Sau 19 tháng chiến tranh Ukraina, quân đội Nga đã xác định được ít nhất 4 nhược điểm của mình trên chiến trường và một số bất cập trong học thuyết quân sự. Cái may đối với Nga là quân đội nước này dù vậy có khả năng « thích ứng khá nhanh ». Trên đây là một số điểm chính trong nghiên cứu được chuyên gia về chiến lược của Nga Dimitri Minic, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho công bố ngày 22/09/2023.
Đăng ngày: 22/09/2023
Trong bài viết mang tựa đề « Que pense l’armée russe de sa guerre en Ukraine ? Critiques, recommandations, adaptations – Quân đội Nga nghĩ gì về cuộc chiến của họ ở Ukraina ? Những phê bình, khuyến nghị, thích ứng », tác giả đã căn cứ vào những thông tin trực tiếp của bên quân đội Nga, đặc biệt là từ tạp chí khoa học quân sự Voennaâ Mysl – Tư tưởng quân sự của Nga.
Khả năng răn đe bất cập và thiếu chuẩn bị
Chiến dịch quân sự đặc biệt mà tổng thống Vladimir Putin khởi động đã bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên tại Matxcơva ở thượng tầng guồng máy quân sự, mọi người có chung một quan điểm : « Chiến dịch này là một hậu quả từ sự chống đối triệt để của phương Tây nhắm vào nước Nga ». Trong phần mở đầu Dimitri Minic nhắc lại « Từ tháng 2/2022, quân đội Nga đã bình luận và rút ra nhiều bài học từ chiến tranh Ukraina ». Vậy những bài học đó là gì ?
Bài học đầu tiên theo tác giả bài nghiên cứu là sự « thiếu chuẩn bị từ ở « thượng nguồn ». Quyết định đã được đưa ra mà không tuân thủ một nguyên tắc từng được ghi rõ trong học thuyết quân sự của Nga từ 2014. Nguyên tắc đó là « Huy động và triển khai quân đến những vùng biên giới bị đe dọa không thôi chưa đủ », mà còn phải « áp dụng luôn cả những biện pháp phi quân sự một cách hiệu quả ».
Các biện pháp « phi quân sự » đó gồm nhiều lĩnh vực : « tâm lý, kinh tế, một sự cân bằng nào đó về mặt chính trị và ngoại giao ». Quân đội Nga cũng đã có những thiếu sót trong việc thu thập thông tin tình báo hay « thiếu hiểu biết và kém cỏi trong khả năng cập nhật tình hình (…) xác định những đối tượng và hoạt động nguy hiểm » đối với các quân nhân Nga. Tất cả những sơ xuất ban đầu đó đã dẫn tới những tác động tai hại như là « lãng phí các nguồn lực cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa » nhắm vào quân nhân Nga.
Một ông khổng lồ « cứng nhắc »
Bài học thứ nhì là quân Nga đã thấy rõ những nhược điểm của mình. Dimitri Minic nêu lên bốn điểm khiến giới tướng lĩnh Nga lo lắng : 1- « lãng phí », 2- khả năng nghèo nàn về người và của cần thiết cho cỗ máy chiến tranh, 3- « khó khăn trong việc huy động các nguồn lực », và 4- « một phần lớn quân Nga không được đào tạo để sử dụng những trang thiết bị đời mới » hay số này quá ít và đã chóng bị việt vị ngay từ những tuần lễ đầu cuộc chiến.
Ngoài ra trrên trận địa, phía Nga vấp phải hai khó khăn khác đó là là sự kém cỏi về các phương tiện tình báo hay chỉ đơn giản như việc có được bản đồ « chính xác » và « được cập nhật » để tiến hành các đợt tấn công. Điểm yếu thứ hai liên quan đến « đội hình » của Nga : ra trận, chỉ huy Nga chủ trương lấy số đông áp đảo đối phương. Các đoàn quân hùng hậu của Nga tiến vào lãnh thổ Ukraina đã chóng nhận thấy rằng họ là một ông khổng lồ di chuyển chậm chạp và dễ trở thành những con mồi cho đối phương. Tác giả bài nghiên cứu nhắc lại tại Irpine, gần thủ đô Kiev, hàng chục xe vận tải của của đoàn quân Nga đã bị dễ dàng bị tên lửa, đạn pháo của Ukraina tiêu hủy. Cũng ông « khổng lồ » di chuyển chậm chạp đó đã khiến chiến dịch chiếm đóng Kiev thất bại ngay những ngày đầu tháng 3/2022.
