Nga dường như đã mất thêm một máy bay chiến đấu đa năng Su-35. Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga (VKS) ngày 29/9 đăng tải thông điệp ngắn gọn nhưng nặng nề, kèm theo thông điệp ý nghĩa dưới bức ảnh tiêm kích Su-35: “Chuyến bay vĩnh biệt, người anh em…”!
Cả chính quyền Nga và Ukraine đều chưa xác nhận vụ rơi máy bay Su-35 của Nga. Tuy nhiên, một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy lực lượng Nga đang kích hoạt hệ thống phòng không của họ gần thành phố Tokmak ở tỉnh Zaporizhia do Nga chiếm đóng. Nhiều nguồn tin khác nhau cho rằng tiêm kích Su-35 của Nga đã vô tình bị hỏa lực phòng không của chính nước này bắn hạ.
Tokmak là mục tiêu chính trong cuộc phản công liên tục của Ukraine theo hướng Zaporizhia, cách tuyến phòng thủ của lực lượng Ukraine khoảng 32 km và nằm trong tầm bắn của SA-11 Buk của Ukraine và các hệ thống phòng không khác. Các đơn vị Su-35 của Không quân Nga thực hiện nhiều vai trò khác nhau trong chiến tranh, bao gồm cả việc trấn áp các hệ thống phòng không của đối phương (SEAD) trên không và trên mặt đất. Su-35 có radar mạnh mẽ, vũ khí không đối không tầm xa và bộ tác chiến điện tử tiên tiến vượt trội so với các máy bay chiến đấu hiện có của Không quân Ukraine.
Justin Bronk, chuyên gia cấp cao tại Lực lượng Không quân Hoàng gia và Công nghệ Quân sự ở London, cho biết mặc dù Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga áp dụng quyền chỉ huy và kiểm soát rất nghiêm ngặt các hoạt động của máy bay chiến đấu, nhưng những tình huống “quân ta bắn quân mình” như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Mặc dù việc tránh xung đột giữa máy bay và hệ thống phòng không trên mặt đất là không hề phức tạp.
Việc máy bay chiến đấu Su-35 có thể hoạt động gần tiền tuyến như vậy là điều bất thường. Lực lượng hàng không vũ trụ Nga nhìn chung rất thận trọng khi luôn duy trì các hoạt động ở ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không tên lửa Ukraine. Chiến thuật này gần như được duy trì kể từ khi Nga xâm lấn Ukraine cho đến nay. Việc xảy ra chuyện nhầm lẫn bắn vào quân mình cho thấy Ukraine có thể sử dụng máy bay không người lái và tên lửa để quấy rối hệ thống mạng lưới phòng không của đối phương, buộc nước này phải duy trì trạng thái cảnh giác cao độ và cực kỳ nhạy cảm, từ đó gây ra hỗn loạn lớn hơn.
Cựu chỉ huy cấp cao của Lực lượng Phòng không Hoàng gia Gary Bagwell cho biết, việc bão hòa hệ thống mạng của đối phương là cách làm phổ biến trong các hoạt động “trấn áp phòng không của đối phương”.
Còn Giám đốc tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cho biết Ukraine đã tạo ra những lỗ hổng này trong phạm vi bao phủ phòng không tổng thể của mình. Những lỗ hổng này được khai thác để làm một số việc. “Ngoài ra, chúng tôi cũng đang làm cạn kiệt kho tên lửa phòng không của họ vì số lượng tên lửa này không phải là vô hạn”.
Nhóm theo dõi nguồn mở Oryx cho biết ít nhất đây là chiếc máy bay chiến đấu Su-35 thứ 5 mà Nga bị mất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tổng lực. Tuy nhiên, con số này thực tế có thể cao hơn vì Oryx chỉ tính những tổn thất mà họ có thể xác minh trực quan.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã mất khoảng 90 máy bay cánh cố định trong chiến đấu kể từ khi bắt đầu chiến tranh, trong khi trước khi cuộc chiến bắt đầu thì Nga có khoảng 900 máy bay chiến thuật. Nếu Su-35 thực sự bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ thì đây không phải là lần đầu tiên sự cố như vậy xảy ra. Vào tháng 7 năm ngoái, Nga đã bắn hạ một máy bay tấn công Su-34 của chính mình khi nó đang bay qua Luhansk ở miền đông Ukraine.
