- Tác giả,Helen Bushby
- Vai trò,Phóng viên Văn hóa
- 29 tháng 7 2024
Bài viết có chứa những mô tả về bạo lực gia đình, có thể gây khó chịu cho một số độc giả.
Cuộc đời Lhakpa Sherpa là một câu chuyện đầy bất ngờ. Với thế giới bên ngoài, bà nắm giữ kỷ lục 10 lần chinh phục đỉnh Everest – nhiều hơn bất kỳ người phụ nữ nào khác.
Nhưng đằng sau ánh hào quang, cuộc sống cá nhân của bà đầy nguy hiểm và sợ hãi.
Trong khi chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới, bà cho biết mình đang phải chịu đựng bạo hành từ chồng, thậm chí cả trong quá trình xuống núi Everest năm 2004.
Hiện bà sinh sống tại Mỹ và nuôi ba đứa con bằng thu nhập từ công việc ở cửa hàng tạp hóa và nghề lao công.
Cuộc đời của bà – trên và ngoài những ngọn núi – đã được chuyển thể thành phim tài liệu Mountain Queen: The Summits of Lhakpa Sherpa (Tạm dịch: Nữ hoàng Núi: Những Cuộc chinh phục của Lhakpa Sherpa) của đạo diễn Lucy Walker.
Bà Sherpa thấy tự hào về bộ phim này.
Với ánh mắt rực lửa, bà nói với BBC:
“Tôi muốn cho mọi người thấy phụ nữ có thể làm được gì.”
Điều đáng ngạc nhiên trong những lần lập kỷ lục của Sherpa là bà làm điều đó mà không cần luyện tập nhiều.
Leo Everest có thể nguy hiểm chết người.
Đã có hơn 300 người bỏ mạng khi leo lên đỉnh EveresEverest, tính từ khi có thống kê về việc leo núi tại đây khoảng một thế kỷ trước.
Vì vậy, điều quan trọng là phải ở thể trạng tốt nhất.
Trong phim, khán giả có thể thấy Sherpa giữ gìn vóc dáng bằng cách đi bộ trên những ngọn núi ở bang Connecticut, Mỹ. Nhưng bà cũng tiếp tục làm việc bình thường, vì đó là điều cần thiết.
“Chị là một vận động viên xuất sắc đấy,” đạo diễn Walker nói với bà Sherpa khi đang trả lời phỏng vấn BBC.
“Rất cao, rất khỏe,” vị đạo diễn nói thêm.
“Người ta thường đánh giá thấp điều đó. Thật không thể tin nổi khi chị có thể chinh phục Everest trong khi vẫn duy trì công việc thường ngày,” bà Walker nhận xét.
“Tôi học không giỏi, nhưng lại rất thành thạo với những ngọn núi,” bà Sherpa đáp.
Nữ vận động viên leo núi này sinh năm 1973 trong một gia đình chăn nuôi bò yak trên dãy Himalaya của Nepal. Gia đình bà có 11 anh chị em.
Bà lớn lên ở nơi mà giáo dục cho các bé gái không phải là điều ưu tiên. Bà băng qua những ngọn đồi trong hàng giờ đồng hồ để đưa em trai mình đi học, nhưng bà thì không được phép vào trong lớp.
Tình hình hiện nay ở Nepal đã được cải thiện – tỷ lệ biết chữ của phụ nữ tăng vọt từ 10% năm 1981 lên 70% vào năm 2021.
Nhưng bà Sherpa vẫn phải gánh chịu hậu quả của việc thiếu giáo dục. Bà vẫn chưa biết đọc.
Những việc mà mọi người cho là hiển nhiên ai cũng biết, như sử dụng điều khiển TV, lại khá thử thách với người phụ nữ này.
Con trai bà, Nima, sinh vào cuối những năm 90, và các con gái Sunny, 22 tuổi, và Shiny, 17 tuổi, giúp bà thu hẹp khoảng cách.
Không được đi học, đến năm 15 tuổi, bà Sherpa đã làm công việc khuân vác trong các cuộc thám hiểm trên núi, và bà thường là nữ giới duy nhất.
Nhờ việc leo núi, bà đã tránh được một cuộc hôn nhân sắp đặt theo kiểu truyền thống.
Nhưng cuộc sống trở nên khó khăn khi bà mang thai sau một mối quan hệ ngắn ngủi ở thủ đô Kathmandu, Nepal.
