16 tháng 9 2024
Tòa án Nhân dân TP HCM dự kiến đưa vụ án bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm giai đoạn 2 ra xét xử công khai từ ngày 19/9-19/10.
Tại phiên tòa này, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 32 bị cáo bị xét xử về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, riêng bà Lan bị xét xử cả ba tội danh nêu trên.
Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là liên quan đến việc người dân mua trái phiếu của các công ty có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB.
Tòa đã đề nghị 35.824 người bị hại là các nhà đầu tư mua trái phiếu của mã QT.2018.12.01, ADC 2018.09, ADC 2018.09.01, ADC 2019.01, SET.H2025, SNW-2018.10, do Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP đầu tư Sunny World, Công ty CP đầu tư Quang Thuận, theo dõi thông tin về ngày, giờ xét xử vụ án và cập nhật diễn biến vụ án trên trang thông tin điện tử trên.
Bà Bảo Ngọc ở Hải Phòng, một trong số người bị hại, nói với BBC News Tiếng Việt ngày 15/9 rằng bà đã đỏ mắt mong chờ phiên xét xử này. Bà Ngọc mua tổng cộng bốn mã trái phiếu của công ty An Đông và Quang Thuận, đều nằm trong danh sách nói trên của tòa với tổng cộng 1,4 tỷ đồng.
“Tôi muốn tất cả các nạn nhân đã lầm tin tưởng vào Ngân hàng SCB sẽ được trả lại đầy đủ gốc lẫn lãi số tiền họ bị lừa mua trái phiếu. Tôi rất mong pháp luật nghiêm minh với tất cả những bị cáo vì họ đã gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần cho nhiều bà con trong suốt gần hai năm qua.”
Lừa đảo trái phiếu
Theo cáo trạng, trong gần 4 năm (từ ngày 1/1/2018 đến 7/10/2022), Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỷ đồng thông qua việc tham ô tài sản (đã xử giai đoạn 1) và phát hành trái phiếu.
Cáo trạng viết rằng, bà Lan đã thông qua các pháp nhân, cá nhân để nắm giữ đến 91,5% cổ phần tại Ngân hàng SCB và kiểm soát tổ chức tài chính này. Sau đó, để giải quyết khó khăn tài chính của Ngân hàng SCB, vào năm 2018, bà Trương Mỹ Lan cùng các nhân sự chủ chốt của SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các công ty con đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu.
Bà Lan được cho là đã chỉ đạo phát hành 25 mã trái phiếu “khống” thông qua các công ty con như An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra. Theo đó sẽ thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB phát hành và chào bán trái phiếu cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại hệ thống Ngân hàng SCB.
Việc này đã thu hút hơn 35.824 nhà đầu tư, huy động được tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng mà không có tài sản đảm bảo. Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu cũng không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ.
Thay vào đó, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc đã rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ bán trái phiếu cho các mục đích khác, dẫn đến việc mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Vào tháng 10/2022, thông tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt đã dẫn đến việc người dân đổ dồn rút tiền tại các hệ thống Ngân hàng SCB trên toàn quốc. Từ đó, nhiều người “ngả ngửa” khi biết tiền của mình bỏ vào SCB là trái phiếu chứ không phải là gửi tiết kiệm.
Để trấn an dư luận và tránh việc hệ thống ngân hàng sụp đổ, vào thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã ra phát đi thông cáo khuyên người dân không nên rút tiền trước hạn và đặt SCB vào diện kiểm soát đặc biệt.
Nhiều cuộc biểu tình với hàng trăm người đã nổ ra trước các trụ sở, chi nhánh của SCB trên cả nước để đòi quyền lợi. Họ mặc áo đỏ với những dòng chữ như “SCB lừa đảo” hay “Cầu cứu nhà nước, chính phủ cứu người dân bị lừa mua trái phiếu tại ngân hàng SCB”.
Từ tháng 10/2022 – 10/2023, bà Bảo Ngọc cùng những người bị lừa mua trái phiếu đã tập hợp lại và gửi hơn một chục đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng, chầu chực ở các điểm được gọi là tiếp nhận thông tin của SCB nhưng cũng không đạt được kết quả gì.
Tới tháng 10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) của Bộ Công an phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án trái phiếu SCB, những bị hại như bà Ngọc mới có thêm hy vọng và giờ vụ án cuối cùng cũng đã được đưa ra tòa xét xử.
Bà Ngọc bộc bạch với BBC ngày 15/9: “Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác đều chịu cảnh khó khăn khi tiền bị giam vào một chỗ mà không biết tương lai sẽ đi về đâu. Nhiều đêm tôi mất ngủ lo nghĩ, gia đình tôi, mẹ tôi đã phải điều trị rối loạn lo âu tại nhà và một lần nhập viện do suy nhược cơ thể kèm theo bệnh hen. Mẹ tôi suy nghĩ quá nhiều về số tiền dưỡng già của mình.”
“Trong hai năm qua có rất nhiều dự định đầu tư kinh doanh của tôi bị đình trệ lại vì không có vốn. Bản thân tôi bị ảnh hưởng tâm lý và không còn tin tưởng vào sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng như một số cán bộ tha hóa đã lợi dụng chức vụ bao che sai phạm tạo điều kiện thuận lợi cho bà Lan phạm tội liên tiếp nhiều lần.”
Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” số tiền hơn 30.081 tỷ đồng, bà Trương Mỹ Lan có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Hai tội danh khác
Bên cạnh tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến trái phiếu, bà Trương Mỹ Lan và một số đồng phạm còn đối mặt thêm tội “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu tổ chức thực hiện rửa tiền với tổng số tiền hơn 445.000 tỷ đồng. Con số này gồm hơn 415.000 tỷ đồng từ nguồn tiền “tham ô tài sản” của Ngân hàng SCB thông qua 916 khoản vay “khống” (đã xét xử ở giai đoạn 1) và hơn 30.000 tỷ đồng từ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phát hành trái phiếu khống (giai đoạn 2 sắp sửa xét xử).
Để che giấu số tiền 445.000 tỷ đồng này, cáo trạng viết rằng bà Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp phối hợp, lên phương án rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng, sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Những người này là: Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng giám đốc SCB, đã chết); Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc SCB); Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB); Nguyễn Ngọc Dương (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, đã chết); Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) và Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn quản lý Acumen).
Mức phạt cao nhất có thể áp dụng đối với tội danh “Rửa tiền” là phạt tiền từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ một năm đến ba năm.
Với hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, tiền vay được chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD từ năm 2012-2022. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật. Tổng số được vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỉ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1, vào ngày 11/4/2024, bà Trương Mỹ Lan đã bị tuyên tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng mức hình phạt mà bà Lan nhận ở phiên sơ thẩm là tử hình. Đồng thời, bà Lan còn phải bồi thường hơn 673.000 tỉ đồng. Bà Lan đã kháng cáo bản án sơ thẩm.
Hai người thân của bà Lan trong vụ án là Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square – ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) – bị tuyên 9 năm tù; còn cháu của bà Lan là bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, lãnh mức án 17 năm tù.
Có bốn người lãnh án chung thân gồm: bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), ông Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (trốn truy nã, xét xử vắng mặt), ông Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, và ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB .
Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù.
Vụ án Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB đã trở thành án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay, được cho là làm rung chuyển hệ thống tài chính và tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Tính tới ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước đã cho SCB vay tổng cộng 622.700 tỷ VND (khoảng 24,5 tỷ USD) để ngân hàng này duy trì hoạt động, tránh sự sụp đổ ảnh hưởng lên toàn hệ thống, theo Reuters.
Khoản cho vay này tương đương với 6% GDP năm 2023 của Việt Nam.