Từ vài tháng trở lại đây, không quân Nga đã tăng cường cải tiến kho vũ khí đời cũ, đặt cược vào một loại vũ khí mới được cải tiến với tên gọi FAB-UMPK, bom bay được trang bị một thiết bị dẫn đường, để có thể tiến hành những vụ oanh kích có sức công phá mạnh hơn và xa hơn vào các thành phố và các chiến tuyến ở Ukraina, gây những thiệt hại nặng nề hơn cho đối phương, đồng thời giảm thiểu nguy cơ máy bay ném bom bị lực lượng phòng không Ukraina bắn hạ.
Đăng ngày: 23/04/2024
Nhưng bom bay không phải là loại vũ khí mới ?
Đúng là bom bay không phải vũ khí mới của Nga. Thực ra đây là loại vũ khí có từ thời Liên Xô và đã được quân đội Liên Xô sử dụng trong chiến tranh Afghanistan vào những năm 1980. Hiện giờ các kho vũ khí của Nga còn nhiều bom bay được chế tạo từ thời Liên Xô. Các lực lượng Ukraina cũng đã sử dụng bom bay ngay từ đầu chiến tranh.
Điểm mới đáng nói là quân đội Nga đã hiện đại hóa loại vũ khí này, lắp thêm đôi cánh và một thiết bị dẫn đường vào những trái bom sẵn có để chúng có thể bay xa hơn và nhắm trúng mục tiêu với độ chính xác cao. Hệ thống mới này được gọi là UMPK.
Nhờ sự cải tiến này, phi công Nga không phải lái máy bay đến vùng trời phía trên mục tiêu và thả bom theo chiều thẳng đứng như thời Đệ Nhị Thế Chiến, mà có thể ném bom khi còn ở cách rất xa mục tiêu. Tầm bay của bom có thể lên tới 50-70km. Nhờ đó, oanh tạc cơ của Nga nằm ngoài tầm bắn chặn của tên lửa địa đối không của Ukraina.
Nga ngày càng hướng tới những trái bom bay cực kỳ lớn ?
Việc cải tiến bom bay đã được áp dụng cho các loại bom nhiều kích cỡ : FAB-250 (250kg), FAB-500 (500kg) hay FAB-1500 (1,5 tấn). Những trái bom FAB-1500 có thể chứa đến 675kg chất nổ TNT. Tuần báo Pháp L’Express ngày 14/04 trích dẫn Jean-Christophe Noel, cựu sĩ quan không quân, nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), cho biết, bom FAB-1500 đặc biệt phù hợp để oanh kích các mục tiêu tĩnh quy mô lớn, như một chốt chỉ huy, bunker hay kho vũ khí.
Hồi tháng 03/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Nga thông báo sẽ sản xuất hàng loạt bom FAB-3000, có khả năng mang tới 1,4 tấn thuốc nổ.
Trong thời gian qua, Nga thường xuyên sử dụng bom bay để oanh kích Ukraina ?
Tuần báo Pháp Le Point ngày 30/03, cho biết, bom bay FAB – UMPK có sức công phá lớn hơn nhiều so với đạn pháo, thậm chí ngang bằng với sức công phá của tên lửa hành trình, nhưng có chi phí sản xuất thấp hơn. Chính vì thế, trong những tháng qua, Nga có xu hướng gia tăng việc sử dụng bom bay FAB – UMPK. Theo phía Ukraina, kể từ đầu năm 2024, Nga đã thả hơn 3.500 quả bom bay, nhiều gấp 16 lần so với năm ngoái và xu hướng này có thể tiếp tục. Theo France Info ngày 21/03, quân đội Nga khẳng định mỗi ngày thả 60-80 bom bay nhắm đến các mục tiêu của Ukaina. Báo chí Nga loan báo sản lượng bom bay FAB-1500 sẽ tăng gấp đôi trong năm 2024.
Bom bay FAB – UMPK khó bị đánh chặn ?
Bộ thiết bị dẫn đường UMPK cho bom FAB không chỉ rẻ mà còn dễ chế tạo, nhưng lại có vai trò rất quan trọng, nhờ đó bom bay được cải tiến của Nga khó bị phát hiện và đánh chặn. Trên L’Express ngày 14/04, cựu phi công quân sự, chuyên gia hàng không Xavier Tytelman nhấn mạnh, bom bay FAB – UMPK « không hoạt động nhờ động cơ đẩy và không tỏa nhiệt » nên phòng không Ukraina phải dùng đến « những hệ thống hạng nặng được trang bị radar » mới phát hiện được mà đây lại là loại thiết bị Ukraina đang thiếu ở mặt trận.
Do vậy, thách thức đối với lực lượng Ukraina là phải tiêu diệt được những oanh tạc cơ mà không quân Nga dùng để thả bom bay. Đó cũng chính một trong những lý do thúc đẩy tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp hệ thống phòng không tầm xa cho Ukraina. Ông nhấn mạnh : « Tôi sẽ không cho biết chúng tôi có bao nhiêu hệ thống Patriot. Nhưng tôi có thể nói rằng, trong tương lai, để bảo vệ toàn bộ Ukraina, chúng tôi nên có 25 hệ thống Patriot, mỗi hệ thống có từ 6 đến 8 bệ phóng ».
Đâu là những khó khăn của Ukraina đối phó với oanh tạc cơ thả bom bay của Nga ?
