Về cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc trong nhiều thập niên, dân biểu Mike Gallagher cho biết, “Chúng ta đã đặt cược vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và chúng ta đã sai lầm.”
(Ảnh minh hoạ của The Epoch Times, Getty Images, Shutterstock, Photoshop )
Terri Wu
Eva Fu
Thứ sáu, 02/02/2024
Qua cửa sau của một tòa nhà ở thành phố New York, một số lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực nhất nước Mỹ đã được âm thầm đưa vào để tham gia một cuộc diễn tập bàn tròn mô phỏng tình huống Trung Quốc xâm lược Đài Loan.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng hoà-Wisconsin), người chủ trì cuộc diễn tập hồi tháng 09/2023, cho biết bầu không khí bí mật hôm đó khiến họ trông giống như đang “tham gia một chương trình bảo vệ nhân chứng vì họ rất ngại về việc ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] sẽ trả đũa.”
Ông Gallagher nói với The Epoch Times, “Nếu trả đũa này là cách mà ĐCSTQ đối xử với các đối tác kinh doanh trong thời bình, thì hãy nghĩ xem họ sẽ hành động như thế nào trong thời chiến — và những hậu quả đối với nền kinh tế của chúng ta, đặc biệt là các chuỗi cung ứng quan trọng của chúng ta, bao gồm dược phẩm và chất bán dẫn, trong tình huống Đài Loan bị xâm lược.”
Ý tưởng cuộc mô phỏng bàn tròn này bắt nguồn từ cuộc đối thoại giữa ông với các giám đốc tài chính.
Một người nói với ông rằng không thể nào có chuyện ĐCSTQ xâm lược Đài Loan. Còn một người khác nói rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ trừng phạt Trung Quốc, ngay cả khi họ xâm lược hòn đảo tự trị này.
Ông Gallagher nói: “Rõ ràng nhiều lúc Hoa Thịnh Đốn và Wall Street cứ như sống ở hai thế giới khác nhau. Một bên ở thế giới thực, còn bên kia sống ở vùng đất tưởng tượng.”
Cuộc mô phỏng của thành phố New York không tập trung vào các xung đột quân sự mà tập trung vào các khía cạnh trong cuộc chiến kinh tế như các tuyến đường vận chuyển, chuỗi cung ứng, và các lượt chuyển ngân.
Ông Gallagher nói: “Chúng tôi thấy rằng nếu sau đó Trung Quốc xâm lược Đài Loan, thì những tổn thất tài chính trên toàn hệ thống của chúng ta sẽ lớn hơn rất nhiều so với cuộc chiến Nga–Ukraine. Toàn bộ nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ sẽ bị đẩy vào trạng thái nguy hiểm.”
“Thị trường chứng khoán sẽ lao thẳng xuống trong bối cảnh các tuyến đường vận chuyển toàn cầu bị ngưng trệ, phí bảo hiểm vận chuyển tăng vọt, chuỗi cung ứng sụp đổ, và nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu ngày càng gia tăng. Người Mỹ sẽ thấy lương hưu của họ giảm đi và trương mục ngân hàng của họ sẽ bị rút bớt.”
Những người tham gia trò mô phỏng chiến tranh — các giám đốc điều hành trong các ngành tài chính, dược phẩm, và khai thác mỏ — đã bước ra khỏi cuộc chiến mô phỏng với một nhận thức khác: Hoa Kỳ phải chuẩn bị ngay một kế hoạch dự phòng kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cho các chuỗi cung ứng quan trọng và hạn chế Bắc Kinh tiếp cận được các quỹ của Hoa Kỳ để trợ giúp cuộc xâm lược của họ.
Ngoài ra, Hoa Kỳ không thể chỉ dựa vào các biện pháp kinh tế để ngăn chặn Trung Quốc chiếm Đài Loan bằng vũ lực, mà cần phải có sự răn đe quân sự đáng tin cậy.
Ông Gallagher nói: “Tôi nghĩ rằng các giám đốc điều hành tham gia cuộc mô phỏng đã nhận thức được mối nguy hiểm, nhưng nhiều người vẫn ngại nói ra.”
Hạn chế [các doanh nghiệp] Hoa Kỳ đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Cạnh tranh Chiến lược giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ, còn được gọi là Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ.
Khi những khoản đầu tư như vậy giúp các công ty Trung Quốc phát triển loại công nghệ mà sau đó Bắc Kinh sử dụng để nâng cao năng lực quân sự của mình, ủy ban sẽ xem việc đầu tư kiểu này tương đương với việc Hoa Kỳ đang tài trợ để phá hoại chính mình.
Được lưỡng đảng ủng hộ, Thượng viện đã thông qua điều khoản giải quyết vấn đề này, ban đầu là một bản tu chính cho đạo luật quốc phòng thường niên 2024. Một dự luật tương tự đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hoà-Los Angeles) đã loại bỏ điều khoản nói trên ra khỏi đạo luật quốc phòng thường niên được thông qua hồi tháng 12/2023; một phiên bản cập nhật dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại nghị trường của Hạ viện trong năm nay.
Ngoài việc giải quyết các vấn đề an ninh kinh tế liên quan đến Trung Quốc, một số khuyến nghị chính sách về Đài Loan của ủy ban đặc biệt này đã được đưa vào đạo luật quốc phòng thường niên 2024, bao gồm một chương trình mới về hợp tác an ninh mạng quân sự với Đài Loan và tăng cường sự giám sát của Quốc hội về việc bán vũ khí cho hòn đảo này nhằm đẩy nhanh việc giao hàng.
Sản phẩm chung của lưỡng đảng
Kể từ khi được thành lập hồi tháng 01/2023, Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ đã thể hiện một sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi ở Capitol Hill.
Chủ tịch Gallagher và thành viên cao cấp của ủy ban, Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), đã trình bày rất ăn ý trong các phiên điều trần và thường cùng nhau tổ chức các cuộc họp báo.
Dân biểu Dusty Johnson (Cộng Hòa-South Dakota), một thành viên ủy ban, cho biết hai nhà lãnh đạo này vẫn luôn điều tiết những quan điểm khác nhau [giữa họ].
Các khuyến nghị chính sách kinh tế của nhóm đưa ra hồi tháng 12/2023 đã nhận được sự ủng hộ của tất cả, chỉ trừ một thành viên.
Ông Johnson nói với The Epoch Times: “Sản phẩm của chúng tôi là kết quả của sự đồng thuận.”
Dân biểu Ashley Hinson (Cộng Hoà-Iowa), một thành viên khác Ủy ban Đặc biệt, cũng tán dương ông Gallagher và ông Krishnamoorthi vì đã dẫn đầu “công việc lưỡng đảng thiết thực nhất trong Quốc hội.”
Trong thư điện tử gửi tới The Epoch Times, bà nhấn mạnh một sự kiện bàn tròn tại tiểu bang Iowa, quê hương bà, liên quan đến nạn đánh cắp [kỹ thuật] nông nghiệp của ĐCSTQ như một ví dụ để ủy ban sử dụng như “sự hiểu biết trực tiếp” và “những kinh nghiệm thực tế” nhằm “xây dựng bản kế hoạch chi tiết về chính sách để bảo đảm Hoa Kỳ đang cạnh tranh với Trung Quốc chứ không tạo thuận tiện cho hành vi xấu và phá hoại của họ.”
Công việc của ủy ban đã không thể nào bị ĐCSTQ — đối tượng chính của công việc này — bỏ qua.
Các bài báo tuyên truyền của Trung Quốc gắn nhãn cho ủy ban này là một “nhóm tiên phong chống Trung Quốc” và thường đưa tin hành động của ủy ban này là một “hoạt động không ngừng nghỉ.”
Một bài nghiên cứu hồi tháng 09/2023 do Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc xuất bản đã cảnh báo rằng ủy ban này có thể biến thành một “trung tâm điều phối các chính sách về Trung Quốc cho tất cả các bộ phận trong Quốc hội Hoa Kỳ.”
Bài báo cảnh báo rằng uỷ ban này có thể nâng cao nhận thức của công chúng Mỹ về mối đe dọa từ Trung Quốc, điều mà họ gắn nhãn là “thông tin sai lệch.”
Đối với một số thành viên ủy ban, những lời chỉ trích từ ĐCSTQ là sự chứng thực cho công việc của họ. Trong văn phòng của họ có một tấm biển ghi rằng: “Hôm nay chúng ta đã làm việc siêng năng hơn những người đồng cấp trong ĐCSTQ chưa?”
Một thỏa thuận phụ thuộc vào Đài Loan
Kể từ khi thành lập Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ, ông Gallagher đã nhiều lần cảnh báo rằng khung thời gian hiện tại là “thời kỳ nguy hiểm nhất” đối với Đài Loan.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích không cho rằng cuộc xung đột quân sự ở Đài Loan là điều không thể tránh khỏi.
Bà Bonnie Glaser, một giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Quỹ Marshall của Đức, cho biết nếu nhà lãnh đạo chế độ Tập Cận Bình thấy lạc quan là có thể thống nhất Đài Loan “trong hòa bình,” thì ông ấy sẽ có động lực để ngăn chặn một cuộc xâm lược.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một chuyên gia về Trung Quốc với hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành báo chí ở Hoa lục và Hồng Kông, cho biết quan điểm đó chỉ “đúng trên lý thuyết.” Ông sử dụng bí danh để tránh bị ĐCSTQ trả đũa.
Ông Thạch đã biết được tin tức từ những người trong nội bộ ĐCSTQ rằng ông Tập phải giao Đài Loan cho Đảng của mình trong một khung thời gian nhất định để đổi lấy quyền lãnh đạo suốt đời đối với ĐCSTQ — một phần thưởng, mà nếu ông đạt được, sẽ nâng ông lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, người thành lập Trung Quốc cộng sản hồi năm 1949 và dồn kẻ thù chính trị của mình sang Đài Loan.
Ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba hồi năm ngoái sau khi vượt qua giới hạn hai nhiệm kỳ hay 10 năm trong Hiến pháp Trung Quốc. Hồi tháng 03/2028, việc sửa đổi Hiến Pháp đã được thông qua. Ông Thạch cho biết, tại Đại hội Đảng lần thứ 19 một năm trước đó (2017), ông Tập đã thuyết phục các lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ gia hạn thời gian nắm quyền của ông bằng lời hứa sẽ thống nhất Đài Loan.
Trong bài diễn văn chúc mừng năm mới 2024, nhà lãnh đạo cộng sản 70 tuổi này đã nhắc lại rằng việc thống nhất Trung Quốc là một “điều tất yếu trong lịch sử.”
Ông Gallagher và Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho rằng khi các nhà độc tài toàn trị cảnh báo thế giới về các kế hoạch của họ, thì chúng ta nên chú ý đến những kế hoạch đó.
Ông Thạch đã chia sẻ nhiều hơn với The Epoch Times về tình huống nội bộ không thể thỏa hiệp của ông Tập.
“Ông Tập đang chuẩn bị để Trung Quốc tham chiến với Đài Loan. Vì lẽ đó nên Đảng cần một nhà lãnh đạo vượt quá giới hạn nhiệm kỳ trước đó. Nếu ông từ bỏ mục tiêu này, các thế lực chống đối trong Đảng sẽ buộc ông phải chịu trách nhiệm vì ông đã tự biến mình thành một ngoại lệ và khiến nền kinh tế bị thiệt hại. Ông có quá nhiều rủi ro đến nỗi không thể thay đổi hướng đi của mình.”
Ông Tập đã nỗ lực hướng tới mục tiêu này được một khoảng thời gian.
Khi nắm quyền kiểm soát ĐCSTQ hồi năm 2013, ông Tập đã bắt đầu dự trù cho cuộc cải tổ quân sự lớn nhất từ trước đến nay; và cuộc cải tổ chính thức được khởi động một năm sau đó. Những thay đổi này bao gồm chuyển nguồn lực từ lục quân sang hải quân, không quân, và lực lượng hỏa tiễn. Lực lượng hỏa tiễn được đổi sang tên hiện tại vào năm 2016 và được chuyển đổi từ lực lượng hỏa tiễn trên mặt đất sang lực lượng có khả năng phóng hỏa tiễn tầm xa từ trên không, trên bộ, và trên biển.
Nhờ việc xây dựng quân đội mạnh mẽ, quy mô hạm đội hải quân của ĐCSTQ đã vượt qua Mỹ vào năm 2015.
Theo đánh giá mới nhất của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Bắc Kinh có hạm đội hải quân lớn nhất thế giới và lực lượng không quân lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Báo cáo này ước tính Trung Quốc có “hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động tính đến tháng 05/2023 — và đang trên đà vượt kế hoạch trước đó.”
Ông Thạch cho biết mối đe dọa trên thực tế về một cuộc xung Đài Loan đã thúc đẩy sự thay đổi căn bản trong bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Ông nói: “Căng thẳng này sẽ tiếp tục leo thang trừ phi ông Tập Cận Bình từ bỏ mục tiêu của mình về Đài Loan.”
Ông cho rằng nếu Hoa Kỳ không giúp đỡ Đài Loan từ đầu đến cuối, thì có thể dẫn đến sự sụp đổ của bộ máy an ninh toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo, tiếp đó gây ra sụp đổ của hệ thống tài chính dựa trên đồng dollar Mỹ và cuối cùng là dấu chấm hết cho kỷ nguyên [lãnh đạo của] Hoa Kỳ.
Ông Lonnie Henley, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cũng bày tỏ quan điểm tương tự tại một sự kiện vào tháng 10/2023.
Ông nói: “Nếu chúng ta sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến đó ngay từ đầu, thì chúng ta phải giành chiến thắng, nếu không chúng ta sẽ tự hủy đi địa vị của mình trên trường thế giới.”
Ông Phil Saunders cho biết, nếu ĐCSTQ có thể đánh bại một Đài Loan được Hoa Kỳ hậu thuẫn thì họ “có thể đạt được rất nhiều thứ.” Ông Saunders là giám đốc Trung tâm Quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Quốc gia có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.
Ông nói: “Điều đó sẽ thực sự thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hình thế an ninh khu vực.”
Vốn ngoại quốc và an ninh quốc gia
Ông David Asher, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson cho biết, nếu một cuộc chiến Trung Quốc-Đài Loan nổ ra, thì những gì xảy ra với tài sản và các khoản đầu tư của Hoa Kỳ ở Nga trong cuộc xâm lược Ukraine sẽ tái diễn.
Theo dữ liệu từ Trường Quản lý Yale, tính đến tháng 07/2023, hơn 1,000 công ty toàn cầu đã rời khỏi thị trường Nga. Wall Street Journal ước tính từ các tuyên bố và hồ sơ công khai cho thấy một khoản lỗ 59 tỷ USD vào tháng 06/2022 và liệt kê một số doanh nghiệp phải xoá các khoản nợ trị giá hơn 1 tỷ USD, chẳng hạn như McDonald’s và ExxonMobil.
Ông Thạch thừa nhận nguy cơ tương tự và nói thêm rằng môi trường an ninh của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn “hoàn toàn thù địch và kiểm soát vốn ngoại quốc,” một phần do sự chuẩn bị để chiếm Đài Loan bằng vũ lực và một phần do chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.
Ông đưa ra một ví dụ về Tesla. ĐCSTQ đã cấm các cơ quan chính phủ sử dụng xe Tesla với lý do tiềm ẩn các nguy cơ về bảo mật dữ liệu, mặc dù công ty này là một trong những nhà đầu tư ngoại quốc hàng đầu, bao gồm khoản đầu tư ước tính 5 tỷ USD vào nhà máy của công ty này ở Thượng Hải. Tuyên truyền của Trung Quốc đã ca ngợi các cơ sở của Tesla là “thể hiện sức mạnh của hàng hóa ‘được sản xuất tại Trung Quốc.’ Ngoài ra, việc Tesla sử dụng pin xe điện của Trung Quốc đã nâng cao vị thế dẫn đầu về mặt kỹ thuật của Trung Quốc trong ngành này.
