‘Địa ngục trần gian của tôi tại trung tâm lừa đảo trên mạng ở Myanmar’

Ravi bị tra tấn trong 16 ngày
Chụp lại hình ảnh,Ravi bị tra tấn trong 16 ngày

  • Tác giả,Suneth Perera và Issariya Praithongyaem
  • Vai trò,BBC World Service
  • 10 tháng 4 2024

Cảnh báo: Bài viết này có nhiều chi tiết bạo lực, bao gồm cả bạo lực tình dục, có thể khiến một số độc giả cảm thấy khó chịu. Tên của một trong những nhân vật – Ravi – đã được thay đổi để bảo vệ danh tính.

“Họ lột quần áo của tôi, bắt tôi ngồi trên ghế và chích điện vào chân tôi. Tôi nghĩ đó là dấu chấm hết cho cuộc đời mình.”

Ravi tới Thái Lan là để làm công việc liên quan đến công nghệ, nhưng thay vì ngồi trong một tòa nhà văn phòng cao tầng ở thủ đô Bangkok, chàng trai Sri Lanka 24 tuổi lại thấy mình bị mắc kẹt trong một khu nhà u ám ở Myanmar.

Anh đã bị bắt cóc và chuyển qua bên kia con sông gần thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan.

Ở đó, Ravi cho biết anh đã bị bán cho một trong nhiều trung tâm do các băng đảng chuyên lừa đảo trực tuyến nói tiếng Hoa cầm đầu. Họ buộc những nạn nhân buôn người như Ravi phải làm việc nhiều giờ để lừa đảo, sử dụng danh tính giả trên mạng để đóng giả phụ nữ và lừa những người đàn ông cô đơn ở Mỹ và châu Âu.

Bất kỳ con mồi dễ sập bẫy nào sau đó đều bị thuyết phục đầu tư số tiền lớn vào các nền tảng giao dịch giả mạo hứa hẹn mang lại lợi nhuận nhanh chóng.

Trung tâm “nô lệ mạng” của Ravi ẩn náu trong rừng rậm ở Myawaddy, một khu vực không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ quân sự Myanmar.

Theo Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế), hàng ngàn thanh niên nam nữ từ châu Á, Đông Phi, Nam Mỹ và Tây Âu đã bị dụ dỗ làm việc trong các trung tâm tội phạm trực tuyến này với những lời hứa hẹn về công việc liên quan đến máy tính.

Những người không chịu tuân theo mệnh lệnh sẽ bị đánh đập, tra tấn hoặc hãm hiếp.

“Tôi đã bị giam 16 ngày vì không nghe lời chúng. Bọn chúng chỉ cho tôi uống nước có pha tàn thuốc,” Ravi nói với BBC.

“Khi tôi đang ở trong phòng giam vào ngày thứ năm hoặc thứ sáu, hai cô gái được đưa đến phòng giam gần đó. Họ bị 17 người đàn ông cưỡng hiếp ngay trước mặt tôi”, anh nói thêm.

“Một cô gái mang quốc tịch Philippines. Tôi không rõ về quốc tịch của nạn nhân còn lại.”

map

Những nạn nhân buôn người là ai?

Vào tháng 8/2023, Liên Hợp Quốc ước tính rằng hơn 120.000 người ở Myanmar và 100.000 người khác ở Campuchia đã bị ép phải làm việc cho những trung tâm lừa đảo trực tuyến này và các hoạt động khác, từ cờ bạc bất hợp pháp đến lừa đảo tiền điện tử.

Một báo cáo của Interpol năm ngoái cho biết đã phát hiện thêm các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Lào, Philippines, Malaysia, Thái Lan và ở Việt Nam với mức độ thấp hơn.

Người phát ngôn của Interpol nói với BBC rằng xu hướng này thoạt tiên là vấn đề khu vực, sau đó phát triển thành mối đe dọa an ninh toàn cầu và nhiều quốc gia khác có liên quan với vai trò là trung tâm lừa đảo, tuyến đường trung chuyển hoặc là quốc gia có nạn nhân buôn người.

Đầu tháng này, chính phủ Ấn Độ thông báo họ đã giải cứu tổng cộng 250 công dân bị buôn bán sang Campuchia cho đến nay, trong khi vào tháng 3/2024, Trung Quốc đã hồi hương hàng trăm công dân của họ từ các trung tâm lừa đảo ở Myanmar.

Bắc Kinh cũng đang gia tăng áp lực lên chính phủ quân sự và các nhóm vũ trang của Myanmar để đóng cửa các trung tâm này.

Chính quyền Sri Lanka biết có ít nhất 56 công dân của họ bị mắc kẹt tại bốn địa điểm khác nhau ở Myanmar, trong khi Đại sứ Sri Lanka tại Myanmar, Janaka Bandara, nói với BBC rằng 8 người trong số họ gần đây đã được giải cứu nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng nước sở tại.

Đối với những kẻ điều hành các trung tâm lừa đảo, luôn có một lượng lớn lao động nhập cư đầy nhiệt huyết để chúng nhắm tới.

map

Mỗi năm, hàng trăm ngàn kỹ sư, bác sĩ, y tá, chuyên gia công nghệ thông tin từ Nam Á di cư ra nước ngoài tìm việc làm.

Chuyên gia máy tính Ravi đang tìm mọi cách để rời khỏi Sri Lanka, nơi nền kinh tế đang gặp khủng hoảng, thì biết tin một nhà tuyển dụng địa phương đang tuyển người làm về dữ liệu ở Bangkok.

Nhà tuyển dụng cùng với một cộng sự đến từ Dubai đã đảm bảo với anh rằng công ty sẽ trả cho anh mức lương cơ bản là 1.200 USD (gần 30 triệu đồng).

Mới cưới nhau, Ravi và vợ mơ ước rằng công việc mới này có thể cho phép họ xây được một ngôi nhà, vì vậy họ vay nhiều khoản để trả cho văn phòng địa phương.

Từ Thái Lan đến Myanmar

Đầu năm 2023, Ravi và một nhóm người Sri Lanka thoạt tiên được đưa đến Bangkok, sau đó đến Mae Sot, một thành phố ở miền Tây Thái Lan.

“Chúng tôi được đưa đến một khách sạn nhưng nhanh chóng bị giao cho hai tay súng. Chúng đưa chúng tôi qua sông sang Myanmar,” Ravi kể lại.

Sau đó, họ được chuyển đến trại do những tên trùm băng đảng nói tiếng Trung điều hành và được hướng dẫn rõ ràng là không được chụp ảnh.

“Chúng tôi rất sợ. Khoảng 40 thanh niên nam nữ, bao gồm cả người Sri Lanka, người từ Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và các nước châu Phi, đã bị cưỡng bức giam giữ trong trại,” anh cho biết.

Laukkaing, một thị trấn biên giới của Myanmar, đã nổi lên như một trung tâm cờ bạc, ma túy và lừa đảo
Chụp lại hình ảnh,Laukkaing, một thị trấn biên giới của Myanmar, đã nổi lên như một trung tâm cờ bạc, ma túy và lừa đảo

Ravi kể rằng tường cao và hàng rào thép gai đã ngăn cản mọi người trốn thoát khỏi các khu nhà này và các tay súng canh gác lối vào suốt ngày đêm.

Theo Ravi, anh và những người khác bị buộc phải làm việc tới 22 tiếng mỗi ngày, mỗi tháng chỉ được nghỉ một ngày. Mỗi ngày chúng tôi phải lừa ít nhất ba người đàn ông.

Những người không nghe lời sẽ bị đánh đập và tra tấn, trừ khi họ có thể trả tiền để chuộc thân.

Một người đàn ông đã làm đúng như vậy là Neel Vijay, 21 tuổi đến từ bang Maharashtra ở miền tây Ấn Độ, người bị bán sang Myanmar cùng với 5 người đàn ông Ấn Độ khác và 2 phụ nữ Philippines vào tháng 8/2022.

