Một tuần sau khi Thế Vận Hội Paris khép lại, chính trường nước Pháp sôi sục trở lại với đề xuất khá bất ngờ của đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất – LFI, kêu gọi chuẩn bị khởi động thủ tục phế truất tổng thống Emmanuel Macron. Kêu gọi của LFI ngay lập tức vấp phải sự cự tuyệt trong nội bộ Mặt trận Bình dân Mới (NFP), liên minh các đảng phái cánh tả được lập ra trước thềm của bầu cử Quốc Hội trước nhiệm kỳ, đầu tháng 6/2024.
Đăng ngày: 19/08/2024
Đe dọa phế truất tổng thống có khả năng trở thành hiện thực hay không? Vì sao đảng của Jean-Luc Mélechon lại đưa ra đề xuất nói trên vào lúc này?
Đe dọa ‘‘phế truất tổng thống’’, nếu Macron không bổ nhiệm ứng viên của NFP
Trong một thông báo đăng tải trên báo La Tribune dimanche, ngày hôm qua 18/08/2024, các lãnh đạo của đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất – một trong bốn đảng thành viên của Mặt trận Bình dân Mới (Nouveau Front Populaire – NFP) – đã lên án tổng thống từ chối ‘‘nhìn nhận’’ kết quả của cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 07/07/2024, theo đó liên minh bốn đảng phái cánh tả về đầu, trở thành liên minh có nhiều dân biểu nhất tại Hạ Viện, với 193 ghế trên 577. Ký tên vào văn bản nói trên có lãnh đạo đảng Jean-Luc Mélenchon, người điều hành đảng LFI Manuel Bompard và chủ tịch nhóm dân biểu của đảng LFI Mathilde Panot.
Thông báo của LFI, đăng tải trên La Tribune dimanche, tố cáo tổng thống Macron đã ‘lạm dụng quyền lực định chế chống lại nền dân chủ” (coup de force institutionnel contre la démocratie), không thực thi các nghĩa vụ của tổng thống, cụ thể với việc từ chối bổ nhiệm ứng cử viên thủ tướng do liên đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội đề xuất. Vì lý do này, các lãnh đạo đảng LFI viện dẫn điều 68 của Hiến pháp nước Pháp, cho phép Quốc Hội lưỡng viện phế truất tổng thống.
Thực thi ‘‘điều 68’’: Khó như lên trời
Theo Hiến pháp, đề xuất phế truất chỉ bắt đầu được đưa ra xem xét, khi có ít nhất 10% nghị sĩ yêu cầu. Đảng LFI, với 72 dân biểu, đủ khả năng đưa đề xuất. Đề xuất sau đó phải được Văn phòng Hạ Viện, với 22 thành viên, chấp thuận, trước khi đưa ra bỏ phiếu tại ủy ban Pháp Luật của Hạ Viện. Nếu được bật đèn xanh, Hạ Viện sẽ họp phiên toàn thể để bỏ phiếu. Đề xuất phải được ít nhất 2/3 dân biểu được thông qua. Một thủ tục tương tự cũng phải được tiến hành tại Thượng Viện.
Sau khi đề xuất phế truất tổng thống được thông qua tại hai viện Quốc Hội, một tòa án cấp cao (Haute Cour) sẽ được lập ra, với thành viên là tất cả các nghị sĩ lưỡng viện. Phiên tòa này sẽ có một tháng để đưa ra quyết định, theo thể thức bỏ phiếu kín. Để đề xuất phế truất tổng thống có hiệu lực, phải có ít nhất 617 nghị sĩ trên 925 bỏ phiếu thuận, tức 2/3 tổng số nghị sĩ.
Đề xuất của đảng cực tả nước Pháp có phần gây bất ngờ, nhưng trên thực tế, nhiều báo Pháp ghi nhận phe của tổng thống Macron không mấy bận tâm về tối hậu thư đầy thách thức này, bởi đề xuất phế truất tổng thống của đảng LFI gần như không có cơ may nào để trở thành hiện thực.
Phản ứng của các đảng phái NFP: Phải tìm mọi cách để tổng thống bổ nhiệm ứng viên cánh tả
Trở lực lớn nhất là Thượng Viện Pháp hiện do cánh hữu kiểm soát không thể nào chấp nhận một đòi hỏi như vậy, chưa kể đến các phản đối ngay trong nội bộ cánh tả, khiến đề xuất phế truất của LFI ‘‘chết ngay từ trong trứng’’, như hình ảnh ví von của một số báo. Trên thực tế trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng Hòa Pháp, chưa bao giờ điều 68 của Hiến pháp trở thành hiện thực.
