2024.09.10
Một người đàn ông đi qua đoạn đường bị ngập lụt với các căn nhà ngập trong nước ở Hà Nội hôm 10/9/2024
Các tỉnh miền núi phía Bắc đang hứng chịu trận lũ lịch sử sau khi cơn bão Yagi (còn gọi là cơn bão số ba) tràn qua đây vào cuối tuần qua. Người dân bị kẹt trong lũ khẩn thiết kêu cứu trên mạng xã hội trong khi chính quyền địa phương không đủ năng lực và vật lực cứu nạn, theo ý kiến của một số người dân cho RFA biết.
“Em cần cứu hộ gia đình tám người, có bốn trẻ con và người không biết bơi. Gọi cứu hộ không được máy bận thuê bao mãi. Ở khu vực Tổ 5 Chùa Hang (Thái Nguyên) hiện tại nước đã dâng chạm nóc tầng 1 – Từ đêm qua cả nhà chưa ăn gì ngâm nước cả ngày hiện đang chờ cứu hộ. Mọi người giúp em với.”
“Nhà em ở tổ dân phố Đông, phường Đồng Bẩm, có mỗi ba mẹ con, một bé 3 tuổi, một bé mấy tháng tuổi. Điện thoại hết pin, không liên lạc được, có ai kết nối giúp em được không?”
“Em xin cứu trợ xóm Trại Bầu – Gia Sàng. Mọi người hết pin điện thoại, đèn pin cũng hết pin, nước ngập cao cũng không có nước uống, cần hỗ trợ phao, lương thực, có nhà ngập hết tầng một ạ.”
Những lời kêu cứu như thế này xuất hiện ngập tràn trên các trang mạng xã hội suốt từ đêm ngày 9/9 – rạng sáng ngày 10/10, từ người dân ở các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái… hiện đang bị kẹt trong nước lũ.
Ông M (giấu tên vì lý do an toàn), nhà ở huyện Lục Yên, Yên Bái nói với RFA rằng ngày 9/9, mực nước lũ lên nhanh do mưa lớn, cộng với các đập thuỷ điện xả lũ người dân khiến bà con trở tay không kịp. Nhiều xã ở tỉnh này đã hoàn toàn bị cô lập. Người dân không kịp sơ tán đã bị kẹt lại giữa biển nước:
“Lượng mưa rất là nhiều. Nó tạo nên lũ, kết hợp với một số thủy điện xả lũ. Tình hình căng lắm, chưa bao giờ tôi thấy lũ lớn như bây giờ. Nhiều xã ở trong huyện đã mất điện, mất internet, không kết nối được. Họ không kêu ra bên ngoài được.”
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số tỉnh Trung du và miền phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái… từ ngày 9/9, xuất hiện một đợt lũ. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các con sông nhỏ tại khu vực miền núi phía Bắc nước lên nhanh đến mức báo động 3, cộng với tình hình mưa to, có thể dẫn tới ngập sâu và sạt lở ở các tỉnh này.
Báo động 3 là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức cao nhất, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Truyền thông nhà nước cho biết, sáng 9/9, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện tăng nhanh nên có tám hồ thủy điện đang mở tổng cộng 29 cửa xả lũ. Lũ tại hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã vượt mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008.
Cảnh báo lũ sơ sài
Vào ngày 8/9, báo Chính phủ cho biết bão số 3 sau khi quét qua Hà Nội vào đêm 7 và rạng sáng ngày 8/9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ chỉ cảnh báo rằng các tỉnh Tây Bắc bộ có mưa to trong ngày 8/9 và cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Theo ông M, sở dĩ người dân lên mạng kêu cứu hàng loạt như hiện giờ chính là do công tác cảnh báo lũ sau bão và hướng dẫn ứng phó lũ của chính quyền địa phương chưa chi tiết và đúng với mức độ nguy hiểm của đợt lũ này:
“Về công tác cảnh báo thì tôi thấy là nó cũng chung chung như những cái lần khác thôi. Tức là người ta cũng không dự báo được là mưa nghiêm trọng, thiệt hại, kinh khủng như vậy.
Cái công tác cảnh báo như vậy thì đây là một sự thất bại. Nếu mà cảnh báo tốt thì không đến mức mà người dân người ta phải chạy bão, chạy lũ rồi kêu cứu như hiện nay.”
Anh T, đang sinh sống ở Hà Nội, nhưng có gia đình ở Thái Nguyên, cho biết gia đình anh cũng không lường trước được mức độ nguy hiểm của lũ khủng khiếp như vậy.
“Gia đình bảo là không được cảnh báo chi tiết, chỉ biết là sẽ mưa do ảnh hưởng của bão. Cũng may nhà tôi ở trên cao nên không ngập nặng, điện và internet vẫn còn.”
Ngày 9/9, khi báo chí đăng tin cảnh báo sẽ xuất hiện một đợt lũ sau bão từ ngày 9 đến 11/9, cảnh báo về nguy cơ ngập sâu và sạt lở tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng lúc này bà con đã không còn kịp trở tay.
Số liệu của Cục Quản lý đề điều và Phòng, chống thiên tại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến 11 giờ ngày 10/9, bão Yagi và hoàn lưu bão gây mưa, lũ, sạt lở đất ở miền Bắc đã khiến ít nhất 146 người chết và mất tích.
Cứu nạn lúng túng
Để đối phó với tình hình mưa bão, lũ và sạt lở đất ở nhiều tỉnh thành, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ vào ngày 9/9 đã có các phiên họp chỉ đạo việc cứu nạn. Báo Nhà nước đưa tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huy động công an và quân đội tham gia hỗ trợ.
Ông M cho rằng việc cứu nạn cho người dân của chính quyền địa phương ở tỉnh Yên Bái vô cùng lúng túng:
“Rất nhiều người kêu cứu nhưng chính quyền địa phương không có phương tiện. Tôi không hiểu kiểu gì luôn. Năng lực kém cỏi, không có chuyên môn, dự báo yếu kém và tệ hại về mọi mặt mới dẫn tới tình trạng nguy cấp như bây giờ.”
Trên các trang Facebook page, một số người kêu cứu cho biết họ bị kẹt cả ngày trời trên mái nhà bởi chính quyền địa phương không đủ phương tiện đường thuỷ như thuyền, cano hay áo phao để đưa người dân đến nơi an toàn.
Theo ông M, chính quyền các tỉnh ngập lụt nên liên hệ với các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc để có thể vận chuyển thuyền bè ở các tỉnh này sang Yên Bái, Thái Nguyên để ứng cứu người gặp nạn. Ngoài ra:
“Mà cũng không thấy huy động trực thăng tìm kiếm và cứu nạn người dân luôn, trong khi sân bay quân sự Yên Bái nằm ngay đó. Thật không hiểu nổi luôn.”
Trưa ngày 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các lực lượng công an, quân đội tỉnh Yên Bái bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa bàn bị chia cắt, chủ động, sáng tạo tìm cách tiếp cận, trong đó có phương án sử dụng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.