- Tác giả,Meryl Sebastian
- Vai trò,BBC News, Cochin
- 22 tháng 9 2023
Ấn Độ đã ngừng cấp thị thực cho công dân Canada trong bối cảnh tranh cãi leo thang về vụ sát hại một nhân vật ly khai theo đạo Sikh trên đất Canada.
Ấn Độ cho biết động thái tạm thời này là do “các mối đe dọa an ninh” gây trở ngại cho công việc của các cơ quan đại diện nước này tại Canada.
Căng thẳng bùng lên trong tuần này sau khi Thủ tướng Justin Trudeau nói rằng Ấn Độ có thể đứng sau vụ giết người ngày 18/6.
Nhưng ông Trudeau hôm 21/9 nói ông không có ý khiêu khích Ấn Độ bằng cáo buộc này.
Ấn Độ đã giận dữ bác bỏ cáo buộc này và gọi đó là “vô lý”.
Trả lời các phóng viên ở New York, bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Trudeau nói: “Không có gì nghi ngờ việc Ấn Độ là một quốc gia có tầm quan trọng ngày càng tăng và là quốc gia mà chúng ta cần tiếp tục hợp tác”.
Ông cho biết Canada không tìm cách khiêu khích Ấn Độ hay gây ra vấn đề bằng cáo buộc này nhưng khẳng định rõ rệt về tầm quan trọng của nhà nước pháp quyền và việc bảo vệ người dân Canada.
Mối quan hệ giữa hai quốc gia – đối tác thương mại và an ninh quan trọng cũng như là đồng minh của Mỹ – đã căng thẳng trong nhiều tháng. Các nhà phân tích cho rằng hiện nay ngoại giao giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong mọi thời.
Chính phủ Ấn Độ nhanh chóng nói rõ việc đình chỉ dịch vụ thị thực cũng “áp dụng đối với người Canada ở nước thứ ba”.
“Đã có những lời đe dọa nhắm vào đại sứ quán và lãnh sự quán của chúng tôi ở Canada”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ ở Delhi cho biết. “Điều này đã làm gián đoạn hoạt động thông thường của họ. Do đó [họ] tạm thời không thể xử lý đơn xin thị thực.”
“Ấn Độ đang tìm kiếm sự ngang hàng về cấp bậc và sức mạnh ngoại giao giữa các cơ quan ngoại giao của hai nước. Điều này đang được kiếm tìm vì sự can thiệp ngoại giao của Canada vào chuyện nội bộ của chúng tôi”, ông nói.
Vài giờ trước đó, Canada tuyên bố sẽ cắt giảm số lượng nhà ngoại giao ở Ấn Độ, cho biết một số người đã nhận được những lời đe dọa trên mạng xã hội.
Một tuyên bố của Canada viết: “Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng, chúng tôi đang hành động để đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao của mình”.
Dịch vụ thị thực của Canada vẫn mở ở Ấn Độ.
Hai nước có mối quan hệ gắn kết về mặt lịch sử – và có nhiều điều đang bị đe dọa.
Canada có 1,4 triệu người gốc Ấn – hơn một nửa trong số họ là người theo đạo Sikh – chiếm 3,7% dân số cả nước, theo điều tra dân số năm 2021.
Ấn Độ cũng có số lượng sinh viên quốc tế đến Canada cao nhất – vào năm 2022, Ấn Độ chiếm 40% tổng số sinh viên nước ngoài là 320.000.
Theo thống kê của chính phủ Ấn Độ, khoảng 80.000 khách du lịch Canada đã đến thăm nước này vào năm 2021, chỉ sau Mỹ, Bangladesh và Anh.
Tranh cãi nổ ra hôm 18/9 sau khi Canada cho rằng Ấn Độ có liên quan vụ sát hại thủ lĩnh phe ly khai Hardeep Singh Nijjar, một công dân Canada bị hai tay súng đeo mặt nạ bắn chết trong xe của mình, bên ngoài một ngôi đền Sikh ở British Columbia.
Thủ tướng Justin Trudeau nói các cơ quan tình báo Canada đang điều tra xem liệu “các đặc vụ của chính phủ Ấn Độ” có dính dáng đến vụ sát hại Nijjar – người mà Ấn Độ coi là phần tử khủng bố vào năm 2020 hay không.
Ấn Độ đáp trả mạnh mẽ, nói rằng Canada đang cố gắng “chuyển sự chú ý khỏi những kẻ khủng bố và cực đoan Khalistani”, những người đã được cho trú ẩn ở đó.
Chính phủ Ấn Độ thường phản ứng gay gắt trước những yêu cầu của phe ly khai theo đạo Sikh ở các nước phương Tây về Khalistan (phong trào đòi hỏi một nhà nước Sikh độc lập, tách khỏi Ấn Độ), hoặc một quê hương dành riêng cho người Sikh.
Hôm 21/9, các phóng viên đã hỏi ông Trudeau về bằng chứng nào cho thấy Ấn Độ có liên quan đến vụ giết người.
Ông không chia sẻ thêm thông tin chi tiết nhưng nói rằng “quyết định chia sẻ những cáo buộc này không được thực hiện một cách qua loa”.
Ông Trudeau nói: “Việc này được thực hiện hết sức nghiêm túc”, đồng thời kêu gọi các quan chức Ấn Độ hợp tác điều tra về vụ giết người.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Canada chưa chia sẻ thông tin cụ thể với Ấn Độ về vụ sát hại Nijjar.
Arindam Bagchi phát biểu hôm 21/9: “Chúng tôi đã truyền đạt điều này tới phía Canada, nói rõ với họ rằng chúng tôi sẵn sàng xem xét bất kỳ thông tin cụ thể nào mà chúng tôi được cung cấp”. “Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin cụ thể nào như vậy cả”.
Phong trào Khalistan lên đến đỉnh điểm ở Ấn Độ vào những năm 1980 với cuộc nổi dậy bạo lực tập trung ở bang Punjab – nơi có đa số người theo đạo Sikh.
Nó đã bị dập tắt bằng vũ lực và hiện nay ít gây được tiếng vang ở Ấn Độ, nhưng vẫn phổ biến đối với một số cộng đồng người Sikh hải ngoại ở một số quốc gia như Canada, Úc và Anh.