Thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Philipines : Hỗ trợ Manila trở thành tiền đồn chống Trung Quốc

Hôm nay, 09/04/2024, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Washington nhằm thảo luận về tnhững hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và sau những rạn nứt trong hợp tác song phương.  

Đăng ngày: 09/04/2024

In this image made from video provided by the Philippine Coast Guard, Philippine resupply vessel Unaizah May 4, center, is hit by two Chinese coast guard water canon blasts, causing injuries to multip
Tàu tiếp tế Unaizah của Philippines (G), bị hai vòi rồng của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc tấn công, khiến nhiều thủy thủ đoàn bị thương khi tàu đang tiến vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), trên Biển Đông, ngày 05/03/2024. © AP/Philippine Coast Guard

Anh Vũ

Trong tuần này, tại Washington liên tiếp diễn ra các cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden với thủ tướng Nhật Kishida, rồi đến thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật – Philippines. Trong nỗ lực ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc trên Biển  Đông, mối quan hệ đồng minh Washington – Tokyo và Manila sẽ được củng cố với mục tiêu trọng tâm là biến Philippines thành tiền đồn trong chiến lược châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Mỹ, Nhật Bản và Philippines từng có những mối liên quan với nhau về mặt lịch sử, không phải lúc nào cũng tốt đẹp, thậm chí đã từng là cựu thù của nhau. Nhưng trong hiện tại, ba nước đã trở thành những đồng minh trên tuyến phòng thủ chống Trung Quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Cuộc họp thượng đỉnh ba bên tại Nhà Trắng ngày 11/04 có mối quan tâm chung là đe dọa đến từ Trung Quốc. Theo nhiều nguồn thạo tin, sau cuộc họp, lãnh đạo các nước sẽ có những thông báo quan trọng về việc tăng cường hợp tác quân sự ba bên nhằm giúp Manila chống đỡ, với đà bành trướng ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại vùng biển, nơi một phần ba lượng hàng hóa trao đổi của thế giới đi qua.

Philippines “không có lựa chọn”

Chuyên gia Greg Poling thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) cho rằng .“ Philippines cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường liên minh an ninh với Mỹ và các đối tác khác. Chính quyền Marcos tin rằng Bắc Kinh sẽ còn tỏ ra hung hãn hơn ở Biển Đông” .

Từ năm ngoái đến nay, liên tiếp các vụ va chạm lớn đã xảy ra giữa các tàu hải cảnh hay dân quân biển của Trung Quốc với các tàu của hải quân Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế cho binh sĩ đóng trên con tàu đắm «  BRP Sierra Madre » tại bãi Cỏ Mây, nằm cách bờ đảo Palawan của Philippines 190 km, nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền. Những hành động khiêu khích gây hấn của Trung Quốc ở chốt tiền tiêu, biểu tượng cho quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Philippine này, gia tăng theo nhịp độ quan hệ đồng minh giữa Manila và Washington. Tại Philippines, dư luận cho rằng các hành động của Trung Quốc ở xung quanh bãi Cỏ Mây gần đây đang vượt quá các hành vi gây rối, chủ yếu nhằm thử phản ứng có thể của các thỏa thuận quốc phòng mà chính quyền Philippines đã ký với Hoa Kỳ.

Đọc thêm : Philippines và Trung Quốc lại cáo buộc nhau gây ra các vụ đụng độ ở Biển Đông

Philippines và Nhật Bản đều là những đồng minh của Hoa Kỳ trong khuôn khổ hiệp ước quốc phòng. Quân đội Mỹ vẫn duy trì các căn cứ quân sự thường trực tại Nhật và gần đây đã được quyền tiếp cận trở lại một loạt các căn cứ tại Philippines. Theo giới phân tích, những mối đe dọa từ Trung Quốc liên kết ba nước với nhau nằm ở ba vùng biển chủ chốt : Eo biển Đài Loan, Biển Đông và quần đảo Senkaku, nằm đưới sự kiểm soát của Tokyo, trong vùng biển Hoa Đông. Trong trường hợp xảy ra xung đột,Trung Quốc sẽ không thể bỏ qua một trong ba khu vực chỉ cách nhau có vài trăm km.

Đài Loan là điểm nóng có nhiều khả năng nổ ra xung đột hơn cả. lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận bình đã nhiều lần khẳng định quyết tâm thôn tính hòn đảo và không loại trừ sử dụng vũ lực. Tổng thống Marcos, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trang tin Nikkei Asia hồi năm ngoái đã nói : « Nếu thực sự xảy ra xung đột trong vùng này. Rất khó có thể nghĩ ra một kịch bản trong đó Philippines không bị lôi vào theo cách này hay cách khác ». Trong khi đó các giới chức Nhật Bản đã nhấn mạnh rằng 90% nhu cầu năng lượng của nước này nhập khẩu đi qua vùng biển gần Đài Loan. Còn đối với Hoa Kỳ thì cuộc cạnh tranh chiến lược không để Trung Quốc soán ngôi cường quốc số 1 thế giới thì ngày càng trở nên không khoan nhượng, trên mọi mặt trận có thể.

Trước khi những hoạt động ngoại giao bắt đầu ở Washington tuần này, hôm Chủ nhật (07/04) lần đầu tiên một cuộc tập trận chung diễn ra ngoài khơi Philippines, của hải quân Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines. Nhiều chuyên gia thắc mắc liệu không biết các nước tham gia tập trận này trong tương lai có dám hộ tống tàu Philippines đến tiếp viện cho cho chốt tiền tiêu ở bãi Cỏ Mây hay không ? Chắc là không có ai. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã từ chối tham gia tuần tra trong vùng eo biển Đài Loan vì không muốn xảy ra rủi ro va chạm với Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment