Nước Nga đang tiến hành cuộc bầu cử tổng thống kéo dài ba ngày, từ 15 đến 17/3. Nhiều người tin rằng việc Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin giành chiến thắng và tiếp tục nhiệm kì thứ năm là điều hiển nhiên.
Ông Vladimir Putin trên thực tế đã điều hành nước Nga từ năm 2000. Lần đầu được người tiền nhiệm là Boris Yeltsin bổ nhiệm làm Tổng thống tạm quyền, ông Putin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên vào tháng 3/2000.
Từ năm 2008 – 2012, ông chuyển đổi vai trò, trở thành thủ tướng nhưng vẫn nắm quyền kiểm soát. Vào thời điểm đó, hiến pháp Nga chỉ cho phép một tổng thống phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, nên biện pháp này giúp ông có thể tái tranh cử.
Vào năm 2020, hiến pháp Nga đã được thay đổi và nhiều người dự đoán rằng Tổng thống Putin sẽ nắm quyền cho đến năm 2036. Đến thời điểm đó, ông Putin sẽ trở thành người cầm quyền lâu nhất ở Nga, vượt qua nhà độc tài thời Liên Xô Joseph Stalin và Nữ hoàng Catherine Đại đế của thế kỷ 18, mỗi người đã nắm quyền trong hơn 30 năm.
Thể hiện sự ủng hộ
Các cuộc bầu cử ở Nga hiếm khi được coi là gay cấn, nhưng lại cần thiết để hợp pháp hóa những người nắm quyền và chứng tỏ rằng ý kiến của người dân là quan trọng.
Lần này, điều đặc biệt quan trọng đối với ông Vladimir Putin là không chỉ giành chiến thắng mà còn là tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao và tỷ lệ ủng hộ cao, vì đất nước ông đang tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện gây ra hậu quả lâu dài cho cả nước Nga và thế giới.
Đối với các quan chức nhà nước, cuộc bầu cử sẽ đóng vai trò như một bài kiểm tra khả năng của họ trong việc tập hợp các nguồn lực hành chính và mang lại chiến thắng cho tổng thống.
Hãng tin độc lập Meduza của Nga đưa tin Điện Kremlin hy vọng sẽ đạt được tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ít nhất là 70%, trong đó khoảng 80% phiếu bầu dành cho ông Vladimir Putin. Con số này sẽ vượt qua mức 76,7% phiếu bầu mà ông giành được vào năm 2018.
Nghiên cứu của riêng BBC cho thấy để đạt được kết quả như vậy, các cơ quan chức năng hướng tới huy động nhân viên nhà nước – những người làm việc cho chính quyền trung ương và địa phương, cũng như các tập đoàn nhà nước – những người được khuyến khích tham gia bầu cử và ủng hộ tổng thống đương nhiệm một cách mạnh mẽ.
Khoảng 112,3 triệu người có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nga 2024.
Con số này bao gồm những người sống tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine – gồm bán đảo Crimea và một phần của vùng Donbas, bị Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014, cũng như các khu vực khác ở miền đông và nam Ukraine đã bị chiếm đóng kể từ tháng 2/2022.
Có 1,9 triệu công dân Nga sống ở nước ngoài đủ điều kiện bỏ phiếu, trong đó có 12.000 người ở nước láng giềng Kazakhstan, nơi Nga thuê sân bay vũ trụ Baikonur.
Chiến tranh và bầu cử
Ông Putin đã xuất hiện tại nhiều sự kiện trong chiến dịch tranh cử của mình, chủ yếu là gặp gỡ các sinh viên và công nhân ở các vùng khác nhau của nước Nga.
Trong khi ông tránh đề cập về “chiến dịch quân sự đặc biệt” – thuật ngữ của Moscow để chỉ cuộc xâm lược Ukraine – thì chiến tranh vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống của người dân Nga: các biện pháp trừng phạt quốc tế, đi lại bị hạn chế, ít hàng hóa nước ngoài hơn và cảm giác bị cô lập, ít nhất là từ châu Âu và Bắc Mỹ.
Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn binh sĩ Nga.
Hàng trăm ngàn người Nga khác, chủ yếu là thanh niên trẻ, có học thức và khá giả, đã rời bỏ đất nước trong 24 tháng qua, vì họ không đồng tình với chiến tranh hoặc vì họ không muốn bị đưa đến chiến trường.
Ngay cả khi không dính tới chiến dịch, chiến tranh vẫn là một phần quan trọng trên truyền thông và người dân Nga không thể lảng tránh nó.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao và sự ủng hộ cao dành cho tổng thống sẽ tăng thêm tính hợp pháp cho các quyết định tiếp theo của ông, nhiều quyết định trong số đó sẽ liên quan trực tiếp đến cuộc xâm lược.
Các ứng cử viên là ai?
