23 tháng 8 2024
Có mẹ là người Jamaican và cha là người Ấn Độ, cả hai đều là dân nhập cư, bản thân bà Kamala Harris phản ánh sự biến chuyển nhân khẩu học ở Mỹ, theo Reuters.
Khi bước lên sân khấu Đại hội Đảng Dân chủ (DNC) vào hôm 21/8 để chấp nhận đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng, bà Kamala Harris đại diện cho nhóm chủng tộc phát triển nhanh nhất ở Mỹ.
Theo số liệu từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, hiện có khoảng 42 triệu công dân Mỹ tự nhận bản thân là đa chủng tộc, tức khoảng 13% dân số nước này.
Năm 2000, trong cuộc khảo sát lần đầu tiên cho phép người dân chọn đa chủng tộc, con số chỉ là 2%.
Từ lâu, Mỹ đã tự coi mình là “nồi lẩu” với cư dân có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới.
Trên thực tế, nhiều bang ở Mỹ đã, một cách hợp pháp, phân chia công dân theo chủng tộc cho tới khi các đạo luật về quyền dân sự được thông qua vào những năm 1960 và luật cấm hôn nhân liên chủng tộc được duy trì cho tới năm 1967.
Dù vậy, xã hội Mỹ đã biến chuyển nhanh chóng kể từ đó.
Năm 2008, ông Barack Obama trở thành tổng thống da đen đầu tiên.
Nếu thắng cử vào tháng 11 sắp tới, bà Kamala Harris sẽ là phụ nữ nửa da đen nửa Nam Á đầu tiên trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
“Chúng ta đang sống trong thời đại mà 50 năm nữa có thể có sự xuất hiện của tổng thống đa chủng tộc thứ hai, và đó là điều thật đẹp,” ông Svante Myrick, Chủ tịch People for the American Way (Người dân ủng hộ lối sống Mỹ) – tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để bảo vệ quyền tự do, dân chủ – nói.
Ông Myrick cũng là người đa chủng tộc. Mẹ ông là người da trắng, còn cha ông là người da đen.
Trong tương lai, Mỹ sẽ còn trở nên đa dạng hơn nữa.
Trong số những người đa chủng tộc hiện tại, phần lớn là dưới 44 tuổi, một phần ba vẫn còn là trẻ con.
Xu hướng này được tiếp nhận bởi sự bối rối, tức giận và những cảm xúc/hành động tệ hơn vậy từ một bộ phận người da trắng.
Da trắng là chủng tộc đa số ở Mỹ, nhưng có số lượng đang giảm dần.
Tháng 7/2024, trong một buổi hội thảo của các nhà báo da đen, ông Donald Trump khiến nhiều người khó chịu vì mô tả sai rằng bà Harris chuyển chủng tộc từ Ấn Độ sang da đen.
“Tôi chả hiểu, bà ta là người Ấn Độ hay là người da đen vậy?” ông Trump nói.
“Nhưng bạn biết không, tôi tôn trọng cả hai chủng tộc.”
Lâu nay, bà Harris vẫn xác định tổ tiên của mình là từ cả hai chủng tộc.
Phát biểu của ông Trump khiến nhiều người đa chủng tộc nhớ lại trải nghiệm của bản thân khi từng bị ép buộc lựa chọn chỉ một chủng tộc.
Nền tảng gia đình của bà Harris giúp bà trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn cho Mỹ, các đảng viên Dân chủ ở Chicago đánh giá.
“Việc một cá nhân có trải nghiệm đa chiều là điều tốt,” Dân biểu Maxwell Frost, người mang dòng máu Lebanon, Puerto Rico và Haiti, phát biểu tại một sự kiện của Politico bên lề DNC.
Theo ông Frost, việc này “nâng cao khả năng lập pháp và vận động của bà ấy [bà Harris]” đại diện cho phần đông người Mỹ.
Ban tranh cử bà Harris và người phát ngôn của ông Trump đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Trong bối cảnh nước Mỹ ngày càng đa dạng và đa văn hóa, những người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc ngày càng đông đảo trên các nền tảng mạng và thúc đẩy những thuyết âm mưu như “Sự thay thế vĩ đại” (The Great Replacement).
Bên cạnh đó, một số nhà lập pháp Cộng hòa tập trung vào việc cấm các cuốn sách và bãi bỏ các tiết học về lịch sử chủng tộc.
Hàng ngàn vụ phạm tội thù ghét chủng tộc được báo cáo hằng năm.
Năm 2022, năm gần nhất mà Cục Điều tra Liên bang (FBI) có số liệu, có 232 vụ phạm tội nhằm vào những người đa chủng tộc được báo cáo.
Bất chấp việc bà Harris được bầu làm phó tổng thống vào năm 2020 và việc chính quyền của bà gia tăng độ ưu tiên của việc tìm kiếm công lý trong các vấn đề chủng tộc, ông Matthew Belmont, giáo sư lịch sử từ Đại học Dartmouth và có nghiên cứu về nhân khẩu học, nói rằng “không may là chúng ta đang ở trong một giai đoạn thụt lùi”.
“Sự phản kháng chủ yếu là do ông Obama đắc cử tổng thống và trỗi dậy mạnh mẽ từ những người cảm thấy lo sợ trước các xu hướng nhân khẩu học ở Mỹ.”
Bà Tara Betrayer, một người đa chủng tộc bảo thủ và là đồng sáng lập của ủy ban hành động chính trị Seneca Project, nói rằng bà từng ủng hộ Đảng Cộng hòa một phần là vì đảng này nhấn mạnh vào các chính sách không phân biệt chủng tộc.
“Liệu thỉnh thoảng cử tri Dân chủ có đi quá xa với chính trị chủng tộc không? Có,” bà nói.
Hiện là một người trung lập, bà Betrayer cho biết một số ngôn từ gần đây của Đảng Cộng hòa về các vấn đề như di cư bất hợp pháp gờn gợn sự phân biệt chủng tộc.
Phe Cộng Hòa phủ nhận những chỉ trích này, nói rằng mối quan tâm của họ về kiểm soát biên giới là nhằm giữ gìn đất nước cho tất cả công dân Mỹ.
“Đây là nỗ lực cuối cùng của họ nhằm ngăn chặn sự phát triển của đất nước. Tôi nghĩ họ đang bỏ lỡ một điều đẹp đẽ,” bà Betrayer nói.