Ông Hun Manet có khác với cha mình? Đây là câu hỏi tiếp tục được giới chuyên gia bàn luận sau một năm đầu tiên ông thừa kế quyền lực từ cha mình, cựu Thủ tướng Hun Sen.
Ông Hun Manet tuyên thệ thậm chức thủ tướng Campuchia vào ngày 22/8/2023 và tân chính phủ đi vào hoạt động từ ngày 23/8/2023.
Trước đó, cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2023 ở Campuchia bị giới chỉ trích xem là một cuộc bầu cử giả hiệu khi Đảng Ánh Nến, đảng đối lập duy nhất, đã bị loại với lý do không đủ tư cách tranh cử hồi tháng Năm.
Lúc bấy giờ, 17 đảng phái khác tham gia vào cuộc tổng tuyển cử năm 2023 bên cạnh Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) hầu hết đều quá non trẻ để có thể xem là đối thủ thực sự của ông Hun Sen.
Nhân tròn một năm người con trai cả tuyên thệ nhậm chức, cựu Thủ tướng Hun Sen đăng thông điệp lên mạng xã hội Facebook vào ngày thứ Năm 22/8 với nội dung: “Bạn phải nhảy xuống nước mới biết bơi, lý thuyết này vẫn còn đúng”.
“Tôi đã trao quyền lực sau 44 năm lãnh đạo, bao gồm 38 năm giữ cương vị thủ tướng của Campuchia và giờ là lúc tôi phải lo sức khỏe của mình ở tuổi 72. Nhiệm vụ ngày nay chỉ bằng khoảng 50% số nhiệm vụ thời tôi làm thủ tướng.”
Về phần mình, ông Hun Manet viết trên Facebook:
“Một năm với nhiều bước tiến vì nước vì dân.”
Dự án Phù Nam Techo gây căng thẳng với Việt Nam
Xét về quan hệ song phương với Việt Nam, báo Khmer Times thân chính phủ Campuchia hôm thứ Năm 22/8 đưa ra nhận định về thành quả của ông Hun Manet, nhấn mạnh đến vấn đề phân giới, cắm mốc biên giới.
Theo bài viết này, ông Hun Manet đã “củng cố mối quan hệ cá nhân gần gũi” thành công với các lãnh đạo Việt Nam, dẫn đến cam kết hoàn thành cắm mốc biên giới. Campuchia và Việt Nam có kế hoạch hoàn tất cắm mốc 10% cuối cùng trong 1.270km đường biên giới chung.
Từ năm 2006, Việt Nam và Campuchia đã khởi động việc cắm mốc, phân giới trên biên giới đất liền, theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 2005.
Cho đến nay hai nước đã hoàn thành 84% công việc phân giới, cắm mốc biên giới.
Báo Khmer Times đề cập đến các dự án cơ sở hạ tầng nổi bật đạt được trong năm đầu tiên của ông Hun Manet, bao gồm đại dự án kênh đào Phù Nam Techo, chính thức được khởi công vào ngày 5/8 vừa qua.
Campuchia đã đẩy nhanh dự án này, bất chấp việc láng giềng Việt Nam quan ngại trước nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ, đặc biệt là những tác động tiềm tàng về khả năng gây hao hụt nguồn nước có thể xảy đến với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng hạ lưu cuối cùng của con sông Mekong nơi có khoảng 21 triệu dân sinh sống.
Trước đó, trả lời BBC News Tiếng Việt tại thủ đô Phnom Penh hôm 1/8, nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy cho rằng ông Hun Sen muốn củng cố vị thế cho người con trai cả, tăng cường tính chính danh thông qua dự án kênh đào lịch sử.
“Cựu Thủ tướng Hun Sen đã để lại nhiều di sản, chấm dứt cuộc nội chiến và giúp phát triển đất nước, duy trì hòa bình trong nước và ông ấy có tính chính danh.”
“Ông Hun Sen cũng muốn con trai mình có được vị thế như vậy, có được tính chính danh và Phù Nam Techo sẽ là một trong những thành tựu lớn nhất của ông ấy. Thế nên Campuchia vẫn quyết tâm xây kênh đào, bất chấp sự phản kháng từ các quốc gia láng giềng,” ông Rim Sokvy nói.
Để thực hiện tham vọng Phù Nam Techo, cha con ông Hun Manet đã thổi dậy tinh thần dân tộc của người Campuchia. Nhưng tinh thần dân tộc, bao gồm tâm lý chống Việt Nam, là thứ mà không chỉ có chính quyền mà cả các phe phái đối lập cũng không ngừng khai thác.
Và chính tinh thần dân tộc này trong những ngày gần đây đã khiến chính quyền của ông Hun Manet đối mặt với áp lực, khi các nhóm đối lập tổ chức biểu tình đòi chính phủ Campuchia rút khỏi sáng kiến Tam giác Phát triển Lào-Campuchia-Việt Nam.
Có thể thấy, việc giữ thăng bằng – một mặt quan hệ gần gũi với Việt Nam vì lợi ích của đất nước, mặt khác phải giữ khoảng cách với Việt Nam để không bị chỉ trích là thân Việt Nam – là một thách thức mà ông Hun Manet vẫn đang cố gắng để vượt qua.
Dưới bóng Hun Sen
Trong một bài viết chuyên trang The Diplomat ngày 15/8, Tiến sĩ Markus Karbum, chuyên ngành khoa học chính trị và là nhà tư vấn độc lập kể từ năm 2010, nhận định ông Hun Sen “vẫn là người đàn ông quyền lực nhất Campuchia”.
