9 tháng 8 2024
Khoảng 42% người Mỹ gốc Việt cho biết họ đang trên đường đi đến giấc mơ Mỹ và 27% khẳng định họ đã đạt được giấc mơ này, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ).
Số liệu lấy từ cuộc khảo sát mà Pew thực hiện trong năm 2022 và 2023 và được công bố hôm 6/8 vừa qua.
“Tôi thấy cuộc sống ở Mỹ thoải mái hơn Việt Nam. Chỉ có bảo hiểm nhà, xe hơi mắc, nhưng nhìn chung cũng dễ chịu. Miễn là siêng năng, chịu khó làm thì công việc không thiếu, kiếm tiền cũng khá,” ông Hồng Nhật Tiến, một nhà môi giới bất động sản đã sinh sống ở Mỹ được 8 năm và đã có quốc tịch Mỹ, nói với BBC Tiếng Việt hôm 8/8.
Ông Hồng Nhật Tiến hiện làm việc ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Quê quán ông là thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế (Việt Nam).
Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Dân số Mỹ, hiện có khoảng 2,3 triệu người Việt sinh sống ở nước này, chiếm khoảng 9,3% số dân Mỹ gốc Á trên cả nước. Đứng đầu trong nhóm gốc Á là người gốc Trung Quốc (không kể Đài Loan) với 5,5 triệu người.
Dân số Mỹ tính tới tới hôm 8/8 là gần 337 triệu người.
Trong số người Mỹ gốc Việt, 60% là dân nhập cư và 40% được sinh ra tại Mỹ. Có 35% người Mỹ gốc Việt sinh sống ở tiểu bang California và chủ yếu tại thành phố Los Angeles, theo báo cáo của Pew.
Cục Thống kê Dân số Mỹ cũng cho biết trong năm 2022, mức thu nhập trung vị của các hộ gia đình người Mỹ gốc Việt là 81.000 USD/năm.
Con số này thấp hơn thu nhập hộ gia đình trung vị của người Mỹ gốc Á nói chung (khoảng 100.000 USD/năm) nhưng cao hơn mức trung vị của cả nước Mỹ (khoảng 74.500 USD/năm).
Mức thu nhập trung vị có nghĩa là mức thu nhập ở giữa, với 50% hộ gia đình thu nhập cao hơn mức này và 50% hộ gia đình thấp hơn mức này.
Cách tính này khác với cách tính bình quân (lấy tổng thu nhập chia đều cho số hộ).
Người Mỹ gốc Việt đến từ đâu?
Theo Viện Chính sách Di cư (MPI) ở Washington DC, Mỹ, sự di cư quy mô lớn từ Việt Nam sang Mỹ bắt đầu vào cuối Chiến tranh Việt Nam, khi sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975 dẫn đến việc Mỹ sơ tán khoảng 125.000 người tị nạn Việt Nam.
Khi khủng hoảng nhân đạo và di dân ở khu vực Đông Dương (Việt Nam, Campuchia và Lào) gia tăng, nhiều người tị nạn và gia đình của họ đã được nhập cảnh vào Mỹ.
Dân số người nhập cư Việt Nam đã tăng đáng kể từ thời điểm đó, tăng gấp đôi khoảng mỗi thập kỷ từ năm 1980 đến năm 2000, và sau đó tăng 26% trong những năm 2000.
Con số này giảm xuống còn 12% từ năm 2010 đến năm 2019.
MPI cũng cho biết rằng không giống như trong quá khứ khi hầu hết người Việt Nam được nhập cảnh với tư cách là người tị nạn, những người có được thường trú hợp pháp tại Mỹ ngày nay (còn được gọi là thẻ xanh) chủ yếu thông qua việc đoàn tụ gia đình.
Ông Hồng Nhật Tiến là một trường hợp như vậy.
Theo Cục Nhập tịch và Di trú Mỹ, Việt Nam xếp thứ 6 trong số những nước có người nhập tịch Mỹ nhiều nhất năm tài khóa 2023 với 32.800 người.
Giấc mơ Mỹ
Người Mỹ gốc Việt khi so với các nhóm nhập cư khác, theo báo cáo của MPI vào năm 2021, thường có trình độ tiếng Anh hạn chế hơn, có trình độ học vấn thấp hơn và làm việc trong ngành dịch vụ nhiều hơn. Tuy nhiên, họ cũng thường có thu nhập cao hơn, ít chịu cảnh nghèo đói hơn và có ít thiếu thốn bảo hiểm hơn.
Chỉ có 11% người Việt nhập cư sống trong mức nghèo đói ở Mỹ. Con số này tính trên toàn bộ người nhập cư tới Mỹ và những người sinh ra tại Mỹ lần lượt là 14% và 12%.
Trong khi gần 70% người Mỹ gốc Việt đã và đang tìm thấy giấc mơ Mỹ như đã đề cập ở trên, 30% còn lại cho rằng giấc mơ này nằm ngoài tầm với của họ.
