- Tác giả,Sarah Smith
- Vai trò,Phóng viên Bắc Mỹ
Sau gần một năm rời khỏi mạng xã hội X, ông Donald Trump đã trở lại vào tuần này và hỏi 89 triệu người theo dõi: “Bây giờ bạn có khá hơn so với hồi tôi còn là tổng thống không?”
Đó là sự mô phỏng rõ ràng của câu nói nổi tiếng của Tổng thống Ronald Reagan trong chiến dịch tranh cử thắng lợi vào năm 1980, khi ông hỏi: “Hôm nay bạn có khá hơn so với bốn năm trước không?”
Thông điệp này không gây ngạc nhiên. Có vẻ tập trung vào kinh tế là một chiến lược rõ ràng của ông Trump.
Lí do là vì các cuộc thăm dò luôn cho thấy kinh tế là vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm nhất. Một cuộc thăm dò gần đây do The Economist và YouGov thực hiện đã liệt kê “lạm phát/giá cả” và “việc làm và nền kinh tế” là những mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Có lẽ quan trọng hơn, các cuộc thăm dò cũng cho thấy cử tri Mỹ thực sự không hài lòng với tình hình hiện tại.
Đó dường như là một hoàn cảnh lý tưởng cho bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào.
Nhưng trong một cuộc tranh cử đã thay đổi bởi việc Phó Tổng thống Kamala Harris thay thế Tổng thống Joe Biden với tư cách là ứng cử viên của Đảng Dân chủ, ông Trump dường như đang gặp khó khăn trong việc đưa ra thông điệp đơn giản của mình về nền kinh tế.
Chưa đầy một tháng kể từ khi ông Trump đứng trên sân khấu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa với vẻ ngoài bất khả chiến bại, khi ông vừa thoát chết sau một vụ ám sát và có vị trí cao trong các cuộc thăm dò dư luận.
Giờ đây, cựu tổng thống đã mất vị trí dẫn đầu và dường như đang mất phương hướng. Trong khi đó, ở phía đối lập, bà Harris đang lướt trên làn sóng hưng phấn và nhiệt huyết mà ông Trump khó có thể chống lại.
Cách dễ nhất để đập tan sự phấn khích của bà Harris là nhắc nhở cử tri rằng họ không hài lòng về giá cả sinh hoạt cao như thế nào và đổ lỗi cho phó tổng thống về tình trạng lạm phát đã đẩy chi phí sinh hoạt tăng cao trong thời gian bà làm việc bên cạnh Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng.
Một trong những lý do khiến ông Trump không thành công trong việc truyền tải thông điệp là đội ngũ tranh cử của bà Harris đã tập trung đưa các đề xuất nhằm giảm chi phí sinh hoạt vào trọng tâm các bài phát biểu của bà.
Trong bài phát biểu tại bang Bắc Carolina hôm 16/8, bà Harris hứa sẽ giảm thuế cho những người có con nhỏ, hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu và khuyến khích xây nhà ở giá rẻ.
Bà cũng cho biết hy vọng có thể giải quyết tình trạng giá lương thực và hàng tạp hóa tăng cao liên tục bằng cách cấm hành vi “nâng giá cơ hội” (price gouging – nâng giá khi nhu cầu mua tăng cao) hoặc các công ty kiếm lời thái quá.
“Theo bất kỳ thước đo nào, nền kinh tế của chúng ta luôn mạnh nhất thế giới,” bà nói. “Nhiều người Mỹ vẫn chưa cảm nhận được sự phát triển đó trong cuộc sống hằng ngày của họ.”
Tổng thống Joe Biden và cấp phó Kamala Harris đáng lẽ có thể tự hào về một số chỉ số kinh tế rất tốt. Có sự tăng trưởng mạnh mẽ, mức độ tạo việc làm kỷ lục và tỷ lệ lạm phát lần đầu tiên giảm xuống dưới 3% trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden trong tuần này.
Tuy nhiên, vì giá cả vẫn cao, cử tri không cảm thấy tốt hơn. Cử tri không mấy quan tâm đến tỷ lệ lạm phát – họ quan tâm đến mức giá.
“Một ngân hàng trung ương muốn lạm phát quay trở lại mục tiêu. Người mua hàng muốn mua hàng hóa ở mức giá cũ,” Jared Bernstein, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Biden, cho biết trong bài phát biểu hồi tháng 7.
Khi nói đến nền kinh tế, “cảm nhận nhìn chung không ổn”.
Ông Bernstein nói: “Cảm nhận là rất quan trọng.”
Vậy những cảm nhận tiêu cực về nền kinh tế có ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của bà Harris không?
Đó là những gì BBC đã hỏi cử tri trong bữa ăn trưa tại một quán hải sản trên Vịnh Chesapeake ở bang Maryland.
Jeff Tester, người làm việc tại bến tàu gần đó, cho biết giá cả cao đang thực sự gây tổn hại cho ông.
“Tôi được trả lương theo giờ. Tôi thức dậy để đi làm mỗi ngày. Tôi nghĩ mỗi người đều phải làm như vậy để có được giấc mơ Mỹ,” ông nói. “Nhưng tôi chỉ biết rằng điều đó đang trở nên ngày càng khó khăn hơn.”
Và ông Tester biết rõ người mà ông coi là phải chịu trách nhiệm. “Lỗi là do Đảng Dân chủ. Tôi tin rằng chính sách của họ đang làm tổn hại đến người lao động,” ông nói.
Mọi thực khách mà phóng viên BBC gặp trong nhà hàng đều phàn nàn về lạm phát, nhưng không phải ai cũng quy trách nhiệm cho ông Biden hay bà Harris.
Dan Nardo, một người môi giới tàu đã nghỉ hưu, cho biết ông tin rằng đại dịch, giá dầu, các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và các vấn đề về chuỗi cung ứng có liên quan nhiều đến việc giá cả tăng hơn là tổng thống Mỹ.
Bạn của ông, Randy Turk, một luật sư đã nghỉ hưu, nói với BBC rằng ông cảm thấy chính quyền mới có thể sẽ đi theo con đường tương tự để cố gắng giảm lạm phát, bất kể ai thắng cử.
“Không phải là một tổng thống khác thì có thể thực sự tạo ra sự khác biệt lớn như vậy,” ông nói.
Bà Harris đã phải vật lộn để được chú ý và được giới truyền thông đưa tin trong phần lớn thời gian làm phó tổng thống. Nhưng nếu điều đó có nghĩa là bà có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi “Bidenomics” (chiến lược phục hồi kinh tế Mỹ của ông Biden), thì đó có thể là một trong những điểm mạnh lớn nhất của bà.
Ruth Igielnik, biên tập viên thăm dò của tờ New York Times, cho biết dữ liệu mới nhất mà bà thu thập được cho thấy “cử tri có nhiều cảm xúc tiêu cực về nền kinh tế với ông Joe Biden”.
Trao đổi với phóng viên trên podcast Americast của BBC, bà giải thích rằng trong các cuộc thăm dò của bà, ông Trump vẫn được ưa chuộng hơn về mặt kinh tế, nhưng lĩnh vực mà ông từng dẫn trước ông Biden 18 điểm thì giờ đây ông chỉ dẫn trước bà Harris khoảng 8 điểm.
“Điều đó khiến tôi nghĩ rằng cử tri không nhất thiết gắn cảm xúc của họ về nền kinh tế với bà Harris,” biên tập viên Igielnik nói.
Một cuộc thăm dò khác do tờ Financial Times và Trường Kinh doanh Ross của Đại học Michigan thực hiện trong tuần này cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump một cách sít sao về việc ai là người mà dân Mỹ tin tưởng trong việc điều hành nền kinh tế.
Không có gì ngạc nhiên khi Đảng Cộng hòa công khai kêu gọi ông Trump tập trung vào các vấn đề, đặc biệt là nền kinh tế và ngừng các cuộc công kích cá nhân nhằm vào bà Harris.
Trong bài phát biểu tuần này, ông Trump nói với những người ủng hộ rằng ông sẽ nói về nền kinh tế nhưng lại gặp khó khăn trong việc giữ đúng chủ đề.
“Họ nói đây là chủ đề quan trọng nhất,” ông Trump nói, “họ” ở đây ám chỉ các cố vấn và chiến lược gia của ông, những người tin rằng đây là điểm mạnh nhất để ông tấn công.
“Tôi không chắc là như vậy. Nhưng họ nói đó là điều quan trọng nhất,” ông Trump nói thêm, trước khi liệt kê các vấn đề nhập cư, tội phạm và cách bà Harris cười là những vấn đề hàng đầu. Có thể thấy những người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump đang rất lo lắng.
“Cử tri không quan tâm đến tính cách hay ai thu hút được số lượng đám đông lớn hơn,” Matt Terrill, cựu trưởng nhóm tranh cử của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, chia sẻ.
“Các cử tri độc lập, chưa quyết định và cử tri dao động ở các bang quan trọng quan tâm đến nền kinh tế và lạm phát, vì vậy chỉ cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi đó,” ông nói.
“Hãy tập trung nói về cách bạn sẽ làm cho cuộc sống của người dân Mỹ tốt hơn trong bốn năm tới.”
Trở lại năm 1992, Jim Carville, một đảng viên Dân chủ, đã đặt ra khẩu hiệu “Đó là do nền kinh tế, thật ngu ngốc” khi ông làm việc trong ban vận động tranh cử tổng thống của Bill Clinton.
Đó là lời khuyên mà mọi đội tranh cử kể từ đó đều tuân theo. Nhưng ông Trump, lần này, dường như đang gặp khó khăn để làm theo.
Đó đáng lẽ là một chiến thắng cho ông Trump. Rốt cuộc, theo cuộc thăm dò của Financial Times, trả lời cho câu hỏi của ông Trump: “Bây giờ bạn có khá hơn so với khi tôi còn là tổng thống không?”, chỉ 19% cử tri nói rằng có.