HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình

RFA
2024.09.09

HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Nguyễn Vũ Bình

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình

 Fb Nghiem Vietanh

Ngày 09/9, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho blogger của RFA là nhà báo Nguyễn Vũ Bình trước phiên toà xét xử ông một ngày.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình, 56 tuổi, bị bắt ngày 29/2 năm nay với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Ông bị cáo buộc đã tham dự chương trình trực tiếp trên kênh YouTube TNT Media Live cùng luật sư Nguyễn Văn Đài từ năm 2021 đến tháng 6/2022. Kênh YouTube này thuộc sở hữu của Radio Tiếng Nước Tôi có trụ sở tại San Jose, California (Hoa Kỳ).

Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên toà xét xử ông Bình vào ngày 10/9. Nếu bị kết tội, ông sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù.

Trong thông cáo báo chí ngày 09/9, bà Patricia Gossman, Phó giám đốc khu vực Châu Á của Theo dõi Nhân quyền viết:

“Nguyễn Vũ Bình đã không ngừng vận động cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua. Việc ông bày tỏ sự bất đồng chính kiến một cách ôn hòa không phải là một tội ác và vụ án chống lại ông nên bị hủy bỏ.”

Thông cáo cũng nhắc ông Bình là người hoạt động thứ tám bị đưa ra xét xử kể từ khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành Tổng bí thư (vào đầu tháng 8 vừa qua).

Từ tháng 8 tới nay, chính quyền độc đảng ở Việt Nam đã kết án và tuyên án tù ít nhất bảy nhà vận động nhân quyền, bao gồm Nguyễn Chí Tuyến, Trần Minh Lợi, Lê Phú Tuân, Phan Đình Sang, Trần Văn Khánh, Phan Ngọc Dũng và Bùi Văn Khang vì chỉ trích Chính phủ.

Thông cáo cho biết trong thời gian Tô Lâm đứng đầu ngành công an (từ năm 2016) tới nay, Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 269 người vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ một cách ôn hòa.

Theo dõi Nhân quyền cũng nói ông Bình là một blogger tích cực của Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ 2015 đến khi bị bắt giữ, với hơn 300 bài báo về tham nhũng, quyền đất đai, sự tàn bạo của cảnh sát, các phiên tòa bất công, quyền biểu tình ôn hòa, kinh tế, giáo dục, môi trường và mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc và Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông đã viết để ủng hộ những người hoạt động khác bị cầm tù, trong đó có Lê Anh Hùng, Nguyễn Thúy Hạnh và các thành viên của Hội Anh em Dân chủ. Nhưng trên hết, Nguyễn Vũ Bình đã viết để thúc đẩy nền dân chủ thực sự và pháp quyền ở Việt Nam, thông cáo nói.

Thật vô lý khi Chính phủ Việt Nam, vốn độc quyền mọi phương tiện truyền thông và đảm bảo rằng họ chỉ xuất bản những gì chính phủ muốn nghe, lại không thể chấp nhận một lời chỉ trích từ một tiếng nói độc lập như Nguyễn Vũ Bình,” bà Gossman nói.

Bà đặt câu hỏi:

Khi nào thì các nhà lãnh đạo Việt Nam mới học được cách chấp nhận những tiếng nói bất đồng chính kiến, và khi nào thì các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam mới lên tiếng về sự áp bức ở đó?”

Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng, cho biết nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã dấn thân rất sớm, đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền từ những năm đầu của thế kỷ 21 khi phong trào đấu tranh còn non trẻ và số người dấn thân chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Hùng, người mới mãn hạn năm năm tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vào tháng 7 năm ngoái, nói với RFA:

Việc nhà báo Nguyễn Vũ Bình đi bắt và bị đưa ra xét xử là một điều rất đáng tiếc bởi vì từ trước tới nay thì nhà báo Nguyễn Vũ Bình là một người lên tiếng đấu tranh rất là ôn hòa, anh cư xử rất là nhũn nhặn trong các giao thiệp xã hội, đặc biệt là với các các cơ quan công quyền. Anh cũng chủ trương là là thay đổi đất nước một cách ôn hòa.”

Về phiên toà ngày mai, ông Hùng cho biết ông Bình được hai luật sư Lê Văn Luân và Lê Đình Việt tham gia bào chữa. Ông bày tỏ hy vọng chế độ mới dưới thời Tô Lâm sẽ không hà khắc như thời Nguyễn Phú Trọng giáo điều và bảo thủ: 

Tôi hy vọng là anh sẽ được tuyên vô tội trong phiên tòa sắp tới hoặc là chỉ phải nhận một cái mức án rất là nhẹ nhàng.”

Ông Bình, người từng bị án bảy năm tù giam vào năm 2003 về tội danh “gián điệp” vì gửi tài liệu do ông soạn thảo và tập hợp bị cho là “có nội dung xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho nước ngoài, được HRW trao giải thưởng danh giá Hellmann/Hammett dành cho các nạn nhân của đàn áp chính trị, vào năm 2002 và 2007.

Bài Liên Quan

Leave a Comment