Bình luậnMilton Ezrati • 22/11/23
Các vấn đề tài chính và kinh tế trong nước cũng như những cam kết ngoại giao đang cản trở nỗ lực tạo ra ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.
Bài bình luận
Tham vọng toàn cầu vĩ đại của Bắc Kinh đã gặp trở ngại. Vấn đề của họ là tiền.
Ngoài các cuộc phô trương táo bạo của hải quân và không quân ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nỗ lực tìm kiếm ảnh hưởng của Bắc Kinh – ở châu Phi, Trung Đông, và ở mức độ thấp hơn là châu Âu và châu Mỹ Latinh – dựa trên hai điều: Trung Quốc có khả năng như thế nào trong đầu tư ra nước ngoài và Trung Quốc mua bao nhiêu từ mỗi khu vực.
Trong một thời gian, dường như số tiền để mua hàng và đầu tư là vô hạn. Tuy nhiên, gần đây lượng tiền có sẵn không nhiều như những suy nghĩ về nó trước đây. Các vấn đề vật chất đã đặt ra những hạn chế đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, điều mà họ sẽ ngày càng phải đối mặt.
Trung Đông là tâm chấn nhưng mọi việc không dừng lại ở khu vực này. Ở đó, Bắc Kinh đã đạt được thành công ngoại giao lớn nhất cho đến nay, gây tiếng vang khắp các nước trên thế giới và mang lại lợi ích to lớn cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã dàn xếp việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Ảrập Xêút và Iran. Trung Quốc lợi dụng vị thế khi không phải là kẻ thù của cả hai quốc gia xuất khẩu dầu này – điều mà ít nước phương Tây nào có thể tuyên bố có được – nhưng lợi thế của nước này chủ yếu nằm ở vị thế là nước mua dầu xuất khẩu hàng đầu từ cả hai nước.
Nhưng sức mua tạo nên thành tựu ngoại giao đáng chú ý đó đang dần cạn kiệt. Sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho Moscow là một phần của vấn đề. Vì cuộc chiến ở Ukraine đã làm mất đi thị trường năng lượng phương Tây của Nga, Moscow đã tìm đến Trung Quốc để bán năng lượng của mình. Lượng mua dầu thô từ Nga của Trung Quốc trong quý III năm nay đã tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng Trung Quốc chỉ có thể sử dụng một lượng nhất định dầu nhập khẩu tại một thời điểm, đặc biệt khi nền kinh tế nước này đang chậm lại. Để mua hàng từ đồng minh Nga, Trung Quốc đã phải cắt giảm nhập khẩu từ Trung Đông. Tổng lượng dầu mua từ Ảrập Xêút và Kuwait hầu như không tăng trong năm qua. Một số nguồn tin cho thấy mức cắt giảm 11% trong nhập khẩu dầu từ Ảrập Xêút. Doanh số bán hàng của Iran sang Trung Quốc dường như vẫn mạnh mẽ, chắc chắn là để Trung Quốc có thể duy trì ảnh hưởng ở quốc gia đó. Nhưng đó cũng là vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đã buộc Iran phải giảm giá.
Khuynh hướng hạn chế mua hàng ở Trung Đông của Trung Quốc có thể sẽ tăng lên. Hiện tại, việc thiếu các đường ống sẵn có đã hạn chế lượng dầu thô của Nga có thể đến Trung Quốc. Nhưng cả hai nước đều đang tìm cách phát triển cơ sở hạ tầng đường ống. Trừ khi địa chính trị thay đổi hoàn toàn vào thời điểm các cơ sở hạ tầng này được đưa vào sử dụng, Nga chắc chắn sẽ muốn bán nhiều hơn nữa cho Trung Quốc và các cam kết ngoại giao của Bắc Kinh sẽ buộc nước này phải tuân thủ. Hơn nữa, trong tình hình địa chính trị không chắc chắn của thời đại hiện nay, các đường ống sẽ mang lại sự an toàn và độ tin cậy cao hơn nhiều so với các tuyến đường biển mà Trung Quốc phải dựa vào để nhận dầu từ Trung Đông.
Với việc ít liên quan hơn tới dầu mỏ ở Trung Đông, danh mục đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực đó chắc chắn sẽ bị trì trệ hoặc thậm chí bị thu hẹp. Và không chỉ các nhà sản xuất dầu mới gặp vấn đề. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã phát triển dòng chảy thương mại và đầu tư khổng lồ đối với công nghệ của Israel. Lợi thế đó đối với Trung Quốc đã bắt đầu bị sụt giảm trong những tuần gần đây vì Bắc Kinh từ chối coi Hamas là một nhóm khủng bố. Đồng thời, các vấn đề tài chính trong nước của Trung Quốc đã tạo ra thách thức cho tham vọng đầu tư của Bắc Kinh ở Trung Đông và các khu vực khác nói chung.
BRI suy yếu và khó khăn kinh tế trong nước
Ngay cả trước khi những vấn đề phức tạp ở Trung Đông nảy sinh, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh đã gặp phải những bước lùi. Nhiều bên tham gia gặp khó khăn về tài chính vì các dự án mà Bắc Kinh chọn hỗ trợ không tạo được lợi nhuận đủ để trả các khoản vay phát sinh để tài trợ cho chúng. Những bên tham gia BRI đã bắt đầu mô tả sáng kiến này là một “bẫy nợ”. Đồng thời, việc không trả được nợ đã khiến các nhà cho vay Trung Quốc chịu áp lực. Bắc Kinh đã phải thoái lui. Trong khi các dự án của Trung Quốc trong BRI từng đạt đỉnh cao với 100 tỷ USD đầu tư mỗi năm thì đến năm 2021, chỉ 29% trong số 59 tỷ USD dành cho BRI đến tay các bên tham gia. Năm nay, có vẻ như các thỏa thuận BRI sẽ lên tới tối đa 80 tỷ USD, cao hơn so với năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt tới những ngày tháng thành công của sáng kiến.Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong lễ khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế lần thứ ba tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/10/2023.
Khi Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và thu được nhiều nguồn vốn thặng dư từ việc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và thế giới, nước này có thể dễ dàng lấp đầy khoảng trống tài chính do sự thất bại của một số bên tham gia BRI và những bên khác ở nước ngoài, những đối tượng không thể trả các khoản vay của họ. Nhưng điều đó không còn đúng nữa. Thậm chí, năm nay, nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng thực 5% của Bắc Kinh và xuất khẩu của nước này đang suy giảm. Hơn nữa, vấn đề nợ trong nước đã khiến hệ thống tài chính của nước này trở nên mong manh hơn bao giờ hết và chắc chắn không thể chịu đựng những thất bại của những nước tham gia BRI và các dự án đầu tư ra nước ngoài khác của Trung Quốc.
Tệ hơn nữa, sự sụp đổ của các nhà phát triển bất động sản lớn – Evergrande, Country Garden, và những công ty khác – đã khiến hệ thống tài chính Trung Quốc phải đối mặt với một lượng lớn các khoản vay đáng ngờ. Tương tự, tình hình cũng xấu đi do người nắm giữ thế chấp từ chối thanh toán các khoản vay mà họ đã vay để trả trước cho những căn hộ mà những chủ đầu tư này có thể sẽ không bao giờ hoàn thành. Vì những lý do này và tình trạng khó khăn tài chính thường gặp ở những nước tham gia BRI, các ngân hàng Trung Quốc – nguồn cung cấp tài chính lâu dài cho các dự án ở nước ngoài – không có khả năng gia tăng các khoản vay thêm nữa.
Nếu điều này chưa đủ rắc rối thì chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã bắt đầu gặp khó khăn về tài chính. Với tư cách là những tổ chức phát hành nợ lớn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong nước, họ đã mở rộng quá mức trong vài năm gần đây khi xảy ra dịch Covid-19 và sau đó là để phục vụ một số nỗ lực thất bại của Bắc Kinh trong việc sử dụng chi tiêu cơ sở hạ tầng để kích thích hoạt động kinh tế. Một số chính quyền địa phương đang gặp khó khăn đến mức họ phải vật lộn với việc cung cấp cho người dân các dịch vụ thiết yếu.
Không có khó khăn nào trong số này sẽ sớm có giải pháp. Một số, chẳng hạn như nghĩa vụ của Bắc Kinh đối với Moscow, sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn. Nếu không có nguồn vốn dư thừa khổng lồ một thời để đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài và mua dầu ở Trung Đông cũng như các nguyên liệu thô khác ở nơi khác, Bắc Kinh sẽ tiếp tục phải đối mặt với những giới hạn kinh tế và tài chính đáng kể trong việc tạo ra ảnh hưởng trên toàn cầu.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest – một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested – công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).