- James Clayton
- Phóng viên công nghệ Bắc Mỹ, BBC News
Có một thời trước khi ChatGPT nổi lên, thế giới công nghệ bàn tán nhiều đến một thứ rất khác.
Các bạn còn nhớ metaverse không?
Trong một giai đoạn, metaverse thống trị tin tức công nghệ. Một thế giới thực tế ảo sẽ rất bao trùm, rất cuốn hút khiến chúng ta muốn sống một phần cuộc đời mình trong đó.
Người thúc đẩy mạnh metaverse là Mark Zuckerberg.
Tỷ phú công nghệ hết mình với nó tới mức vào tháng 10/2021, ông đổi tên Facebook thành Meta.
“Điểm đặc trưng tiêu biểu của metaverse sẽ là một cảm giác có mặt,” người đứng đầu Meta nói khi tuyên bố hãng đổi tên.
“Cảm thấy thực sự có mặt với một người khác là ước mơ của công nghệ xã hội. Đó là lý do vì sao chúng tôi tập trung vào phát triển nó.
“Trong metaverse, bạn sẽ có thể làm gần như bất kỳ điều gì bạn có thể tưởng tượng,” Zuckerberg nói.
Không ai có thể chê ông là thiếu tham vọng.
Nhưng gần hai năm sau, tầm nhìn của Zuckerberg về metaverse đang gặp khó khăn.
Hồi tháng Tư, ông buộc phải lên tiếng phủ nhận ông sẽ từ bỏ theo đuổi metaverse.
“Có câu chuyện dấy lên rằng chúng tôi đang rời xa việc tập trung phát triển metaverse,” ông nói với các nhà đầu tư hồi tháng Tư. “Nên tôi chỉ muốn nói trước là điều này không chính xác.”
Hôm thứ Tư, Meta tổ chức sự kiện VR hàng năm có tên Meta Connect.
Có lẽ đây là cơ hội cho Zuckerberg giải thích một lần nữa lý do vì sao ông đưa một công ty truyền thông xã hội có lợi nhuận cao chuyển sang tập trung vào công nghệ VR đang lỗ nặng.
Lỗ tới mức nào? Những con số gần đây từ Meta thật choáng.
Reality Labs – chi nhánh thực tế ảo của Meta, đúng như tên gọi – báo lỗ với con số khủng là 21 tỷ USD năm ngoái.
Một phần khoản lỗ này là do chiến lược đầu tư dài hơi. Meta không kỳ vọng sẽ có lãi trong ngắn hạn. Nhưng điều đáng lo ngại cho hãng là tới giờ, vẫn có rất ít bằng chứng cho thấy hướng kinh doanh này sẽ thành công.
Horizon Worlds, một game do Meta phát hành, dường như là sản phẩm gần nhất với việc tạo ra một metaverse.
Người dùng có thể vào các bối cảnh khác nhau – quán cà phê, CLB hài, hộp đêm, sân bóng rổ – để thư giãn hay chơi thể thao.
Meta nói họ có 300.000 người dùng hàng tháng: rất nhỏ so với hàng tỷ người dùng Facebook và Instagram.
Và tại mỗi thời điểm, có rất ít người thực sự đang chơi game này.
Những người chơi viết review phàn nàn rằng các thế giới ảo vắng tanh, và họ nói không có đủ người tham gia để làm game thú vị. Hoặc nếu có người thì chủ yếu là trẻ em.
Nhưng chỉ trích lớn nhất với Horizon Worlds là hình ảnh trông khá tệ – giống như graphic từ Nintendo Wii từ 2006 hơn là trải nghiệm VR rực rỡ mà Zuckerberg hứa hẹn.
Còn về các bộ kính thực tế ảo của Meta, khó mà thấy công nghệ hiện nay có gì giống với tầm nhìn mà vị tỷ phú công nghệ đưa ra.
Theo một bài từ trang tin the Verge hồi đầu năm, Meta đã bán được hơn 20 triệu bộ kính VR. Không tồi – và bộ Quest 2 đã nhận được review tích cực.
Nhưng chỉ xét về con số, có các thiết bị chơi game VR khác bán chạy hơn nhiều.
Chẳng hạn, Sony tuyên bố họ đã bán được hơn 40 triệu console PlayStation 5.
Và hãy nhớ rằng, Zuckerberg không chỉ muốn thành công với thiết bị chơi game.
Ông muốn cách mạng hóa cách chúng ta sống, làm việc và “kết nối”.
Nói trắng ra, thực tế ảo VR vẫn chỉ nằm ngoài rìa. Nó không phải là cách mà đa số chúng ta chơi game, và chắc chắn không phải cách mà mọi người sử dụng thời gian. Sống thật vẫn hấp dẫn một cách cứng đầu.
Vào tháng Bảy, trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư, có người hỏi Zuckerberg tại sao ông lại tiêu khoản tiền lớn như vậy.
“Hãy giúp chúng tôi hiểu,” họ nói.
Zuckerberg nói ông hiểu băn khoăn của mọi người, và thừa nhận: “Tôi không thể đảm bảo với các bạn rằng tôi sẽ đúng trong canh bạc này. Nhưng tôi tin rằng thế giới sẽ đi theo hướng này.”
Vậy là vào thứ Tư, chúng ta sẽ nghe thêm xem Zuckerberg nói gì khi ông tìm cách thổi sinh khí vào một khái niệm đang rất cần oxy.
Chúng ta sẽ nghe thêm về bộ kính thực tế ảo mới nhất của Meta, Quest 3 – và Horizon Worlds sẽ chuyển sang mobile và máy tính ra sao (nên bạn không cần đeo kính ảo vẫn có thể chơi được).
Và chúng ta cũng sẽ nghe nhiều thông báo mới về AI.
Không nghi ngờ gì chúng ta cũng sẽ một lần nữa nghe ông nói rằng metaverse là một dự án dài hạn – rằng chúng ta còn chưa được chứng kiến metaverse thật.
Zuckerberg chắc chắn vẫn tin vào nó – được thể hiện qua sổ sách kế toán của Meta. Hồi tháng Bảy ông nói sang năm Reality Labs dự tính sẽ báo lỗ còn lớn hơn năm nay.
Vậy là metaverse vẫn sống ở Meta – nhưng phần còn lại của thế giới tech dường như đã vượt đi nơi khác.