Một người đàn ông Việt Nam nói anh bị giam giữ trong hang ổ lừa đảo cùng với ‘hàng ngàn’ người

Myanmar đã trở thành điểm nóng của nạn buôn người kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.

2024.01.19

sharethis sharing button

Một người đàn ông Việt Nam nói anh bị giam giữ trong hang ổ lừa đảo cùng với 'hàng ngàn' người

Đây là văn phòng làm việc của anh Nguyễn và những người bị giam giữ khác – nơi họ ép buộc giả danh nhân viên của Honda Việt Nam để lừa đảo.

Nguyễn

Trong vòng 6 tháng kể từ khi Nguyễn* bị lừa bán qua biên giới Thái Lan và bị đưa vào một khu chuyên thực hiện các hoạt động lừa đảo (scam) ở Myanmar, anh đã gửi đi vô vàn tin nhắn để phục vụ công việc mà anh bị cưỡng ép làm. Cuối cùng, cho đến một đêm khi những kẻ canh giữ không để ý, anh đã vội vàng soạn thảo một email nhưng điều đặc biệt là, email này không được gửi tới một nạn nhân tiềm năng nào đó, mà là một phóng viên.

“Chúng tôi không ổn, chúng tôi cần giúp đỡ, xin hãy giúp chúng tôi thoát khỏi nơi tồi tệ này!” – Nguyễn viết bằng vốn tiếng Anh ít ỏi của mình cho Ban tiếng Miến Điện – Đài Á Châu Tự Do. Bức thư tố cáo việc một số khu tội phạm ở miền đông Myanmar sử dụng lao động bị buôn bán để lừa tiền nạn nhân trên khắp châu Á.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với Ban Việt Ngữ – Đài Á Châu Tự Do, anh Nguyễn cho biết anh là một trong hàng ngàn người đang bị giam giữ tại một khu liên hợp có tên là KK Park, ở bang Kayin – một dự án phát triển nhà của Trung Quốc nay đã trở thành một trung tâm nổi tiếng với  các hoạt động lừa đảo. Vào tháng 10/2023, các nhà chức trách đã giải cứu 200 người khỏi KK Park, trong đó có ít nhất 61 công dân Việt Nam nhưng anh Nguyễn không nằm trong số những người may mắn ít ỏi này.  Trong hàng ngàn người còn lại, những lao động nổi loạn/gây chuyện đã bị đánh đập, bỏ đói và cả chích điện – anh Nguyễn cho biết.

Vì vẫn bị giam giữ trong tòa nhà và để tránh cho anh không bị trả thù, những chi tiết về những trải nghiệm cũng như tên thật của anh Nguyễn đang được giữ kín. Tuy nhiên, anh đã chia sẻ thông tin về vị trí (nơi ở và làm việc) của anh hiện nay, các bức ảnh khu nhà và tên của 07 nạn nhân bị lừa đảo (scam victims). Trong các cuộc phỏng vấn riêng biệt với RFA, hai trong số những nạn nhân này đã chứng thực việc họ bị lừa tiền. 

A2.jpeg
Một người trong khu liên hợp lừa đảo ở Myanmar bị xích vào giường. Những người lao động gây chuyện/nổi loạn đã bị đánh đập, bỏ đói và chích điện, anh Nguyễn cho biết. Nguồn ảnh: Nguyễn

Nơi trú ẩn của tội phạm

Mặc dù không thể xác minh mọi yếu tố của câu chuyện này nhưng Đài Á Châu Tự Do trước đây đã từng có bài biết về một số hoạt động lừa đảo bất hợp pháp xuất hiện ở khu vực gần như không được quản lý của Myanmar, có chung biên giới với Thái Lan.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong khu vực Đông Nam Á, hàng trăm ngàn người đã bị lừa bán vào các trung tâm lừa đảo – nơi họ thường xuyên bị đánh đập và giam giữ. Ước tính có khoảng 120.000 người đang bị giam giữ chỉ riêng ở Myanmar – nơi tình trạng này đã được cho thấy là đặc biệt khó giải quyết.

Cuộc đảo chính năm 2021 lật đổ chính phủ được người dân Myanmar bầu chọn và yêu mến của phe quân sự  đã gây ra tình trạng bất ổn rộng khắp ở Myanmar. Sự hỗn loạn này đã tạo cơ hội cho các tổ chức tội phạm xây dựng hang ổ, cũng giống như các biện pháp hạn chế thời COVID-19 của các nước trong khu vực đã khiến nhiều nhóm tội phạm chuyển hoạt động của họ từ tổ chức các hoạt động cờ bạc/gaming trực tiếp sang lừa đảo trên mạng.

Hàng ngàn nạn nhân ở bang Shan thuộc miền bắc Myanmar đã được giải cứu trong những tháng gần đây trong một chiến dịch do chính phủ Trung Quốc hỗ trợ.

Nhưng ở các bang không giáp biên giới với Trung Quốc, các hoạt động bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra mà gần như không phải đối diện với các biện pháp trấn áp, trừng phạt nào. Chính phủ các nước trong khu vực dường như thường không thể hoặc không sẵn lòng giải cứu công dân của mình bị mắc kẹt.

Nạn nhân thường phải cố gắng tự giúp mình bằng cách cầu xin giúp đỡ khẩn cấp từ người thân, văn phòng đại sứ quán và các cơ quan báo  chí qua điện thoại di động hoặc máy tính mà họ được dùng để thực hiện các vụ lừa đảo.

“Mổ lợn”

Nguyễn đã gửi một hình ảnh vệ tinh đồng thời ghim đánh dấu địa điểm cơ sở nơi anh ta đang bị giam giữ cũng như một loạt các bức ảnh cho thấy một mạng lưới các khu nhà ở giống như ký túc xá, với quần áo được phơi ở phía lan can bên ngoài.

Anh cho biết các hoạt động tội phạm được điều hành bởi một công ty cũng được gọi là KK Park,  sở hữu bởi một chủ người Trung Quốc và quản lý bởi một phụ nữ người Việt. Công ty này được hỗ trợ bởi một chi nhánh của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một nhóm người dân tộc Karin đã chiến đấu chống lại quân đội Myanmar trong một chiến dịch nổi dậy kéo dài.

A3.jpeg
Nguyễn nói rằng anh và những người khác đang làm việc trong một khu nhà tại khu vực miền nam Myawaddy (Myanmar), dọc theo biên giới Thái Lan. Nguồn ảnh: Maxar Technologies/Airbus

Một phát ngôn viên của KNU đã không hồi đáp điện thoại yêu cầu bình luận của phóng viên Đài Á Châu Tự Do. Các báo cáo khác cho thấy KK Park nằm trong khu vực quản lý của chính quyền quân sự và Lực lượng Biên phòng Karen.

Nguyễn cho biết anh và những người bị giam giữ khác phải thực hiện một trò lừa đảo được gọi là “mổ lợn”. Theo đó, họ bị ép giả vờ là đại diện của công ty Honda Việt Nam, nhắn tin cho các nạn nhân tiềm năng và thuyết phục họ gửi tiền mua phụ tùng ô tô hoặc các sản phẩm ô tô khác để bán lại và hưởng mức hoa hồng cao.

RFA đã liên hệ với Honda Việt Nam để hỏi xem các giám đốc điều hành của họ đã từng nghe nói về hình thức lừa đảo này hay chưa nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm bài báo này được đăng tải.

Sau khi nhận được hoa hồng thành công cho các phụ tùng nhỏ, các nạn nhân được khuyến khích chuyển tiền để mua các thiết bị đắt tiền hơn và rồi nhận được thông báo rằng tài khoản của họ đang bị đóng. Một phụ nữ mà Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do liên lạc qua Facebook cho biết: Cô đã bị lừa hơn 28.000 đô la Mỹ.

Lời mời làm việc giả

Giống như nhiều scammers (kẻ lừa đảo) bị buôn bán khác, anh Nguyễn cho biết anh đã nghĩ rằng mình đang nhận một việc làm có lương tốt ở Thái Lan. Người ta hứa hẹn trả lương anh với mức cao gấp đôi mức lương trước kia của anh. Thêm vào đó, anh đã mất việc nhiều tháng trước khi nhận lời mời hấp dẫn này.

Nhưng sau khi đến Thái Lan, Nguyễn đã bị đưa qua biên giới đến Myanmar. Anh bị tịch thu hộ chiếu đồng thời bị buộc phải ký hợp đồng một năm và phải thực hiện các định mức do công ty đặt ra.

Mỗi người bị giam giữ phải lừa được ít nhất 280.000 đô la/ tháng. Những người lao động không đạt được mức doanh số này sẽ không được ăn và bị đánh đập – anh nói.

A4.jpeg
Khu nhà ở giống như ký túc xá tại khu lừa đảo thuộc Myanmar, nằm trên khu vực biên giới với Thái Lan. Ảnh chụp không ghi ngày tháng. Nguồn ảnh: Nguyễn

Nguyễn cho biết anh đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar nhưng được trả lời rằng họ không thể giúp đỡ vì khu vực này không do quân đội Myanmar kiểm soát. Đài Á Châu Tự Do cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở Myanmar và giới chức tại Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi.

Nguyễn cho biết những kẻ bắt giữ nói với anh rằng họ sẽ thả anh nếu anh có thể trả khoảng 9.500 đô la Mỹ, một món tiền mà cả anh và gia đình đều không hy vọng vay mượn hay quyên góp được – anh nói.

“Tôi muốn đưa ra lời cảnh báo để không còn người Việt nào bị lừa và đưa đến đây như tôi” – anh Nguyễn nói với Đài Á Châu Tự Do.

“Tôi hy vọng rằng Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar hợp tác để đập tan các băng nhóm như KK Park để tôi và những người Việt Nam khác có thể  trở về nhà an toàn.”

* Đây không phải là tên thật của nhân vật. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment