Ông lão đáng kính này tên là Tom Brown 82 tuổi, một người kỹ sư đã về hưu, ông đã bảo tồn khoảng 1200 giống táo khỏi bị tuyệt chủng trong suốt hơn 25 năm qua. Đây là các giống táo tự nhiên nên rất khác với táo bạn mua siêu thị đã biến đổi gene
Tình yêu với những giống táo heirloom chỉ nảy nở khi Brown tham gia một hội chợ nông sản vào năm 1998 ở vùng Salem, Bắc Carolina – nơi ông lần đầu tiên nhìn thấy nhiều loại táo có nhiều hình thù kỳ lạ khác nhau ở một gian hàng nhỏ, theo trang Atlas Obscura ngày 3-6.
Theo lời ông kể, chúng có nhiều màu sắc, từ xanh lục sáng đến vàng sọc, hồng hoàng hôn cho đến đen tía. Một số có kích thước bằng quả mận ruột đỏ, một số khác to bằng quả bóng mềm (softball).
Chúng có những cái tên độc đáo, mỗi loại lại mang đến một loạt hương vị và kết cấu khác nhau như Jonathans có thịt màu rượu vang hồng, Rusty Coats mềm như lê và ngọt như mật, Twenty Ounce mập mạp với lớp vỏ màu hồng đào, giòn tan.
Bị hấp dẫn bởi những loại táo mới mẻ này, Brown bắt chuyện với người chủ sạp – kiêm người trồng cây ăn quả giờ đã quá cố – Maurice Marshall.
Marshall cho biết những giống táo ông đang bán là những giống được tiêu chuẩn hóa vào những năm 1700 và 1800. Tuy nhiên, chúng đã biến mất khỏi lưu thông thương mại vào năm 1950. Marshall may mắn có được nhánh chiết của những giống táo kể trên từ những chủ vườn cao tuổi sống trên núi. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ tàn tích còn sót lại của những vườn cây ăn quả xưa.
Từ đó, Brown lóe lên ý nghĩ: “Sẽ thật khéo làm sao nếu tìm thấy một quả táo chưa từng được nếm trong 50 hay 100 năm!” và bắt đầu dốc sức nghiên cứu những giống táo heirloom.
Những cuộc săn táo
Trở thành “thợ săn” táo heirloom ở tuổi 59 vào năm 2001 đánh dấu một chặng đường học tập mới đầy gian nan của người kỹ sư về hưu Tom Brown. Marshall giới thiệu Brown với một mạng lưới các nhà vườn táo heirloom quy mô nhỏ, già cỗi, mỗi nơi lưu giữ không quá 20 giống.
Những con người ở đấy đã dạy cho ông các kiến thức cơ bản về xác định, nhân bản, ghép và duy trì cây trồng. Ông thảo luận với họ về các giống táo bị mất và lập danh sách tên những giống táo heirloom đi kèm với đặc điểm, vị trí trồng trước đây và nơi chúng được đồn là vẫn còn tồn tại.
Những nỗ lực tìm kiếm ban đầu của ông tập trung quanh các điểm trồng trọt nổi tiếng trước đây, chẳng hạn như dãy núi Brushy ở Bắc Carolina – nơi có hơn 100 vườn cây ăn trái thương mại vào năm 1900. Brown còn quảng cáo trên các tờ báo địa phương để tìm kiếm thông tin về những cây táo xưa
Ông thực hiện hàng chục cuộc gọi, nhưng chỉ vài cuộc mang lại thông tin cụ thể. Brown cho biết hầu hết những người ông liên hệ đều ở độ tuổi 80 và 90 và kể những câu chuyện thời thơ ấu đại để: “Một ông già nọ có một cái cây với 20 loại táo khác nhau được ghép vào đó”.
Brown mất nhiều năm mới phác họa nên chiến lược hữu hiệu cho các cuộc đi săn táo. Đầu tiên, ông thu thập manh mối về những nơi tiềm năng, sau đó mở rộng bán kính ra khu vực gần đó. Ông ghé vào các doanh nghiệp địa phương để hỏi han. “Khi tôi giải thích những gì tôi đang làm, hầu hết mọi người đều tích cực tiếp thu” ông kể.
Khi Brown tìm thấy một cây táo heirloom, ông lưu những mẩu cành và quay lại trong mùa đậu quả để xác định lại. Ông so sánh lá và quả với danh sách đặc điểm đã lập sẵn, và trao đổi hình ảnh với các chuyên gia để xác minh thêm.