Bên cạnh chức vụ chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, ông Hun Sen còn đảm nhiệm chức chủ tịch Thượng viện từ tháng 4/2024.
Nhìn lại vai trò của ông Hun Sen kể từ khi người con trai cả nắm quyền, Tiến sĩ Markus Karbum đánh giá rằng cựu thủ tướng Campuchia hiện tại có thể “tự do diễn dịch” vai trò của mình.
“Ông Hun Sen đã biến Thượng viện Campuchia thành một bộ ngoại giao thứ hai và đã đón tiếp những vị khách cấp cao của nhà nước, như hồi tháng 6/2024, khi tiếp đón Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns,” ông viết trên The Diplomat.
Vào ngày 2/6, cựu Thủ tướng Hun Sen xác nhận đã có cuộc gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns ở thủ đô Phnom Penh. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa xác nhận thông tin này.
Theo Tiến sĩ Markus Karbum, ông Hun Sen vẫn đóng vai trò “phủ quyết” quan trọng trong mọi lĩnh vực chính sách, vốn thuộc thẩm quyền của thủ tướng.
“Xét về vai trò [định hình chính sách], ông Hun Manet vẫn mờ nhạt hơn những kỳ vọng trước đó.”
“Trong năm đầu tiên đảm nhiệm vị trí thủ tướng, ông Hun Manet đã không đưa ra đề xuất chính trị nào mang danh nghĩa của ông hoặc sẽ để lại một ấn tượng lâu dài, chứ chưa nói đến những cải cách quan trọng.”
Trong khi người cha Hun Sen đã tạo danh tiếng với huyền thoại về cuộc giải phóng đất nước khỏi chế độ Khmer Đỏ và chính sách hòa bình sau đó, thì theo tiến sĩ Markus Karbum, ông Hun Manet vẫn chưa đưa ra được một luận điệu chính trị hiện đại hơn về sự đoàn kết phi dân chủ giữa nhà nước và đảng.
Ông Hun Manet sẽ khác cha mình?
Với nền tảng thừa hưởng nền giáo dục của phương Tây, ông Hun Manet đã được kỳ vọng sẽ trở thành nhà cải cách, khác với cha mình, được xem là một lãnh đạo chuyên chế.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2023, ông Hun Sen từng ra dấu rằng ông kỳ vọng con trai mình sẽ lãnh đạo đất nước theo mô hình của chính ông.
Trên báo Phnom Penh Post vào thời điểm đó, khi được hỏi liệu ông Hun Manet có lãnh đạo theo cách khác biệt hay không, ông Hun Sen cười đáp: “Theo cách nào chứ? Bất kỳ sự đi chệch hướng nào đều đồng nghĩa phá vỡ nền hòa bình và đảo ngược những thành tựu của thế hệ đi trước đã gầy dựng.”
Giáo sư Lee Morgenbesser, tác giả sách Behind the Facade: Elections under Authoritarianism in Southeast Asia (Phía sau vẻ bề ngoài: Bầu cử dưới chế độ chuyên chế ở Đông Nam Á), bình luận với Reuters rằng nền tảng giáo dục phương Tây không đồng nghĩa ông Hun Manet sẽ là một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn cha mình.
“Mỗi khi có một người con của một nhà độc tài nối nghiệp cha mình, góc nhìn của câu chuyện luôn là ông ta sẽ có khả năng trở thành một nhà cải cách, có khả năng theo đường lối ôn hòa, cấp tiến vì lĩnh hội nền giáo dục phương Tây.”
Thế nhưng, “tôi chưa bao giờ từng thấy chuyện này xảy ra,” Giáo sư Morgenbesser nói.
Câu hỏi này tiếp tục được giới quan sát bàn luận.
Tiến sĩ Markus Karbum viếtrằng ông Hun Manet “không thiếu những nhiệm vụ, thách thức và vấn đề” cần phải giải quyết.
“Câu hỏi duy nhất là ông ta sẽ chờ để phải giải quyết trong bao lâu hoặc liệu có đủ nguồn lực chính trị để tự mình giải quyết hay không.”
“Ông ta [Hun Manet] không còn nhiều thời gian bởi vì điều tệ hại nhất có thể xảy đến với ông ta là việc ông ta bị coi là không có thực quyềnchừng nào nào cha của ông ta còn quyết định đường hướng chính trị của đất nước. Và nền tảng quyền lực của ông Hun Sen thì rõ ràng còn lâu mới bị lu mờ.”
Tiến sĩ Sam Seun, nhà nghiên cứu chính sách từ Viện Hoàng gia Campuchia, nói vào ngày 19/8 trên báo Khmer Times rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá về vai trò lãnh đạo của ông Hun Manet bởi vì “vẫn còn nhiều điều chờ đợi” vị thủ tướng.
“Xét về mặt chính sách ngoại giao, ông Hun Sen và ông Hun Manet đối mặt với các vấn đề khác nhau vì Campuchia là một quốc gia nhỏ với quy mô kinh tế và dân số khiêm tốn, quyền lực quân sự hạn chế và tiếng nói không đủ mạnh trong cộng đồng quốc tế và Campuchia lại nằm giữa những láng giềng đầy ganh ghét, những nước có thể tạo ảnh hưởng tiêu cực đến Campuchia vì lợi ích của họ.”