Khả năng « nhanh chóng thích ứng với tình huống »
Dimitri Minic ghi nhận, bên cạnh rất nhiều những « lỗ hổng » từ ở khâu chuẩn bị, đến tổ chức, chiến thuật … Nga có một điểm mạnh đó là « khả năng thích ứng với tình huống khá nhanh ».
Chỉ sau vài tuần đối mặt với thực tế trên trận địa, cũng ngay từ tháng 3/2022, giới chỉ huy đã « xé lẻ » những đoàn quân hùng hậu đó thành những binh đoàn nhỏ hơn, uyển chuyển hơn, dễ di động hơn. Tính toán đó đã « khá thành công ở Kherson ». Phía Nga cũng đã không còn xem thường khả năng chiến đấu hay dám khinh thường những « phương tiện nghèo nàn » của đối phương. Thí dụ thứ nhì cho thấy khả năng « thích ứng » của bên quân đội Nga rất lợi hại liên quan đến các đơn vị pháo binh. Bộ phận này « chóng nhận ra rằng, một trong những vấn đề lớn của họ » là bắn không chính xác và do vậy họ đã nhanh chóng chuyển sang « sản xuất vũ khí với độ bắn chính xác cao ».
Về công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại, Nga đã sớm nhận thấy không đủ sức đối chọi với vũ khí đời mới mà phương Tây cung cấp cho Ukraina. Nga không có khả năng bắn chận tên lửa Himars của Mỹ trang bị cho Ukraina nên đã khôn ngoan « lùi căn cứ hậu cần về phía sau, ngoài tầm bắn » của Himars. Chuyên gia Dimitri Minic ghi nhận, trong vài tháng, « đạn pháo và độ bắn chính xác để có hiệu quả cao nhất đã trở thành một vấn đề trung tâm » của quân đội Nga.
Liên quan đến drone, theo chuyên gia của viện IFRI : drone của Ukraina « là một trong những lý do chính dẫn đến thất bại của các đoàn quân hùng hậu Nga tiến vào Kiev một tuần lễ sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ». Drone của Ukraina đã « giữ chân » xe tăng, thiết giáp và quân Nga trước khi trở thành vũ khí tấn công vào các trung tâm hậu cần của đối phương ».
Dimitri Minic không phủ nhận tính lợi hại của các loại drone Nga như Bezencev, Polakov hay Tumako… nhưng « họ có quá ít để thi hành nhiệm vụ » . Song Matxcơva đã khắc phục nhược điểm này. Từ tháng 1/2023 đội ngũ drone của Nga có thêm loại Orlan-30.
Ba nỗi lo
Trong phần kết luận nhà nghiên cứu Dimitri Minic nhận xét : quân đội Nga có cái nhìn « phê phán » về chiến tranh do chính họ đang tiến hành và nhiều người « bi quan » về những bước sắp tới trong cuộc chiến tại Ukraina.
Tác giả ngạc nhiên khi thấy bên quân đội Nga tương đối dễ dàng nhìn nhận những « yếu kém và giới hạn » của mình so với lực lượng của Ukraina.
Một điều bất ngờ khác được ông Minic ghi nhận, « trong hàng ngũ quân đội, có một không gian tự do tương đối », để nói lên sự thật về những điểm bất cập trong chiến lược phòng thủ, trong học thuyết quân sự hay về tiềm lực thực sự của Nga. Chính nhờ có một chút tự do đó cho nên tiếng nói của một số viên tướng Nga đã xuyên thủng một bức màn vô hình, vươn đến chính giới ở Matxcơva.
Dù vậy ở thượng tầng cỗ máy chiến tranh Nga, hiện đang có một số lo ngại : trước hết là toàn cảnh kinh tế khó khăn của đất nước trước những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Kế tới là khả năng có hạn của guồng máy công nghiệp quân sự của Nga. Khúc mắc thứ ba là hiện tượng « chảy máu chất xám ». Theo tác giả bài nghiên cứu trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, Dimitri Minic, qua các phát biểu chính thức, giới tướng lĩnh Nga ít khi dám lạc quan về hồi kết tốt đẹp cho nước Nga trong cuộc chiến hiện nay.