Đâu là điểm chung giữa bộ phim kinh điển ”Cuốn theo chiều gió”, phim La Mã cổ trang ”Ben-Hur” và phim điệp viên 007 ”James Bond” ? Tất cả các tác phẩm này đều do hãng MGM (Metro-Goldwyn-Mayer) sản xuất. Hôm 17/04/2024, công ty MGM vừa kỷ niệm 100 năm ngày được thành lập. Một thế kỷ sau ngày ra đời, hãng phim lớn nổi tiếng của Mỹ đã được tập đoàn Amazon mua lại vào đầu năm 2022.
Đăng ngày: 23/04/2024
Được thế giới biết đến với ký hiệu ngắn gọn, MGM là một trong những công ty hàng đầu trong lãnh vực sản xuất phim ảnh. Từ khi được khai sinh vào năm 1924, hãng MGM đã cho ra đời vô số bộ phim nổi tiếng, từ nhiều thập niên trong thế kỷ trước cho tới tận bây giờ, trong đó có loạt phim về chúa tể rừng xanh ”Tarzan”, phiên bản tân thời của ”Tom & Jerry”, loạt phim võ sĩ quyền Anh ”Rocky”, dòng phim điệp viên 007 ”James Bond” và nhất là thương hiệu ”Lord of the rings” (Chúa tể các chiếc nhẫn). Cả hai thương hiệu này bảo đảm doanh thu bạc tỷ đô la cho công ty nắm quyền khai thác.
MGM góp phần tạo dựng thời hoàng kim Hollywood
Nhắc tới MGM, hầu như mọi người đều liên tưởng đến ngay hình ảnh của chú sư tử gầm rống mở đầu cho mỗi bộ phim do hãng này sản xuất. MGM là một trong 5 hãng phim lớn (Big Five) góp phần tạo dựng thời kỳ hoàng kim của Hollywood. Hành trình của Metro-Goldwyn-Mayer bắt đầu vào năm 1924, khi nhà triệu phú Marcus Loew quyết định mua lại và sáp nhập ba công ty Metro Pictures, Goldwyn Pictures và Louis B.Mayer Pictures thành một hãng phim lớn duy nhất. Với thời gian, tiếng sư tử gầm rống của MGM đã trở thành một huyền thoại, nằm trong số các hãng phim làm nên uy tín của Hollywood, tạo dấu ấn lịch sử khó phai, sống mãi qua bao thời đại.
Hãng phimMGM trở thành công ty sản xuất hàng đầu ở Mỹ, lớn hơn so với 4 hãng còn lại trong nhóm ”Big Five” là 20th Century Fox, RKO, Warner và Paramount. Vào đầu những năm 1930 và ít nhất trong hai thập niên liền, hãng phim MGM đã thành công nhờ sản xuất nhiều tác phẩm kinh điển như loạt phim ”Tarzan” (1932-1948) với ngôi sao Johnny Weissmuller trong vai chính, ”Phù thủy xứ Oz” (1939) phiên bản đầu tiên với thần đồng Judy Garland, và nhất là tác phẩm ”Cuốn theo chiều gió” (1939) với cặp diễn viên hàng đầu Vivien Leigh và Clark Gable, ôm hôn nhau say đắm nồng nàn trên màn ảnh rộng.
Sau Thế chiến thứ hai, hãng MGM chuyển qua sản xuất các bộ phim hài hay phim ca nhạc, trong đó đáng chú ý nhất là bộ phim ”Singin’ in the Rain” (Hát đùa trong mưa) phát hành vào năm 1952. Với ông vua thiết hài Gene Kelly trong vai chính, tác phẩm trở nên kinh điển với màn nhân vật cầm dù nhảy múa dưới cơn mưa rào, được Viện phim ảnh Mỹ (American Film Institute) xếp vào hạng đầu trong số 100 bộ phim ca nhạc hay nhất mọi thời đại, hơn cả ”West Side Story” và ”Phù thủy xứ Oz”. Ngoài Gene Kelly, hãng phim MGM còn ký thêm hợp đồng với thần tượng Frank Sinatra, đồng thời hội tụ trong cùng một phim những ngôi sao lớn nhất của thể loại phim ca nhạc thời bấy giờ là Ginger Rogers và Fred Astaire từ giữa những năm 1930 (Top Hat) cho đến đầu những năm 1950 (The Barkleys of Broadway).