Pew cho biết những người Mỹ gốc Á trưởng thành cho rằng các yếu tố sau đây tạo nên giấc mơ Mỹ, xếp theo mức độ quan trọng giảm dần: sự tự do lựa chọn cách sống, đời sống gia đình hạnh phúc, thoải mái nghỉ hưu, con cái có những cơ hội tốt nhất, sự nghiệp thành công, sở hữu một căn nhà, đóng góp cho cộng đồng, đến được Mỹ, trở nên thịnh vượng và sở hữu một doanh nghiệp.
Trong một bài viết gửi cho BBC Tiếng Việt vào tháng 5/2022, ông Bùi Văn Phú – một giảng viên đại học, nhà báo tự do ở bang California – cho rằng Mỹ là xứ sở của tự do kinh doanh, còn người Việt tính chăm chỉ, sẵn sàng bươn chải, có đầu óc kinh doanh nên nhiều người muốn có văn phòng, cở sở riêng, gặp thời và trở nên giàu.
“Tự do kinh doanh đã đưa nước Mỹ phát triển. Người dân Mỹ, trong đó có người gốc Việt, có thể mở cơ sở thương mại một cách dễ dàng vì thủ tục không rườm rà, không phải lo hối lộ, bôi trơn,” ông Phú viết.
Cái nhìn về Việt Nam
Trong khảo sát của Pew, 84% người Mỹ gốc Việt có cái nhìn tích cực về nước Mỹ, và 59% có cái nhìn thiện cảm về Việt Nam.
Khảo sát cũng cho thấy phụ nữ Mỹ gốc Việt có cái nhìn tích cực về quê hương hơn nam giới. Có 72% người gốc Việt dưới 50 tuổi và 70% người Việt sinh ra tại Mỹ có cái nhìn đặc biệt tích cực về quê hương.
Ông Trịnh Hội, cựu giám đốc tổ chức Voice chuyên giúp đỡ thúc đẩy xã hội dân sự Việt Nam, cho rằng so với vài chục năm trước, quyền kinh tế của người Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, quyền tự do đi lại cũng vậy, quyền phát biểu và dân sự khá hơn nhiều, tuy quyền chính trị vẫn xấu.
Ông Hội đưa ra nhận định này tại một cuộc hội thảo về cộng đồng người Việt hải ngoạiđược tổ chức ở bang Oregon, Mỹ trong hai ngày 27-28/10/2023.
Lời ông Hội về Việt Nam được khá nhiều người trẻ tuổi đồng ý, nhà báo tự do Joaquin Nguyễn Hòa tường thuật với BBC Tiếng Việt tại hội thảo.
Báo cáo của Pew còn cho biết khi được hỏi liệu họ sẽ chuyển đến Việt Nam sinh sống nếu có cơ hội không, chỉ khoảng 20% người Mỹ gốc Việt nói “có”.
Đối với những người trả lời “có”, những lý do chính bao gồm sinh hoạt phí thấp hơn, gần gũi với bạn bè và gia đình.
Một số ít nói rằng họ cảm thấy quen thuộc với văn hóa ở Việt Nam hơn, ở Việt Nam an toàn hơn và nhiều sự hỗ trợ hơn cho người già.
Chia sẻ với BBC Tiếng Việt hôm 8/8, ông Hồng Nhật Tiến nói hiện tại, ông và gia đình chỉ về Việt Nam để thăm họ hàng, đi du lịch chứ chưa nghĩ đến chuyện sinh sống lâu dài.
Người Việt nhập cư trái phép vào Mỹ
Không chỉ có số người nhập tịch Mỹ cao hàng đầu thế giới, số người Việt vượt biên trái phép vào Mỹ qua đường biên giới Mexico cũng tăng vọt trong những năm gần đây.
Thống kê từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho năm tài khóa 2023 ghi nhận gần 3.300 người Việt vượt biên giới phía nam của Mỹ.
Trước đó trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022, số liệu từ Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho thấy số người Việt vượt biên giới Mỹ-Mexico trái phép luôn dưới 300 người.
Có 102 nước trong danh sách vượt biên Mexico-Mỹ trái phép của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Việt Nam xếp thứ 26 về số lượng.
Các chuyên gia vào đầu năm 2024 nói với BBC rằng sự khác biệt trong chính sách biên giới của ông Trump và ông Biden là một trong những nguyên nhân chính cho việc lượng người di cư qua biên giới Mexico-Mỹ tăng đột biến trong năm 2023.
Báo cáo của Pew chỉ ra 51% người Mỹ gốc Việt thuộc phe Cộng hòa hoặc nghiêng về phe này – tỷ lệ cao nhất trong các nhóm người Mỹ gốc Á.
Tính trên toàn bộ người Mỹ gốc Á, Pew cho biết chỉ khoảng 34% ủng hộ Đảng Cộng hòa.
Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết trong năm 2022, có 1,4 triệu người Mỹ gốc Việt đủ điều kiện bỏ phiếu.