp gỡ đối tác và dùng các app được mã hóa để liên lạc. “Ông ta biết về các cơ quan thực thi pháp luật và đã cảnh báo chúng tôi hãy cẩn thận khi nói bất cứ điều gì trên điện thoại,” ông Maiboroda nói với Reuters.
Ông nói ông Tatarov vừa tự nhận tiền vừa cho một người lái xe làm công việc này. Ông Maiboroda nói số tiền này do ông Tatarov ký và được hạch toán vào các chi phí cho các dự án xây dựng. Ông Maiboroda cho Reuters xem cái mà ông nói là một danh sách hối lộ, được ghi lại trong một bảng tính, tổng cộng 1,8 triệu USD đã được chi trả bởi ông Tatarov. Ông cũng cho xem ba hóa đơn tiền mặt có chữ ký khớp với các mục trong danh sách. Ông Maiboroda nói rằng chữ ký này là của ông Tatarov và danh sách hối lộ là từ tài khoản của Ukrbud Development. Reuters không thể xác minh độc lập điều này.
Reuters cho ông Mykytas và Tatarov xem các hóa đơn. Ông Mykytas nói chúng giả mạo. Ông Tatarov không phản hồi. Văn phòng Quốc gia Chống Tham nhũng của Ukraine (NABU) nói rằng các chuyên gia cần nghiên cứu tài liệu để xác minh.
Vài trò mới
Ông Zelensky đã bổ nhiệm ông Tatarov làm cố vấn về các công ty an ninh và thực thi pháp luật vào tháng 8/2020. Ông Zelensky nói rằng sẽ không công bằng nếu chọn tất cả quan chức từng làm dưới thời ông Yanukovych như các đại diện của thể chế cũ. “Vấn đề chính là một người trung thực,” ông Zelensky nói với các phóng viên vài ngày sau khi bổ nhiệm ông Tatarov.
Ngay sau đó, NABU, một cơ quan độc lập, đã mở một cuộc điều tra ông Tatarov do nghi ngờ ông này đã thay mặt Ukrbud Development dàn xếp hối lộ một quan chức Bộ Nội vụ năm 2017.
Cáo buộc hối lộ này – một điểm đỗ xe miễn phí cho vị quan chức Bộ Nội vụ để đổi lấy việc định giá thấp cho một số bất động sản nhà nước – có vẻ khá khiêm tốn. Nhưng NABU ước tính việc định giá thấp số đất nói trên đã khiến nhà nước thiệt hại 3,1 triệu USD vào thời điểm đó.
Các tài liệu mà các nhà điều tra thu thập từ WhatsApp và Reuters được xem, bao gồm một chỉ dẫn của ông Tatarov cho một kế toán của Ukrbud Development để trao cho quan chức nói trên một chỗ đỗ xe “100% giảm giá” tại một khu vực phát triển ở Kyiv để cám ơn các nỗ lực của ông này. Vị quan chức Bộ Nội vụ nói với Reuters rằng ông mua chỗ đỗ xe với giá thị trường và ông phủ nhận việc định giá đất.
Hai quan chức thực thi pháp luật cấp cao nói với Reuters rằng ông Mykytas đã thú nhận hối lộ trong một video hồi tháng 10/2020 trong đó ông nói ông Tatarov đã thu xếp việc chi trả. Ông Tatarov không bình luận về việc này. Trong một cuộc phỏng vấn trong tù với một trang tin của Ukraine, được xuất bản ngày 22/12/2020, ông Mykytas đã chỉ trích ông Tatarov. “Ông Tatarov và tôi đã làm mọi việc cùng nhau, nhưng nếu ông Tatarov ngồi trong văn phòng Tổng thống, tại sao tôi lại phải ngồi tù?”
NABU đã chuẩn bị ra lệnh bắt giữ ông Tatarov, hai quan chức thực thi pháp luật nói với Reuters, trang bị bởi các bằng chứng bao gồm các tin nhắn, các thư từ khác và các đánh giá độc lập. Nhưng trước khi NABU kịp hành động, Tổng công tố Iryna Venediktova, một cựu nghị sỹ thuộc đảng của ông Zelenskiy, đã có những thay đổi đối với đội ngũ xử lý vụ án. Bà đã mời thêm các công tố viên, bao gồm chính bà, vào đầu tháng 12/2020. Ba tuần sau, văn phòng của bà chuyển giao vụ án cho cơ quan an ninh nhà nước, SBU.
Và rồi, vào tháng 1/2021, ông Mykytas rút lời thú tội. Ông nói với Reuters rằng ông cáo buộc ông Tatarov với niềm tin sai lầm rằng luật sư và những người khác đang cố gắng ăn cắp công việc kinh doanh của ông. Trong khi đó. Điều tra của SBU bị đình trệ. Một tòa án ở Kyiv sau đó phủ nhận việc cho các nhà điều tra thêm thời gian, vào tháng 4/2022, các công tố viên nhà nước khép lại vụ án vì các lý do này.
Artem Sytnyk, người đứng đầu NABU trong thời kỳ này, nói với Reuters rằng ông tin vụ án bị khép lại vì lý do chính trị. Ông nói rằng cơ quan của ông đã đưa ra các bằng chứng đáng kể, bao gồm các tin nhắn trên WhatsApp.
Sytnyk, người từ chức tháng 4/2022 sau một nhiệm kỳ bảy năm, nói rằng văn phòng này ‘thực hiện tốt’ việc điều tra ông Tatarov nhưng “hệ thống tư pháp đã vào cuộc và ngăn cản việc thực hiện các điều đúng đắn. Ông Sytnyk nói rằng ông không được báo trước rằng vụ việc sẽ được chuyển khỏi cơ quan của ông và mô tả động thái này là “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Người phát ngôn của văn phòng Tổng công tố cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng những thay đổi của Venediktova trong nhóm công tố là do “sự phức tạp đặc biệt” của vụ án. Người phát ngôn cho biết vụ việc sau đó đã được đưa ra khỏi NABU theo lệnh của tòa án quận Kyiv.
Người phát ngôn cáo buộc NABU đã không chuyển bằng chứng cho SBU. Người phát ngôn nói thêm, việc tòa án từ chối gia hạn điều tra có nghĩa là các công tố viên không có “cơ hội điều tra kỹ lưỡng, toàn diện và khách quan về mọi tình tiết của tội phạm hình sự này”.
Ông Zelensky đã cách chức Venediktova, tổng công tố, vào tháng 7/2022 như một phần của cuộc thanh trừng các quan chức bị cáo buộc đã không loại bỏ được các điệp viên hoặc người có cảm tình với Nga khỏi cơ quan của họ. Ông bổ nhiệm bà làm đại sứ tại Thụy Sĩ. Cấp phó của bà là Oleksiy Symonenko từ chức vào tháng 1/2023 sau khi truyền thông đưa tin ông đang đi nghỉ ở Tây Ban Nha trong thời chiến. Cả Venediktova và Symonenko đều không bình luận cho bài viết này.
“Hồng Y xanh”
Tatarov không phải là thành viên duy nhất gây tranh cãi trong vòng thân cận của ông Zelensky. Chánh văn phòng của tổng thống, Andriy Yermak, một cộng sự từng trước đây của ông Zelensky trong ngành giải trí cũng vậy. Yermak cũng không trả lời các câu hỏi cho bài viết này.
Là con trai của một nhà ngoại giao Liên Xô, Yermak trước đây từng làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim và truyền hình. Những ngày này, ông thường xuyên đi cùng Zelensky tại các cuộc họp chính phủ và các sự kiện công cộng. Ông được các nhà ngoại giao nước ngoài biết đến với cái tên “hồng y xanh” vì tầm ảnh hưởng của ông và bởi vì, giống như ông chủ của mình, ông thường mặc quần áo kaki.
Vào tháng 3/2020, một tháng sau khi Yermak trở thành chánh văn phòng, các đoạn băng video xuất hiện trong đó anh trai của Yermak, Denys, hiện là một quân nhân, đang thảo luận về việc bổ nhiệm các công việc trong chính phủ và gợi ý rằng ông ta có thể “mở cửa” cho các vị trí này. Denys xác nhận đoạn ghi âm là của ông nhưng cho biết ông đang xem xét các ứng cử viên và ý tưởng cho các dự án mà ông đề xuất với chính phủ thông qua lời kêu gọi của người dân, và đoạn băng đã được chỉnh sửa nhằm mục đích chính trị nhằm làm mất uy tín anh trai ông. Andriy Yermak cũng bác bỏ các đoạn ghi âm như một công việc mang tính chính trị.
Đoạn ghi âm được thực hiện bởi cựu huấn luyện viên cảnh sát, Dmytro Shtanko, người đã thiệt mạng khi hành quân ở miền đông Ukraine vào tháng 10/2022, theo người vợ góa của ông, Liudmyla Bielievtsova. Bà nói với Reuters rằng mục đích của Shtanko là vạch trần hành vi hối lộ cấp cao và chồng bà bị thúc đẩy bởi ý thức trách nhiệm. “Ông ấy muốn Ukraine trở thành một đất nước bình thường,” bà nói.
Các câu hỏi đặt ra về bản thân ông Zelensky vào tháng 10/2021 khi có thông tin cho rằng ông ta đã sử dụng các công ty nước ngoài để quản lý tài sản của mình và ngay trước cuộc bầu cử, ông đã chuyển nhượng cổ phần trong một công ty thuộc Quần đảo Virgin thuộc Anh cho một cộng sự. Cộng sự này, Sergey Shefir, sau này trở thành trợ lý hàng đầu của Zelensky, làm việc với tư cách tình nguyện không lương. Zelenskiy nói với kênh truyền hình Ukraine ICTV vào tháng 10/2021 rằng thỏa thuận ở nước ngoài là để bảo vệ hoạt động kinh doanh sản xuất truyền hình của ông khỏi áp lực chính trị từ chính phủ Yanukovych.
Một đánh giá vào tháng 10/2021 của Cơ quan Phòng chống Tham nhũng Quốc gia cho thấy “không có bằng chứng về việc làm giàu bất hợp pháp”.
Shefir nói với Reuters rằng tất cả các hoạt động kinh doanh của ông đều hợp pháp và tất cả các tờ khai thuế cần thiết đã được nộp. Ông nói: “Dựa trên thu nhập nhận được và các tờ khai đã nộp, tôi đã nộp tất cả các loại thuế và các khoản thanh toán bắt buộc khác theo yêu cầu của pháp luật Ukraine”.
Shefir cho biết ông Zelensky đã nộp tất cả các tờ khai bắt buộc về tài sản và thu nhập. Ông nói, những điều này đã được các cơ quan chống tham nhũng xác minh và “không phát hiện thấy hành vi vi phạm luật chống tham nhũng nào”.
Chính quyền của ông Zelensky cũng bị chỉ trích trong nước vì mua hàng với giá cao hơn giá thị trường. Vào tháng Giêng, truyền thông Ukraine đưa tin Bộ Quốc phòng đã mua trứng với giá cao hơn gấp đôi giá thị trường và khoai tây với giá gần gấp ba lần giá thị trường. Một thứ trưởng quốc phòng đã từ chức vì bài báo. Hiện ông đang bị truy tố vì mua đồ kém chất lượng với giá quá cao. Vyacheslav Shapovalov, trong một tuyên bố với Reuters thông qua luật sư của mình, đã phủ nhận hành vi sai trái và nói rằng ông chưa bao giờ tìm kiếm những hợp đồng bất lợi.
Yaroslav Zheleznyak, một nhà lập pháp đối lập, cho biết các nhà tài trợ phương Tây nên lưu ý đến các báo cáo về tham nhũng. Cho đến nay, hơn 41 quốc gia đã cam kết viện trợ dân sự và quân sự tổng cộng hơn 140 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có hơn 70 tỷ USD từ Hoa Kỳ, theo Cơ quan Theo dõi Hỗ trợ Ukraine của Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Zheleznyak nói với Reuters rằng trừ khi nạn tham nhũng được giải quyết, các nhà tài trợ phương Tây có nguy cơ mất đi những khoản tiền đáng kể. “Bây giờ họ đang ăn cắp tiền của chúng tôi,” ông nói về những quan chức dung túng tham nhũng. “Trong tương lai họ có thể ăn cắp tiền của bạn.”
Với yêu cầu lớn hơn về trách nhiệm giải trình từ người Ukraine, ông Zelensky đã thực hiện các bước đi mạnh mẽ để chống tham nhũng thời chiến. Vào ngày 11/8, ông đã sa thải tất cả người đứng đầu khu vực của các trung tâm tuyển quân sau khi một cuộc kiểm toán phát hiện ra các cáo buộc lạm dụng của các quan chức, bao gồm làm giàu bất hợp pháp và giúp lính trốn nghĩa vụ. Đầu tháng này, cảnh sát đã bắt giữ một trong những người giàu nhất Ukraine, Ihor Kolomoisky, vì nghi ngờ gian lận và rửa tiền. Kolomoisky trước đây đã phủ nhận hành vi sai trái.
Vào ngày 12/9, sau sự phản đối kịch liệt của công chúng, ông Zelensky đã phủ quyết đạo luật vốn cho phép các quan chức không tiết lộ công khai tài sản của họ trong một năm.
Các cơ quan chống tham nhũng của Ukraine đã tăng gấp đôi công việc của họ và cho biết họ đã đạt được nhiều tiến bộ hơn bất cứ lúc nào kể từ khi thành lập vào năm 2015. Trong nửa đầu năm nay, họ đã khởi kiện gần 300 vụ án và gửi 58 cáo trạng ra tòa, theo báo cáo. NABU. Giám đốc NABU hiện tại Semen Kryvonos nói với Reuters rằng cơ quan của ông đang ưu tiên các vụ phạm tội thời chiến trong các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, tái thiết và liên quan đến các quan chức cấp cao.
Vùng đất cho những anh hùng
Nhiều cư dân mà Reuters phỏng vấn trong chuyến thăm một số thị trấn và làng mạc phía bắc Kyiv, nơi chìm trong các trận chiến vào năm ngoái, có quan điểm rằng tham nhũng vẫn tồn tại trong thời chiến Cũng có hy vọng rằng, sau các hy sinh trong chiến tranh, đất nước đang chuyển mình sang một bước ngoặt.
Chỉ vào một con hẻm ở Irpin, nơi những tình nguyện viên mang thức ăn đến cho người dân và rổi bị lính Nga bắn chết, Halyna, một phụ nữ địa phương 44 tuổi, nói rằng ngày nay khi làm việc với các quan chức địa phương, “không còn dấu hiệu hối lộ nữa”.
Kaleniuk, nhà vận động chống tham nhũng, tin rằng chiến tranh đã tạo ra áp lực không thể đảo ngược cho việc cải cách. Bà nói: “Mọi thứ đã thay đổi” kể từ cuộc xâm lược của Nga. Nhu cầu về một sự thay đổi trong xã hội là rất lớn. Và những yêu cầu về cải cách để đạt được điều người dân mong muốn cũng vậy: hội nhập vào Nato và Liên minh Châu Âu.”