Theo thông lệ, thứ Ba của tuần thứ ba tháng 9 hàng năm, Liên Hiệp Quốc khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại trụ sở chính ở New York. Năm nay, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra khi chiến tranh Ukraina vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhẹ, tại Trung Đông, chiến tranh Gaza, bạo lực giữa Israel và Liban bất ngờ bùng phát dữ dội và đẫm máu.
Đăng ngày: 25/09/2024
Tại Liban, tiếp theo hai loạt vụ nổ máy nhắn tin và máy bộ đàm của các thành viên Hezbollah khiến khoảng 30 người chết và hơn 3.000 người bị thương, là ba đêm liên tiếp Isreal oanh kích vào lãnh thổ Liban. Chỉ trong một đêm, các vụ tấn công của Israel đã khiến hơn 550 người chết, hơn 1800 người bị thương. Để đáp trả, lần đầu tiên từ khi xung đột nổ ra, phong trào Hezbollah ở Liban, thân Iran và ủng hộ tổ chức Hồi Giáo Palestine Hamas, đã phóng tên lửa đạn đạo sang Tel Aviv.
Bối cảnh quốc tế phức tạp với nhiều cuộc xung đột lớn kéo dài tại nhiều khu vực trên thế giới càng làm dấy lên những câu hỏi về sự bất lực của Liên Hiệp Quốc, định chế quốc tế đa phương lớn nhất. Báo Le Monde số ra ngày 25/09 có bài xã luận mang tựa đề « Liên Hiệp Quốc : Sự sụp đổ bi thảm của chủ nghĩa đa phương », lưu ý đã đến lúc khởi động lại các cơ chế bị đình trệ từ lâu nay nhằm tìm cách đối phó với những cuộc xung đột tàn khốc nhất, đặc biệt là ở Ukraina và dải Gaza.
Hội Đồng Bảo An “tê liệt”
Theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An mang tính bắt buộc đối với các thành viên Liên Hiệp Quốc, nhưng nhiều dự thảo nghị quyết quan trọng lại bị 1 trong 5 thành viên thường trực phủ quyết. Công cuộc cải cách Hội Đồng Bảo An được thừa nhận là cần thiết, vẫn đang dang dở. Giải pháp mở rộng Hội Đồng Bảo An không bị các thành viên phương Tây phản đối, nhưng chọn ứng viên nào mới là bài toán khó. Và có thêm thành viên mới thì cũng chưa chắc Hội Đồng Bảo An sẽ thoát cảnh « bị tê liệt » nếu vẫn còn quy định về quyền phủ quyết.
Trái lại, nghị quyết đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thì chỉ cần có đa số là được thông qua, nhưng lại không mang tính ràng buộc về pháp lý. Gần đây nhất, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hôm 18/09/2024 thông qua nghị quyết yêu cầu Israel ngưng chiếm đất của người Palestine, thời hạn thi hành là tối đa 12 tháng. Nhưng rõ ràng đây chỉ là văn bản mang tính biểu tượng, không khả thi, càng khiến Liên Hiệp Quốc bộc lộ rõ những hạn chế trong việc giải quyết các xung đột.
Đây không phải lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc, gồm 193 quốc gia, tỏ ra bất lực trong việc giải quyết các cuộc xung đột. Trong mục Giải Mã trên đài RFI Pháp ngữ ngày 23/09/2024, chuyên gia về quan hệ quốc tế Guillaume Devin, giáo sư danh dự tại trường Sciences Po Paris, nhấn mạnh : « Chủ nghĩa đa phương luôn trong tình trạng khủng hoảng, chưa từng biết đến thời hoàng kim ». Vào thời Chiến tranh Lạnh, « Hội Đồng Bảo An hoàn toàn bị tê liệt, Đại Hội Đồng LHQ cũng bị chia rẽ, với những nước không liên kết ». Trên thực tế, chủ nghĩa đa phương của những năm 1990 sau sự sụp đổ của Liên Xô, mà nhiều người xem là thời hoàng kim, thì theo giáo sư Guillaume Devin, cũng chỉ là tương đối, bởi vẫn tồn tại nạn diệt chủng ở Rwanda do sự bất lực của Liên Hiệp Quốc. Vụ thảm sát Srebrenica năm 1995 trong cuộc nội chiến Nam Tư cũ cho thấy Liên Hiệp Quốc đã không mang lại hiệu quả.
Vai trò không thể thiếu để đối phó với những thách thức lớn
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Guillaume Devin thừa nhận hiện giờ Liên Hiệp Quốc đang trải qua một thời điểm tương đối khó khăn, với một cuộc khủng hoảng có thể gọi là « khủng hoảng 3 trong 1 » : khủng hoảng chính trị, chức năng và văn bản pháp quy. Giáo sư của Siences Po Paris nhấn mạnh, văn bản pháp quy không thiếu, nhưng điều quan trọng là áp dụng và tính ràng buộc.
Tuy nhiên, « nói đi thì cũng phải nói lại ». Vai trò của Liên Hiệp Quốc không chỉ dừng lại ở việc giải quyết xung đột vũ trang, bạo lực, bảo đảm an ninh, mà còn phải đối mặt với những thách thức to lớn như môi trường, giáo dục, y tế, hoạt động cứu trợ nhân đạo … Giới chuyên gia phải công nhận rằng các tổ chức, cơ quan, chương trình của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là những cơ quan chuyên trách giải quyết nạn đói trên thế giới hoặc tình cảnh khó khăn của người tị nạn, vẫn tiếp tục đóng một vai trò không thể thiếu nhằm cứu giúp những người trong cảnh khó khăn.
Theo Le Monde, nghịch lý là thế giới đang phải đối phó với ngày càng nhiều cuộc khủng hoảng : sự sụp đổ chính quyền nhiều nước (từ Sudan, Haiti, đến Miến Điện), các đại dịch, làn sóng di dân, khủng hoảng khí hậu … Các thách thức này đòi hỏi một giải pháp đa phương.
Trở lại Đại Hội Đồng lần này, với sự hiện diện của 130 nguyên thủ quốc gia, lễ khai mạc Đại Hội Đồng với các bài diễn văn của các vị lãnh đạo quan trọng trên thế giới, Liên Hiệp Quốc có thể giải quyết các xung đột ? Chắc chắn là không, nhất là đối với các xung đột đã kéo dài suốt từ nhiều năm, điển hình là xung đột Gaza. Quyết định dừng lại, ngừng bắn, giải quyết một cuộc xung đột có nguồn gốc sâu xa không thể đơn giản có được theo kiểu « búng tay » một cái là xong. Tuy nhiên, giáo sư của Siences Po Paris khẳng định là nhân kỳ họp tuần này, với các cuộc gặp song phương, diễn đàn đa phương, các cuộc thảo luận, vận động hành lang … có thể sẽ mang lại bước tiến trong một số hồ sơ. Và đó chính là vai trò của các diễn đàn đa phương lớn.