RFA
2024.06.12
Ông Y Quynh Buon Dap trong trang phục dân tộc trong bức hinh chụp ngày 11/4/2024
Một năm sau vụ tấn công ở Đắk Lắk: Ông Y Quynh Bdap bị bắt ở Thái Lan và có thể bị dẫn độ về nước
Một nhà hoạt động nhân quyền người Thượng đang tị nạn tại Thái Lan bị cảnh sát nước này bắt giữ và có nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam, nơi ông phải đối diện với bản án 10 năm tù vì bị cáo buộc liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Đắk Lắk.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ông Y Quynh Bdap (hay còn gọi là Mathew) hôm 11/6, tròn một năm sau vụ hàng chục người Thượng tấn công vào hai trụ sở cơ quan công quyền ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk làm chín người thiệt mạng trong đó có sáu cán bộ và công an, và ít nhất ba người tham gia vụ việc bị bắn chết hoặc tự sát.
Ông Y Phic Hdok, thành viên sáng lập của tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) cùng với ông Y Quynh cho hay, ông nhận được tin nhắn từ ông Y Quynh Bdap thông báo về việc bị cảnh sát bắt giữ ở Bangkok vào ngày 11/6 với vỏn vẹn dòng tin: “Anh đã bị bắt rồi.”
Ông Y Phic kêu gọi Chính phủ Thái Lan tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và từ chối yêu cầu dẫn độ trái pháp luật của Việt Nam đối với ông Y Quynh và các thành viên khác của MSFJ. Ông nói với RFA:
“Ông Y Quynh đã được UNHCR công nhận tư cách tị nạn chính trị, nên Thái Lan có nghĩa vụ bảo vệ quyền của ông. Tôi kêu gọi Thái Lan đứng lên bảo vệ các nguyên tắc nhân quyền và pháp quyền, từ chối yêu cầu bất hợp pháp của Việt Nam về việc trả đũa các thành viên MSFJ.”
Một phóng viên của RFA ở Thái Lan cho biết theo nguồn tin không chính thức từ Cảnh sát Thái Lan, ông Y Quynh bị bắt giữ vào lúc 9 giờ tối ngày 11/6. Theo nguồn tin này, ông sẽ bị đưa ra toà xét xử vào ngày hôm sau về cáo buộc “lưu trú quá hạn.”
Một đại diện của tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Bangkok không nêu danh tính vì lý do an toàn cho biết, một quan chức ở Cục Quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan xác nhận đang xử lý yêu cầu dẫn độ Y Quynh Bdap từ Chính phủ Việt Nam.
Phóng viên gọi điện cho ông Surasak Surinkaew, Phó Tư lệnh Điều tra của Cục xuất nhập cảnh Thái Lan để hỏi về vụ việc, tuy nhiên quan chức này không bắt máy.
Phóng viên gửi email cho Văn phòng Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp quốc (UNHCR) và Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp quốc (OHCHR) ở Bangkok để hỏi thông tin về nhà hoạt động Y Quynh Bdap. Chỉ có UNHCR phản hồi rằng cơ quan này không cung cấp thông tin cá nhân của người tị nạn.
Phóng viên cũng gửi câu hỏi chất vấn tới Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng cũng chưa nhận được ngay phản hồi. Cơ quan này thường không trả lời email của RFA.
Đàn áp xuyên quốc gia
Ngay sau khi ông Y Quynh Bdap bị bắt giữ, ông Christopher MacLeod – một luật sư người Canada chuyên về kiện tụng xuyên biên giới, gửi thư tới Đại sứ Canada tại Thái Lan và Văn phòng UNHCR tại Canada, để thông báo về vụ bắt giữ này.
Theo nội dung thư, luật sư Christopher MacLeod cho biết, ông Y Quynh Bdap được Đại Sứ quán Canada phỏng vấn vào ngày 10/6 liên quan đến yêu cầu tị nạn.
Ông được nhân viên của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên Hiệp Quốc đưa đến Đại sứ quán Canada để tham dự cuộc phỏng vấn, và chở ông đến một nơi an toàn để chờ quyết định của phía Canada.
Ông bị cảnh sát bắt vào tối hôm sau với cáo buộc “lưu trú quá hạn” trong khi Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Thái Lan trục xuất ông về nước.
Luật sư Christopher MacLeod đề nghị Đại Sứ quán Canada tại Bangkok yêu cầu chính quyền Thái Lan từ chối mọi yêu cầu dẫn độ Y Quynh Bdap về nước, nơi ông bị “vu oan là khủng bố và sẽ gặp nguy hiểm nghiêm trọng nếu bị buộc quay trở lại Việt Nam.”
“Tất cả chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự đàn áp xuyên quốc gia,” vị luật sư nói.
Ông Y Phic Hdok, người từng có thời gian xin tị nạn ở Thái Lan và hiện đang định cư tại Mỹ cho rằng, chính quyền Việt Nam luôn tìm cách bắt giữ ông Y Quynh Bdap và các thành viên khác của MSFJ vì tổ chức này thường xuyên gửi báo cáo về đàn áp tự do tôn giáo ở Tây Nguyên tới LHQ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.
Do vậy, lợi dụng vụ tấn công bạo lực ở Cư Kuin một năm trước, an ninh Việt Nam gán ghép MSFJ là tổ chức khủng bố để có cớ bắt giữ thành viên của nhóm.
Ông Y Phic cho rằng nếu trục xuất ông Y Quynh Bdap về Việt Nam, Thái Lan sẽ vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền, tham dự vào đàn áp xuyên biên giới, và không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ mà quốc gia này đang muốn ứng cử trong khoá tới.
Hồi tháng 11/2023, truyền thông Nhà nước cho biết cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định truy nã đặc biệt đối với ông Y Quynh Bdap với tội danh “khủng bố” theo Điều 229 của Bộ luật hình sự.
Trả lời RFA sau đó, ông Y Quynh Bdap cho rằng, chính quyền đã lợi dụng vụ việc để vu khống nhằm “làm mờ danh tiếng và dập tắt tiếng nói nhân quyền” của ông.
Trong phiên toà tháng 1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Ðắk Lắk đã xét xử vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; khủng bố; tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; che giấu tội phạm” và tuyên án vắng mặt ông Y Quynh Bdap mức án 10 năm tù giam.