January 1, 2024
Với việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân toàn quốc, Bộ Công an sẽ áp dụng các biện pháp theo dõi giám sát kỹ thuật số diện rộng ở Tây Nguyên nhằm trấn áp mọi dấu hiệu phản kháng.
Việc lần đầu tiên Bộ Công an hai nước Việt-Trung cam kết hợp tác chống ly khai có thể liên quan mật thiết với sự việc hồi tháng 6 ở Đắk Lắk khi hàng chục người bản địa Tây Nguyên tấn công trụ sở chính quyền và giết hại cán bộ.
Bộ Công an Việt Nam có thể đã được truyền cảm hứng từ cách mà Trung Quốc giải quyết các vấn đề sắc tộc ở một quốc gia có mức độ đa dạng và mâu thuẫn sắc tộc đều cao hơn Việt Nam. Sự kiện tháng 6 năm nay ở Dak Lak cũng tương tự với cuộc nổi loạn Urumqi (thủ phủ Khu Tự trị Tân Cương) tháng 7/2009 làm hàng trăm người chết – sự kiện đã dẫn đến hàng loạt biện pháp trấn áp và kiểm soát mới của Bắc Kinh ở khu vực này.
Có thể dự đoán rằng người sắc tộc Tây Nguyên sẽ là đối tượng chính khi Bộ Công an Việt Nam và Trung Quốc hợp tác chống ly khai theo tinh thần Tuyên bố Chung vừa ký kết. Là vùng đất có lịch sử gắn kết ngắn ngủi với phần còn lại của Việt Nam, Tây Nguyên thường xuyên chứng kiến các hoạt động phản kháng của các sắc dân bản địa chống lại các thế lực cầm quyền liên tiếp trong lịch sử.
Từ sau 1975, Việt Nam thực hiện chính sách tương tự Trung Quốc khi di cư ồ ạt hàng triệu người Kinh lên Tây Nguyên khiến người bản địa nhanh chóng trở thành thiểu số trên mảnh đất lịch sử của họ. Các chính sách về đất đai, tôn giáo, văn hóa, giáo dục mang tính cách thực dân nội địa của chính quyền cộng sản đổ dầu vào lửa cho những mâu thuẫn sắc tộc vốn âm ỉ nơi đây, là nguyên nhân chính cho những cuộc bạo loạn vào năm 2001 và 2004. Kịch bản tương tự cũng đã xảy ra ở Khu Tự trị Tân Cương.
Một điểm tương đồng nữa giữa Tây Nguyên và Tân Cương là sự đan xen giữa các vấn đề sắc tộc và tôn giáo. Nếu như người bản địa Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương theo Đạo Hồi thì một bộ phận lớn các sắc dân thiểu số Tây Nguyên theo Tin Lành, đều là những tôn giáo không được chào đón bởi các chế độ cộng sản ở hai quốc gia này. Cuộc trấn áp sắc tộc ở cả hai nơi đều lồng vào trong đó một cuộc trấn áp tôn giáo, khiến cho Hà Nội có thêm lý do để học hỏi Bắc Kinh trong lĩnh vực này.
Sau biến cố Urumqi 2009, nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã phải tìm cách ra nước ngoài, trốn chạy khỏi cuộc đàn áp được cho là có quy mô diệt chủng của Bắc Kinh ở Tân Cương. Nhiều người trong số họ tìm đường sang Thái Lan, trở thành đích nhắm của những chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc.
Năm 2015, dưới áp lực của Bắc Kinh, chính quyền quân sự trá hình Thái Lan dưới quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha khi đó đã trao trả 100 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, bất chấp những phê phán kịch liệt của cộng đồng quốc tế.
Là nạn nhân của các chính sách thực dân nội địa tương tự, nhiều người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên cũng đã phải lưu vong vừa để tìm đường sống vừa để giữ lấy đức tin. Đa số họ chọn cách vượt biên đến Thái Lan, quốc gia không công nhận người tị nạn song đối với nhiều người là lựa chọn khả dĩ duy nhất.
Chính quyền Việt Nam đã từng có những động thái truy bắt người tị nạn chính trị Việt Nam ngay trên đất Thái Lan, với sự hợp tác hoặc ít nhất là làm ngơ của chính quyền Thái. Vào tháng 11/2023, cảnh sát Thái Lan đã tiến hành một đợt truy quét, đưa đến việc bắt giữ nhiều người sắc tộc Tây Nguyên. Đầu tháng 12, một nhà hoạt động người Hmong đang tị nạn ở Thái Lan, bị cảnh sát bắt giữ sau khi tố cáo những chính sách phân biệt đối xử của Hà Nội với người Hmong di dân vào Tây Nguyên trong một cuộc phỏng vấn bên lề phiên kiểm điểm nhân quyền của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc.
Những hoạt động đàn áp xuyên quốc gia có tính đơn lẻ này tới đây có thể sẽ có tính hệ thống hơn khi Bộ Công an Việt Nam hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc, chia sẻ thông tin tình báo và học hỏi kinh nghiệm của nước này, bao gồm cả việc vận hành mạng lưới đặc tình trên đất Thái Lan, cũng như cách thức áp lực chính phủ nước này trao trả số lượng lớn người tị nạn Việt Nam về nước, đặc biệt là người sắc tộc Tây Nguyên.
Đó là đối với những người đã vượt thoát sang Thái Lan. Với đa số người bản địa còn lại ở Tây Nguyên, một số chiến thuật sau có thể được áp dụng, học từ Bộ Công an Trung Quốc.
Một là kiểm soát chặt chẽ hơn các tuyến đường tiểu ngạch từ Tây Nguyên sang Thái Lan nhằm ngăn chặn dòng người vượt biên, đồng thời với giám sát chặt chẽ hoạt động xuất cảnh hợp pháp của người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên, đặc biệt là những người có người thân đang tị nạn ở Thái Lan.
Hai là song song với việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân toàn quốc, Bộ Công an sẽ áp dụng các biện pháp theo dõi giám sát kỹ thuật số diện rộng ở Tây Nguyên nhằm trấn áp mọi dấu hiệu phản kháng.
Trong trường hợp làn sóng phản kháng dâng cao khi các cộng đồng sắc tộc gắn kết với nhau bằng đức tin nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền, Bộ Công an có thể sẽ xây dựng các trại lao cải giam giữ quy mô lớn, ngoài mặt là để giáo dục, cảm hóa “đồng bào dân tộc thiểu số” khỏi những tư tưởng xấu, nhưng bên trong kỳ thực là tiêu diệt đời sống đức tin và ý chí phản kháng của họ.
Tóm lại những cam kết mới nhất của Bộ Công an hai nước về giao lưu tình báo chống ly khai trong Tuyên bố Chung Việt Nam – Trung Quốc gần đây chắc hẳn sẽ đặt người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên trước những nguy hiểm và rủi ro mới khi muốn được sống với đúng phẩm giá và trọn vẹn đức tin trên mảnh đất tổ tiên mình.
Nguyễn Anh Tuấn