Ukraine đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), kiện Slovakia, Ba Lan và Hungary về lệnh cấm ngũ cốc nhập từ Ukraine.
Ukraine nói cho biết khi đưa ra những hạn chế như vậy là các nước láng giềng EU đang vi phạm nghĩa vụ quốc tế.
Các nước này nói việc áp lệnh cấm là cần thiết để bảo vệ nông dân của họ khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ.
Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine năm ngoái đã khiến các các tuyến đường vận chuyển chính trên biển qua ngả Biển Đen bị đóng, buộc Ukraine phải tìm các tuyến đường bộ thay thế.
Điều đó dẫn đến tình trạng một lượng lớn ngũ cốc được chuyển đến Trung Âu dù trên lý thuyết, điểm đến của mặt hàng này là thị trường thế giới.
Kể từ đó, nông dân ở những nước này đã biểu tình phản đối, nói rằng ngũ cốc của Ukraine đang được đổ xuống nước họ và bán ra với giá thấp hơn và làm họ không thể cạnh tranh được.
Ngay từ tháng 3 năm nay, các hiệp hội nhà nông ở Ba Lan cho biết lúa mì, ngô và cải dầu từ Ukraine “tràn vào thị trường Ba Lan” với giá rất rẻ vì không chịu thuế nhập khẩu, trang Agropolska.pl cho hay.
Nhà nông Ba Lan nói họ “không hề có vấn đề gì với chuyện ngũ cốc Ukraine qua Ba Lan, ra cảng Gdansk và chuyển sang châu Phi”. Nhưng trên thực tế, ngũ cốc Ukraine đã được bán ngay tại Ba Lan, phá giá thị trường.
Trang chuyên ngành nông nghiệp nói trên cũng cho hay tính đến tháng 2/2023, chính phủ Ba Lan phải chi ra 2 triệu zloty (459 nghìn USD) trợ cấp cho nông dân nước này vì thua thiệt bởi ngũ cốc Ukraine.
Áp lực đã khiến khối EU gồm 27 thành viên hồi đầu năm nay đồng ý hạn chế thương mại đối với hàng nhập khẩu của Ukraine vào Hungary, Ba Lan, Slovakia – cũng như Bulgaria và Romania – cho đến ngày 15/9.
Vào ngày hết hạn, Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của EU – quyết định không gia hạn lệnh cấm.
Nhưng các chính phủ ở Budapest, Warsaw và Bratislava đã bất chấp động thái của EU và vẫn công bố những hạn chế của riêng họ.
Trong một thông cáo hôm thứ Hai, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko nói rằng “điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là chứng minh rằng các quốc gia thành viên riêng lẻ không thể cấm nhập khẩu hàng hóa Ukraine.”
“Đó là lý do tại sao chúng tôi đang đệ đơn kiện họ [Slovakia, Ba Lan và Hungary] lên WTO.”
Bà Svyrydenko nói thêm rằng các nhà xuất khẩu Ukraina “đã và đang tiếp tục chịu thiệt hại đáng kể” vì các lệnh cấm đơn phương.
Ba Lan cho biết bất kể thế nào, họ sẽ vẫn giữ nguyên lệnh cấm.
Người phát ngôn chính phủ Piotr Mueller cho biết: “Chúng tôi duy trì quan điểm của mình và cho rằng điều đó là đúng, nó xuất phát từ phân tích kinh tế và quyền lực bắt nguồn từ luật pháp EU và quốc tế”.
“Việc khiếu nại lên WTO không làm chúng tôi kinh ngạc gì.”
Ủy ban Châu Âu đã nhiều lần tuyên bố rằng việc đưa ra chính sách thương mại cho khối không phụ thuộc vào từng thành viên EU.
Ba Lan, Hungary và Slovakia vẫn cho phép ngũ cốc Ukraine quá cảnh sang các thị trường khác.
Ba Lan và Slovakia là những đồng minh chủ chốt của Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga – nhưng vấn đề nhập khẩu ngũ cốc đã gây ra xích mích.
Ukraine là một trong những nhà cung cấp nông sản lớn nhất thế giới, gồm các mặt hàng như dầu hướng dương, lúa mì, lúa mạch và ngô.
Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2/2022 và phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine đã khiến khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc dùng để xuất khẩu bị mắc kẹt.
Điều này khiến giá lương thực thế giới tăng vọt và đe dọa gây ra tình trạng thiếu hụt lương thực ở Trung Đông và Châu Phi.
Một thỏa thuận đã được ký kết vào tháng Bảy năm ngoái giữa Nga và Ukraine, theo đó cho phép các tàu chở hàng đi dọc hành lang ở Biển Đen đến các cảng của Ukraine.
Theo Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc, gần 33 triệu tấn ngũ cốc đã được vận chuyển từ Ukraine theo thỏa thuận này và kết quả là giá lương thực thế giới giảm khoảng 20%.
Tuy nhiên, Nga đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng Bảy và giá ngũ cốc thế giới đã tăng trở lại.
Rạn nứt quan hệ với Warsaw và những lời ‘không biết ơn’
Vụ kiện chính phủ Ukraine tung ra nhắm thẳng vào đồng minh chủ chốt Ba Lan chỉ là phần tiếp theo của những mâu thuẫn quyền lợi hai bên đã âm ỉ lâu nay.
Hôm đầu tháng 8, đánh giá về vụ ngũ cốc Ukraine vào Ba Lan, Bộ trưởng Văn phòng Phủ Tổng thống, Marcin Przydacz đã nói hành động của Ukraine là “thiếu sự biết ơn”.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu đại sứ Ba Lan tới để phản đối.
Các trang mạng Ba Lan đăng nhiều ý kiến của người dân tỏ ra bất bình rằng người Ba Lan đã đón hàng triệu dân Ukraine sang tỵ nạn, chia sẻ cả căn nhà, phòng ngủ, và nuôi không họ một năm, với tiền chi phí sinh hoạt, đi lại tàu xe hoàn toàn miễn phí, mà nay bị Ukraine kiện.
Các nhà bình luận châu Âu nói Ba Lan đã gồng mình về quân sự, chu cấp cho Ukraine vũ khí, xe tăng, trang thiết bị từ hơn một năm qua.
Tuy thế, cũng có ý kiến như trên trang Polityka ở Ba Lan cho rằng xung khắc giữa Ukraine và Ba Lan sẽ chỉ làm cho Điện Kremlin vui mừng, và người Ba Lan nên tránh phản ứng thái quá.
Điều này sẽ tệ hơn trong quan hệ song phương trước bầu cử ở Ba Lan sắp tới, khi đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) dùng lá bài dân tộc chủ nghĩa để thu phiếu, trang báo đánh giá.
Mặt khác, cách phát biểu sẵn sàng lên án đồng minh của một số lãnh đạo Ukraine lâu nay đã làm quan chức một số nước Nato ủng hộ Ukraine ở châu Âu khó chịu.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallce từng nói Ukraine không nên coi Nato là “kho vũ khí gọi là có”:
“Họ có thói quen coi đồng minh, gồm cả Anh, như thể chúng ta là kho hàng Amazon (Amazon warehouse) với danh sách đủ loại vũ khí.”
Ông nói hồi tháng Bảy, khuyên người Ukraine nên cẩn trọng khi phát ngôn nếu muốn thuyết phục các nghị sĩ Hoa Kỳ.
Thế nhưng có vẻ những lời khuyên đó không lọt tai quan chức ở Kyiv.
Trong tháng Tám vừa qua, phát biểu của một cố vấn cho tổng thống Zelensky đã gây chấn động tại Ba Lan.
Ông Mykhalo Podolyak khi được hỏi về quan hệ với Ba Lan đã nói “Ukraine hiện nay coi Ba Lan là đồng minh thân cận nhất, nhưng sau chiến tranh thì Ukraine sẽ cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của mình một cách tối đa”.
Lời phát biểu này, với phần sau đề cập về ý chí bảo vệ quyền lợi quốc gia của Ukraine thời hậu chiến trước mọi nước khác, chứ không chỉ Ba Lan, đã bị một số người Ba Lan cho là lời “vô ơn”, lợi dụng Ba Lan lúc cần, còn sau này thì sẵn sàng chơi sát ván.
Cho dù có báo Ba Lan cố gắng bênh vực ông Podolyak, rằng lời của ông bị truyền thông Nga “cắt xét”, bỏ khỏi ngữ cảnh, vị đắng trong quan hệ Warsaw-Kyiv vẫn đọng lại.
Một số nhà bình luận Ba Lan thì chấp nhận ý của ông Podolyak là không chống Ba Lan nhưng đặt câu hỏi “ông ta nghĩ gì mà nói ra thế vào lúc này?”, khi cuộc phản công của Kyiv còn chưa tới đâu.
Nhà báo Ba Lan, Edwin Bendyk giải thích thái độ của TT Zelensky với đồng minh Ba Lan là từ cách nhìn của Kyiv thì Warsaw dưới sự lãnh đạo của đảng PiS bảo thủ đang mâu thuẫn với Brussels, nên ông Zelensky đã lợi dụng việc này, nói chuyện thẳng với Ủy ban châu Âu về vụ vận chuyển ngũ cốc qua Ba Lan, và bỏ hẳn Warsaw khỏi cuộc chơi.
Đôi khi, để gửi thông điệp thẳng tới Nga, ông Zelensky đã tập hợp các nhà báo độc lập người Nga để trả lời phỏng vấn họ, nói về các vấn đề châu Âu.
Từ đó suy ra, Zelensky sẵn sàng coi vai trò của Kyiv cùng kiến thiết một cấu trúc an ninh châu Âu tương lai với các đại cường quan trọng hơn là quan hệ với Warsaw, theo nhà báo Ba Lan.
Ông Bendyk nhận định trong bài trên trang Polityka hôm 20/09 rằng cuối cùng thì “rạn nứt” đã xảy ra trong quan hệ Ba Lan với Ukraine.
Mặt khác, ông cũng cảnh báo người Ukraine rằng “Hiệu ứng Zelensky” đã nguội, không còn tác động tới châu Âu như hồi đầu cuộc chiến và cách “Kyiv bắt chẹt người khác bằng cảm xúc” không có hiệu quả nữa. Ông Zelensky hẳn phải nhận ra việc này khi dự hội nghị Nato ở Vilnius gần đây, ông Bendyk viết.
Vị thế của Ukraine còn tùy thuộc vào thực địa chiến trường với cuộc phản công của Ukraine chỉ còn chừng một tháng là vấp phải mùa đông giá lạnh.