Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết, “Việc vận động hành lang cho cả cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc lẫn của Mỹ có nguy cơ dẫn đến xung đột lợi ích đáng kể.”
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) nói chuyện trong một cuộc mít-tinh trước sự xuất hiện của cựu Tổng thống Donald Trump tại Hội chợ và Triển lãm Quốc gia Miami-Dade ở Miami, Florida, vào ngày 06/11/2022. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Terri Wu
Thứ năm, 21/03/2024
Hôm thứ Tư (20/03), Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã giới thiệu một dự luật yêu cầu các nhà vận động hành lang Hoa Kỳ lựa chọn giữa việc đại diện cho lợi ích của Hoa Kỳ hoặc là đại diện cho lợi ích của Trung Quốc cộng sản.
Đạo luật được đề xướng, có tên là “Đạo luật Thoái vốn Đầu tư khỏi Hoạt động Vận động Hành lang của ĐCSTQ,” trong đó sẽ cấm các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ thuê những người vận động hành lang đã ghi danh đại diện cho một số khách hàng nhất định — cụ thể là những cá nhân hoặc tổ chức được đưa vào danh sách đen (hay entity list) của bất kỳ cơ quan liên bang nào vì lý do an ninh quốc gia. Những tổ chức như vậy phải chịu các hạn chế xuất cảng và các biện pháp trừng phạt khác.
Văn phòng ông Rubio cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nhiều công ty vận động hành lang có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đang làm việc thay mặt cho các công ty Trung Quốc có liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân và những kẻ vi phạm nhân quyền trắng trợn, và những công ty đó cũng đồng thời đại diện cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.”
Văn phòng của ông nhấn mạnh hệ quả của vấn đề này: “Việc vận động hành lang cho cả cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc lẫn của Mỹ có nguy cơ dẫn đến xung đột lợi ích đáng kể. Những người vận động hành lang có thể sử dụng thông tin đặc quyền, ngay cả khi hành động đó là vô tình, để trợ giúp khách hàng Trung Quốc của họ nhằm gây phương hại đến an ninh quốc gia của Mỹ quốc.”
Ông Rubio cho biết trong một tuyên bố, “Quá nhiều công ty vận động hành lang đang thu được lợi ích tài chính từ việc đại diện cho khách hàng với các hợp đồng [của Bộ Quốc phòng] đồng thời làm việc cho những người có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
“Đạo luật Thoái vốn Đầu tư khỏi Hoạt động Vận động Hành lang của ĐCSTQ của tôi sẽ chấm dứt xung đột lợi ích rõ ràng này. Đạo luật này yêu cầu các công ty đưa ra một lựa chọn dứt khoát: hoặc là hợp tác với các nhà thầu của chính phủ Hoa Kỳ hoặc là ủng hộ các tổ chức của chính quyền Trung Quốc, nhưng quý vị không thể lựa chọn cả hai,” thành viên cấp cao của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện nói thêm.
Dự luật nói trên sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ban hành.
Nếu được ban hành, Bộ Quốc phòng (DoD) có thể giữ lại hoặc thu hồi tiền tài trợ từ các nhà thầu quốc phòng không tuân thủ cho đến khi họ ngừng tuyển dụng các nhà vận động hành lang đang đồng thời đại diện cho các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen. Những công ty như vậy được đưa vào danh sách đen do có liên hệ với quân đội Trung Quốc hoặc có liên quan đến nạn diệt chủng ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Dự luật đưa ra một ngoại lệ cho bất kỳ tình huống nào nêu trên nếu Bộ trưởng Quốc phòng xác nhận với Ủy ban Quân vụ của Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ rằng một lệnh miễn thi hành là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Gần đây, các công ty vận động hành lang của Hoa Kỳ đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ, khiến một số công ty phải từ bỏ các khách hàng quan trọng của mình.
Ví dụ, công ty sản xuất drone (thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến) Trung Quốc DJI và công ty gene Trung Quốc BGI Group (Tập đoàn Gene Hoa Đại) lần lượt được thêm vào danh sách đen của DoD vào tháng 10/2022 và tháng 03/2023.
Avoq LLC, một công ty luật ở Hoa Thịnh Đốn, đã chấm dứt hợp đồng vận động hành lang của mình cho DJI vào ngày 22/02, theo các hồ sơ mà công ty này phải kê khai.
Steptoe LLP, một công ty luật khác, cũng đã loại BGI khỏi cơ sở khách hàng của mình vào tháng trước (02/2024). Hồ sơ của Steptoe cho thấy họ đã kiếm được 270,000 USD từ hoạt động vận động hành lang cho công ty BGI vào năm 2023.
Với tư cách là phó chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, ông Rubio cho biết tại phiên điều trần thường niên của ủy ban này hôm 11/03 với chủ đề Đánh giá các Mối đe dọa Toàn cầu rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “rất giỏi trong việc thuê những người vận động hành lang và thậm chí sử dụng các công ty lớn của Mỹ làm đại diện để đến đây tiếp cận và vận động chúng tôi nhằm theo đuổi những điều có lợi cho các mục tiêu của Trung Quốc dù có phải làm tổn hại đến đất nước này, về lâu dài.”
Những lỗ hổng trong quy định hiện hành về việc tiết lộ thông tin liên quan đến hoạt động vận động hành lang cũng đã thu hút được sự chú ý của các nhà lập pháp.
Một dự luật giải quyết một lỗ hổng như vậy đã được Thượng viện đồng thuận thông qua hồi tháng Sáu năm ngoái.
Theo văn phòng của Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Cộng Hòa-Iowa), người giới thiệu dự luật nói trên, “Các tổ chức tư vấn và các cơ quan chấp pháp đã xác định được các trường hợp trong đó các địch thủ ngoại quốc đã khai thác lỗ hổng này bằng cách sử dụng các tổ chức và doanh nghiệp để thúc đẩy lợi ích của họ trước chính phủ Hoa Kỳ.”
“Dự luật yêu cầu rõ ràng các tổ chức vận động hành lang phải tiết lộ thời điểm mà các chính phủ và đảng phái chính trị ngoại quốc tham gia vào nỗ lực vận động hành lang của họ, bất kể họ có đóng góp tài chính nào cho nỗ lực vận động hành lang đó hay không.”
Phiên bản dự luật đồng hành của Hạ viện hiện đang nằm ở chỗ ủy ban tư pháp.
Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas), một trong những người đồng bảo trợ ban đầu của dự luật, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hồi đầu tháng này rằng các nhà lập pháp đã gần hoàn thành việc xây dựng luật này, giúp tăng cường tính minh bạch trong quá trình báo cáo về hoạt động vận động hành lang.
Hồng Ân biên dịch