Philippines vừa kiên quyết bảo vệ chủ quyền tại một số khu vực đang đối đầu căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông, vừa có thêm các nỗ lực ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Đăng ngày: 11/09/2024
Đại sứ Philippines tại Mỹ hôm qua, 10/09/2024, cho biết ít nhất 20 nước dự tính tham gia một hội nghị về Biển Đông bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng Chín này. Mục tiêu là tìm cách đưa Trung Quốc vào bàn ‘‘đối thoại’’, tránh xung đột bùng phát.
Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Jose Manuel Romualdez, theo đó, ‘‘càng có nhiều nước liên kết với nhau và gửi đến Trung Quốc một thông điệp là những gì họ đang làm chắc chắn không phải là điều đúng đắn thì chúng ta càng có cơ hội tốt hơn khiến họ không thực hiện các hành động sai lầm, mà tất cả chúng ta đều đang lo ngại”.
Đại sứ Philippines không nêu chi tiết kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Ông cho biết hội nghị sẽ diễn ra bên lề Đại Hội Đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc ở New York, diễn ra ngày 22/09 tới. Bộ Ngoại Giao Mỹ và Nhà Trắng không trả lời ngay lập tức khi được hỏi về kế hoạch này.
Trao đổi với trung tâm tư vấn New America ở Washington, đại sứ Philippines cho biết “chưa bao giờ Manila phải đối mặt với thách thức như thế này kể từ Thế Chiến Hai”. Có đến khoảng 240 tàu công vụ hoặc tàu dân quân Trung Quốc hiện diện tại các khu vực tranh chấp, và tình hình này tiếp tục kéo dài ‘‘từ ngày này qua ngày khác”.
Hôm 09/09, truyền thông Nhà nước Trung Quốc kêu gọi Philippines “nghiêm túc xem xét tương lai” của mối quan hệ song phương “hiện đang ở ngã ba đường”. Cùng ngày, đại tá Xerxes Trinidad, người đứng đầu Văn phòng Quan hệ Công chúng của quân đội Philippines, đã vạch ra một lằn ranh với Bắc Kinh : Trung Quốc không thể dùng vũ lực di dời tàu thuyền của Philippines tại các khu vực thuộc chủ quyền quốc gia, trong đó có bãi cạn Sabin, cách đảo Palawan của Philippines 146km về phía tây.
Căng thẳng Philippines – Trung Quốc lên đến đỉnh điểm hồi tháng 6/2024, với cuộc đụng độ khiến một nhân viên tuần duyên Philippnes bị đứt một ngón tay. Hải cảnh Trung Quốc xông lên tàu công vụ Philippines tước đoạt vũ khí. Tại diễn đàn an ninh Shangri-La đầu tháng 6/2024, tổng thống Philippines tuyên bố việc Trung Quốc giết hại một người Philippines đồng nghĩa với hành động ‘‘tuyên chiến’’.
Hồi tuần trước, Úc và Nhật Bản đã chỉ trích Trung Quốc về điều mà họ gọi là hành động ‘‘nguy hiểm và cưỡng bức’’ chống lại Philippines ở Biển Đông, trong lúc Ấn Độ và Singapore kêu gọi giải quyết hòa bình mọi tranh chấp mà không sử dụng vũ lực.
Trong chuyến công du Philippines cuối tháng 8, đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã chuẩn bị cùng với đồng minh Philippines về các biện pháp để đối phó với các thủ đoạn gây hấn của Trung Quốc trong ‘‘chiến thuật vùng xám’’, tức các hành động tấn công ‘‘dưới ngưỡng chiến tranh’’, như phun vòi rồng, chặn và đâm tàu đối phương…, vốn không cho phép Manila và Washington kích hoạt Hiệp định phòng thủ chung.