- Tác giả,Sam Cabral
- Vai trò,BBC News, Washington
Ông ấy “rất ấn tượng” với Emmanuel Macron. Narendra Modi có thể xem ông ấy là “một người hâm mộ”. Và Benjamin Netanyahu vừa ghé ngang qua để gặp ông ấy.
Những nhà lãnh đạo nước ngoài có chuyến công du đến Mỹ gần đây, gồm cả những chuyến thăm chính thức cấp nhà nước theo lời mời của Nhà Trắng, đã bổ sung vào lịch trình của mình các cuộc gặp riêng với Elon Musk.
Năm nay, người giàu nhất thế giới đã gặp gỡ một số nguyên thủ của Pháp, Ý, Ấn Độ, Hàn Quốc – và chỉ trong vòng hai ngày qua, thêm vào danh sách này là Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.
Thế nhưng, dù vị tỷ phú tài trí này được săn đón nhiều hơn bao giờ hết nhưng ông Musk và chính quyền ông Biden vẫn không ‘cơm không lành, canh không ngọt’.
Khi tầm ảnh hưởng chính trị của nhân vật thích đi ngược đám đông này tăng lên, gồm cả việc nhúng tay vào các vấn đề địa chính trị nhạy cảm, đối với một vài người, sự khó chịu về quyền lực và khả năng tiếp cận của ông Musk tiếp tục tăng cao.
Musk gặp gỡ các lãnh đạo thế giới
Một số nhà lãnh đạo nước ngoài đang tìm kiếm một đòn bẩy cho kinh tế và ngành công nghiệp xe điện từ một nhà máy Tesla mới hoặc một đầu tư hạ tầng từ dịch vụ internet qua vệ tinh Starlink của SpaceX.
Số khác đã bàn bạc về X, nền tảng thuộc sở hữu của Musk mà trước đây gọi là Twitter và tương lai của trí tuệ nhân tạo.
Tổng thống Pháp Macron đã ‘làm thân’ ông trùm công nghệ ba lần kể từ tháng 12, với công cuộc đắc nhân tâm, với động lực mong muốn có một siêu nhà máy Tesla mới trên đất Pháp.
Sự chiêu dụ tương tự đã đến từ Thủ tướng Ý Giorgia Meloni vào tháng Sáu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào Chủ nhật vừa qua tại New York.
Dù ông Musk vừa mới đến New York trước thềm cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần này, Thủ tướng Israel Netanyahu đã bay tới California để trò chuyện với ông ấy về AI vào hôm thứ Hai.
Cuộc thảo luận sau đó diễn ra trong bối cảnh ông Musk có mối bất đồng âm ỉ với Liên đoàn Chống phỉ báng ở Mỹ (Anti-Defamation League – ADL), tổ chức dân quyền của người Do Thái.
ADL và các nhóm khác đã chỉ ra những phát hiện cho thấy phát ngôn thù ghét đã tăng lên đáng kể trên X kể từ khi ông Musk mua nền tảng này vào năm ngoái và thay đổi các quy tắc kiểm duyệt.
Ông Netanyahu – người trước đây đã tweet khen ngợi sự “thiên tài và tác động đến nhân loại” của ông Musk – đã khuyến khích ông ấy trong cuộc trò chuyện phát trực tiếp của họ vào thứ Hai nhằm “tìm sự cân bằng” giữa việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và trừng phạt phát ngôn thù ghét.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Musk phải trả lời những lo ngại xoay quanh X kể từ khi ông nắm nền tảng này.
Cuộc gặp của ông với Thủ tướng Ấn Độ Modi vào tháng Sáu diễn ra ngay sau khi cựu Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey, cáo buộc rằng chính phủ Ấn Độ đã đe dọa đóng cửa trang web nếu không tuân thủ các lệnh gỡ bỏ nội dung.
Những người tiền nhiệm Musk ở X hầu hết đã phản đối những yêu cầu như vậy, nhưng ông Musk nói rằng ông không thể làm như vậy.
“Nếu chúng tôi không tuân thủ luật pháp của chính quyền sở tại, chúng tôi sẽ bị đóng cửa nên điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là tuân thủ chặt chẽ luật pháp ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng tôi không thể làm nhiều hơn thế, nếu không chúng tôi sẽ bị chặn và người dân của chúng tôi sẽ bị bắt”, ông nói với các phóng viên sau cuộc gặp với ông Modi.
Ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Musk
Dù nhiều cuộc họp trong số này bên ngoài tập trung vào các lợi ích kinh doanh quan trọng của ông Musk, nhưng chúng diễn ra khi ông nắm giữ – và ngày càng xác lập tầm ảnh hưởng đối với địa chính trị toàn cầu.