Ông dành ba ngày mỗi tuần để lái xe đi săn táo. Trung bình một năm, ông lái xe hơn 30.000 dặm (48.300km). Ông chia sẻ với Atlas Obscura: “Hồi đó, tôi đâu biết việc này đòi hỏi nhiều công sức vậy đâu”. Đối với Brown, tìm ra nhiều giống táo xưa chỉ trong một chuyến đi là một thành công lớn.
The Appalachian Voice thuật lại một trong những chuyến săn táo xưa đầu tiên của cụ Brown.
Khi nghe tin về một cây táo Junaluska – giống cây huyền thoại có tuổi đời hơn 200 năm vốn được cho là đã tuyệt chủng từ lâu – vẫn còn ở quận Haywood (Bắc Carolina), trái tim của Brown gần như loạn nhịp.
Junaluska được đặt theo tên một tù trưởng người da đỏ Cherokee đầu thế kỷ 19. Mặc dù một số người cho rằng giống táo này là chỉ là truyền thuyết không có thật, Brown vẫn tìm kiếm các tài liệu tham khảo về nhiều vườn cây ăn quả ở các vùng phía nam vào thế kỷ 19.
Ông tham khảo ý kiến của nhà sử học và chủ vườn nghiệp dư Johnny Crawford, do Marshall giới thiệu. Crawford nghĩ rằng có khả năng người ta đã chiết và ghép các đoạn cây trước khi chặt bỏ những cây Junaluska gần một thế kỷ trước.
Brown và Crawford cùng nhau đến thăm Kate Mincey, bấy giờ ở những năm cuối của tuổi bát tuần. Bà Mincey dẫn hai “thợ săn” đến một lùm những cây táo mọc um tùm. Trong đó, họ tìm thấy những giống cổ điển và một loại kỳ lạ mà bà gọi là John Berry Keepers – cái tên vừa để tưởng nhớ người nông dân đã tặng cho cha bà những mảnh vỏ, vừa liên quan đến khả năng bảo quản phi thường của giống táo này.
Không có sẵn quả chín trên cây, Brown nhờ Mincey mô tả lại hình dạng quả. Theo bà, ngoài vỏ John Berry Keepers có các mảng màu nâu lấm tấm và hơi ửng đỏ, thịt chắc, chủ yếu là màu vàng, cuống ngắn, mập mạp và có nhiều nốt sần, hương vị đậm đà và chín vào cuối tháng 10. Những mô tả này phù hợp với các ghi chép từ những vườn cây ăn quả xưa có trồng Junaluska
Mùa thu năm đó, Brown quay lại năm lần, mỗi lần tốn 4 tiếng lái xe, để thu hoạch những quả táo chín. Cuối cùng, nỗ lực đã được đền đáp: sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia và hồ sơ lịch sử, phát hiện của ông đã được xác nhận.
“Tôi có thể mô tả cảm giác khi tìm lại được một giống táo mà tất cả mọi người, kể cả tôi, đều cho rằng đã biến mất khỏi thế giới mãi mãi không ư? – Brown nói, cười hiền từ – Chà, tôi muốn nói đó là… một trải nghiệm thật kỳ diệu. Thật may mắn cho tôi, đó là điều mà tôi đã được trải nghiệm rất nhiều lần trong nhiều năm”.
Vườn cây ngàn giống táo
Theo trang The Appalachian Voice, đến nay Brown đã khôi phục được hơn 1.000 giống táo khác nhau. Vườn táo riêng của ông ở Clemmons, Bắc Carolina giờ đây trồng đầy những giống táo xưa – với những cái tên xa lạ, được mang về từ nhiều nơi khắp nước Mỹ.
Ông phân chia thời gian giữa việc săn táo, chăm sóc cây, tặng cành lá cho các vườn cây ăn quả heirloom phi lợi nhuận và bán khoảng 1.000 cây non mỗi năm.
Công việc của Brown đã được các nhà bảo tồn và các chuyên gia ẩm thực khen ngợi. Nhờ Brown, các đầu bếp luôn sẵn có những giống táo lạ với hàng trăm hương vị mới để thử nghiệm. Các nhà sản xuất rượu táo thủ công thì nhận xét rằng những giống táo heirloom được phục hồi lại đang manh nha cho một thời kỳ phục hưng rượu táo.
Dẫu vui mừng vì những quả táo của mình mang đến nhiều giá trị sử dụng, ông không quên lưu ý rằng vẫn còn nhiều giống táo cần được bảo tồn, và chúng ngày càng khó tìm hơn. “Có lẽ khối lượng công việc tôi phải làm sẽ gấp 20-30 lần hiện tại và tôi sẽ phải lái xe xa hơn nữa để xác định vị trí một cái cây mới” – Brown nói.
Việc tìm kiếm của ông giờ đây như một cuộc chạy đua với thời gian, bởi hầu hết những người còn nhớ những giống táo cũ đang ở độ tuổi “gần đất xa trời” và sẽ sớm không còn hiện diện.
Đi tìm loài cây đã mất
Một người cũng có mối đam mê kỳ lạ với các giống táo xưa là David Benscoter, cựu thanh tra hình sự tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Sau 24 năm làm thanh tra, Benscoter chuyển sang làm “thám tử săn táo”, chuyên truy tìm những giống táo cổ tưởng đã tuyệt chủng, theo Đài NPR ngày 11-6.
Bắt đầu hứng thú với những giống táo sau một lần giúp người hàng xóm bị khuyết tật chăm sóc mấy cây táo của cô ấy, Benscoter sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Lost Apple Project – chuyên tìm kiếm những trang trại và vườn cây ăn quả bị bỏ hoang ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương để truy tầm những giống táo xưa.
Gần đây, Benscoter tìm được 7 giống táo tưởng chừng đã tuyệt chủng một thế kỷ trước từ những vườn cây cũ ở các bang Oregon, Washington và Idaho. Với màu sắc pha trộn giữa đỏ, xanh lá và vàng, chúng được đặt những cái tên như Almota, Ivanhoe, Eper hay Iowa Flat.
Tính từ năm 2014, Lost Apple Project đã tìm được 29 giống táo bị lãng quên; trong số đó có thể kể đến những cái tên nổi bật như Streaked Pippin, Sary Sinap và Nero. “Thật đáng mừng khi chúng tôi có thể mang những giống này trở lại, một giống mà người ta chưa bao giờ nếm thử trước đây, rồi lại một hương vị chưa có ai nếm qua suốt 100 năm” – Benscoter chia sẻ với NPR.
Để tìm kiếm hàng ngàn giống táo bị mất này, “thám tử săn táo” tay ngang Benscoter phải lùng sục nhiều danh mục hạt giống, hồ sơ hội chợ quận, vô số mẩu báo và sổ cái bán hàng của các vườn ươm. Ông tìm được cả giống táo Nero từ bộ sưu tập tranh màu nước vẽ trái cây và các loại hạt mà Bộ Nông nghiệp Mỹ ký hợp đồng vào năm 1880. Sự ẩn mình 100 năm chờ được tìm lại càng tôn lên hương vị độc đáo của loại táo này, Benscoter nhận xét.
Sau thời gian hợp tác với Lost Apple Project, Hội Lịch sử quận Whitman nhận định rằng những giống táo xưa đã được “khai quật” sẽ sớm “tái hòa nhập” thị trường.
Ben Gutierrez – hiện là cán bộ chuyên trách về táo của Bộ Nông nghiệp Mỹ – sau những lần cộng tác với Benscoter nhận xét: “Chúng tôi rất phấn khích khi họ khám phá những giống táo xưa. Đó là một sự thúc đẩy cho chủ nghĩa bảo tồn táo”. Việc thử nghiệm trên các giống táo xưa giúp Gutierrez tìm hiểu xem nông dân và người mua mong muốn gì. Từ đó, Bộ Nông nghiệp có thể tổng hợp những thông tin đó để giúp nông dân trồng táo mà không sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và tăng chất lượng dinh dưỡng.
Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, dự án truy tầm táo của Benscoter gặp phải nhiều khó khăn trong đại dịch COVID-19, theo Hãng thông tấn AP. Lost Apple Project đã phải hủy bỏ cả hội chợ hằng năm – nơi bày bán những cây táo bị lãng quên mà họ mới cấy – lẫn lớp học dạy cấy ghép cây táo. Trong điều kiện bình thường, hội chợ và lớp học này thu về cho dự án khoảng 10.000 đôla Mỹ để trang trải chi phí cho các cuộc săn lùng táo vào mùa thu hằng năm
Nguồn Tuổi trẻ cuối tuần