Đề xuất của LFI ngay lập tức bị ông Olivier Faure, lãnh đạo đảng Xã Hội, đảng lớn thứ hai trong liên minh Mặt trận Bình dân mới, bác bỏ. Ngày hôm qua, ông Olivier Faure nhấn mạnh chủ trương nói trên chỉ liên quan đến đảng LFI, chứ không phải của liên minh NFP. Về phần mình, đảng Xã Hội chuẩn bị sẵn một phương án khác, trong trường hợp tổng thống không chọn ứng cử viên của NFP làm thủ tướng, tức chống lại ‘‘truyền thống của nền cộng hòa’’. Đó là đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, chứ không phế truất tổng thống như quan điểm của LFI. Lãnh đạo đảng Xã Hội cũng nhấn mạnh là mỗi đảng phái trong liên minh sẽ lựa chọn các chiến thuật riêng. Với đảng Xã Hội, đề xuất do LFI đưa nói trên là ‘‘hoàn toàn bất khả thi’’.
Lãnh đạo đảng Xanh Marine Tondelier, đảng lớn thứ ba trong liên minh NFP, cũng không ủng hộ chủ trương của đảng cực tả. Bà Marine Tondelier chia sẻ nỗi lo ngại của đảng LFI, ‘‘thái độ ngoan cố của tổng thống Macron, tiếp tục thể hiện là ông ấy sẽ không thay đổi đường hướng và đây là điều rất đáng ngại’’. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Xanh lưu ý là mỗi đảng trong liên minh sẽ chọn cách hành động theo kiểu của mình, và về phần mình, đảng Xanh sẽ tập trung toàn bộ nỗ lực để ứng cử viên thủ tướng của liên minh cánh tả được tổng thống bổ nhiệm ‘‘trong thời gian ngắn nhất’’.
Vì sao LFI đưa ra đề xuất lúc này?
Vấn đề bổ nhiệm thủ tướng là trọng tâm của chính trường Pháp giai đoạn hiện nay. Theo nhiều nhà quan sát, đe dọa ‘‘phế truất’’ tổng thống mà đảng cực tả của Jean-Luc Mélenchon đưa ra chỉ là một thủ đoạn truyền thông để gây áp lực lên tổng thống, trong bối cảnh ít ngày trước cuộc hẹn giữa tổng thống và lãnh đạo các đảng phái trong Hạ Viện, ngày 23/08 tại điện Elysée.
Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy tổng thống Macron sẽ bổ nhiệm ứng cử viên Mặt trận Bình dân Mới, ngoài việc chấp nhận để ứng cử viên thủ tướng Lucie Castets (do Mặt trận Bình dân Mới đề nghị) tham gia cuộc gặp nói trên. Ngược lại, có nhiều thông tin về một số ứng cử viên khác cho chức vụ này, ông Xavier Betrand, chủ tịch vùng Hauts-de-France, đảng cánh hữu LR, và cựu thủ tướng cánh trung tả Bernard Cazeneuve. Theo quan điểm của tổng thống Macron, ứng cử viên Lucie Castets không hội đủ đa số rộng rãi tại Quốc Hội.
Ứng viên Castets đi ngược lãnh đạo LFI: ‘‘Phế truất’’, thủ đoạn đánh lạc hướng?
Tuy nhiên, từ ít ngày nay, đã có một số thay đổi đáng chú ý về phía Mặt trận Bình dân Mới. Thay vì khăng khăng áp dụng cương lĩnh tranh cử, từ chối mọi điều chỉnh, thỏa hiệp, ứng cử viên thủ tướng Lucie Castets đã lần đầu tiên để ngỏ khả năng, nếu được bổ nhiệm, sẽ mở rộng mục tiêu hành động của chính phủ, giảm nhẹ các cam kết tranh cử của cánh tả, để thu hút sự tham gia của các đảng phái ngoài Mặt trận Bình dân Mới. Thông báo được đưa ra trong một lá thư gửi đến các dân biểu thuộc tất cả các phe phái trong Hạ Viện (ngoại trừ đảng cực hữu).
Điểm được báo chí Pháp chú ý là, quan điểm ứng cử viên thủ tướng Lucie Castets giờ đây đã đi ngược lại quan điểm được coi là ‘‘chính thống’’ của lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon, vốn cự tuyệt việc điều chỉnh các cam kết tranh cử. Nếu việc điều chỉnh cương lĩnh cầm quyền của Mặt trận Bình dân Mới nhận được thêm sự ủng hộ của nhiều dân biểu các đảng phái khác ngoài NFP, phải chăng đây sẽ là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy sự thất bại của ông Mélechon trong việc kiềm chế, thao túng liên minh NFP, chống lại mọi thỏa hiệp cho phép liên minh cánh tả có thể xây dựng được một đa số rộng rãi để cầm quyền, như điều đã trở thành truyền thống tại nhiều nước châu Âu? Phải chăng đề xuất ‘‘phế truất’’ tổng thống nói trên của LFI không có ý nghĩa gì khác hơn là nhằm che lấp viễn cảnh thất bại này?
Về vấn đề này, lãnh đạo đảng Xanh trong liên minh NFP cảnh báo: đảng cực tả LFI hoàn toàn có quyền chủ động chọn cách làm riêng, nhưng hãy làm sao để các biện pháp đa dạng được đưa ra không biến thành hỗn loạn (“la polyphonie qui se dégage de ça ne doit pas se transformer en cacophonie”).