Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là chức danh do Quốc hội bầu nên quy trình miễn nhiệm với ông Vương Đình Huệ sẽ do Quốc hội tiến hành, sau khi Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông thôi giữ các chức vụ trong Đảng và nhà nước.
Với kỳ họp bất thường dự kiến diễn ra vào chiều 2/5, Quốc hội khóa 15 đã có tổng cộng 7 lần họp bất thường kể từ đầu nhiệm kỳ, một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 78 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Việt Nam đang trải qua thời kỳ biến động nhân sự thượng tầng với nhiều diễn biến khó lường. Chỉ trong vòng hơn một tháng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước Võ Văn Thường đều mất ghế, khiến “Tứ Trụ” chỉ còn hai “trụ” và Bộ Chính trị khóa 13 giảm xuống còn 13 ủy viên, so với con số 18 người vào đầu khóa hồi năm 2021.
Vào ngày 21/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn điều hành cuộc họp bất thường để miễn nhiệm chức danh chủ tịch nước và đại biểu Quốc hội của ông Võ Văn Thưởng. Giờ đây, đến lượt ông Huệ là đối tượng xem xét của một kỳ họp bất thường khác.
Quy trình miễn nhiệm với ông Huệ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 7 Quốc hội khóa 15 vào ngày 2/5. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, trong đó dự kiến có việc miễn nhiệm ông Vương Đình Huệ, có thể bao gồm cả miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội và cho thôi làm đại biểu Quốc hội.
Theo thông báo, Quốc hội họp bất thường lần này là để “xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội, căn cứ vào Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội”.
Trước đó, ngày 26/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ban Chấp hành Trung ương đánh giá ông Vương Đình Huệ là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở. Ông Huệ được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Vương Đình Huệ đã “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Ông Huệ cũng phải “chịu trách nhiệm người đứng đầu” theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ, theo Ban Chấp hành Trung ương, “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”.
Thông báo của Trung ương Đảng cho biết: “Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”, ông Vương Đình Huệ đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng không nêu rõ cụ thể ông Huệ đã mắc khuyết điểm, sai phạm gì. Thông báo của Đảng về việc cho thôi chức đối với ông Huệ cũng tương tự thông báo đối với ông Võ Văn Thưởng hơn một tháng trước đó.
Tuy nhiên, xét lời lẽ trong thông báo của Trung ương Đảng, rằng ông Huệ “chịu trách nhiệm người đứng đầu”, thì có lẽ nguyên nhân thực sự khiến ông mất chức là vụ ông Phạm Thái Hà bị bắt trước đó.
Ông Phạm Thái Hà là trợ lý của ông Huệ, kiêm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Vào ngày 21/4, ông Hà đã bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự 2015, liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Thuận An đã được khởi tố trước đó.
Đối với vị trí chủ tịch Quốc hội, quy trình miễn nhiệm có thể thực hiện theo các bước sau:
- Bước một, phó chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chủ tịch Quốc hội.
- Bước thứ hai, Quốc hội thảo luận tại đoàn về đề nghị miễn nhiệm chủ tịch Quốc hội.
- Bước thứ ba, một phó phủ tịch Quốc hội sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại đoàn về đề nghị miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội.
- Bước thứ tư, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ trình Quốc hội thông qua danh sách Ban kiểm phiếu.
- Bước thứ năm, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
- Bước thứ sáu, Ban Kiểm phiếu làm việc và báo cáo kết quả kiểm phiếu.
- Bước thứ bảy, Quốc hội nghe trình bày dự thảo nghị quyết về việc miễn nhiệm chức chủ tịch Quốc hội.
- Cuối cùng, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết miễn nhiệm chủ tịch Quốc hội.
Quốc hội khóa 15 có bốn phó chủ tịch Quốc hội là ông Trần Thanh Mẫn, ông Nguyễn Đức Hải, ông Nguyễn Khắc Định và ông Trần Quang Phương. Trong đó, ông Mẫn là phó chủ tịch Quốc hội thường trực, có hàm ủy viên Bộ Chính trị.
Tất nhiên trên đây là quy trình chính thức. Tại Việt Nam, do đặc thù “Đảng lãnh đạo toàn diện”, các chức danh của ông Huệ, kể cả về mặt Đảng lẫn nhà nước, đã thực sự do Đảng quyết định trước khi đưa ra Quốc hội bỏ phiếu theo trình tự thủ tục.
Quốc hội còn xem xét vấn đề nào khác?
Ngoài việc miễn nhiệm ông Huệ, hiện đang có hai vấn đề quan trọng nữa về nhân sự cần được Quốc hội xem xét là việc bầu chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội mới.
Tuy nhiên, không rõ trong kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội có tiến hành bầu ra người thay thế cho ông Vương Đình Huệ và ông Võ Văn Thưởng hay không.
Quốc hội là cơ quan bầu ra các vị trí then chốt của bộ máy nhà nước, bao gồm ba vị trí trong “Tứ Trụ”:
- Chủ tịch nước (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
- Chủ tịch Quốc hội (theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước)
- Thủ tướng Chính phủ (theo đề nghị của Chủ tịch nước)
Nếu hai chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội không được quyết trong kỳ họp bất thường ngày mai 2/5 thì có khả năng Quốc hội sẽ tiến hành bầu hai vị trí này trong kỳ họp thường kỳ sắp tới, diễn ra vào ngày 20/5, bế mạc ngày 28/6.
Từ đây tới kỳ họp thường kỳ sắp tới là rất gần, nên khó có khả năng Quốc hội sẽ tổ chức thêm một kỳ họp bất thường nào khác nữa.
Hơn một tháng trước, Quốc hội đã triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 6 là để miễn nhiệm các chức vụ chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh đối với ông Võ Văn Thưởng.
Đồng thời, Quốc hội cũng cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 với ông Thưởng.
Cũng trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người trước đó đã bị khởi tố, tạm giam về tội “Nhận hối lộ” liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Ngày 5/2/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 với ông Trần Tuấn Anh, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Về mặt đảng, vào ngày 31/1/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã “xem xét, cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ” Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương của ông Trần Tuấn Anh.
Vào năm 2023, tại kỳ họp bất thường thứ 3 vào ngày 18/1, Quốc hội đã xem xét miễn nhiệm chủ tịch nước khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc mất chức với lý do là “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hai phó thủ tướng từ chức nói trên là ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh. Cả hai ông cũng đều bị miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 vào kỳ họp bất thường lần thứ 2, diễn ra vào ngày 5/1/2023.
Tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội cũng cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Phạm Bình Minh.
Như vậy, Quốc hội khóa 15 đã cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với bốn ủy viên Bộ Chính trị là ông Võ Văn Thưởng, ông Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Phạm Bình Minh.