Sau một thời gian dài ngự trị trên các màn ảnh lớn, hãng phim MGM có dấu hiệu suy thoái vào đầu những năm 1960, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đài truyền hình. Hầu hết các gia đình Âu Mỹ đều mua sắm máy tivi và hàng loạt đồ gia dụng khác ở trong nhà. Thói quen của người tiêu dùng thay đổi, khi màn ảnh nhỏ càng lúc càng chiếm môt vị trí quan trọng trong đời sống thường ngày. Năm 1957, hãng MGM ghi nhận thất bại lớn đầu tiên với bộ phim ”Raintree County”. Tuy thành phần diễn viên hội tụ những ngôi sao sáng giá như Elizabeth Taylor và Montgomery Clift, nhưng MGM cũng như một số hãng phim khác, do không thay đổi kịp thời mô hình quản lý đầu tư, cho nên vẫn bị thua lỗ nặng, dù có huv động vốn. Từ những năm 1970 trở đi, MGM đã nhiều lần đổi chủ, được mua đi rồi bán lại ba lần liên tiếp, chỉ trong chưa đầy hai thập niên.
Thắng một ván bài, lấy vốn làm lại
Mãi đến năm 1986, nhà tài phiệt Kirk Kerkorian, chủ khách sạn ở Las Vegas và đồng thời là cổ đông quan trọng của MGM và Chrysler, bán lại phần quan trọng nhất trong danh mục phim MGM cho ông trùm truyền thông Ted Turner. Đã nhiều lần, hãng phim MGM suýt bị phá sản, nhưng nhờ vào các thương hiệu hái ra tiền như ”Chúa tể các chiếc nhẫn” và ”Người Hobbit”, anh hùng ”Rocky” Balboa với tổng cộng 6 phim và 3 phần hậu truyện ”Creed”. Quan trọng hơn nữa là thương hiệu ”James Bond” do MGM cùng nắm giữ bản quyền với Eon Productions. MGM đặc trách phần phân phối trên thị trường và khai thác phim tại các rạp, nhưng MGM lại không có quyền quyết định về mặt chỉ đạo nghệ thuật hay chiến lược tiếp thị. Cả hai khâu này thuộc quyền quản lý của Eon Productions do bà Barbara Broccoli điều hành. Nói cách khác, việc tuyển lựa diễn viên mới thay thế Daniel Craig trong vai James Bond sẽ do Eon Productions quyết định. Tính đến nay, 25 bộ phim về điệp viên 007 đã đem về cho MGM và Eon gần 16 tỷ đô la doanh thu. Do vậy, MGM tuy bên bờ phá sản nhưng vẫn có khả năng vực dậy : nhờ thắng một ván bài mà có vốn để làm lại.
Hãng phim MGM được tập đoàn Sony mua vào năm 2004 với giá 5 tỷ đô la, rồi sau đó được bán lại một lần nữa cho Amazon với giá kỷ lục gần 8,5 tỷ đô la (6,92 tỷ euro) vào tháng 3 năm 2022. Tập đoàn Amazon đã không ngần ngại ký một tấm ”ngân phiếu” khổng lồ để mua MGM với mục đích củng cố nền tảng trực tuyến của mình. Nhờ vào danh mục phim phong phú gồm gần 4.000 tác phẩm điện ảnh, đặc biệt là ”tủ phim vàng” những năm 1950 bên cạnh những thương hiệu bảo đảm ăn khách như “James Bond” hay “Lord of the Rings”, khi biết khai thác đúng mức. Tập đoàn Amazon từng bước tạo cho mình thêm ưu thế để có thể cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nặng kí như Disney+ và Netflix. Một thế kỷ sau ngày khai sinh MGM, cuộc chạy đua vẫn tiếp tục trên hai lãnh vực nội dung trực tuyến và sản xuất phim truyện. Song song với các rạp chiếu phim, trận tranh tài trở nên dữ dội trên các mạng phát hành. Tựa như võ sĩ quyền anh Rocky Balboa, cuộc ”so găng” quyết đấu giữa Amazon với các đối thủ dường như chỉ mới bước vào hiệp đầu.