Ngoài ông Putin, còn có ba ứng cử viên đã tranh cử: ông Leonid Slutsky, một người bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc; ứng cử viên Đảng Cộng sản Nikolai Kharitonov và Vladislav Davankov, một doanh nhân thuộc đảng Những con người mới được thành lập gần đây và có một đại diện trong Duma Quốc gia, tức hạ viện của quốc hội Nga.
Cả ba đều bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine và đối với Tổng thống Putin, và không ai trong số họ thể hiện mối đe dọa thực sự đối với ông Putin trong cuộc tranh cử.
Những người thách thức thực sự của ông Putin đã chết hoặc bị bỏ tù, hoặc đã trốn khỏi đất nước. Đối thủ đáng gờm nhất của ông, Alexei Navalny, đã chết trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt hồi tháng 2 vừa qua.
Khi biên tập viên tiếng Nga của BBC là Steve Rosenberg hỏi ứng cử viên Nikolai Kharitonov rằng ông có nghĩ mình sẽ trở thành một tổng thống tốt hơn Vladimir Putin hay không, ứng viên Đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF) nói rằng ông không phải là người trả lời và cử tri sẽ “quyết định mọi thứ”.
Đồng thời, ông Kharitonov đang kêu gọi “tiến tới tương lai”. Ông đã bị phương Tây trừng phạt kể từ năm 2022.
Nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) Leonid Slutsky đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc quấy rối tình dục. Ông đã tổ chức các chuyến thăm chính thức tới bán đảo Crimea bị chiếm đóng và phải chịu lệnh trừng phạt quốc tế kể từ năm 2014.
Doanh nhân Vladislav Davankov, một cái tên mới đến từ một đảng mới, là người ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhất.
Là người đồng sáng lập một công ty mỹ phẩm, ông Davankov chỉ giành được hơn 5% số phiếu trong cuộc bầu cử thị trưởng Moscow năm 2023. Dù ủng hộ “hòa bình và đàm phán” trong cuộc chiến với Ukraine, ông đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine, điều này cũng khiến ông bị quốc tế trừng phạt.
Ứng viên phản chiến Boris Nadezhdin đã không được chính quyền cho đăng ký để tranh cử, mặc dù hàng chục ngàn người Nga đã xếp hàng để ký tên ủng hộ ông.
Thủ tục bầu cử
Đây là lần đầu tiên cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra không phải chỉ trong một mà là ba ngày, từ 15 đến 17/3.
Quy trình này được thử nghiệm lần đầu trong cuộc bỏ phiếu năm 2020 về sửa đổi hiến pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong đại dịch Covid.
Việc bỏ phiếu trong ba ngày một lần nữa đã được áp dụng cho cuộc bầu cử tổng thống, bất chấp việc các nhà quan sát độc lập chỉ trích, cho rằng phương án này làm phức tạp việc đảm bảo tính minh bạch của quy trình bỏ phiếu.
Ngoài ra, hệ thống bỏ phiếu trực tuyến được áp dụng lần đầu tiên, chủ yếu ở các khu vực được biết đến là phản đối bỏ phiếu hoặc nơi chính quyền gặp khó khăn trong việc đảm bảo lượng cử tri đi bầu.
Nga cũng bị chỉ trích vì đưa các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine vào cuộc bầu cử này, nhiều nơi ghi nhận người dân địa phương bị gây áp lực phải đi bầu.
Hội đồng Nghị viện (PA) của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã cử quan sát viên tới Nga từ năm 1993, nhưng việc này đã dừng lại trong ba năm qua.
Điều gì có thể thay đổi?
Không có cuộc thăm dò dư luận độc lập nào được tiến hành ở Nga và hầu hết người dân tiếp cận tin tức từ các kênh truyền thông nhà nước vốn thiên vị nhiều cho Tổng thống Vladimir Putin và các chính sách của ông.
Các chuyên gia tin rằng có nhiều người Nga hoài nghi về chính quyền, nhưng họ lại quá sợ hãi nên không dám lên tiếng. Đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt khắc nghiệt chỉ vì những biểu hiện ủng hộ dù nhỏ nhất đối với phe đối lập, họ không công khai bày tỏ quan điểm bất đồng của mình.
Góa phụ của ông Alexei Navalny, bà Yulia, đã kêu gọi người dân tẩy chay cuộc bỏ phiếu và kêu gọi các chính phủ nước ngoài không công nhận kết quả của cuộc bầu cử này.
Vế sau khó xảy ra nhưng vế trước thì có thể. Hãng tin độc lập Meduza dẫn lời một nguồn tin thân cận với chính quyền Tổng thống Putin cho biết có những lo ngại thực sự về nguy cơ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp.
Kết quả có khả năng sẽ diễn ra là một chiến thắng thuyết phục dành cho ông Putin, ít nhất là trên giấy tờ. Nhưng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp sẽ có nghĩa là sự ủng hộ dành cho tổng thống đã suy yếu và điều này có thể khiến nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn và đẩy nước Nga vào bầu không khí sợ hãi và áp bức.