Hôm nay, 28/08/2024, nhân thượng đỉnh Diễn đàn thường niên các đảo quốc Thái Bình Dương (26-30/08/2024), các nước trong khu vực này đã đạt được thỏa thuận về hợp tác cảnh sát chung. Thỏa thuận quan hệ đối tác này nhằm hạn chế vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh tại Thái Bình Dương, nơi mà Bắc Kinh đã ký thỏa thuận an ninh với một số đảo quốc như Solomon, khiến nhiều nước lo ngại.
Đăng ngày: 28/08/2024
Theo thông cáo từ văn phòng thủ tướng Úc, được AFP trích dẫn, thỏa thuận hợp tác này dự trù thiết lập 4 trung tâm đào tạo cảnh sát, triển khai một lực lượng đa quốc gia nhằm đối phó với khủng hoảng.
Trả lời báo giới, thủ tướng Úc Anthony Albanese khẳng định rằng “khi làm việc cùng với nhau, an ninh của toàn khu vực sẽ được thắt chặt hơn, và sẽ được giám sát bởi chính chúng ta”. Úc sẽ tài trợ khoảng 271 triệu đô la cho dự án này.
Trung tâm đào tạo cảnh sát đầu tiên sẽ được xây dựng tại Papua New Guinea. Lãnh đạo các đảo quốc như Tonga, Fiji, Palau and Papua New Guinea cho rằng chương trình hợp tác này « sẽ hỗ trợ các đảo quốc đối phó với việc buôn lậu ma túy, đánh cá bất hợp pháp và các tội phạm kinh tế trong khu vực ».
18 nước thành viên của Diễn đàn đảo quốc Thái Bình Dương có thể tự do quyết định liệu có tham gia vào chương trình này hay không và tham gia ở mức độ nào.
Dự án hợp tác cảnh sát chung được xem là nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Úc từng khẳng định rằng Trung Quốc “không có vai trò” nào trong việc hỗ trợ an ninh cho các quốc đảo sau khi Bắc Kinh đã đưa ra chiến lược hỗ trợ an ninh cho một số quốc gia, đặc biệt là tại hai đảo quốc Solomon và Kiribati.
Mặc dù sự hiện diện còn hạn chế, Bắc Kinh đã cử người đến đào tạo cảnh sát của các đảo quốc này, về kỹ năng bắn súng và chiến thuật chống bạo động, cung cấp xe cộ cho lực lượng an ninh.
Sáng nay, phát ngôn của bộ Ngoại Giao Trung Quốc trả lời báo giới, khẳng định rằng chính sách hợp tác cảnh sát tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương là “bình thường” và “tuân thủ luật pháp quốc tế”.