Kênh đào Phù Nam Techo: Tác giả Campuchia chỉ trích Việt Nam ‘tưởng tượng’ về chiến tranh với Trung Quốc

Ông Hun Sen, Hun Manet, Phạm Minh Chính

1 tháng 5 2024

Dự án Kênh đào Phù Nam Techo tiếp tục là chủ đề gây căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia, với việc hai bên chỉ trích qua lại lẫn nhau ngày càng gay gắt. Một bài viết trên báo Campuchia thậm chí còn chỉ trích các nhà nghiên cứu Việt Nam là đã “tưởng tượng” ra cuộc chiến với Trung Quốc.

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ hơn 5.000 đại diện của khu vực kinh tế phi chính thức tại Phnom Penh hôm Chủ nhật (28/4), ông Hun Manet, Thủ tướng Campuchia, nói rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo “không phải vì lợi ích của gia đình ‘Hun’ mà nhằm mục đích nâng cao phúc lợi của tất cả người dân Campuchia.”

Ông Manet cũng nói rằng việc xây dựng kênh đào này “không phải xin phép nước nào” trừ việc gửi các thông tin cần thiết tới Ủy hội sông Mekong.

‘Không thương lượng gì thêm’

Thủ tướng Campuchia Hun Manet gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 11/12/2023
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Campuchia Hun Manet gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 11/12/2023

Trước đó, hôm 26/4, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã mạnh mẽ gửi đi thông điệp: “Không thương lượng gì thêm về việc đào kênh Phù Nam Techo”.

Những thông điệp từ các lãnh đạo Campuchia được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng “đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong, cộng đồng quốc tế về việc chia sẻ thông tin về công trình này.”

Khi được một hãng thông tấn nước ngoài hỏi về kênh đào Funan Techo (Phù Nam Techo) ở Campuchia trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 11/4, ông Đoàn Khắc Việt, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao VIệt Nam, nói: “Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia ven sông Mekong.”

Tuy nhiên, cũng theo ông Việt, Việt Nam đồng thời “coi trọng việc tăng cường hợp tác để quản lý, sử dụng khách quan và bảo vệ nguồn nước sông Mekong vì sự phát triển bền vững của khu vực, lợi ích của các quốc gia trong khu vực, tương lai của thế hệ mai sau và tình đoàn kết giữa các quốc gia ven sông Mekong”.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết phía Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh đào Phù Nam Techo:

“Việt Nam cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.”

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về vấn đề dự án kênh đào Phù Nam Techo, cho thấy mức độ quan ngại từ Hà Nội đang tăng cao.

Trước đó, có thể đã có những trao đổi chính thức nhưng nội dung chi tiết không được công khai giữa lãnh đạo hai nước. Vào tháng 12/2023, khi Thủ tướng Hun Manet đi thăm Việt Nam, ông đã trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính của nước chủ nhà rằng kênh đào này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Tiếp sau sự lên tiếng của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức một hội nghị về dự án kênh đào Phù Nam Techo tại TP Cần Thơ vào ngày 23/4. Tại đây, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng việc đào kênh có thể đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long vì lượng nước sông Mekong đổ về sẽ giảm mạnh.

Vào tháng 3/2024, Tạp chí Phương Đông của Việt Nam đã đăng bài Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh, trong đó nêu khả năng Phù Nam Techo được sử dụng cho mục đích quân sự.

Bài viết nêu: “Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này.

Có thể thấy, những phản ứng gay gắt từ ông Hun Sen và con trai Hun Manet là nhằm đáp trả lại những động thái từ phía Việt Nam, cả từ phía chính phủ lẫn từ các cơ quan báo chí, tổ chức nghiên cứu đang truyền đi thông điệp quan ngại của Việt Nam theo nhiều kênh và nhiều cách khác nhau.

‘Tưởng tượng chiến tranh’

Giữa lúc Việt Nam đang quan ngại, báo Khmer Times thân chính phủ Campuchia hôm 18/4 đã đăng một bài viết với nhan đề Cuộc chiến tưởng tượng giữa Trung Quốc và Việt Nam với cái giá phải trả của Campuchia, trong đó chỉ trích dữ dội bài báo của Tạp chí Phương Đông đã đề cập ở trên, cho rằng các tác giả đã tung ra “lý thuyết chiến tranh”.

Theo bài báo của tác giả Leap Chanthavy trên Khmer Times, hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh đã cáo buộc Phnom Penh có kế hoạch dùng kênh Phù Nam Techo và căn cứ hải quân Ream để cho Trung Quốc huy động quân đội trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Việt Nam.

“Hai nhà nghiên cứu này có vấn đề gì vậy?” tác giả Leap Chanthavy đặt câu hỏi trong bài báo của ông đăng trên trang Khmer Times.

Ông Leap Chanthavy viết rằng Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Cộng sản Việt có một tình hữu nghị dài lâu và bền chặt, đồng thời lập luận về khả năng gần như “không thể” của việc Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở Campuchia, hoặc dùng kênh Phù Nam Techo để chuyển quân ở Campuchia.

Tác giả Campuchia đã dẫn ra các cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử, như Chiến tranh biên giới năm 1979, Hải chiến Hoàng Sa 1974, và kết luận Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành chiến tranh với Việt Nam từ một nước thứ ba.

Tác giả Leap Chanthavy viết: “Năm 1979, Trung Quốc và Việt Nam đã đánh nhau trong một cuộc chiến ngắn mà Trung Quốc mô tả là ‘dạy cho Việt Nam một bài học’ sau khi Việt Nam chiếm đóng Campuchia vào năm 1978. Trung Quốc đã huy động 600.000 lính ở các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Xung đột kéo dài khoảng một tháng, cuối cùng Trung Quốc rút quân vào tháng 3 năm 1979 và chiến tranh kết thúc với tổn thất nặng nề về nhân mạng cho cả hai bên.

Ông cũng viết rằng “Trung Quốc không thể huy động hàng ngàn quân qua Lào, sang Campuchia bằng đường hàng không, đường biển hoặc đường bộ mà không bị hệ thống vệ tinh hiện đại phát hiện“.

Kể cả trong trường hợp Trung Quốc muốn dùng tàu ngầm để bí mật huy động quân ở Campuchia thì tàu ngầm này cũng không thể đi qua vùng nước nông. Và ngay cả tàu ngầm lớn nhất thế giới là lớp Typhoon cũng chỉ chở được tối đa 160 người.

Ông Chanthavy nhắc lại việc Campuchia “chưa bao giờ” muốn hay chấp nhận nước ngoài đặt căn cứ quân sự hay huy động quân ở nước mình.

Cùng ngày 18/4, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) công bố hình ảnh vệ tinh, hai tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã có mặt tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong phần lớn thời gian của hơn bốn tháng qua.

Những xung đột lịch sử

Hình ông Hun Sen và bản đồ phác họa dự án kênh đào Phù Nam Techo
Chụp lại hình ảnh,Hình ông Hun Sen và bản đồ phác họa dự án kênh đào Phù Nam Techo

Việt Nam và Campuchia đã trải qua mối quan hệ đầy biến động trong nhiều thế kỷ.

Dù luôn nhấn mạnh tình anh em láng giềng và những năm gần đây tăng cường hợp tác nhiều mặt, nhưng dường như vẫn có những cơn sóng ngầm của nghi kỵ, vừa muốn bỏ quên quá khứ nhưng lại không thể nào rũ bỏ được, trong mối tình Campuchia-Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu.

Trong bài viết trên BBC mới đây, nhà nghiên cứu Phật học ứng dụng Bửu Nguyễn đã chỉ ra mầm mống căng thẳng được gieo từ thế kỷ thứ 7 khi Đế quốc Chân Lạp và Đế quốc Đại Việt tranh giành sức ảnh hưởng trong khu vực. Nhiều thế kỷ xung đột và trao đổi lãnh thổ diễn ra sau đó, hình thành nên một bối cảnh địa chính trị mong manh.

Thế kỷ 19 chứng kiến sự trỗi dậy của triều Nguyễn, việc mở rộng về phía nam đã sáp nhập lãnh thổ mà một số người Campuchia vẫn coi là “Kampuchea Krom” (Thủy Chân Lạp). Đây là một vết thương vẫn tiếp tục mưng mủ đến ngày nay.

Sự kiện tàn khốc và gần đây nhất trong quan hệ hai bên diễn ra trong giai đoạn 1978–1989.

Việt Nam đã can thiệp, lật đổ chính phủ diệt chủng Khmer Đỏ. Nhưng sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại Campuchia đã để lại di sản là sự ngờ vực và oán giận sâu sắc, rằng Hà Nội có ý định “xâm lược” Phnom Penh.

Chính bài viết của tác giả Leap Chanthavy đã được đề cập ở trên cũng đã nêu ra việc “Việt Nam chiếm đóng Campuchia” là nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc tấn công biên giới phía bắc của Việt Nam.

Chủ nghĩa dân tộc Campuchia cùng với quá khứ thân Việt Nam của Hun Sen đã dẫn tới sự chống đối từ các phe phái đối lập, dẫn đầu là Sam Rainsy, cáo buộc Hun Sen đã tạo điều kiện cấp phép chuyển nhượng đất đai cho các công ty Việt Nam.

Khi mà phe đối lập càng muốn kích động tinh thần chống Việt Nam cũng như dán nhãn Đảng Nhân dân Campuchia là thân Việt Nam, thì cha con ông Hun Sen càng trở nên giữ khoảng cách với Việt Nam, cùng lúc không ngừng xích lại gần Trung Quốc. Và điều này đã gây nên nhiều quan ngại, chính thức và không chính thức, từ phía Việt Nam.

Bên cạnh đó, vẫn còn đó ba vấn đề nổi cộm bao gồm đường biên giới chưa cắm mốc hoàn chỉnh, hàng chục ngàn người gốc Việt tại Campuchia sinh sống trong tình trạng không được thừa nhận và vẫn còn quan điểm khác nhau về Việt Nam xâm lược hay giải phóng Campuchia.

Với nhiều người Campuchia dân tộc chủ nghĩa, đảo Phú Quốc, mà họ gọi là Koh Tral, là của họ.

Mâu thuẫn lợi ích hiện tại

Chụp lại video,Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả hơn vào Trung Quốc

Với việc ông Hun Manet lên làm thủ tướng của Campuchia, đã có nhiều hy vọng về việc các mâu thuẫn giữa hai nước sẽ sớm được giải quyết.

Tuy nhiên, dự án kênh đào Phù Nam Techo đầy tham vọng lại làm nảy sinh mâu thuẫn mới, trên nền những mâu thuẫn cũ còn trầm tích và chưa được hóa giải.

Phía Campuchia nhiều lần sử dụng các kênh truyền thông chính thống thân chính phủ để đăng phát biểu của cựu Thủ tướng Hunsen và Thủ tướng Hun Manet, khẳng định dự án này không ảnh hưởng gì tới các nước vùng sông Mekong, đồng thời không có “ý đồ chính trị” nào.

Cuối năm 2023, ông Hun Manet đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông đã tìm cách trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Tuy vậy, các thông tin chưa rõ ràng về dự án tiếp tục khiến các nhà khoa học Việt Nam và thế giới tiếp tục lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn mà kênh đào này gây ra đối với môi trường và hệ sinh thái dòng Mekong, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi có tới khoảng 21 triệu dân sinh sống.

Các nhà quan sát cũng không bỏ qua các nguy cơ về kinh tế, an ninh, quốc phòng và sự tham gia của Trung Quốc vào dự án này.

Trước khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng hồi tháng 3, Việt Nam đã từng bày tỏ quan ngại qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là thông qua báo chí, các viện nghiên cứu, các chuyên gia.

Mối quan ngại lớn nhất mà Việt Nam công khai bày tỏ vẫn là vấn đề môi trường, tác động về nguồn nước đổ về Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo các phân tích độc lập, tác động về kinh tế-chính trị cũng khiến chính phủ Việt Nam quan ngại, khi Campuchia sẽ trở nên bớt phụ thuộc vào tuyến đường thủy từ Phnom Penh xuôi xuống dòng Mekong để đến các cảng lớn tại Việt Nam, từ đó xuất khẩu hàng hóa tới các điểm đến trên thế giới.

Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam–Campuchia có hiệu lực từ tháng 1/2011. Từ đó, khoảng 20 triệu tấn hàng hóa và chừng 1,3 triệu lượt hành khách đã lưu thông qua đường thủy nội địa giữa hai nước, theo thống kê vào tháng 5/2023.

Giới quan sát cho rằng kênh đào Phù Nam khi xây dựng xong sẽ thiết lập tuyến kết nối giữa cảng Phnom Penh và Sihanoukville, giúp nhiều hàng hóa di chuyển qua các cảng ở Campuchia thay vì thông qua Việt Nam như hiện nay, và Việt Nam có thể mất nguồn lợi từ việc này.

Với kênh đào Phù Nam Techo, Campuchia sẽ “thở bằng mũi của mình” (như lời ông Hun Manet nói), có nghĩa là nước này sẽ bớt phụ thuộc vào Việt Nam.

Bài Liên Quan

Leave a Comment