Anh kể với BBC rằng một người bạn thuở nhỏ của mẹ anh đã hứa hẹn một công việc ở trung tâm gọi điện ở Bangkok và tính phí môi giới là 150.000 rupee Ấn Độ (gần 45 triệu đồng).

“Có một số công ty do những người nói tiếng Trung điều hành. Tất cả đều là những kẻ lừa đảo. Chúng tôi đã bị bán cho những công ty đó,” Neel nói.

“Khi đến nơi, tôi mất hy vọng. Nếu mẹ tôi không đưa tiền chuộc cho chúng thì tôi cũng bị hành hạ như những người khác.”

Gia đình Neel đã trả cho băng nhóm này 600.000 rupee (gần 180 triệu đồng) để anh được thả ra sau khi từ chối làm công việc lừa đảo, nhưng đó là sau khi anh đã chứng kiến hình phạt tàn bạo dành cho những người không đạt được chỉ tiêu hoặc không đủ khả năng trả tiền tiền chuộc.

Sau khi Neel được thả, chính quyền Thái Lan đã giúp anh trở lại Ấn Độ, nơi gia đình anh đã khởi kiện các nhà tuyển dụng địa phương.

Neel quay trở lại Ấn Độ sau chưa đầy hai tuần với sự giúp đỡ của chính quyền Thái Lan
Chụp lại hình ảnh,Neel quay trở lại Ấn Độ sau chưa đầy hai tuần với sự giúp đỡ của chính quyền Thái Lan

Giới chức Thái Lan đang làm việc với các nước khác để giúp đỡ các nạn nhân hồi hương. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Thái Lan nói với BBC rằng so với số người bị cưỡng bức giam giữ trong các trung tâm lừa đảo hoạt động ở các nước láng giềng, con số được giải cứu là rất nhỏ.

“Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa trong việc phổ biến thông tin với thế giới, giáo dục người dân về các băng nhóm tội phạm này để họ có thể tự bảo vệ mình khỏi trở thành nạn nhân,” Phó Tổng cục trưởng Cục Điều tra Đặc biệt (DSI) Thái Lan Piya Raksakul nói.

Ông cho biết những kẻ buôn người thường lợi dụng Bangkok, vốn là một trung tâm đi lại trong khu vực, bởi vì người dân từ nhiều quốc gia bao gồm Ấn Độ và Sri Lanka có thể vào Thái Lan bằng thị thực lấy tại sân bay (visa on arrival). Ông nói thêm: “Vì vậy, bọn tội phạm lợi dụng điều này và đưa lậu người vào làm việc cho chúng.”

Trung tâm lừa đảo hoạt động như thế nào?

Ravi kể rằng anh được chỉ định nhắm mục tiêu vào những người đàn ông giàu có, đặc biệt là ở các nước phương Tây, bằng cách xây dựng các mối quan hệ tình cảm thông qua sử dụng số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin bị đánh cắp.

Họ liên lạc trực tiếp với nạn nhân, thường khiến họ tin rằng tin nhắn đầu tiên – thường chỉ là một lời “xin chào” đơn giản – đã được gửi nhầm.

Một số người phớt lờ tin nhắn, Ravi nói, nhưng những người cô đơn hoặc đang tìm kiếm tình dục thường mắc bẫy.

Khi mục tiêu cắn câu, một nhóm phụ nữ trẻ trong trại bị buộc phải chụp những bức ảnh khiêu dâm để tiếp tục lôi kéo con mồi.

Neel, một nạn nhân người Ấn Độ, được chính quyền Thái Lan giải cứu và đưa qua sông đến nơi an toàn
Chụp lại hình ảnh,Neel, một nạn nhân người Ấn Độ, được chính quyền Thái Lan giải cứu và đưa qua sông đến nơi an toàn

Sau khi trao đổi hàng trăm tin nhắn chỉ trong vài ngày, những kẻ lừa đảo sẽ chiếm được lòng tin của những người đàn ông này và thuyết phục họ đầu tư số tiền lớn vào các nền tảng giao dịch trực tuyến giả.