Là một người mẹ khi chưa kết hôn, bà quá xấu hổ nên không dám trở về nhà.
Vẫn tiếp tục leo núi khi có thể, bà đã gặp và yêu nhà leo núi người Mỹ gốc Romania, kiêm thợ sửa chữa nhà George Dijmărescu.
Ông đã chạy khỏi Romania dưới thời nhà độc tài Nicolae Ceaușescu, bằng cách bơi qua sông Danube.
Dijmărescu đã xây dựng một cuộc sống mới ở Mỹ khi ông và bà Sherpa kết hôn vào năm 2002.
Họ định cư tại bang Connecticut – nơi cả hai sinh ra Sunny và Shiny.
Nhưng mối quan hệ của họ rạn nứt khi Dijmărescu trở nên bạo lực, bà Sherpa kể lại.
Năm 2004, điều này càng rõ ràng hơn khi họ leo Everest với một nhóm leo núi đến từ khu vực New England (Mỹ).
Sau họ khi lên tới đỉnh, thời tiết bắt đầu xấu đi.
Hành vi của ông Dijmărescu “đã thay đổi gần như ngay lập tức”, theo nhà báo Michael Kodas, người đưa tin về cuộc leo núi cho một tờ báo địa phương.
Kể lại điều đó trong bộ phim tài liệu, nhà báo Kodas nói rằng Dijmărescu bỗng có thái độ “thù địch” với mọi thứ xung quanh.
Bà Sherpa, người đã ở trong cùng một lều với ông Dijmărescu, nói trước camera:
“Ông ta hung tợn như sấm sét, như viên đạn… George đã hét lên và đánh tôi.”
Nhiều bức ảnh do ông Kodas chụp cho thấy bà Sherpa nằm bất tỉnh sau đó.
Nhà báo nói rằng ông đã chứng kiến ông Dijmărescu nói “đưa cái thứ rác rưởi này ra khỏi đây” khi đang kéo vợ ra khỏi lều.
Bước ngoặt tại bệnh viện
Trong bộ phim tài liệu, bà Sherpa mô tả trải nghiệm bất tỉnh như “hồn lìa khỏi xác”. “Giọng nói của mọi người bỗng biến thành những con chim. Tôi nhìn thấy toàn bộ cuộc đời mình. Tôi bay về gần nhà mẹ. Tôi nhìn xuyên qua mọi thứ… Tôi cảm thấy xấu hổ với bản thân. Tôi muốn chết.”
Sau đó, bà nhớ đến con cái và nói: “Tôi chưa sẵn sàng để chết.”
Nhà báo Kodas đã đưa vụ bạo lực này vào cuốn sách năm 2008 có nhan đề High Crimes: The Fate of Everest in the Age of Greed (Tạm dịch: Những Tội ác Lớn: Số phận Everest trong Kỷ nguyên Tham lam).
Sau đó, đạo diễn Walker thuyết phục nhà báo cung cấp đoạn phim của mình cho bà, bao gồm cả các băng ghi âm thô, gọi đó là một “hành động thể hiện sự tin tưởng to lớn”.
“Đó là một chủ đề rất khó khăn và mọi người không muốn tham gia, vì nó gây tranh cãi… nhưng tôi không chấp nhận câu trả lời ‘không’,” vị đạo diễn nói với BBC.
Mặc dù mối quan hệ bị tổn hại, họ vẫn ở bên nhau thêm vài năm.
Nhưng bà nói rằng mình đã phải nhập viện khi ông Dijmărescu tấn công bà lần nữa vào năm 2012.
Và đây là bước ngoặt.
Với sự giúp đỡ của một nhân viên công tác xã hội, bà Sherpa chuyển đến một nơi trú ẩn dành cho phụ nữ, nơi bà bắt đầu xây dựng lại cuộc đời.
Cặp đôi ly hôn vào năm 2015 và vào năm 2016, tòa án phán rằng chỉ bà Sherpa được quyền nuôi dưỡng các người con gái.
Một bản tin trên trang OutsideOnline cho biết ông Dijmărescu nhận án tù treo sáu tháng và một năm quản chế sau khi bị kết tội gây rối trật tự công cộng.
