Chính sách đối ngoại là một điểm nhấn trong bài phát biểu thường niên của Tổng thống Biden trước Quốc hội, nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới.
Vậy những nơi đó đón nhận bài phát biểu của ông như thế nào?
Đáng chú ý, Tổng thống Biden đã bắt đầu bài phát biểu Thông điệp Liên bang bằng việc bàn luận về Ukraine.
Sau đó ông dành vài phút để nói tới cuộc chiến Israel-Hamas và khép lại bằng cách nói về nỗ lực “chống lại” Trung Quốc.
Các phóng viên BBC phụ trách ba khu vực nói trên sẽ phân tích các ý kiến của ông Biden.
So sánh Nga với Đức Quốc xã sẽ khiến ông Putin khó chịu
Sarah Rainford, phóng viên Đông Âu
Một năm trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, việc Tổng thống Biden đồng tình với một phóng viên đang phỏng vấn ông rằng Putin là “kẻ sát nhân” đã làm Điện Kremlin tức giận.
Ba năm sau, ông Biden so sánh Putin với Adolf Hitler.
Trong Thông điệp Liên bang, ông Biden đề cập đến việc Hitler “càn quét” châu Âu vào năm 1941 và sau đó nói rằng chính nhà lãnh đạo Nga cũng đang “càn quét”, rồi cảnh báo rằng hành động xâm lược của Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine.
Thông điệp của ông gửi tới Tổng thống Putin, trong diễn văn của mình, rất đơn giản. “Chúng tôi sẽ không khuất phục.”
Nhà lãnh đạo Nga đã tuyên bố, một cách sai trái, rằng cuộc tấn công Ukraine là nhằm “giải trừ phát xít” tại nước láng giềng của Nga và ông ta đã nâng việc Liên Xô đánh bại Hitler trong Thế chiến II lên mức gần như sùng bái.
Vì vậy Moscow sẽ không thích sự so sánh cura ông Biden chút nào.
Nhưng ông Biden không chỉ đề cập đến nước Nga.
Ông nhấn mạnh Mỹ cần tiếp tục viện trợ Ukraine để nước này có thể tự vệ và kêu gọi Quốc hội Mỹ chấm dứt việc ngăn chặn dự luật để từ đó có thể cung cấp nguồn tài trợ mà Kyiv đang rất cần.
Các chính trị gia và các nhà phân tích ở Ukraine đã nói với tôi rằng việc mất đi viện trợ tài chính của Mỹ là “thảm họa”. Sự chậm trễ trong viện trợ đang gây hại, buộc binh lính ở tiền tuyến phải dè sẻn đạn dược.
Trong khi Moscow tức giận khi bị so sánh với Đức Quốc xã, Ukraine lại hoan nghênh Thông điệp Liên bang với phần mở đầu là lời kêu gọi cho dân chủ và ủng hộ Kyiv.
Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ không “bỏ rơi Ukraine”.
Những ngôn từ này là rất quan trọng và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trước đây thì người ta cũng đã từng nghe những lời lẽ như thế và rồi Ukraine vẫn cứ mất thêm đất đai và binh lính.
Trung Quốc khó chịu khi Biden phát ngôn cứng rắn
Laura Bicker, phóng viên phụ trách Trung Quốc
Thật khó để biết Trung Quốc thích ứng cử viên tổng thống nào hơn khi họ theo dõi sự bất hòa được phơi bày ở Washington trong Thông điệp Liên bang.
Sự tương phản với quốc hội “nghị gật”, tức Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, là rất rõ ràng.
Trong tuần này, gần 3.000 đại biểu đang họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, nơi các bài phát biểu được theo dõi với vẻ gật gù, với sự im lặng đầy tôn kính và sự tán thành không lay chuyển của giới tinh hoa Đảng Cộng sản.
Hẳn là sẽ có ít nhiều bất an trong doanh giới Trung Quốc khi Biden cho rằng ông cần phải thể hiện sự cứng rắn với Bắc Kinh.
Ông tuyên bố muốn “cạnh tranh – chứ không phải xung đột” với Trung Quốc, nhưng giới lãnh đạo doanh nghiệp có lẽ sẽ băn khoăn không biết sự cạnh tranh ấy có hình hài như thế nào.
Ông Biden đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc xét theo một loạt vấn đề, từ vi phạm nhân quyền tới mối quan hệ [của Trung Quốc] với Nga.
Quan hệ [Mỹ-Trung] cũng trở nên căng thẳng do hành vi của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, sự đe dọa quân sự đối với Đài Loan và khả năng cạnh tranh công nghệ ngày càng trở nên mạnh mẽ.
Bắc Kinh sẽ không coi đối thủ của ông Biden là một triển vọng hứa hẹn hơn.
Khi còn tại nhiệm, Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Gần đây, ông còn đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu giành chiến thắng vào tháng 11.
Nhưng Bắc Kinh có lẽ thích một nhiệm kỳ tổng thống nữa của ông Trump.
Chính quyền Biden đã xây dựng một liên minh để chống lại sức mạnh của Trung Quốc và đã nói rõ rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tìm cách sử dụng vũ lực để chiếm hòn đảo tự trị này.
Ngược lại, ông Trump lại từ chối tuyên bố sẽ giúp Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Trung Quốc có thể khai thác các bất đồng này ở Washington, để qua đó thể hiện rằng họ là một lựa chọn ngoại giao an toàn và lâu dài hơn cho các nước trên thế giới, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu.
Truyền thông Israel đưa tin lời quở trách của Biden
Yolande Knell, phóng viên Trung Đông
Tổng thống Biden nói rằng những sự kiện diễn ra trong năm tháng qua khiến ông “đau lòng”.
Dù đổ lỗi rằng Hamas đã châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza, ông nhấn mạnh tới những cái chết của thường dân Palestine và đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho Israel, yêu cầu nước này cho phép nhu yếu phẩm được tiếp cận các khu vực lãnh thổ bị bao vây, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc cảnh báo về nạn đói quy mô lớn.
“Viện trợ không thể là sự cân nhắc thứ yếu hay một thứ có thể mặc cả. Bảo vệ và cứu sống những sinh mệnh vô tội phải là ưu tiên hàng đầu,” ông nói.
Lời khiển trách này được đăng tải trên hàng loạt các phương tiện truyền thông Israel vào sáng 8/3.
Trong năm bầu cử, với áp lực của chính trị quốc nội – rằng Mỹ cần phải hành động mạnh hơn – cùng với đó là nhu cầu nhân đạo sâu sắc, ông Biden đã công bố kế hoạch xây một cầu tàu nổi mới ngoài khơi Gaza để đưa thực phẩm và nhu yếu phẩm bằng tàu thông qua đảo Síp tới đây.
Ý tưởng đầy tham vọng này – mà ông Biden đã cẩn thận nói rằng sẽ không có chuyện triển khai quân Mỹ – hẳn là xuất phát từ nỗi thất vọng đối với Israel, một đồng minh thân thiết của Mỹ.
Israel chính thức hoan nghênh kế hoạch trên.
Nước này đã ngăn hàng viện trợ đi qua cảng container Ashdod ở Địa Trung Hải, cách miền bắc Gaza 35km, và cũng chống lại việc mở thêm cửa khẩu biên giới.