Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách.
Ông Đào Ngọc Dung là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng. Ông Dung được xác định là đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy ông Dung đã “buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội”.
Người tiền nhiệm của ông Dung, bà Phạm Thị Hải Chuyền, hiện đã về hưu, cũng bị kỷ luật nhưng với hình thức (nặng hơn) cảnh cáo vì đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc”.
Ông Huỳnh Văn Tí, cựu Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cũng chịu hình thức cảnh cáo vì đã “vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, quy chế làm việc, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội”.
Ông Dung và hai cựu lãnh đạo nói trên bị cáo buộc liên quan đến “gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện”.
Các quyết định này được Bộ Chính trị đưa ra tại cuộc họp ở trụ sở Trung ương Đảng ngày 19/4.
Khiển trách, cảnh cáo là gì?
Các hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức bao gồm (từ nhẹ đến nặng): khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ.
Theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, hình thức kỷ luật có hiệu lực tính từ ngày ký quyết định kỷ luật.
Trong thời hạn 12 tháng, các đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật).
Đảng viên bị cảnh cáo sau 12 tháng sẽ được xóa kỷ luật nếu không có khiếu nại, không tái phạm cũng như không mắc vi phạm mới đến mức độ bị kỷ luật. Như vậy, hình thức khiển trách và cảnh cáo không mang nhiều ý nghĩa theo hướng răn đe bằng hình thức cách chức hay khai trừ khỏi Đảng.
Hiện chưa rõ sai phạm của ông Đào Ngọc Dung liên quan đến AIC là gì nhưng nhiều quan chức khác cũng đã bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố hình vì liên quan đến AIC.
Mới nhất, vào tháng 1/2024, cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã bị bắt với cáo buộc “nhận hối lộ” liên quan đến công ty AIC.
Tính đến tháng 1/2024, đã có 4 cựu bí thư, cựu chủ tịch tỉnh bị cáo buộc có sai phạm liên quan đến công ty AIC.
Những phát ngôn và bê bối
Ông Đào Ngọc Dung đi lên từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ông nhậm chức Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội hồi tháng 4/2016.
Trong thời gian làm bộ trưởng, ông Dung có nhiều phát ngôn gây chú ý trước nghị trường.
Tháng 10/2023, ông Dung nói về cải cách mức lương. Ông dẫn lương của một kỹ sư ra trường là 3,5 triệu đồng, thấp hơn mức thấp của lương tối thiểu vùng của khu vực tư nhân (4 triệu đồng).
“Hiện thang bảng lương ba năm một lần tăng, bà tạp vụ có khi lương cao hơn kỹ sư ra trường. Thế thì sống làm sao?”.
Ông Dung cũng có những lời mạnh mẽ về tình trạng phân cấp, phân quyền: “Dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ”.
Ngoài ra, ông Dung cũng nói về vấn đề hộ nghèo như:
“Không ai sinh ra và lớn lên mà muốn mình nghèo, không ai muốn không thoát nghèo nhưng chỉ vì chưa có khả năng thoát nghèo”.
Trước khi trở thành Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Năm 2006, ông Đào Ngọc Dung, khi đó là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, đã gây ồn ào sau khi bị lập biên bản vì vi phạm quy chế thi tuyển sinh sau đại học.
Ông bị lập biên bản vì khi dự thi môn hành chính công vào ngày 27/5/2006, kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh, ông đã “sử dụng giấy nháp không có chữ ký của giám thị”, có thể được hiểu là ông đã sử dụng tài liệu.
Tuy nhiên, nhiều tờ báo cho biết ông Đào Ngọc Dung đã biện bạch rằng ông đã sơ suất dẫn đến vi phạm không cố ý. Ông cũng cho rằng mình bị xử lý quá nặng và đã gửi đơn khiếu nại.
‘Lò’ tiếp tục nóng
Chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục “nóng” với việc liên tiếp các cán bộ từ cấp địa phương đến trung ương, thậm chí là ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật.
Trong phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hồi đầu năm nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay đã có 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật.
Bộ Chính trị khóa 13 hiện chỉ còn 14 người, trong khi vào đầu khóa, con số này là 18 người.
Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 được Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trước thời hạn. Về bản chất, đây là hình thức cách chức theo “đặc thù chính trị Việt Nam”.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng bị Bộ Chính trị kỷ luật với các cấp độ khác nhau.
Giữa chiến dịch “đốt lò” của vị tổng bí thư, nhiều cán bộ, quan chức trở nên sợ hãi và hiện giờ bệnh sợ trách nhiệm đang lan tràn. Đây chính là thừa nhận của nhiều lãnh đạo địa phương trong thời gian qua.
Tại hội nghị cung cấp thông tin thường kỳ quý 1/2024 cho báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, đã nói:
“Hiện giờ bệnh sợ trách nhiệm đang lan tràn. Việc bắt bớ nhiều quá họ sợ lắm. Mà làm sai pháp luật thì phải bắt. Cho nên chúng ta phải làm thận trọng. Tôi thường xuyên nói với anh em cơ quan chuyên môn là chúng ta cứ làm vì dân, vì nước, vì cái chung, đừng có tiêu cực thì đâu có sợ gì.”
Hồi tháng 6/2023, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã nói rằng vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát “tác động đến kinh tế – xã hội thành phố rất lớn và cũng tác động khiến một bộ phận cán bộ e dè, sợ sai không dám làm”.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang trước đó nói với BBC rằng, nhìn vào bối cảnh chính trị Việt Nam, câu chuyện một cán bộ công chức, viên chức mắc sai phạm là “điều gần như không thể tránh khỏi”, đặc biệt là với những người có thâm niên, làm công tác lâu năm.
“Tôi nghĩ đó là vấn đề mà Đảng cần cân nhắc kỹ, rõ ràng là khi đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng thì nó phải cân bằng lại là chống tham nhũng ở mức nào để đảm bảo hệ thống, bộ máy quan liêu vận hành một cách hiệu quả.
“Một bộ máy đang gặp rất nhiều vấn đề, đặc biệt là việc sợ hãi đưa ra quyết định trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng đang diễn ra và tôi nghĩ đó là câu chuyện mà Đảng có lẽ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn trong thời gian sắp tới,” ông Giang nói.
Từ năm 2020-2022 có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.
Chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt là trước Đại hội Đảng 14 (dự kiến đầu năm 2026), khi các “phe nhóm” tranh giành quyền lực trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam.