Hôm nay, 09/08/2024, là đúng 79 năm ngày Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki, ba ngày sau khi Hiroshima có cùng số phận, chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến. Tuy nhiên, lễ tưởng niệm năm nay vắng bóng nhiều đại diện ngoại giao nước ngoài nhằm phản đối việc thị trưởng thành phố Nagasaki không mời đại sứ Israel.
Đăng ngày: 09/08/2024
Hàng năm, vào ngày này, thành phố Nagasaki làm lễ tưởng niện hàng chục ngàn nạn nhân bom nguyên tử của Mỹ. Danh sách những người thiệt mạng được cập nhật cũng được đặt trên đài tưởng niệm, bao gồm cả những người sống sót vừa qua đời trong 12 tháng gần đây. Tính đến hôm nay, con số nạn nhân đã lên đến 198.785 người, theo tường thuật của trang NHK.
Thị trưởng Suzuki Shiro cũng đưa ra tuyên bố về hòa bình, kêu gọi giới lãnh đạo trên toàn cầu tìm kiếm các giải pháp ngoại giao cho những cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraina và Trung Đông.
Tuy nhiên, lễ tưởng niệm năm nay vắng bóng đại sứ các nước trong nhóm G7, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp, nhằm phản đối việc thị trưởng Nagasaki không mời đại sứ Israel. Một quyết định mà theo ông không mang tính chính trị mà chỉ nhằm bảo đảm một bầu không an bình và trang trọng.
Vậy người dân Nhật Bản nghĩ gì về quyết định trên của thị trưởng Nagasaki ? Thông tín viên Bruno Duval, tường thuật từ Tokyo :
“Liệu có nên mời Israel đến dự lễ tưởng niệm các nạn nhân của hai quả bom nguyên tử hồi tháng 08/1945 hay là không, khi mà những sự kiện này còn nhằm xúc tiến ý tưởng hòa bình trên thế giới ? Người ta nghĩ gì về quyết định trên của thị trưởng Nagasaki ? Người dân Tokyo bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.
Người thứ nhất cho rằng thị trưởng đã đưa ra một quyết định tồi tệ. Người thứ hai nghĩ rằng ông ấy e sợ xảy ra các sự cố và người ta có thể thông cảm trong bối cảnh bi thương như vậy, việc không mời Israel cũng xuất phát từ nguyên tắc cẩn trọng. Nhưng người thứ ba thì cho rằng mời Israel có nghĩa là tát vào mặt người dân dải Gaza, thể hiện sự thờ ơ đối với hành động thảm sát cũng như không quan tâm đến tình trạng mỗi ngày đều có trẻ em chết dưới bom đạn. Một người thứ tư đánh giá, Israel sẽ có lý ăn mừng hòa bình một khi nước này sẽ ngừng cuộc chiến chứ không sớm hơn. Cuối cùng, một phụ nữ khẳng định điều làm cho bà ấy quan tâm và khiến bà bức bối là hàng năm, đại diện các cường quốc hạt nhân được mời trong khi chính những nước này cản trở mọi tiến bộ trên phương diện hủy bỏ vũ khí nguyên tử trên thế giới.
Phần đông các đại sứ phương Tây quyết định tẩy chay buổi lễ do thành phố Nagasaki tổ chức, nhưng họ dự kiến tham dự các hoạt động tưởng niệm những người dân của thành phố này đã bị sát hại cách nay 79 năm. Chẳng hạn, tham dự một lễ cầu nguyện và thiền định tại một ngôi chùa lớn ở thủ đô Nhật Bản”.