Những tuyên bố gần đây của công dân Mỹ gốc Nam Phi này ở một số khía cạnh đã được hiểu là sự xúc phạm đến lợi ích của Hoa Kỳ, cũng như của một Phương Tây rộng lớn hơn.
Tuần trước, ông Musk đã khiến các quan chức Đài Loan tức giận với những bình luận không thân thiện của mình về chính sách ‘Một Trung Quốc’ của Bắc Kinh, cho rằng hòn đảo tự trị này “tương tự như Hawaii hoặc kiểu như vậy, là một phần không thể thiếu của Trung Quốc, không thuộc một phần của Trung Quốc một cách vô căn cứ.”
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp đáp lại trên X: “Nghe này, Đài Loan không phải là một phần của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] và chắc chắn không phải để đem ra mua bán!”
Cuộc tranh cãi đã đổ thêm dầu vào những tuyên bố của phe chỉ trích Musk, cho rằng ông nhanh chóng chấp nhận yêu cầu của các quốc gia khác, ngay cả khi họ đối đầu với Mỹ.
Ông Ngô Chiêu Nhiếp cũng đăng trên X của ông Musk – bị cấm ở Trung Quốc rằng: “Hy vọng Elon Musk cũng có thể yêu cầu CCP [Đảng Cộng sản Trung Quốc] mở cửa X cho người dân của mình sử dụng”.
“Có lẽ ông ấy cho rằng cấm đoán là một chính sách tốt, giống như việc ngắt mạng Starlink để ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine nhắm vào Nga”, ông Ngô viết.
Tuyên bố của Starlink – rằng doanh nhân này “đã bí mật yêu cầu các kỹ sư của mình ngắt kết nối vệ tinh” để ngăn chặn một cuộc tập kích của Ukraine vào hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea – gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ.
Nhưng giữa sự phản ứng dữ dội từ ông Musk, tác giả Walter Isaacson – người viết tiểu sử về tỷ phú Elon Musk bắt đầu rút lại tuyên bố khi cuốn sách của ông sắp lên kệ, viết trên X rằng, vùng phủ sóng của dịch vụ Starlink tới Crimea trên thực tế chưa bao giờ được kích hoạt.
Cả ông Isaacson và ông Musk đều không trả lời yêu cầu bình luận từ BBC.
Tuy nhiên, cuốn sách của Isaacson lại tuyên bố ở nơi khác rằng, trước khi ông Musk đưa ra quyết định, đại sứ Nga tại Mỹ “đã nói rõ ràng với ông rằng một cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea sẽ dẫn đến phản ứng hạt nhân”.
Và sau khi ông tweet một đề xuất hòa bình vào năm ngoái khiến một quan chức Ukraine đặt câu hỏi liệu ông có bị “đã bị người Nga mua chuộc” hay không, nhà khoa học chính trị Ian Bremmer đã đăng một tin gây sốc trên X.
“Elon Musk nói với tôi rằng ông ấy đã trao đổi trực tiếp với Putin và Điện Kremlin về Ukraine. Ông ấy cũng cho biết những lằn ranh đỏ của Điện Kremlin là gì,” ông viết.
Ông Musk phủ nhận cáo buộc này, nhưng ông Bremmer củng cố lập luận: “Tôi từ lâu đã ngưỡng mộ Musk như một doanh nhân ‘có một không hai’ và có khả năng thay đổi thế giới, điều mà tôi đã nói công khai. Ông ấy không phải là chuyên gia địa chính trị.”
Tháng tiếp theo, khi được hỏi liệu ông Musk có phải là mối đe dọa đối với nền an ninh quốc gia Mỹ hay không, Tổng thống Biden trả lời rằng “mối quan hệ hợp tác và/hoặc công nghệ của ông với các nước khác rất đáng được xem xét”.
Đó là phần nổi của tảng băng chìm trong một mối quan hệ lạnh nhạt – Nhà Trắng có xu hướng tránh việc nhắc đến Tesla trong các bình luận công khai về ngành công nghiệp xe điện, thay vào đó nói về các nhà sản xuất ô tô có liên minh, trong khi ông Musk đang trò chuyện trực tuyến với các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu, ông nói ông có thể “không còn ủng hộ” đảng này nữa và ‘tán tỉnh’ những ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Ashlee Vance, người viết tiểu sử về Musk, đã dõi theo ông trong hơn một thập kỷ, lập luận rằng ông Musk đang cảm thấy thất vọng và bị đánh giá thấp.
Ông Vance nói với BBC: “Đây là một người thích hoàn thành nhiều việc, ông nghĩ mình đúng và ông không bao giờ thích những thứ cản đường mình.”
“Ông ta vốn là người vật chất, [chính quyền Biden] đã đổ thêm dầu vào lửa và giờ họ không còn thiện chí nào để cố gắng kiềm chế ông ta.”
Hình ảnh thay đổi của Musk trước công chúng
Thành công vang dội của Tesla và SpaceX đã giúp biến ông Musk từ một nhà sáng tạo thiên tài trở thành biểu tượng của người nổi tiếng.
Ông Vance nói: “Trong khoảng 25 năm, bạn có thể lập luận rằng ông ấy đã đạt được nhiều thành tựu hơn bất cứ ai”.
“Ông ấy nổi bật trong dòng lịch sử khi thực hiện điều này ở các ngành khác nhau với quy mô chưa từng có.”
Nhưng sự giàu tăng lên và sự phát triển chính trị của ông Musk trong vài năm qua cũng đi đôi với một hình ảnh công chúng gây chia rẽ và phân cực hơn, một phần là do tính cách luôn online và thường troll (châm chọc) của ông trên X.
Ông Vance nói: “Ông ấy luôn là người rất chắc chắn về quan điểm của mình về mọi việc và không ngần ngại bày tỏ chúng”.
“Ông ấy từng chơi cả hai bên để mang lại lợi ích cho các công ty của mình. Ông ấy là người theo phương pháp, không nói quá nhiều về chính trị và bất cứ khi nào ông ấy nói về chính trị, đó là xoay quanh một vấn đề như biến đổi khí hậu.”
Tuy nhiên, kể từ năm 2017 hoặc 2018, tỷ phú này đã bắt đầu biếm họa hình ảnh của mình trước công chúng, ông Vance nói.
“Ông ấy thốt ra bất cứ điều gì nghĩ đến trong đầu. Ông ấy xa lánh mọi người mà không có lý do. Ông ấy đang tự hủy hoại bản thân vào thời điểm mà các công ty của ông ấy thực sự đang ăn nên làm ra.”
Ông Vance tiếp tục: “Ngoài đời, ông ấy thực sự không phải là nhân vật Twitter chút nào. Theo thời gian, ông ấy trở nên hòa đồng hơn, cực kỳ lý trí và thú vị, và ông ấy là một người rất khác.”
Noam Cohen, cựu nhà báo công nghệ của tờ New York Times và là tác giả cuốn sách The Know-It-Alls: Sự trỗi dậy của Thung lũng Silicon với tư cách là một cường quốc chính trị và quả cầu xã hội, lại có một cái nhìn hơi khác.
Ông tin rằng tham vọng và tầm nhìn đặc biệt của Musk đã khiến ông trở thành người thành công vượt bậc trong kinh doanh cũng như trở thành một thế lực “nửa chính phủ”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Musk đã kết hợp “vật chất” – các nhà máy lớn, nhiều nhân viên và các sản phẩm có giá trị – với “kỹ thuật số” – để kiểm soát cách thức lan truyền thông tin.
Và không có gã khổng lồ công nghệ nào khác, dù như Mark Zuckerberg hay Jeff Bezos, có thể sánh ngang với điều đó, theo ông Cohen.
“Nếu ông ấy không mua Twitter, liệu chúng ta có đang bàn tán về ông ấy không? Nếu ông ấy chỉ là một tập đoàn đa quốc gia, sẽ là điều bình thường nếu ông ấy muốn có nhà máy ở Trung Quốc, ông ấy sẽ đi gặp Trung Quốc.”
Tuy nhiên, ông nói Cohen thêm, ông Musk đã rơi vào nhiều cạm bẫy giống như những người khác ở Thung lũng Silicon.
Ông Cohen nói: “Về cơ bản, họ nhìn thế giới theo cùng một cách: bạn chỉ lo cho chính mình, không có mạng lưới an toàn xã hội, bạn phải làm việc chăm chỉ và cố gắng hết sức để vươn lên dẫn đầu”.
“Đó là sự kết hợp giữa lòng tham và tư duy cơ bản coi trí thông minh là yếu tố quan trọng nhất và những người thông minh nhất sẽ thống trị thế giới.”
Ông Cohen cho rằng việc ông Musk và những nhân vật có thế lực không được bầu chọn khác có thể đưa ra các quyết định đơn phương gây ra những hậu quả địa chính trị đáng kể sẽ là một cảnh báo về tập trung tài sản và nền dân chủ đang suy yếu.
“Việc ông ta ở vị trí có thể quyết định xem các vệ tinh có tiếp tục hoạt động hay không liệu có thể chấp nhận được? Liệu có thể chấp nhận được việc ông ta đặt quảng trường công cộng?” ông Cohen hỏi.
“Chỉ vì bạn có tài trong lĩnh vực lập trình hoặc kinh doanh thì tại sao điều đó lại đồng nghĩa là bạn giỏi đưa ra các quy tắc về cách thức thế giới vận hành?”