Báo Le Figaro, thuộc sở hữu của tập đoàn Dassault, hãng chế tạo chiến đấu cơ Rafale của Pháp, ngày 26/03, nhấn mạnh là các lực lượng Ukraina đang phải đối mặt với một tình thế khó giải quyết và gây nhiều thương vong. Các hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraina, hiện được bố trí rải rác ở mặt trận, không đủ khả năng đánh chặn máy bay Sukhoi của Nga, vốn thường thả bom bay khi ở cách xa mặt trận vài chục km. Để đánh chặn, lực lượng phòng không Ukraina phải di chuyển những lá chắn phòng không giá trị nhất, đặc biệt là các hệ thống mà phương Tây viện trợ, đến gần máy bay của đối phương ở khoảng cách nguy hiểm cho chính họ.
Theo giải thích hồi cuối tháng 03/2024 của một nguồn tin quân sự của Pháp với báo Le Figaro, « các hệ thống chiến lược này hiện giờ đang nằm trong tầm ngắm của lá chắn ISTAR (Tình báo, Giám sát, Thu thập Mục tiêu và Trinh sát –Intelligence, Surveillance, Target Acquisition & Reconnaissance) của Nga, với các bệ phóng tên lửa đa nòng Tornado-S, tương đương tên lửa Himars của Mỹ, có tầm bắn xa và chính xác ».
Còn theo trang tình báo nguồn mở Oryx, được Le Figaro trích dẫn, kể từ khi Nga chiếm được Avdiivka, Ukraina đã mất hai bệ phóng tên lửa Patriot của Mỹ và một bệ phóng tên lửa NASAMS của Na Uy. Đây là những thiết bị phòng không đặc biệt đắt đỏ và số lượng mà Kiev có được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nếu Ukraina giữ kỹ phía sau để bảo toàn các hệ thống phòng không này thì oanh tạc cơ của Nga sẽ có thể thoải mái hoạt động và thả bom bay.
Ukraina sẽ phải sớm đối phó diện rộng với siêu bom bay FAB-3000 ?
Điều may mắn là hiện nay việc Nga đưa loại siêu bom bay FAB-3000 ra chiến trường Ukraina mới chỉ mang tính giả thuyết. Hiện giờ chưa có gì cho thấy bộ thiết bị dẫn đường UPMK có thể tương thích với những trái bom to nặng, cồng kềnh như FAB-3000.
Một vấn đề khác, theo nhà nghiên cứu Matej Rafael Risko của Trung Tâm Nghiên Cứu Hòa Bình tại Praha, CH Séc, là Nga phải có được loại máy bay đủ khả năng chở những tái bom nặng đến 3 tấn và nhất là có đường kính rất lớn. Máy bay tiêm kích – oanh tạc cơ được các lực lượng Nga sử dụng nhiều nhất là Sukhoï Su-34, có thể sẽ khó phù hợp để chở siêu bom FAB-3000. Chuyên gia Benjamin Gravisse nhận định với Le Figaro là ý tưởng này « có vẻ mù mờ nhưng cũng không nên loại trừ khả năng này ». Tuy vậy, chuyên gia này ví von « Sukhoï Su-34 chở bom FAB-3000 cũng chẳng khác nào một chiếc xe Lada lại kéo một chiếc xe máy kéo ». Benjamin Gravisse là tác giả blog Red Samovar chuyên về quân đội Nga, và cũng là người đóng góp vào tạp chí Phòng Thủ và An Ninh Quốc Tế – Défense & Sécurité Internationale (DSI)
Nga có thể sẽ dùng đến oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M3. Nhưng Matxơva được cho là chỉ có khoảng 60 chiếc Tu-22M3 trong kho và loại máy bay này hiện giờ không còn được sản xuất. Vẫn theo chuyên gia Benjamin Gravisse, « với chiến lược của Không quân Ukraina, việc Nga đưa oanh tạc cơ Tupolev vào vùng chiến sẽ gặp nhiều nguy cơ, rủi ro lớn. Đó là chưa kể đến việc trong tương lai Mỹ sẽ giao oanh tạc cơ F-16 cho Kiev ». Theo báo Pháp Le Point ngày 30/03, mỗi chiếc oanh tạc cơ Su-34 của Nga có thể chở theo 3 trái bom FAB- 1500, nhưng như vậy sẽ khiến chúng dễ bị các oanh tạc cơ của Mỹ đánh chặn. F-16 nhẹ và dễ điều khiển hơn so với Su-34.
Và cuối cùng, nhà nghiên cứu Matej Rafael Risko của Trung Tâm Nghiên Cứu Hòa Bình phân tích là có rất ít khả năng Nga triển khai ồ ạt siêu bom bay FAB-3000, bởi « FAB-3000 không phải loại vũ khí rất hiệu quả ». Liên Xô đã từng dùng loại này trên chiến trường Afghanistan (giai đoạn 1979 – 1989), gây thương vong trong vòng bán kính 39 mét và khiến nạn nhân trong vòng bán kính 158 mét mét bị thương (do mảnh vỡ, chấn thương khí áp …) và tạm thời mất khả năng chiến đấu. Nhưng khả năng phá hủy như vậy cũng không khác mấy so với các loại bom bay nhỏ hơn làFAB-500 và FAB-1500.
Chính vì thế, trong giai đoạn này, việc Nga thả bom bay nặng 3 tấn còn xa mới là mối nguy thảm khốc nhất đối với Ukraina. Kiev chủ yếu lo ngại về chiều hướng Nga huy động ngày càng nhiều bom FAB-500 và FAB-1500 tấn công Ukraina.