Ông Thạch cho biết, xu hướng mà ông đang quan sát không chỉ đơn thuần là việc chính phủ Hoa Kỳ quy định và hạn chế dòng vốn chảy vào Trung Quốc; mà môi trường an ninh leo thang cho cả hai quốc gia sẽ dẫn đến nhiều căng thẳng hơn, và bản chất của các nguy cơ trong đầu tư sẽ thay đổi, từ đó hạn chế hoặc chặn đứng dòng vốn Hoa Kỳ chảy vào Trung Quốc.
Ông tin rằng Quốc hội đang ứng phó, chứ không phải dẫn đầu xu hướng này.
Theo Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước, hơn 100 tỷ USD đầu tư dài hạn đã rời khỏi Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2023. Điều đó có nghĩa là các công ty ngoại quốc đang rút vốn, bên cạnh việc hạn chế tái đầu tư vào Trung Quốc.
Tái thiết mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc
Sau một năm điều tra, Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ đã đưa ra một danh sách gồm 150 khuyến nghị chính sách “nhằm tái thiết một cách căn bản sự cạnh tranh kinh tế và công nghệ của Hoa Kỳ” với Trung Quốc.
Về các chính sách kinh tế, báo cáo này đề xướng các cách tiếp cận có hệ thống đối với thuế quan, các biện pháp hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, xây dựng vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ, và tăng cường quan hệ đối tác với các nền dân chủ khác.
Đối với ông Steve Yates, chủ tịch tổ chức Sáng kiến Chính sách Trung Quốc của Viện Chính sách nước Mỹ Trước tiên, thì nhờ nỗ lực của lưỡng đảng, công việc của ủy ban “tốt hơn nhiều trong những thập niên gần đây.” Ông nói, ủy ban này làm việc về mối quan hệ kinh tế — “nền tảng” đã dẫn đến chính sách về Trung Quốc khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh.
Ông lưu ý rằng hiện nay nhiều người xem cách tiếp cận lúc trước là một sai lầm.
Ông Gallagher là một ví dụ.
Ông nói: “Trong nhiều thập niên, nhiều người Mỹ tin rằng sự hợp tác kinh tế không giới hạn với ĐCSTQ sẽ dẫn đến một xã hội ngày càng tự do và nền dân chủ ở Trung Quốc.”
“Chúng ta đã đặt cược vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và chúng ta đã sai lầm. Chúng ta đã tận dụng một cơ hội để hợp tác, nhưng cơ hội đó đã thất bại. Và bây giờ là thời kỳ mà những suy nghĩ mơ mộng về ĐCSTQ phải tan biến.”
Ông Yates cho biết các khuyến nghị của Ủy ban Đặc biệt là “một bước quan trọng đầu tiên để thiết lập lại các điều khoản trong mối quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với ĐCSTQ.”
Ông tin tưởng rằng chính sách hợp lý của Quốc hội “có thể thành hiện thực trong những năm tới vì đó là chính sách lưỡng đảng.”
Dân biểu Adrian Smith (Cộng Hoà-Nebraska), chủ tịch Tiểu ban Thương mại thuộc Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, đã truyền đạt quan điểm đó trong một thư điện tử gửi The Epoch Times. Ông viết: “Ảnh hưởng ngày càng tăng và sự xâm lược kinh tế của ĐCSTQ cần phải được xem xét rất nghiêm túc và tôi rất biết ơn sự làm việc của lưỡng đảng tại Ủy ban Đặc biệt.”
Ông nói: “Việc bảo đảm Hoa Kỳ đang làm mọi thứ có thể để tối đa hóa khả năng cạnh tranh của Mỹ đồng thời củng cố và hiện đại hóa các mối quan hệ thương mại của chúng ta trên khắp thế giới đòi hỏi sự hợp tác của chúng ta về các chính sách thông thường.”
Ông McCaul đang chủ trì một dự luật lưỡng đảng nhằm hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Ông nói trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử cho The Epoch Times: “Hoa Kỳ phải ngừng đầu tư vốn vào các công ty Trung Quốc đang phát triển các công nghệ quan trọng cho quân đội Trung Quốc và đang tăng cường ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong và ngoài nước.” Ông cũng công nhận công việc lưỡng đảng mà ủy ban đặc biệt này đã đóng góp cho các nỗ lực lập pháp trong ủy ban [đối ngoại] của ông.
Nhân quyền trở thành trọng tâm
Theo các nguồn tin thân cận với Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ, nhân quyền đã trở thành trọng tâm trong chiến lược toàn diện của ủy ban này về Trung Quốc, bởi vì cách ĐCSTQ đối xử với người dân của mình cho thấy cách họ sẽ đối xử với những người khác.
Cộng đồng nhân quyền — các thành viên của cộng đồng này đã bị các cuộc đàn áp của ĐCSTQ nhắm đến trong nhiều năm và đã bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán song phương — cho đến nay hài lòng khi thấy ủy ban này ủng hộ những người từng bị chính quyền cộng sản đàn áp.
“Tôi có ấn tượng khá tốt ngay từ lúc đầu, họ đã thực sự đặt nhân quyền vào tâm điểm của mọi việc và thực hiện một công việc khá ấn tượng là kết nối các khía cạnh trong các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và cách mà nhân quyền liên quan đến tất cả những điều đó,” bà Julie Millsap, giám đốc mảng quan hệ chính phủ tại Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, nói với The Epoch Times.
Bà Millsap nói rằng mặc dù “những thành kiến đã biến mất” và cả hai đảng chính trị đều nhận ra rằng phát triển kinh tế sẽ không mang lại những cải thiện về nhân quyền ở Trung Quốc, nhưng các nhà hoạt động vẫn cảm thấy không an toàn, ngay cả khi ở Hoa Kỳ.
“Mỗi người mà tôi biết làm việc trong lĩnh vực nhân quyền đều phải đương đầu với vấn đề này hàng ngày; chúng tôi không cảm thấy an toàn về thân thể ở Hoa Kỳ,” bà Millsap nói.
Bà nói: “Người nhà của chúng tôi bị hăm dọa hoặc chính chúng tôi cũng bị hăm dọa, chúng tôi liên tục phải vượt qua những nỗ lực đánh cắp danh tính, và nhiều người bị đe dọa sát hại.”
FBI gọi tình trạng này là “cuộc đàn áp xuyên quốc gia.”
Ông Gallagher nói tại một phiên điều trần hồi tháng trước (12/2023), “ĐCSTQ thực sự đang tìm cách giám sát, gây ảnh hưởng, trừng phạt, và cưỡng ép người dân trên toàn thế giới. Họ muốn bịt miệng những người chỉ trích, kiểm soát chính trị, và kiểm soát tư tưởng vượt xa ngoài biên giới Trung Quốc.”
Anh Trương Tân Duệ (Jinrui Zhang) là một sinh viên trường luật tại Đại học Georgetown, đã làm chứng tại phiên điều trần hồi tháng Mười Hai vừa qua rằng anh đã bị một sinh viên Trung Quốc khác quấy rối trong khuôn viên trường vào năm 2022 khi phát tờ rơi phản đối chính sách zero-COVID của Trung Quốc. Người nhà của anh ở Trung Quốc sau đó đã bị chính quyền sách nhiễu bốn lần từ tháng Sáu đến tháng Mười Hai năm ngoái vì các bài đăng trực tuyến của anh chống lại ĐCSTQ.
Sau phiên điều trần này, một nhân viên của uỷ ban đặc biệt đã đến gặp hiệu trưởng Trường Luật Georgetown để thảo luận về vấn đề này.
“Họ đã hành động; họ thật tử tế,” anh Trương nói với The Epoch Times. “Tôi rất cảm kích.”
Trưởng khoa của trường Georgetown, ông William Treanor, đã không phúc đáp một câu hỏi của The Epoch Times vào thời điểm phát hành bản tin này.
Ông Chu Phong Tỏa (Chu Fengsuo), giám đốc điều hành của tổ chức Nhân Quyền ở Trung Quốc, cho biết ông bắt đầu làm việc với ủy ban này tại một cuộc biểu tình bên ngoài đồn công an chìm của ĐCSTQ ở Khu Phố Tàu Manhattan, nơi đã bị đóng cửa sau một cuộc đột kích của FBI. Ông cho biết ông đã nhận thấy cả hai đảng chính trị đều có cảm giác hết sức cấp bách về các vấn đề Trung Quốc.
Ông Chu cho biết ông có ấn tượng sâu sắc trước sự hiểu biết toàn diện của ông Gallagher về các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ, bao gồm các loại tổ chức Mặt trận Thống nhất, tổ chức sinh viên Trung Quốc, và những ảnh hưởng tiềm ẩn của Đảng ở Hollywood, Thung lũng Silicon, và các khu vực khác trong xã hội Hoa Kỳ.
Ông Chu nói với The Epoch Times: “Ủy ban về Trung Quốc rõ ràng là một nguồn sức sống mới với quyền hạn thực thi to lớn.”
Dân biểu Michelle Steel (Cộng Hòa-California) cho biết bà tự hào về việc ủy ban “đưa ra một diễn đàn toàn cầu cho những người đang bị ĐCSTQ gạt ra ngoài lề xã hội.”
Bà nói với The Epoch Times: “Chúng tôi đang chứng kiến các cuộc đàn áp xuyên quốc gia leo thang trong những năm gần đây và đây là vấn đề nổi bật ở San Francisco.” Trong chuyến đi của ông Tập đến San Francisco hồi tháng 11/2023, những người bị nghi ngờ là đặc vụ của ĐCSTQ đã đe dọa và trong một số trường hợp còn hành hung các nhà hoạt động phản đối hành vi xâm phạm nhân quyền của chế độ này, và nhiều nạn nhân đã ở đó.
Trong năm mới, bà Steel cho biết bà hy vọng có thể hợp tác với các đồng nghiệp của mình để chính thức đưa những hành động như vậy vào tội hình sự.
“Đây phải là ưu tiên hàng đầu không chỉ của Ủy ban mà cả Quốc hội. Tôi muốn tất cả mọi người ở Hoa Kỳ và trên thế giới chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản biết rằng có người đang đứng về phía họ,” bà nói.
Hướng đến tương lai
Năm nay, ông Johnson nhận thấy cho dù khối đa số Đảng Cộng Hòa trong Hạ viện có ít đi cũng không ảnh hưởng đến công việc của ủy ban này.
Ông nói: “Cho dù Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa nắm quyền vào một ngày nào đó, thì tôi thấy thông điệp của uỷ ban cũng sẽ không thay đổi nhiều bởi vì mọi thứ chúng ta đã làm đều được thực hiện với sự đồng thuận của lưỡng đảng.”
Ông Johnson cho rằng năm đầu tiên của ủy ban là dành riêng cho việc phát triển chính sách và năm thứ hai là năm tập trung nhiều hơn vào việc thực hiện các chính sách được đề xướng và làm việc với các ủy ban khác để thông qua dự luật. Trước tiên, ông muốn “tái cân bằng” mối quan hệ kinh tế Hoa Kỳ–Trung Quốc.
Ông Gallagher đồng tình với nhận xét nói trên.
Ông nói: “Bảo đảm rằng vốn đầu tư ra ngoại quốc của Mỹ không tài trợ cho quá trình hiện đại hóa PLA hoặc hành vi vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của ủy ban chúng tôi và tôi mong muốn được tiếp tục làm việc với các Chủ tịch khác trong năm tới,” ông nói về quân đội chính quy của Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).
Một năm trước, Chủ tịch Hạ viện đương thời Kevin McCarthy đã thành lập ủy ban có thời hạn hai năm này.
Với tư cách chủ tịch của ủy ban, ông Gallagher cho biết nhiệm vụ của ông “không phải là tranh chấp về quá khứ mà là tìm ra các chính sách phù hợp cho tương lai, đặc biệt là khi nói đến cách chúng ta hợp tác kinh tế với đất nước Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát.”
“Chúng ta có thể gọi đây là một ‘cuộc cạnh tranh chiến lược’, nhưng đây không phải là một trận đấu quần vợt lịch sự,” ông nói. “Nhân quyền và các quyền tự do căn bản nhất đang bị đe dọa.”
Thuần Thanh biên dịch