Ông được tuyên không có tội đối với cáo buộc hành hung cấp độ hai vì tài liệu của tòa án cho thấy bà Sherpa không có chấn thương đầu.
Ông Dijmărescu qua đời năm 2020 vì ung thư, nhưng vết thương mà ông để lại cho bà Sherpa vẫn còn rất rõ ràng.
Bà Sherpa cảm thấy rất khó khăn để chia sẻ mối quan hệ của họ trong bộ phim tài liệu. Bà nói:
“Tôi ước gì mọi chuyện lộn xộn này được giữ kín, tôi không muốn mọi người đều biết tất thảy cuộc đời mình.”
Nhưng con trai bà khuyên bà nên làm phim với Lucy Walker sau khi tìm hiểu những tác phẩm trước đó của nữ đạo diễn này.
Bà Walker đã bày cho nhà leo núi này cách kể chuyện:
“Khi chị kể về cuộc đời mình, chị đã bỏ qua một số đoạn, nói rằng, ‘Chúng ta không nói về những năm này’.
“Rồi từ từ, từ từ, chúng ta nói tới những điều khó khăn.
“Điều đó ám ảnh, khiến chị buồn bã, không ngủ được. Nó rất căng thẳng.
“Nhưng thực ra, nếu chị có thể chia sẻ, mọi người sẽ càng yêu quý chị. Bởi vì khi cho mọi người biết rằng chị đã trải qua những thời gian khó khăn thì tôi nghĩ họ sẽ thấy đồng cảm hơn.”
‘Người phụ nữ bị tổn thương sẽ rất mạnh mẽ’
Sunny và Shiny cũng đồng tình với điều này.
Các con gái của bà đã xuất hiện trong phim và cảm thấy “khá khó khăn khi xem lần đầu, vì chúng tôi cảm thấy rất dễ tổn thương khi cả cuộc đời bị phơi bày”.
Họ đồng ý tham gia vì “cuộc đấu tranh mà chúng tôi đã trải qua với tư cách một gia đình, và cách chúng tôi sử dụng nó để củng cố sức mạnh chứ không phải làm suy yếu chính mình, là một phần vô cùng quan trọng trong câu chuyện của mẹ”.
Không ngạc nhiên khi bà Sherpa nói rằng cuộc sống rất khó khăn sau những tổn thương từ cuộc hôn nhân.
“Trời ơi, đúng vậy. Tôi trải qua quá nhiều trong cuộc đời mình. Tôi làm việc chăm chỉ, tôi can đảm đối mặt. Tôi thỉnh thoảng tự hỏi ‘Tại sao mình còn sống, tại sao mình không chết, quá nhiều nguy hiểm. Tôi gần như đã lên thiên đường, rồi quay trở lại. Thật khó khăn. Nhưng bằng cách nào đó, tôi đã làm được…
“Người phụ nữ bị tổn thương sẽ rất mạnh mẽ. Không dễ dàng bỏ cuộc. Và tôi tiếp tục chiến đấu.”
Leo núi không chỉ là niềm đam mê của mà còn là một quá trình chữa lành của bà Sherpa.
“Tôi để lại bóng tối của mình sau lưn [trên núi],” bà chia sẻ.
Bà bắt đầu chinh phục đỉnh Everest lần thứ 10, một kỷ lục, vào năm 2022.
Thì thầm tạm biệt Shiny khi cô bé đang ngủ trong lều ở một trạm dừng chân, bà Sherpa khởi hành leo núi vào ban đêm, dưới ánh đèn pin.
Điều này nghĩa là bà có thể trèo tử đỉnh núi xuống vào ban ngày.
Các cô con gái rõ ràng rất tự hào về mẹ mình.
Bà nói rằng mình đang tạo ra một “cuộc sống tốt đẹp hơn” cho các con ở Mỹ, bao gồm cả việc giáo dục.
“Tôi thực sự muốn thay đổi cuộc sống mình, của các con gái tôi – tôi làm việc chăm chỉ,” bà chia sẻ.
Bà muốn kiếm sống bằng việc mở công ty hướng dẫn leo núi của riêng mình và tìm kiếm thêm nguồn tài trợ.
“Tôi rành về núi và mong có thể chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm với người khác,” bà nói.
Sunny và Shiny nói thêm:
“Nhiều phụ nữ đã bắt đầu chinh phục những đỉnh núi cao và làm theo mẹ.”