Ukraine cũng đã mất nhiều máy bay chiến đấu do hệ thống phòng không của nước này gặp trục trặc. Theo trang tin hàng không Key Aero, một trong những máy bay chiến đấu MiG-29 của nước này đã bị hệ thống phòng không Osa do Quân đội Ukraine vận hành bắn hạ vào tháng 1 năm nay.
Trong chiến tranh, ở vùng trời có nhiều tranh chấp, những chuyện như thế này xảy ra tương đối phổ biến. Tuy nhiên, khi Kyiv tiếp tục quyết tâm phá hủy hệ thống phòng không của Nga, tác động của hành động như vậy có thể tạo ra mức độ hỗn loạn lớn vào thời chiến. Nó có thể dẫn đến những sự cố tương tự với việc các máy bay chiến đấu của Nga có khả năng phải đối mặt với mối đe dọa lớn hơn từ hoả lực của chính họ.
Vào tháng 5 năm nay, Báo Kommersant loan tin hai máy bay chiến đấu và hai trực thăng quân sự của Nga đã bị bắn hạ trong lãnh thổ nước này gần biên giới Ukraine trong ngày 13/5. Theo đó, máy bay tiêm kích-ném bom Su-34, máy bay chiến đấu Su-35 và hai trực thăng Mi-8 đã tạo thành một nhóm đột kích nhưng đã bị “bắn hạ gần như cùng lúc” trong một cuộc phục kích ở tỉnh Bryansk, giáp với phía đông bắc Ukraine. Từ bây giờ với những mẩu tin kiểu như thế này, có lẽ người ta sẽ phải đặt ra một câu hỏi kiểu như: Có phải Ukraine thực sự bắn hạ chúng, hay thủ phạm lại chính là Moscow đây?
Trong khi đó, ông Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, đã đăng một đoạn video trên mạng xã hội X, trong đó một binh sĩ Nga nói rằng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS của Ukraine tạo ra hiệu ứng tấn công khủng khiếp. Video cho thấy tàn tích của hệ thống pháo tự hành của quân đội Nga bị đốt cháy sau cuộc tấn công của HIMARS. Hai pháo tự hành 2S9 Nona-S của Nga bị phá hủy ở Makivka, tỉnh Donetsk.
Trong video, người lính giấu tên vừa đi vừa nói về các cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào hệ thống Nona, hệ thống đóng vai trò then chốt cho cả hai bên trong cuộc chiến. Người lính Nga cho biết đây chính là nơi tổ đội pháo tự hành Nga thiệt mạng.
Từ đó, chúng ta có thể thấy vũ khí tấn công tầm xa thực sự có tầm quan trọng cực kỳ lớn đối với Ukraine. Đặc biệt là khi thời tiết bước vào mùa đông băng giá khiến binh sĩ đôi bên khó lòng áp sát công phá được phòng tuyến của đối phương. Trong các đối tác viện trợ vũ khí tầm xa cho Kyiv, Đức và Anh có vẻ như đang sẵn sàng leo thang căng thẳng với Nga.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Berliner Morgenpost đăng ngày 30/9, bà Strack-Zimmermann, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Đức, lập luận rằng Đức “lúc này nên chuyển giao ngay tên lửa Taurus” để giúp các lực lượng Ukraine có thể phá vỡ những tuyến tiếp tế của Nga.
Bà Strack-Zimmermann lập luận rằng Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu ở bán đảo Crimea và trên đất Nga. Tuy nhiên, bà nói rõ rằng việc cố ý sử dụng tên lửa Taurus chống lại dân thường sẽ bị cấm, giống như việc triển khai quân đội Đức tới Ukraine.
Chính phủ Đức được cho là đang cân nhắc cung cấp tên lửa Taurus KEPD-350 cho Ukraine. Đây được xem là một trong những tổ hợp vũ khí hiện đại nhất hiện được quân đội Đức sử dụng.
