Đăng ngày: 06/06/2024
Từ ngày 06 – 09/06/2024, khoảng 450 triệu cử tri tại 27 nước được mời gọi bầu chọn mới 720 nghị sĩ cho một nhiệm kỳ 5 năm tại Nghị Viện Châu Âu. Nhiều cuộc thăm dò dự đoán các đảng cực hữu sẽ phát triển nhiều hơn và mạnh mẽ hơn nữa.
Cũng theo những thăm dò trên, các đảng cực hữu như Tập Hợp Dân Tộc (RN) hay Chinh phục (Reconquete) tại Pháp, Fratelli d’Italia và Lega ở Ý, FPO tại Áo hay như Vlaams Belang tại vùng Flamand của Bỉ… còn dẫn đầu các ý định bỏ phiếu.
Làm thế nào giải thích cho đà tiến này của các đảng cực hữu ở châu Âu ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà báo Alain Guillemoles, nhật báo Công giáo La Croix, chuyên trách về các vấn đề châu Âu.
RFI Tiếng Việt : Trước hết, xin ông cho biết, xu hướng trên xác nhận một sự tiến triển đều đặn của cánh hữu cực đoan được ghi nhận từ cuộc bầu cử châu Âu năm 2014 và 2019 ?
Alain Guillemoles : Đúng là có một sự gia tăng rõ nét các đảng cực hữu trên toàn châu Âu và điều gây ấn tượng là tại một số nước, trước hết, phe cực hữu đã lên cầm quyền trong khi đó cách nay năm năm, đó là điều không thể. Tôi nghĩ đến các nước Bắc Âu, vốn dĩ có truyền thống dân chủ – xã hội, khá hiếu hòa và ngày nay lại chứng kiến các đảng cực hữu phát triển mạnh mẽ, tham gia vào một số liên minh nhất định đang cầm quyền ở Phần Lan chẳng hạn, hay như ủng hộ chính phủ mà không cần tham gia như trường hợp Thụy Điển.
Rồi chúng ta còn có các nước Nam Âu, ở đó, các đảng cực hữu trước đây không hề tồn tại như Bồ Đào Nha, thì phe này đã phát triển mạnh những năm tháng gần đây. Ví dụ như đảng Chega ở Bồ Đào Nha có thể có đến 18% phiếu bầu. Chỉ trong vài tháng mà họ đã phát triển mạnh. Tại Pháp cũng vậy, chúng ta biết là đảng Tập Hợp Dân Tộc đang dẫn đầu các thăm dò, gần như chiếm đến 1/3 ý định bỏ phiếu.
Làm thế nào giải thích cho đà tiến mạnh mẽ này của các đảng cực hữu ?
Alain Guillemoles: Theo tôi, có nhiều yếu tố giải thích vì sao chúng ta đi đến điểm này, nhưng điều chính yếu là vấn đề nhập cư, được hầu hết các đảng cực hữu cùng sử dụng để khơi dậy nỗi sợ hãi, lo lắng ở các cử tri, đẩy họ đi đến ủng hộ các đảng thường thể hiện mình như là bức tường thành chống dân nhập cư.
Chúng ta biết rằng đây là một chủ đề được sử dụng khắp nơi, kể cả ở Mỹ. Chúng ta thấy rõ là Donald Trump cũng đang làm điều tương tự và đây là điều có tác dụng ở châu Âu trong bối cảnh có mối lo ngại về kinh tế, và mối lo này đã được bộc lộ sau đại dịch. Các hoạt động kinh tế đã có một giai đoạn sa sút và người ta lo sợ có những khó khăn lớn cũng như lạm phát gia tăng. Đấy là những điều đã tác động đến cử tri.
Sau đó là bối cảnh cuộc chiến ở Ukraina cũng giải thích cho nỗi sợ này. Cử tri mong muốn được cảm thấy bảo vệ, cả về kinh tế lẫn quân sự. Điều đó còn giải thích việc một lượng lớn cử tri nhất định đang chuyển hương sang những đảng nào hiện thân cho trật tự và an ninh.
Vào thời điểm khó khăn, lẽ đương nhiên là những phe cực đoan chiếm được sự ủng hộ. Tuy nhiên, vì sao ở đây người ta lại thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cực hữu chứ không phải những đảng cực tả ?
Alain Guillemoles: Quả thật, chúng ta thấy là ở tất cả các nước đều có sự phân cực rất lớn giữa những đảng ủng hộ châu Âu và những đảng bài châu Âu. Thật ra, các đảng cực tả cũng đang trỗi dậy, chẳng hạn như ở Pháp trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến đà gia tăng của phe cực tả.
Trên thực tế, chúng ta có thể nói là phe cực hữu đã khôn khéo thể hiện như là một đảng đáng tôn trọng và có khả năng điều hành chính phủ, trong khi phe cực tả thì có thái độ phản đối các định chế, phản đối cách thức vận hành của những định chế đó, và do vậy đã mất đi phần nào uy tín.
Hơn nữa, phe cực tả bị chia rẽ sâu sắc. Trường hợp của Pháp là khá đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ rằng phe cực tả đã có được một sự tín nhiệm nhất định ở châu Âu trong những năm 1970, 1980, và chúng ta hiện đang trong một chu kỳ mà phe cực hữu đang hưởng lợi từ mối quan tâm của cử tri.
Tổng cộng có khoảng 30 đảng cực hữu ứng cử trong cuộc bỏ phiếu lần này. Mặc dù có những điểm chung, nhưng những đảng này cũng bị chia rẽ theo nhiều trào lưu khác nhau ở châu Âu ?
Alain Guillemoles: Đúng vậy. Thật ra là chẳng có gì đơn giản ở phe cực hữu cả. Trên thực tế, ít nhất có hai trào lưu cực hữu đối lập nhau không những tại cấp độ châu Âu mà ở cả từng nước. Chẳng hạn như ở Pháp có nhiều đảng cực hữu – đảng của ông Eric Zemmour hay đảng của bà Marine Le Pen – nhưng họ không trong cùng một nhóm nghị sĩ ở Nghị Viện Châu Âu.
Một phần phe cực hữu nằm trong nhóm phe Bảo thủ và Cải cách châu Âu – CRE. Đối với Pháp, đảng của ông Eric Zemmour nằm trong nhóm này. Đổi lại, bà Marine Le Pen tham gia một nhóm khác ở Nghị Viện, được gọi là ID, tên viết tắt của Bản sắc và Dân chủ (Identité et Démocratie).
Tại sao họ bị chia rẽ ư ? Suy cho cùng họ có nhiều điểm đối lập nhau. Trước hết, họ có cách giải thích về kinh tế không hoàn toàn giống nhau nếu chúng ta nhìn vào chương trình tranh cử của bà Marine Le Pen trên phương diện kinh tế. Bà ấy vay mượn rất nhiều từ chương trình của phe cực tả. Các ý tưởng của bà mang hơi hướng chủ nghĩa kinh tế nhà nước. Bà muốn có nhiều biện pháp xã hội và sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước vào nền kinh tế.
Trong khi đó, các đảng cực hữu thuộc nhóm CRE – Những người Bảo thủ và Cải cách châu Âu – thì ngược lại, chủ trương tự do mậu dịch nhiều hơn và muốn giảm bớt vai trò cũng như sự can thiệp của nhà nước trong kinh tế.
Tiếp đến là lập trường của họ về tình hình quốc tế. Điểm khác biệt lớn giữa hai trào lưu cực hữu này là các đảng thuộc nhóm CRE chủ trương ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khá bám chặt vào phe phương Tây, và tỏ ra kiên quyết ủng hộ Ukraina. Ngược lại, những đảng thuộc nhóm ID tỏ ra thấu hiểu cho Nga, mong muốn ngưng trừng phạt Nga và không muốn hỗ trợ Ukraina. Đây thực sự là điểm chia rẽ lớn giữa các nhóm đảng cực hữu.
Liệu sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe cực hữu có thể gây trở ngại cho thế thống trị của cánh hữu truyền thống ở Nghị Viện ?
Alain Guillemoles: Có và Không. Chúng ta lấy Đức làm ví dụ. Đức là nước có nhiều nghị sĩ nhất tại Nghị Viện châu Âu. Đảng cánh hữu Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức CDU rất có thể sẽ thắng lớn trong cuộc bầu cử Nghị Viện sắp tới. Bởi vì, đảng này trong thế đối đầu với phe cực hữu, đã được phát triển mạnh nhưng nay bị chững lại do một số vụ bê bối tại Đức có liên quan đến người lãnh đạo phe cực hữu. Rồi người dân Đức cũng nhận thức được rủi ro mà phe này mang lại và do vậy phe cực hữu đang bị thụt lùi.
Tình hình khác nhau tùy theo từng nước, và do vậy khó có được một cách diễn giải ở cấp độ châu Âu bởi vì mỗi nước đều thấy được một chút những gì đang diễn ra ở đất nước của họ. Nhưng nếu thử nhìn bao quát ở quy mô châu Âu, và dựa theo các thăm dò, chúng ta có thể nói rằng phe cánh hữu vẫn sẽ thống trị nghị trường châu Âu, nhưng theo sau là các đảng cực hữu tiếp tục đà tiến.
Theo dự báo, các đảng cực hữu sẽ chiếm được 25% số ghế trong Nghị Viện. Một tỷ lệ khá lớn ngay cả khi phe cực hữu bị chia rẽ như đã giải thích. Phe này có nhiều khả năng giành được nhiều thế mạnh hơn và do vậy có thể gây áp lực mạnh dù rằng nhóm đảng hàng đầu vẫn là phe cánh hữu truyền thống.
Còn ở Pháp, cánh hữu truyền thống có nguy cơ bị thoái lui rất mạnh. Điều này chẳng có gì mới cả, đó là những gì chúng ta đã thấy từ nhiều năm qua. Cánh hữu truyền thống bị thụt lùi rất nhiều và cuộc bầu cử châu Âu sẽ phải xác nhận hiện tượng này.
Phe cực hữu hiện diện đông đảo hơn và mạnh hơn ở Nghị Viện Châu Âu sẽ có tác động ra sao đối với các chính sách hay việc ra quyết định của Liên Âu ?
Alain Guillemoles : Điều này còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử, khó thể dự đoán trước. Nhiều kịch bản có thể xảy ra ngay ngày hôm sau cuộc bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiếu sẽ có những hệ quả nếu chúng xác nhận rằng phe cực hữu có số phiếu rất cao và như vậy có khả năng tiến tới tái cơ cấu đa số trong Nghị Viện Châu Âu. Theo kịch bản này, cánh hữu và một bộ phận phe cực hữu, nhóm CRE, sẽ lập một liên minh và điều đó sẽ có nhiều hệ quả cụ thể trên một số chính sách nhất định của châu Âu.
Đầu tiên, chính sách di dân sẽ nghiêm ngặt hơn, cứng rắn hơn. Nhiều biện pháp bổ sung sẽ được đưa ra để khép chặt hơn cửa biên giới đối với bất kỳ hình thức di dân nào tại châu Âu. Đây sẽ là một hậu quả tức thì.
Tiếp đến, chúng ta có thể dự đoán rằng các nỗ lực cho khí hậu sẽ bị chậm lại. Trong suốt 5 năm qua, một trong những nhiệm vụ lớn của châu Âu là thúc đẩy một chính sách chung về biến đổi khí hậu, đó là điều mà họ gọi là Thỏa thuận Xanh. Toàn bộ 70 văn bản lập pháp đã được Nghị Viện Châu Âu thông qua nhằm bảo đảm rằng châu Âu sẽ là lục địa trung hòa khí các – bon vào năm 2050.
Để thực hiện được điều này, một số lượng lớn các biện pháp đã được thông qua, và ngày nay những biện pháp này đang gây ra nhiều hậu quả ở châu Âu. Một bộ phận người dân rất bất bình do những hậu quả mà họ đang gánh chịu, đặc biệt là giới nông gia. Không ít các cuộc biểu tình đã diễn ra khắp nơi ở châu Âu do chính sách nông nghiệp của châu Âu ngày càng khắt khe hơn đối với các hoạt động sản xuất của họ.
Nếu đa số Nghị Viện ngả sang hữu nhiều hơn, Nghị Viện Châu Âu, cơ quan hành pháp của châu Âu, sắp tới có khả năng sẽ ít khắt khe hơn với nông dân chẳng hạn và do vậy, hủy bỏ một số biện pháp nhất định đã được đưa ra nhằm hướng đến trung hòa khí các – bon vào năm 2025. Đây sẽ là những hậu quả rất cụ thể.
Trong kịch bản này, chính sách hỗ trợ cho Ukraina có bị tác động ?
Alain Guillemoles : Như tôi có giải thích, nhóm CRE rất ủng hộ cho việc viện trợ Ukraina, nên khó có thể hình dung rằng đa số mới ở nghị trường sẽ thay đổi chính sách về viện trợ cho Ukraina. Ngược lại, tôi nghĩ rằng, bối cảnh chiến tranh hai năm qua cho thấy vấn đề phòng thủ chung đã trở thành một chủ đề được chia sẻ rộng rãi tại châu Âu.
Nếu như cách nay vài năm ít ai quan tâm đến chủ đề này, thì nay khác hẳn do bối cảnh kép : Đó là chiến tranh và triển vọng khả năng Donald Trump thắng cử ở Mỹ. Nếu ông Trump đắc cử, ông ấy rất có thể sẽ quyết định ít tích cực hơn trong việc hậu thuẫn châu Âu. Ông ấy có thể quyết định rút binh sĩ Mỹ, hiện đang trú đóng nhiều nơi tại châu Âu, về nước.
Donald Trump cũng có thể nói rằng điều khoản số 5 của Hiệp ước NATO có thể sẽ không được áp dụng tự động. Điều khoản này dự trù hỗ trợ quân sự trong trường hợp một quốc gia thành viên bị tấn công. Tuyên bố như thế sẽ có nghĩa là NATO không còn có ích nữa. Đó là một kịch bản hơi cực đoan. Dù vậy, nếu chúng ta đặt mình trước triển vọng có khả năng xảy ra này, điều đó cũng đủ để đánh thức châu Âu và khuyến khích họ phải tự nhủ là « chúng ta phải làm gì đó để có thể tự bảo vệ mình khi không có Mỹ ».
Nhận thức này được bộc lộ ở hầu hết mọi nơi ở châu Âu, chứ không riêng gì Pháp mà còn ở Đức nữa. Nước Đức cho đến hiện tại đã giao phó hoàn toàn vấn đề an ninh đất nước cho Mỹ, giờ họ cũng quyết định đầu tư nhiều hơn trong quốc phòng. Quả thật, có một sự thức tỉnh ở khắp nơi tại châu Âu về chủ đề này, và châu Âu đang đầu tư trong các ngành công nghiệp quốc phòng bởi vì điều họ quan tâm đầu tiên hiện nay là phải có một nền công nghiệp có khả năng sản xuất đủ vũ khí để tự vệ.
Trong suốt nhiều năm, châu Âu đã không đầu tư nhiều trong lĩnh vực này và họ thấy rằng từ hai năm qua, tuy đã có sự thức tỉnh và hiện đang có những khoản đầu tư đáng kể cho quốc phòng, nhưng điều đó đòi hỏi phải có thời gian. Hiện tại, người ta chưa thể thấy kết quả nhưng trong mọi trường hợp từ quan điểm chính trị, có một ý chí chính trị được chia sẻ rộng rãi.
Do vậy, tôi nghĩ rằng, điều này có giá trị đối với các đảng, có thể nói là đi từ cánh tả ôn hòa, cánh trung, cánh hữu trung dung cho đến một phần phe cực hữu là nhóm CRE như tôi có nói. Có một sự đồng thuận khá rộng tại tất cả các nước và phần lớn các nhóm chính trị. Thế nên, tôi cho rằng việc hỗ trợ Ukraina vẫn sẽ được tiếp tục.
Ông nhận định gì về sự trỗi dậy ngoạn mục của đảng Tập Hợp Dân Tộc ở Pháp những năm gần đây ?
Alain Guillemoles : Tình hình ở Pháp hơi đặc biệt bởi vì từ bảy năm qua chúng ta có một lực lượng chính trị đột nhiên xuất hiện trên chính trường. Tôi xin nhắc lại đôi nét lịch sử. Trong quá khứ, chính trường Pháp bị phân hóa thành hai phe : Cánh hữu đối diện với cánh tả.
Cánh hữu ôn hòa, vốn có mối liên kết với đảng mang tư tưởng tướng De Gaulle – giờ là đảng Những người Cộng hòa. Rồi bên kia là cánh tả trung dung, đảng Xã hội, luôn tìm cách thu hút lá phiếu từ cánh tả, thậm chí cả cánh cực tả để thi thoảng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử. Phe tả ôn hòa và phe hữu ôn hòa đã thay phiên nhau cầm quyền trong nhiều thập niên.
Rồi đột nhiên, một sự thay đổi lớn trong diện mạo chính trị Pháp. Một người cánh trung là ông Emmanuel Macron đã lên cầm quyền khi tuyên bố « Tôi muốn tập hợp cả những người bên hữu và bên tả », và thế là ông ấy đã thu hút cả cánh tả ôn hòa, cánh hữu ôn hòa và chiếm giữ cánh trung.
Vậy còn lại ai để chống đối ông ấy ? Chỉ còn lại những phe cực đoan và như chúng ta thấy, sự trỗi dậy của đảng cực tả cũng như cực hữu, những đảng trở thành những lực lượng sau cùng có thể hiện thân cho đối trọng quyền lực.
Theo năm tháng, phe khai thác tình hình này tốt nhất là các đảng cực hữu qua việc tận dụng tư cách là phe đối lập đáng tin cậy nhất, từng bước áp đặt và vượt lên từ cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác. Đây chính là tình huống ở Pháp, một tình huống khá đặc biệt cho Pháp, bởi vì chúng ta là nước duy nhất tại châu Âu được một người thuộc cánh trung lãnh đạo, một người đã khẳng định mong muốn tập hợp cả hữu lẫn tả và toàn bộ cánh trung, một trường lớn bộ phận cử tri đi từ cánh hữu ôn hòa cho đến cánh tả trung dung.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Alain Guillemoles, thuộc nhật báo La Croix .