RFA
2024.08.21
Một quán bar đã đóng cửa trên đường Bùi Viện, TP HCM (HMH)
Reuters
Ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) đang đối mặt với nhiều khó khăn khi trong vòng nửa đầu năm 2024 đã có đến hơn 30.000 cửa hàng đóng cửa.
Công ty cổ phần iPOS.vn đưa ra thống kê trên tại hội nghị “Vietnam F&B Summit 2024” diễn ra hôm 21/8, theo truyền thông Nhà nước.
Theo báo cáo, tính tới hết tháng 6/2024, Việt Nam có khoảng 304.700 cửa hàng kinh doanh ăn uống, giảm gần 4% so với số liệu từ năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa trong khi số lượng mở mới hạn chế. Thành phố Hồ Chí Minh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng cửa hàng bị giảm gần 6%, trong khi tại Hà Nội vẫn tăng trưởng nhẹ 0,1%.
Tổng giám đốc iPOS Vũ Thanh Hùng cho rằng con số hơn 30.000 cửa hàng đóng cửa trong thời gian vừa qua chứng minh mức độ cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Sự tăng trưởng chi tiêu của thực khách không đuổi kịp được tăng trưởng nóng cửa hàng F&B từ sau đại dịch COVID-19. Thêm nữa, số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn (dưới ba tháng hoạt động) đang xuất hiện nhiều hơn tại các thành phố lớn. Đồng thời, các thương hiệu có tính bền vững cũng không thoát khỏi sự tác động sâu của kinh tế dù có lượng khách hàng trung thành lớn và có thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, theo khảo sát, người tiêu dùng cũng giảm tần suất đi cà phê do áp lực công việc tăng cao. Có 41,7% người được hỏi chỉ thỉnh thoảng đi quán nước và 32,3% đi với tần suất một đến hai lần mỗi tuần. Lý do đa phần những người tham gia khảo sát cho rằng, do họ đang phải làm việc với cường độ lớn hơn vì khó khăn của nền kinh tế và nội tại doanh nghiệp.
Vẫn theo thống kê của iPOS, dù ngành F&B gặp khó khăn nhưng doanh thu lại gây bất ngờ khi cán mốc 403.900 tỷ đồng, đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023. Nguyên nhân được nói một phần do lạm phát và tổng số lượng giao dịch tăng trưởng đáng kể do các cửa hàng F&B tung nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu.