2023.10.10
Công nhân đang làm sạch cá đánh bắt từ biển vào ở đảo Lý Sơn năm 2022 (minh họa)
Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) vào ngày 10/10 đến Việt Nam để thanh tra công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Giới chức Việt Nam coi đây là cơ hội để Châu Âu gỡ “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam được áp dụng từ năm 2017 đến nay.
Báo Nhà nước cho biết, đoàn thanh tra sẽ có mặt tại Việt Nam từ ngày 10 đến 18/10 và tỉnh đầu tiên đoàn đến kiểm tra là Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đây là lần thứ tư đoàn thanh tra của EC đến Việt Nam để kiểm tra tình hình IUU, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo truyền thông Nhà nước, mục tiêu chuyến làm việc lần này là nhằm đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC về chống đánh bắt IUU, trong đó tập trung vào kiểm tra các khuyến nghị của Đoàn sau chuyến thanh tra lần ba vào tháng 10/2022 để đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Việc bị EC rút “thẻ vàng” vào năm 2017 đã có ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Huế được báo Công Thương trích đăng hồi năm 2020, việc bị “thẻ vàng” đã làm xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU giảm khá rõ. Trước khi bị “thẻ vàng’, EU là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị nhập khẩu khoảng 450 triệu đô la, nhưng sau khi bị “thẻ vàng”, hai năm liên tục tiếp theo xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường này giảm liên tục xuống còn khoảng 300 – 350 triệu đô la.
Nếu đánh giá của đoàn thanh tra EC cho rằng Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu về chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo cáo và không theo quy định, Việt Nam có thể bị “thẻ đỏ”. Điều này có nghĩa là hải sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.
Trong thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân của Việt Nam đã bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài do đánh bắt trái phép. Nguyên nhân được một số ngư dân cho biết là do nguồn cá gần bờ cạn kiệt.