NHỮNG NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI SÁCH CŨ SÀI GÒN

Sách vở, báo chí miền Nam trở thành món ăn tinh thần là do công sức của các nhà văn, nhà phê bình, giáo sư đến các học giả.

Điều hiển nhiên là thế.

Nhưng sức bật, sự tác động để phổ biến những văn hoá phẩm ấy là nhờ vào một số lớn nhà xuất bản có công với Văn Học.

Họ là những nhà xuất bản như

Trình Bày, Nam Sơn, Nguyễn Đình Vượng, Văn Hoá Á Châu, Diên Hồng, Xưa nay, Khai Trí, Lá Bối, An Tiêm. Những nhà xuất bản này đã đóng góp vào việc xuất bản 200 triệu cuốn sách trong 20 năm.

Con số thật không nhỏ.

1.- Ông Khai Trí :

Chẳng mấy ai biết tên thật của ông, thành ra thương hiệu nhà sách KT,

62 Lê Lợi được đồng hoá vào tên ông. Thật ra tên ông là Nguyễn Hùng Trương, với hai tay trắng làm nên sự nghiệp.

Ông vừa là một doanh gia,

vừa là người làm văn hóa.

Ông biên soạn khoảng 15 cuốn sách như Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Chánh tả cho người miền Nam…

và chủ trương tuần báo Thiếu Nhi cùng với Nhật Tiến.

Sau 1975 , nhà sách KT là nạn nhân của nạn hôi của, đốt phá.

Sách vở tung toé khắp nơi từ trong nhà sách ra ngoài đường.

Tôi đã chính mắt chứng kiến cảnh ấy trong nỗi bất lực, bất lực của một người tự xếp hàng vào người thua cuộc.

Tôi không biết lúc bấy giờ ông Khai Trí đứng ở đâu.

Đứng ở đâu thì cũng cùng tâm cảnh đau xót đó thôi.

Khi đã chứng kiến cảnh này rồi thì đừng bảo tôi có thể nghĩ hay cho những người mới đến.

Họ không hiểu được điều đó vì quá hăng say trong men chiến thắng hay họ chưa bao giờ biết nghĩ tới người dân muốn gì, nghĩ gì.

Tiếp theo đó là hai kho sách lớn cũng bị trưng thâu. Hằng vài trăm ngàn cuốn sách ra khỏi kho, rồi biến mất dạng.

Ông trắng tay sau bao nhiêu năm tốn công gây dựng.

Sau này, ông ở Mỹ về VN một lần nữa, mang theo hy vọng làm được một chút gì cho đất nước.

Ông đã mang về 2000 đầu sách để tiếp tục làm Văn hoá.

Sách bị tịch thâu với lý do :

in trước 75.

Theo Nguyễn Thụy Long,

phần lớn sách bị tịch thâu là các loại sách Học Làm Người, báo chí quý hiếm trước 1954, như bộ Loa rất nổi tiếng.

Sách ông mang về ai cũng biết là sách về giáo dục, sách hiền, sách tốt cả.

Mà dại gì ông mang sách dữ,

mà làm gì kiếm ra đâu được sách dữ. Nó chỉ có một cái tội :

Tội đã in trước 1975.

Trước 75 là xấu,

vi phạm luật.

Sau 75 là tốt.

Ông đau lòng vì sách,

ôm đơn đi kiện.

Kết cục chẳng đi đến đâu.

Trước khi ông mất,

người ta đã không quên đặt tên ông cho một con phố nhỏ.

Đúng như ông thày TQ nhận xét :

Hôm qua nó giết mình,

hôm sau nó mang vòng hoa đến phúng điếu.

Ông ra đi lúc 5h15 ngày 11/3,

linh cữu hiện quàn tại nhà riêng

(237 Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM), lễ động quan lúc 6h ngày 14/3,

hỏa táng tại Bình Dương.

Nguyện vọng của gia đình là gửi tiền phúng điếu vào quỹ từ thiện thành phố.

Cụ Toan Ánh, năm nay 91 tuổi,

trong bữa đưa đám ma ông Khai Trí than thở:

tại sao mình sống lâu như thế,

ông Khai Trí mới có 80 tuổi.

2- Nhà Lá Bối :

nhà Lá Bối do nguyên Đại đức Từ Mẫn, tên thật là Võ Thắng Tiết trông nom. Sau ông hoàn tục.

Ông là người có lòng, để việc phụng sự văn học nghệ thuật lên trên tiền bạc.

Từ Mẫn đã giúp các nhà văn có nơi xuất bản những đầu sách có giá trị và người đọc có cơ hội đọc những cuốn sách trang nhã, chăm sóc từng chút trong việc trình bầy ấn loát và cả đến nội dung sách.

Tất cả sách của Nhất Hạnh đều từ đây mà ra.

Nếu không có Lá Bối,

những

Chiến tranh và Hoà Bình,

Chiến Quốc Sách,

Sử Ký Tư Mã Thiên,

Kiếp người của Sommerset Maugham, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay

Lối thoát cuối cùng của V. Georghiu sẽ nằm ở đâu?

Nếu không có Lá Bối,

nhiều sách chắc gì đã có cơ hội ra mắt bạn đọc.

Nhất là bộ Chiến tranh và Hoà Bình của Léon Tolstoi.

Sách in tốn vài ba triệu thời bấy giờ, bao giờ lấy lại vốn.

Sau này, ở Hải ngoại, ông tiếp tục làm công tác văn học với nhà xuất bản Văn Nghệ.

Nếu cần một vinh danh gì cho 20 năm Văn học dịch nói riêng và Văn học nói chung, có cần nên nhắc đến Võ Thắng Tiết không?

Kẻ lót đường cho Văn học miền Nam

3.- An Tiêm

Thanh Tuệ.

Tôi chỉ xin trích dẫn ba bài viết lúc mà Thanh Tuệ nằm xuống để thấy được rằng nhà xuất bản An Tiêm với Thanh Tuệ có lòng với văn chương như thế nào.

* Thái Kim Lan về Thanh Tuệ:

Hình như dưới tay anh tác phẩm được in nào cũng mang một chút lòng trân trọng của anh như thế đối với tác giả và độc giả, một nét cười bao dung mời gọi, vừa cảm khái liên tài vừa khuyến khích thúc dục, một nhịp nối uyển chuyển tài hoa giữa giãi bày tâm sự và tìm kiếm tri âm trong chữ nghĩa và tri thức, giữa người và người…

An Tiêm đã khai phá, mở cửa khu vườn văn học của các nghệ sĩ trẻ miền nam trong khung cảnh sôi động của thập niên 60…

* Tiếc Văn Chương, thương chữ nghĩa, Trần Thị Lai Hồng.

Biết là vô thường, nhưng vẫn không khỏi tiếc thương.

Tôi tiếc thương người An Tiêm Thanh Tuệ hiền hòa đã đành,

mà nỗi tiếc Thương Văn Chương chữ nghĩa còn trĩu quá nặng.

Thôi từ nay, còn ai khổ công lặn lội tìm tòi đãi lọc để phổ biến văn chương như đã từng với Tuệ Sĩ, Bùi giáng,

Sao Trên Rừng, Nguyễn Đức Sơn.

Thôi từ nay còn ai trân quý nâng niu bảo trọng chữ nghĩa như đã từng với Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột,

Mười Hai con Mắt.. Đêm Nguyệt Động, Cái chuồng khỉ và còn nhiều,

rất nhiều công lao với văn học đã, đang và chưa thực hiện được.

* Với nhà văn Lê Thị Huệ:

Rồi bỗng nhiên nghe tin Ông chết. Đặng Ngọc Loan hôm trước rủ đi uống cà phê với Ông một lần,

gọi điện thoại nói với tôi:

Tin gì kỳ cục.

Sao người vậy mà chết nghe kỳ cục quá.

4.- Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa, Sàigòn.

Có lẽ phải nói đây là một ông Khai Trí thứ hai.

Trong một dịp đi dự một buổi phát giải thường, do cái TTNCBTVPHVHDT. Viết tắt thế để quý vị khỏi mất thời giờ với cái Trung Tâm đó.

Tôi có gặp anh Võ Thành Tân,

Tổng giám đốc nhà sách Thành Nghĩa và nhất là anh Vũ Quang Trình,

trợ lý TGĐ trong bữa ăn trưa đó.

Gốc gác các anh đều là dân Quảng Nam, Quảng ngãi mà người dân gọi đùa là:

Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam Quảng Nam, Đà Nẵng.

Gọi như thế để thấy cái dân ngoài đó đi theo đảng nhà nước tận tình.

Nay sau 30 tháng tư, Họ,

những người dân miền ấy có mặt khắp nơi, nhất là trong ngành báo chí,

xuất bản.

Các báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên v.v. đều có người của họ.

Chẳng hạn báo

Thanh Niên có Nguyễn Công Khế,

Tuổi Trẻ có Hùng Sơn Phước,

Công An thành phố Trần Trữ Lang,

Sài gòn time có Võ như Lanh,

Kinh tế VN có Cung Văn, Nhất Ánh..

Võ Thành Tân, sau 75 đang còn học Văn Khoa.

Với cái vốn liếng ấy đâm ra hữu dụng, anh làm nghề mua bán sách cũ.

Biết sách nào quý, biết sách nào giá trị là sở trường của một người mua bán sách cũ.

Có tý vốn rồi, anh mua lại một cái ki ốt bán sách lẻ ở đường An Dương Vương. Kịp đến thời mở cửa, 1986..

Theo lời anh Trình, các anh liên kết với các nxb của nhà nước để in sách.

Họ đứng tên, cho giấy phép rồi họ mặc cho mình muốn làm gì thì làm.

Một cuốn sách mới đầu ít vốn in 1000 cuốn thăm dò. Bán chạy thì in lại,

bán tiếp.

Một năm mới đầu xuất bản 4, 5 đầu sách, rồi cứ thế tăng dần.

Đến năm 2004 thì đã cho xuất bản đến 3000 đầu sách đủ loại.

2005 tăng lên 3500 đầu sách một năm.

Nay thì các anh trở thành tỉ tỉ phú trong ngành xuất bản.

Ngoài ra, các anh còn mở ra hàng trăm cửa hàng bán sách với hàng ngàn nhân viên. Hỏi sao có nhiều nhân viên như thế. Trả lời là để trông chừng những khách hàng ăn trộm đồ trong tiệm sách.

Có những tiệm sách lớn có đến 40 chục ngàn đầu sách đủ loại.

Làm gì còn có những Thanh Tuệ, những Từ mẫn nữa.

Làm gì còn có Lá Bối, An Tiêm,

Nam Sơn nữa.

Làm gì còn có *Loan mắt Nhung* nữa.

Thôi chào vĩnh biệt sách cũ Sàigòn. Chào những đứa con tinh thần sinh trước 1975 còn sót lại.

NVL

Nguyễn Văn Lục

Nguồn fb Xuyên Sơn

Bài Liên Quan

Leave a Comment