Trong cuộc chiến chống Nga kéo dài từ tháng 02/2022, Ukraina đã có thể trông đợi vào sự giúp đỡ cực kỳ hào phóng của đồng minh Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, đặc biệt trong lãnh vực vũ khí. Thế nhưng, trong ngày 30/09/2023, Kiev đã liên tiếp bị hai vố đau, với hai sự kiện không liên quan gì đến nhau nhưng lại có thể cùng chung hệ quả: giảm bớt nguồn chi viện vũ khí mà Ukraina rất cần để đánh lại Nga.
Đăng ngày: 02/10/2023
Vố đau đầu tiên và có thể được cảm nhận rõ nhất đến từ Washington, với sự kiện Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ ngày 30/09/2023 đã cấp tốc thông qua một biện pháp khẩn cấp nhằm giúp chính quyền Mỹ tránh được tình trạng bị tê liệt vì không còn ngân sách vận hành kể từ ngày 01/10.
Văn bản được Quốc Hội Mỹ thông qua quy định rằng chính quyền Mỹ tiếp tục được tài trợ để hoạt động, nhưng chỉ tạm thời trong 45 ngày. Để đạt được thỏa thuận đó, trước thái độ khăng khăng của một vài dân biểu cực đoan trong đảng Cộng Hòa, không chấp nhận ghi vấn đề viện trợ cho Ukraina vào ngân sách, đảng Dân Chủ cũng như Nhà Trắng đã phải đồng ý loại bỏ khỏi thỏa thuận các khoản viện trợ tài chính và quân sự mới cho Ukraina để cho văn kiện được thông qua.
Bị loại bỏ trong luật tài chính tạm thời, liệu các khoản viện trợ mới của Mỹ cho Ukraina có được thông qua bằng ngả khác hay không? Trong những ngày sắp tới, một dự luật riêng biệt sẽ được đệ trình, dự trù cấp thêm cho Kiev 24 tỷ đô la viện trợ quân sự và nhân đạo.
Vấn đề sẽ lại được đặt ra một lần nữa với nhóm dân biểu cực đoan trong đảng Cộng Hòa thuộc giới đi theo cựu tổng thống Trump, vốn đã thề quyết là sẽ ngăn chặn bất kỳ khoản viện trợ mới nào cho Ukraina, cho rằng những khoản tiền này nên dùng cho việc quản lý cuộc khủng hoảng di cư ngay tại Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là liệu nhóm dân biểu này có đủ sức bác bỏ dự luật riêng biệt đó hay không.
Tình hình đối với Ukraina còn phức tạp hơn nữa trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy vừa qua tại Quốc Hội Hoa Kỳ còn cho thấy là một số người trong đảng Dân Chủ cũng sẵn sàng “hy sinh” Ukraina.
Ngoài ra, Kiev cũng lo ngại trước nguy cơ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, một người từng ca ngợi Vladimir Putin và không mặn mà lắm với Ukraina, trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2024 và thay đổi thái độ của Washington đối với Kiev.
Vố đau thứ hai đối với Ukraina chính là việc đồng minh Slovakia có thể thay đổi thái độ sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 30/09 vừa qua.
Tại nước láng giềng này, đảng dân túy cánh tả Smer-SD đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp. Dưới quyền lãnh đạo của cựu thủ tướng Robert Fico, đảng nổi tiếng là thân Matxcơva đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng Slovakia sẽ không gửi “hy sinh”một viên đạn nào” tới Ukraina và kêu gọi quan hệ tốt hơn với Nga.
Theo một số nhà phân tích, một khi lên cầm quyền, chính phủ Fico có thể thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của Slovakia. Báo Pháp Le Monde nhận xét: Toàn bộ chiến dịch tranh cử của ông Fico trong thời gian qua đã dựa trên những hứa hẹn điều chỉnh chính sách đối ngoại của quốc gia Trung Âu này đi theo đường lối của nước láng giềng Hungary, từ việc “từ chối viện trợ quân sự cho Ukraina” vì điều đó “chỉ kéo dài xung đột”, cho đến phản đối “các lệnh trừng phạt gây hại cho Châu Âu hơn là Nga” hoặc “bình thường hóa quan hệ” với Matxcơva.
Dù ông Fico đảm bảo rằng ông vẫn muốn Slovakia tiếp tục là thành viên của Liên Âu và NATO, nhưng việc ông trở lại nắm quyền có khả năng chấm dứt chính sách thân Ukraina của chính phủ sắp mãn nhiệm, một chính sách đã đi xa đến mức sẵn sàng cung cấp MiG-29 của quân đội Slovakia cho Ukraina.