Các ứng dụng giả mạo sau đó hiển thị thông tin đầu tư và lợi nhuận sai lệch.

“Nếu một người chuyển 100.000 USD, chúng tôi sẽ trả lại 50.000 USD cho họ và nói rằng đó là lợi nhuận của họ. Điều này tạo ấn tượng rằng họ hiện có 150.000 USD, nhưng trên thực tế, họ chỉ nhận lại một nửa con số 100.000 USD ban đầu, nửa còn lại là của chúng tôi, “Ravi giải thích.

Khi những kẻ lừa đảo đã lấy đi số tiền nhiều nhất có thể từ nạn nhân, các tài khoản nhắn tin và mạng xã hội sẽ biến mất.

Rất khó để ước tính quy mô của hoạt động này, nhưng FBI (Cục điều tra liên bang của Mỹ) nhận thấy trong Báo cáo Tội phạm Internet năm 2023 rằng đã có hơn 17.000 khiếu nại về các vụ lừa đảo riêng tư hoặc lừa đảo tình cảm ở Mỹ và tổng thiệt hại lên tới 652 triệu USD.

Chụp lại video,Cạm bẫy ở sòng bài Campuchia và trò lừa tình ‘mổ heo lấy thịt’

Những thương tổn tâm lý và thể xác

Sau một tháng bị giam cầm, Ravi cho biết anh đã bị bán cho một băng đảng khác vì “công ty” mà anh làm việc ban đầu đã “phá sản” – tổng cộng anh đã được chuyển giao cho ba băng nhóm khác nhau trong suốt sáu tháng bị mắc kẹt ở Myanmar.

Anh nói với những tên trùm băng đảng mới của mình rằng anh không thể tiếp tục lừa dối người khác và cầu xin được quay trở lại Sri Lanka.

Một ngày nọ, mâu thuẫn với đội trưởng dẫn đến đánh nhau, Ravi bị đưa vào phòng giam và bị tra tấn trong 16 ngày.

Cuối cùng, “ông chủ Trung Quốc” đến gặp Ravi và đề nghị anh “một cơ hội cuối cùng” để làm việc trở lại – một cơ hội mới nhờ chuyên môn về phần mềm máy tính của anh.

“Tôi không còn lựa chọn nào khác; lúc đó một nửa người tôi đã bị liệt,” Ravi nói thêm.

Một nạn nhân được giải cứu khỏi trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar đã chụp được bức ảnh này khi đi về biên giới
Chụp lại hình ảnh,Một nạn nhân được giải cứu khỏi trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar đã chụp được bức ảnh này khi đi về biên giới

Trong bốn tháng tiếp theo, Ravi quản lý các tài khoản Facebook được thiết lập bằng VPN, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy quay video 3D.

Cũng trong thời gian này, Ravi cầu xin được về Sri Lanka để thăm người mẹ ốm yếu.

Thủ lĩnh băng nhóm đồng ý thả anh ra nếu Ravi trả khoản tiền chuộc 2.000 USD (gần 50 triệu đồng) và thêm 650 USD (hơn 16 triệu đồng) để vượt sông vào Thái Lan.

Cha mẹ anh đã vay tiền – thế chấp căn nhà của họ – và chuyển cho anh, còn Ravi được đưa về Mae Sot.

Khi anh bị phạt 550 USD (gần 14 triệu đồng) tại sân bay Thái Lan vì không có thị thực, cha mẹ Ravi đã phải vay thêm.

“Lúc về đến Sri Lanka, tôi nợ 6.100 USD (hơn 150 triệu đồng).”

Bây giờ dù đã có thể trở về nhà nhưng Ravi hầu như không gặp người vợ mới cưới của mình.

“Tôi làm việc ngày đêm trong gara để trả món nợ này. Chúng tôi đã đem cầm chiếc nhẫn cưới của cả hai để trả lãi,” anh cay đắng nói.

Bài Liên Quan

Leave a Comment