- Tác giả,Sarah Rainsford
- Vai trò,Phóng viên Đông Âu
- 2 tháng 6 2024
Ở tuổi 12, Lera lại tập bước đi lần nữa. Sau những bước rụt rè đầu tiên, cô bé đã tự tin hơn.
Mùa hè 2023, một cuộc tấn công bằng tên lửa từ Nga đã làm gãy một chân của cô bé và chân còn lại thì bỏng nặng.
Gần 2.000 trẻ em thương vong từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện. Nhưng chiến tranh không chỉ gây ra những vết thương rõ rệt như vết sẹo chạy dọc chân Lera.
Nhà tâm lý học Kateryna Bazyl cho biết:
“Hầu hết trẻ em đều gặp vấn đề do chiến tranh gây ra. Nhiều đứa trẻ đang tìm đến chúng tôi với các triệu chứng khó chịu khác nhau.”
Trên khắp Ukraine, trẻ em đang phải trải qua mất mát, sợ hãi và lo âu. Số trẻ em bị khó ngủ, hoảng sợ hoặc gặp phải những hồi ức ám ảnh ngày càng tăng.
Tình trạng trầm cảm ở trẻ em cũng gia tăng đáng kể trong thế hệ phải lớn lên dưới làn bom đạn.
Lera Vasilenko, 12 tuổi, ở Chernihiv, miền bắc Ukraine
Lera đã nhìn thấy quả tên lửa trong vài giây trước khi bị nó bắn trúng.
Đó là một kỳ nghỉ hè nóng bức và trung tâm thành phố Chernihiv thì đông đúc. Cô bé và bạn mình, Kseniya, đang bán những món trang sức tự làm cho dòng người qua lại.
“Em thấy có thứ gì đó lao từ trên xuống. Em nghĩ đó là một chiếc máy bay sẽ bay lên lại, nhưng nó là một quả tên lửa,” Lera kể, từng chữ tuôn ra nhanh như thể cô bé không muốn đi sâu hơn vào ý nghĩa của chúng.
Sau vụ nổ, cô bé hoảng hốt chạy tới chạy lui với đôi chân bị thương mà không hề nhận ra.
“Mọi người nói rằng lúc đó em đang bị sốc. Chỉ đến khi Kseniya nói ‘nhìn chân cậu kìa!’ thì em mới thấy đau. Thật kinh khủng,” Lera kể.
Vào đầu cuộc chiến tranh tổng lực năm 2022, việc bắn phá vào Chernihiv ở miền bắc Ukraine diễn ra liên tục. Nhưng chỉ trong vài tuần, quân đội Nga đã bị đẩy lùi. Sự sống dần trở lại với thành phố.
Lúc bấy giờ, vào ngày 19/8/2023, khi nhà hát địa phương đang tổ chức triển lãm của các nhà sản xuất máy bay không người lái thì Nga tấn công. Những mảnh kim loại sắc nhọn vương vãi khắp các con phố quanh đó.
Chín tháng sau, Lera kéo cao ống quần để lộ nhiều vết sẹo sâu và một mảnh da ghép. Còn có một cục u lớn ở chỗ cấy kim loại.
Vết thương đang dần lành lại và cô bé di chuyển nhanh nhẹn với đôi nạng. Nhưng em vẫn giật mình khi nghe thấy tiếng còi báo động không kích.
“Nếu họ nói có một quả tên lửa đang lao về Chernihiv thì em sẽ phát điên lên mất. Nó thật sự rất tệ,” cô bé thổ lộ.
Cô bé khẳng định mình đang tìm cách vượt qua khó khăn và không thay đổi điều gì, nhưng chị gái cô bé thì không chắc chắn về điều đó lắm.
“Em dễ nổi nóng hơn mà,” Irina nói với em gái mình. Lera ngượng ngùng gật đầu, đáp:
“Trước đây em không hung dữ như vậy.”
Đó là một trong nhiều phản ứng mà các nhà tâm lý học trẻ em quan sát được trước những căng thẳng của cuộc chiến này.
“Trẻ em không hiểu chuyện gì đã xảy ra với chúng hoặc đôi khi không hiểu cảm xúc của mình,” Iryna Lisovetska thuộc tổ chức Tiếng nói Trẻ em – tổ chức từ thiện đang giúp đỡ hàng trăm thanh thiếu niên Ukraine trên khắp đất nước – giải thích.
“Chúng có thể bộc lộ sự hung hăng như một hình thức tự vệ.”
Đối với Lera, cuộc chiến này đã tàn nhẫn gấp đôi.
Vài tháng trước khi cô bé gặp tai nạn, anh trai của cô đã thiệt mạng nơi tiền tuyến. Hai anh em vốn rất thân thiết và Lera vẫn phải vật lộn để chấp nhận sự thật rằng người anh Sasha đã hy sinh.
“Em cứ tưởng tượng anh ấy sẽ gọi điện bất cứ lúc nào. Em thường thấy gương mặt anh ấy thấp thoáng nơi dòng người qua lại trên phố. Em vẫn chưa thể tin được,” cô bé tâm sự nhỏ nhẹ và gấp lại lá cờ Ukraine mà em định mang đi viếng mộ Sasha, thay cho lá cờ bị gió làm sờn rách.
Không hề báo trước, Irina gõ nhẹ vào điện thoại và giọng nói trầm ấm của Sasha tràn ngập căn phòng. “Anh rất yêu hai chị em,” người chiến sĩ trấn an bằng tin nhắn thoại cuối cùng được gửi từ tiền tuyến.
Đây là lần đầu tiên Lera nghe thấy giọng nói anh mình kể từ khi anh ấy hy sinh. Cằm cô bé run lên vì xúc động.
Daniel Bazyl, 12 tuổi, ở Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine
Nỗi sợ lớn nhất của Daniel là phải trải qua sự mất mát giống như Lera.
Cha cậu bé là một người lính đang chiến đầu gần quê nhà Kharkiv, nơi giao tranh ngày càng khốc liệt.
Quân đội Nga gần đây đã vượt qua biên giới trong một cuộc tấn công bất ngờ, chiếm thêm lãnh thổ mới và các cuộc tấn công tên lửa vào thành phố cũng gia tăng.
Trong số những người thiệt mạng có một bé gái 12 tuổi đang đi mua sắm cùng cha mẹ.
“Ba em nói với em rằng mọi chuyện đều ổn, nhưng em biết tình hình ở đó không tốt lắm. Tất nhiên là em lo lắng cho ba rồi,” Daniel nói.
Cậu bé 12 tuổi hiện sống ở miền tây Ukraine cùng mẹ, một thế giới khác biệt so với Kharkiv. Tên lửa Nga có thể bắn tới Ivano-Frankivsk nhưng người dân sẽ nhận được nhiều cảnh báo hơn.
Phố xá đông đúc và thư thái. Thậm chí còn có cả tắc đường.
Nhưng ngay cả khi ở đây, Daniel cũng không thể trốn khỏi cuộc chiến. Cậu bé dán một lời cầu nguyện lên trên giường, lầm rầm cầu nguyện mỗi đêm cho sự an toàn của cha mình dù trước đây em không theo đạo nào.
Daniel và mẹ mình, bà Kateryna, từng ra nước ngoài tị nạn trong một khoảng thời gian. Họ quay về Ukraine vì Kateryna là chuyên gia tâm lý trẻ em và bà nhận ra rằng kỹ năng của bà rất cần thiết tại quê hương.
Bà cố gắng hết sức để cậu con trai không bị phân tâm bằng những hoạt động không ngừng: trượt ván ở công viên và học guitar. Cậu bé đã đi hát rong để quyên góp tiền cho quân đội và đi học võ để đối phó với những kẻ bắt nạt ở trường.
“Tôi cố tìm những thứ thằng bé từng yêu thích để cho nó tiếp tục làm ở đây và điều đó thật sự hiệu quả,” bà chia sẻ.
Nhưng cậu bé quê ở vùng đông bắc này vẫn khó hòa nhập. Daniel nói:
“Em thật sự khó chịu khi có một cuộc không kích ở trường mà mọi người thì đều vui mừng vì sẽ được nghỉ học. Tại đây, còi báo động chỉ có nghĩa là xuống hầm trú ẩn, nhưng nó thật sự có nghĩa là đang có một cuộc giao tranh ở một nơi khác tại Ukraine.”
Daniel mong chờ từng giờ giữa các cuộc gọi điện trực tuyến với cha mình. Ông đã gửi cho cậu bé những gói hàng chứa đầy dụng cụ vẽ để hướng dẫn cậu từ xa.
“Em muốn tin rằng chiến tranh sớm kết thúc,” Daniel chia sẻ mong muốn lớn nhất của mình. Cậu bé nói rằng điều này sẽ giúp cậu trở lại quê nhà Kharkiv.
“Và điều đó sẽ rất tuyệt vời.”
Angelina Prudkaya, 8 tuổi, ở Kharkiv, đông bắc Ukraine
Cô bé Angelina 8 tuổi vẫn sống ở thành phố Kharkiv, trong một khu vực bị đánh bom.
Cô bé đến từ vùng ngoại ô Saltivka, nơi cũng là quê nhà của cậu bé Daniel. Khi quân đội Nga lần đầu tiến vào khu vực này hai năm trước, Angelina trú ẩn cùng gia đình dưới tầng hầm.
“Rất đáng sợ. Em chỉ nghĩ rằng không biết bao giờ mọi chuyện mới kết thúc. Có cả máy bay và tên lửa bay qua đầu chúng em,” Angelina nhớ lại.
Đầu tháng 3/2022, tòa chung cư khổng lồ gần nhà cô bé bị tên lửa phá hủy.
Mẹ cô bé, Anya, bảo cô bé bịt tai lại và nằm yên.
“Em tưởng bọn em sẽ bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Em nghĩ tòa nhà của mình đã trúng tên lửa và sắp sập xuống,” Angelina kể, mắt cô bé mở to khi nhớ lại những ký ức đó.
Sau đó họ đã chạy trốn.
Nhưng khi quân đội Ukraine giải phóng khu vực miền bắc vào năm ngoái, gia đình đã quay trở lại Saltivka. Họ là những người duy nhất sống trong khu chung cư của họ, xung quanh là những tòa nhà đen kịt khói và kính vỡ.
Mặc dù có những lỗ đạn trên tường bếp, nhưng nơi đó vẫn là nhà.
Nhưng giờ đây, Kharkiv lại trở thành một nơi đầy lo lắng. Cuộc tấn công bằng bom lượn vào một cửa hàng DIY (đồ tự làm) vào tháng 5/2024 xảy ra gần căn hộ của Angelina.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng ông ta không có ý định chiếm thành phố nhưng người Ukraine đã dần biết được rằng không bao giờ nên tin tưởng ông ta.
“Khi họ bắt đầu ném bom, em nói với mẹ là em sẽ vào hành lang và mẹ ngồi cạnh em ở đó,” Angelina nói với vẻ bình tĩnh của một người đã có nhiều kinh nghiệm.
Di chuyển tới hành lang sẽ tạo thêm một bức tường chắn giữa cơ thể và bất kỳ vụ nổ nào. Đó là sự phòng vệ tối thiểu.
Angelina đáng lẽ phải đang đi học lúc này, nhưng trường học địa phương đã bị đánh sập một bên hông. Cô bé hầu như chẳng nhớ gì về thời học mẫu giáo, vì trước chiến tranh là đại dịch Covid-19.
Bà Anya cố gắng chống lại sự cô đơn của con mình bằng cách đưa cô bé tham gia các hoạt động, bao gồm cả những buổi trị liệu bằng thú cưng. Hoạt động do tổ chức từ thiện cho trẻ em UNICEF điều hành, diễn ra trên tàu điện ngầm để tăng thêm mức độ an toàn.
Angelina cười khúc khích, trở nên có sức sống hơn khi em chơi ném bóng với chú chó bóng mượt tên Petra.
Nhưng khi hoàng hôn buông xuống ngôi nhà cô bé, đèn điện không còn nữa. Quân Nga đã nhắm bắn vào nguồn cung cấp điện.
Angelina cẩn thận thắp một ngọn nến, dáng người nhỏ bé của em tạo ra một cái bóng khổng lồ trên bức tường của căn hộ. “Lúc nào cũng vậy,” cô bé nhún vai khi nói về những lần mất điện.
Giống như Lera và Daniel, Angelina đang thích nghi với cuộc chiến này hết sức có thể.
Nhưng trên khắp đất nước, nhu cầu được giúp đỡ ngày càng tăng cao.
“Chúng tôi nói với lũ trẻ là hãy cứ thoải mái đi, cứ bày tỏ cảm xúc đi. Chúng tôi bảo là mình có thể giúp chúng hiểu cách kiểm soát những cảm xúc này, không để chúng phá hủy mọi thứ xung quanh. Hoặc chính bản thân chúng,” chuyên gia tâm lý Kateryna Bazyl giải thích.
Khi được hỏi liệu có đủ sự giúp đỡ cho tất cả mọi người không, bà Bazyl dừng lại một nhịp.
“Thành thật mà nói, chúng tôi có một danh sách chờ rất dài.”