Taurus KEPD-350 dài 5 m, nặng 1,4 tấn và được máy bay chiến đấu phóng từ trên không. Sau đó, nó di chuyển với tốc độ lên tới 1.170 km/giờ để có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 500 km. Loại vũ khí có tầm tấn công xa nhất Ukraine đã nhận được từ phương Tây là tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG của Anh và Pháp, với tầm bắn 250 km. Mỹ gần đây cũng đã hứa sẽ cung cấp tên lửa ATACMS có tầm tấn công 300 km cho Ukraine.
Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn với báo Sunday Telegraph ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho hay chính phủ nước này muốn đưa chuyên gia tới Ukraine để trực tiếp huấn luyện, bên cạnh việc huấn luyện quân nhân Ukraine ở Anh hoặc các nước phương Tây khác như hiện nay.
Cho đến nay, Anh và các đồng minh NATO vẫn tránh hiện diện quân sự chính thức ở Ukraine nhằm giảm nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, Anh đã cung cấp những khóa huấn luyện quân sự kéo dài 5 tuần cho khoảng 20.000 người Ukraine trong năm qua và dự định tiếp tục huấn luyện một số lượng tương tự. Bộ trưởng Shapps, người vừa đến thăm Kyiv, cho biết thêm ông hy vọng các công ty quốc phòng của Anh như BAE Systems sẽ tiến hành kế hoạch thành lập các nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine và Pháp đã hợp tác phát triển mẫu UAV mới dựa trên dòng Aarok, được Paris công bố hồi tháng 6 và có khả năng mang 1,5 tấn vũ khí.
Được tập đoàn Turgis & Gaillard công bố hồi tháng 6, Aarok là dòng UAV chiến đấu lớp MALE, tên gọi của dòng UAV có khả năng bay ở độ cao trung bình và thời gian hoạt động dài. Nó có tải trọng tối đa 3 tấn, trong đó một nửa là vũ khí, bay liên tục trong 24 giờ, sử dụng động cơ tua-bin cánh quạt PT-6 do Canada sản xuất.
Aarok có thể mang theo tên lửa và bom dẫn đường chính xác. Hệ thống vũ khí của UAV được thiết kế theo dạng module, cho phép thay đổi khí tài phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm tập kích, trinh sát trên biển và đất liền, chống tàu ngầm.
Aarok được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng về ngoại hình và chức năng với dòng UAV MQ-9 Reaper của Mỹ, song có sải cánh lớn hơn, tốc độ bay nhanh hơn, còn trần bay lại thấp hơn. Nhà sản xuất đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay thử đầu tiên cho Aarok vào cuối năm nay.
Ngoài Anh và Đức thì Châu Phi có thể trở thành một nguồn cung cấp vũ khí khác cho Ukraine. Mới đây, tại Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế lần thứ nhất ở Kyiv, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng các nước châu Phi không chỉ quan tâm đến việc mua vũ khí từ Kyiv mà còn quan tâm đến việc sản xuất chúng. Diễn đàn có sự tham dự của 250 công ty quốc phòng từ hơn 30 quốc gia khi Ukraine tìm kiếm các nhà sản xuất vũ khí để hỗ trợ ngành công nghiệp vũ khí trong nước.
Ông Kuleba cho biết trước khi nổ ra chiến tranh tổng lực, châu Phi là một trong những thị trường lớn nhất cho các sản phẩm quân sự của Ukraine. Dù Ukraine hiện chưa thể bán bất kỳ loại vũ khí nào cho châu Phi nhưng các nước châu Phi lại quan tâm đến việc sản xuất vũ khí, đạn dược của Ukraine trên lãnh thổ của mình. Ukraine cho rằng điều này xuất phát từ nhận thức của các đối tác châu Phi về chất lượng vũ khí của Ukraine và coi Ukraine là đối tác.
Trong khi đó, Nga gần đây hạn chế triển khai trực thăng “Cá sấu bay” Ka-52, dường như do Ukraine đã tìm được phương án khắc chế hiệu quả hơn.
Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 7 nhận định trực thăng vũ trang Ka-52 là “một trong những vũ khí có ảnh hưởng nhất của Nga” tại chiến trường Zaporizhzhia, bởi chúng đã gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Ukraine trong chiến dịch phản công ở đây.
