Thứ Bảy, 13 Tháng Giêng 2024
Bà Cao Diệu Khiết sanh ở quận Cao, tỉnh Sơn Đông năm 1927, trong vùng những tiểu thuyết của Mặc Ngôn.
Bác sĩ Cao Diệu Khiết qua đời một tháng trước khi chúng tôi hay tin. Tôi biết đến bà hơn hai chục năm rồi, ước mong câu chuyện về bà không bị chìm vào quên lãng. Trên mạng Weibo ở Trung Quốc (Vi Bác, giống như X, Twitter), nhiều người cũng viết, “Bà là một nhân vật lớn. Nhưng giới trẻ bây giờ có thể không biết gì về chuyện bà đã làm.”
Đầu thập niên 1990, dân chúng nhiều làng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, bị một chứng “bệnh lạ,” người mệt mỏi, nôn mửa, chết vì kiệt sức, các bác sĩ không biết là bệnh gì. Năm 1996, bệnh viện Trịnh Châu, thủ phủ Hà Nam, mời bà Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie, 高耀潔) đến giúp. Năm đó bà 70 tuổi, đã về hưu được 6 năm.
Bác sĩ Cao Diệu Khiết gặp bệnh nhân đầu tiên là một nông dân họ Ba, 42 tuổi, nhập viện hai tuần trước. Khi thử máu, Bác sĩ biết bà Ba bị AIDS, người Việt còn gọi là bệnh “si đa.” Mười ngày sau, bệnh nhân qua đời.
Thông thường bệnh AIDS lây lan vì chích ma túy hoặc qua đường tính dục. Bà Ba, như các nông dân hiền lành ở những làng xa cách thành phố này, không thể nhiễm HIV do hai nguyên nhân đó. Bác sĩ Khiết thấy chỉ còn lại một con đường đem vi khuẩn vào bệnh nhân, là họ được chuyền máu chứa sẵn HIV. Bệnh nhân Ba đã phải cắt một ung nhọt trong tử cung trước đó. Chồng, con của chị không nhiễm bệnh, cho thấy bệnh si đa có thể ngăn ngừa được.
Ngay lập tức, Bác sĩ Cao Diệu Khiết viết bài chỉ rõ phương pháp ngăn ngừa bệnh AIDS và đem in. Ngày 1 tháng 12 năm 1996, “Ngày Bệnh AIDS Thế giới,” bà phát các bài học này ở bến xe buýt, ga xe lửa. Bà nhờ các hành khách đem các sấp tài tiệu đó về cho dân làng mình đọc. Bà viết 15 bài, in tổng cộng 530.000 bản. Bài đầu tiên được một viện bảo tàng tỉnh Hà Nam và Quỹ Tống Khánh Linh giúp tiền in. Những bài sau bà phải dùng tiền tiết kiệm của gia đình, mỗi lần tốn 3.000 đến 5.000 đồng nguyên ($500 tới $800 đô la).
Công việc “giáo dục y tế” của “Cao lão bà” được nhiều người hoan nghênh, các tờ báo địa phương gửi kèm các tài liệu của bà khi phân phối báo. Bà đi thăm hơn một ngàn gia đình, trong một trăm “Làng bị AIDS” thuộc tỉnh Hà Nam. Bà mang theo thuốc men, quần áo, thực phẩm đến giúp các người bệnh. Chân bà luôn luôn đi khập khiễng vì thời nhỏ bị “bó chân” suốt 6 năm, theo phong tục cổ, coi phụ nữ bàn chân nhỏ mới là đẹp. Trong bốn, năm năm trời bà chú ý đặc biệt tới các “Cô nhi AIDS,” các trẻ em ở tỉnh Hà Nam mất cha mẹ vì bệnh. Bà lo giúp các bệnh nhân quá đến lúc ông chồng phải yêu cầu bà không được đụng tới trương mục tiết kiệm chung của hai người.
Khi kêu gọi chính quyền tỉnh và Bắc Kinh phải báo động dân chúng lo ngăn ngừa bệnh AIDS, Bác sĩ Khiết bị làm khó dễ. Bảy năm sau khi Bác sĩ Cao khám bệnh nhân đầu tiên, mãi đến năm 2003 Cộng sản Trung Quốc mới chính thức công nhận có bệnh AIDS. Năm 2004, Liên Hiệp Quốc ước tính Trung Quốc có 850.000 đến 1 triệu rưỡi người mắc bệnh từ ba năm trước. Năm 2007, Bắc Kinh vẫn chỉ công nhận có 740.000 người bệnh trên toàn quốc, Bác sĩ Cao cho rằng có tới 10 triệu bệnh nhân.
Bà đi diễn thuyết về phương pháp ngừa bệnh, mỗi năm từ 30 đến 70 lần. Bà phát các tài liệu in trong nhà riêng của mình, trả lời điện thoại các thắc mắc của bệnh nhân và bác sĩ khắp nơi, cũng như các thầy cô giáo muốn dạy học sinh ngừa bệnh. Lúc đầu chính quyền ủng hộ công việc bà làm. Năm 1999 bà được mời lên đài truyền hình Thành phố Trịnh Châu để nói về vấn đề này.
Năm 2001 bà bỏ tiền in 150.000 ấn bản một cuốn sách về cách ngăn ngừa AIDS và các bệnh phong tình, nhờ nhận được $20.000 tiền thưởng Giải Y tế Thế giới và Nhân quyền Jonathan Mann, thêm $10.000 đô la của Ford Foundation. Bà đem tặng sách cho các thư viện, các hội phụ nữ, y tế, đưa tới vùng nông thôn các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, Hải Nam, Quảng Đông, Vân Nam, và Tân Cương. Sau Giải Jonathan Mann, bà được tuần báo Time công nhận là một “nữ anh hùng” của châu Á, năm 2003 được tặng Giải Ramon Magsaysay của Philippines. Bà bị cấm không được xuất ngoại để nhận hai giải thưởng này.
Bác sĩ Cao Diệu Khiết bị coi là nguy hiểm và bị đàn áp khi bắt đầu yêu cầu chấm dứt tệ nạn “mua bán máu,” một nguyên nhân chính khiến bệnh lan truyền. Tỉnh Hà Nam cho phép tư nhân lập những “trung tâm mua máu.” Các nông dân nghèo đến bán máu lấy tiền, và thường trở lại bán nữa. Các trung tâm mua máu kiếm lời, và được chính quyền ủng hộ. Nhưng họ có thể lấy máu của những người mắc bệnh AIDS, chứa chung trong kho dự trữ máu, rồi đem chuyền vào người khác.
Khi Bác sĩ Cao đề cập đến trung tâm mua bán máu, Đảng ủy Hà Nam bắt đầu ngăn cản các hoạt động của bà. Họ không muốn tệ nạn mua bán máu được tiết lộ và bị chỉ trích, không những mất một mối lợi mà còn làm mất uy tín của đảng ủy. Báo chí của đảng không được phép giúp bà trong việc giáo dục nông dân về bệnh AIDS; thư từ của bà bị kiểm soát và tịch thâu; điện thoại bị nghe lén. Năm 2000, Bác sĩ Cao được một tuần báo phỏng vấn, bài trả lời được nhiều báo khác đăng lại. Sau đó, bà bị cấm không được nói chuyện với các nhà báo. Một cuộc diễn thuyết cho các sinh viên bị cấm cửa trước khi bắt đầu, khi chính quyền biết bà sẽ nhắc đến bệnh AIDS.
Nhưng Bác sĩ Cao có dịp gặp một ký giả nhật báo New York Times. Những tiết lộ của bà về nạn mua bán máu có thể khiến bệnh AIDS lan truyền rộng ở tỉnh Hà Nam được đăng trên trang nhất, cả thế giới nhìn thấy một vụ tai tiếng lớn. Bắc Kinh bắt buộc phải hành động. Các trung tâm mua máu bị đóng cửa. Nhưng năm 2010, bà Cao còn cho biết tệ nạn này vẫn tiếp tục “ngấm ngầm” không những ở một tỉnh của bà mà trên toàn quốc.
Đầu năm 2007, Bác sĩ Cao bị quản thúc tại gia, không được phép đi đâu nữa. Cộng sản còn ép bà phải ký một bài tuyên bố, nói mình không thể đi xa vì thiếu sức khỏe. Trong thời gian đó, những người lãnh đạo đảng Cộng sản ở Hà Nam đã đến tận căn hộ để thăm bà, rồi chụp hình, đăng báo. Sau đó, vì áp lực dư luận quốc tế kể cả Nghị sĩ Hillary Clinton, bà được phép qua Mỹ lãnh một giải thưởng. Đây là giải thưởng dành cho các “Phụ nữ Thay đổi Thế giới” được trao cho ba người Trung Hoa khác cùng với ba phụ nữ từ những nước Ấn Độ, Guatemala, và Sudan.
Bà Cao Diệu Khiết sanh ở quận Cao, tỉnh Sơn Đông năm 1927, trong vùng những tiểu thuyết của Mặc Ngôn. Khi quân Nhật chiếm Sơn Đông, cả gia đình chạy sang Khai Phong, Hà Nam, bà vào học trường Y khoa rất sớm nhưng vì chiến tranh chỉ tốt nghiệp năm 1952. Năm 2009 bà trốn qua Mỹ vì lo sẽ bị quản thúc lần nữa, bà sống ở thành phố New York cho tới khi qua đời đầu tháng 12 năm 2023.
Hai người con gái và một cậu con trai vẫn sống tại Trung Quốc, họ than trách mẹ chỉ đi giúp người ngoài mà không lo đủ cho gia đình. Chính bà cũng công nhận mình có thể làm hết bổn phận của một bác sĩ nhưng không làm đủ phận sự đối với cho gia đình.
Sau này, hai bác sĩ Trung Hoa có thể đã noi gương bà dám nói sự thật về bệnh dịch trong khi chính quyền muốn che giấu. Năm 2003, Bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong, 蒋彦永) đã lớn tiếng báo động bệnh dịch SARS mặc dù bị cản trở. Năm 2019 Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang, 李文亮) khám phá loài vi khuẩn gây bệnh Covid-19 là một thứ hoàn toàn mới. Lúc đầu ông bị đảng cộng sản đàn áp để bưng bít, khi ông bị lây bệnh và chết họ mới chịu thua.
Mỗi lần đảng Cộng sản tìm cách bưng bít không cho dân biết tin về một bệnh dịch mới, hàng triệu người chết oan.NGÔ NHÂN DỤNG