Trong giai đoạn đầu phản công, hàng loạt xe tăng, thiết giáp hiện đại được phương Tây viện trợ cho Ukraine đã bị phá hủy, khi chúng mắc kẹt trong bãi mìn và trở thành mục tiêu cho tên lửa chống tăng phóng từ trực thăng Ka-52.
Ka-52, mẫu trực thăng có biệt danh “Cá sấu bay”, có thể tấn công xe tăng từ khoảng cách rất xa, nằm ngoài tầm phản kích của hệ thống phòng không Ukraine. Điều này giúp Ka-52 bay lơ lửng ở sau phòng tuyến Nga, liên tục tung ra các đòn tập kích nhắm vào tăng thiết giáp Ukraine mà đối phương không có phương án đối phó.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 8, tình hình thay đổi khi trực thăng “Cá sấu bay” vắng bóng trên chiến trường Zaporizhzhia, khi Ukraine đẩy mạnh nỗ lực phản công và thọc sâu vào phòng tuyến Nga. Lực lượng Ukraine dường như đã tìm ra phương án bắn hạ trực thăng Ka-52, khiến Nga giảm bớt việc sử dụng không quân ở tây Zaporizhzhia do sợ mất phi công và máy bay”.
Thay vào đó, Nga đang tăng cường triển khai trực thăng tới các mặt trận khác như Kherson và Lugansk, nơi Ukraine không tập trung lực lượng phản công. Đây dường như cũng là nỗ lực bù đắp cho năng lực chiến đấu đang suy giảm trên mặt đất, do nhiều đơn vị đã được điều đến Zaporizhzhia để đối phó đà tiến công của Ukraine.
Ka-52 là trực thăng tấn công hai chỗ ngồi được Liên Xô phát triển vào đầu thập niên 1980. Máy bay sử dụng hệ thống cánh quạt đồng trục với hai bộ cánh quạt quay ngược chiều nhau, cho phép nó thực hiện các động tác cơ động rất linh hoạt, không thua kém gì máy bay cánh bằng.
Trực thăng Ka-52 có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, cũng như tấn công mục tiêu di động và cố định của đối phương như công sự, xe thiết giáp, bộ binh và cả máy bay ở độ cao thấp. Ngoài pháo tự động cỡ nòng 30 mm, Ka-52 có thể mang theo hai tấn vũ khí gồm rocket, bom, tên lửa chống tăng 9K121 Vikhr và Kh-25L dẫn đường bằng laser gắn dưới 6 mấu treo ở hai bên thân.
Viện Nghiên cứu chiến tranh ISW không cho biết quân đội Ukraine đã sử dụng phương án gì để khắc chế trực thăng Ka-52, nhưng trang Defense Express nhận định tên lửa phòng không vác vai RBS-70 mà Thụy Điển mới chuyển giao cho Ukraine có thể là “chìa khóa” giúp Kyiv hóa giải “Cá sấu bay”.
Tên lửa RBS-70 sử dụng tia laser để dẫn dường thay vì dầu dẫn hồng ngoại, giúp nó đối phó hiệu quả với mồi bẫy nhiệt của trực thăng. Gói nâng cấp BOLIDE giúp tên lửa RBS-70 đạt tốc độ Mach 2 (gấp hai lần vận tốc âm thanh), tầm bắn tới 8 km, giúp chúng tấn công trực thăng ở sau phòng tuyến Nga.
Nico Lange, chuyên gia về Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich, cho biết quân đội Ukraine đã “bắn hạ từng chiếc” Ka-52 khi tiến sâu hơn vào phòng tuyến Nga. Từ khoảng 100 trực thăng Ka-52 ở thời điểm đầu chiến sự, Nga tới nay chỉ còn khoảng 25 chiếc.
Tuy vậy, theo báo cáo của ISW, việc Ukraine tìm ra cách đối phó Ka-52 không làm suy giảm năng lực phòng thủ của Nga tại mặt trận Zaporizhzhia. Quân đội Nga dường như đang tăng cường sử dụng UAV để ngăn cản đà tiến của lực lượng Ukraine, trong khi pháo binh Nga tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các cuộc tập kích của đối phương.
Viên Minh tổng hợp