”Ghét của nào, trời trao của nấy”. Thành ngữ này coi vậy lại khá hợp với câu chuyện khởi nghiệp của nhà tỷ phú Nhật Bản Tadashi Yanai. Năm 2024 đánh dấu đúng 40 năm ngày khai trương cửa hàng Uniqlo đầu tiên. Cho dù ông không hề thích thời trang y phục, nhưng từ một tiệm may nhỏ của gia đình, ông Tadashi Yanai lại lập ra thương hiệu quần áo Uniqlo, để rồi gầy dựng cả một đế chế gồm 3.600 điểm bán hàng trên thế giới.
Đăng ngày: 01/10/2024
Từ thời còn nhỏ, ông Tadashi Yanai đã tự hứa rằng ông sẽ không bao giờ mở cửa hàng thợ may như thân phụ của ông. Vậy mà đến tuổi 75, ông hiện là tổng giám đốc điều hành tập đoàn Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, nhờ sáng kiến kinh doanh mà trở thành thương gia giàu nhất Nhật Bản, với khối tài sản lên đến hơn 40 tỷ đô la. Theo tờ báo Les Échos, sở dĩ ông Tadashi Yanai không muốn nối nghiệp cha là vì ông lớn lên trong một gia đình nghèo tại thành phố Ube, một thị trấn nhỏ ở vùng khai thác mỏ ở tỉnh Yamaguchi, phía tây nam nước Nhật. Bố ông là một chủ cửa hàng nhỏ tên là Men’s Shop Ogori Shoji chuyên may áo quần cho những người thợ mỏ.
Thời bấy giờ, tiệm may quần áo được mở ở tầng trệt, còn gia đình ông thì sống ở tầng trên, trong một căn phòng vô cùng chật chội. Nhớ lại thuở hàn vi, thời gia đình ông thiếu thốn mọi thứ vào lúc đất nước Nhật Bản còn ở trong giai đoạn tái thiết sau cuộc chiến, ông Tadashi Yanai trong nhiều năm trời đã chứng kiến cảnh cha mình làm việc không ngơi nghỉ, đôi khi phải thức khuya để may cho xong các bộ quần áo theo đơn đặt hàng. Cứ mỗi buổi chiều tối, khi đi học về, ông Tadashi Yanai tìm đủ mọi cách để tránh gặp mặt bố, có lẽ cũng vì ông không muốn nghe những lời phàn nàn, trách móc từ người thân phụ.
Uniqlo biết đánh vào tâm lý ”ăn chắc mặc bền”
Ngay khi có cơ hội, ông tìm cách đi xa để thoát khỏi cuộc sống ‘‘tù túng’’ gò bó trong gia đình. Ông chọn thi vào trường đại học Waseda ở Tokyo, đeo đuổi ngành kinh tế và khoa học chính trị. Một khi tốt nghiệp bằng cử nhân kinh tế vào năm 22 tuổi (1971), ông tìm được việc làm tại chuỗi siêu thị Jusco. Tại cửa hàng lớn này, ông chủ yếu theo dõi và quản lý kho đồ dùng nhà bếp, chứ chẳng có liên quan gì đến hàng may mặc. Nhưng chỉ sau một năm, ông quyết định rời bỏ chỗ làm vì công việc quá nhàm chán. Thất vọng chán nản, không còn việc làm và cũng chẳng biết đi chỗ nào, ông buộc phải trở về nguyên quán, phụ giúp bố ông tại thị trấn Ube. Đúng là chê của nào trời trao của nấy, cho dù không thích cửa hàng gia đình nhưng rốt cuộc, ông cũng đành phải nhận lấy.
Theo báo Les Échos, cho dù quan hệ giữa hai bố con vẫn chưa hoà thuận, nhưng ông Tadashi Yanai lại thực sự cảm động, khi người bố đưa cho ông chìa khóa cửa hàng và khuyến khích ông Tadashi thử làm tất cả những gì ông muốn. Chính từ tiệm may nhỏ của gia đình, mà ông Tadashi Yanai ở tuổi 25, đã phát triển ý tưởng mở chuỗi cửa hàng bán quần áo, và quan trọng hơn nữa ứng dụng cách tổ chức vận hành của hệ thống phân phối, mà ông đã từng học ở chuỗi siêu thị Jusco.
Vào năm 1984, tức cách đây đúng 40 năm, cửa hàng đầu tiên của ông Tadashi Yanai được khai trương tại thành phố Hiroshima. Ban đầu tiệm bán quần áo này có tên “Unique Clothing Warehouse”, ba chữ này khi được rút ngắn lại trở thành Uniclo. Thế nhưng, trong quá trình làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhân viên nhận hồ sơ lại ghi sai một chữ thành Uniqlo, mà không hề ngờ rằng, công ty này sau đó trở thành một trong những hiệu áo quần may sẵn nổi tiếng nhất nhì thế giới.
Dựa vào khái niệm ”LifeWear”, hàng may chắc và bền, đơn giản trong lối thiết kế và nhất là quần áo chẳng những dễ mặc mà còn có giá phải chăng. Cuối thập niên 1980, đầu những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản đang rơi vào chu kỳ suy thoái. Thương hiệu này lại nhắm đến việc cung cấp hàng tiện dụng và giá mềm hơn cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Có thể nói, ngày ra đời của Uniqlo là quá đúng lúc, hợp thời. Thương hiệu này thành công nhờ đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng, như người Việt thường hay nói : giàu thì mua lọng sắm kèn, nghèo thì ăn chắc mặc bền là hơn.
Có lẽ cũng vì vậy mà Uniqlo đã nhanh chóng mở rộng thêm mạng lưới phân phối, công việc kinh doanh của ông Tadashi Yanai càng khởi sắc khi khai trương nhiều cửa hàng ở khắp nơi. Chỉ khoảng 10 năm sau ngày được thành lập, Uniqlo đã có tới 200 cửa hiệu trên khắp nước Nhật, doanh thu tăng mạnh chủ yếu nhờ vào các điểm bán hàng ở ngoại ô các vùng đô thị lớn.
Doanh thu hàng năm Uniqlo đạt mức 17 tỷ rưỡi euro
Trên đà thành công tại xứ hoa anh đào, tập đoàn Fast Retailing vươn ra chinh phục thị trường quốc tế. Hiện nay, 40 năm sau ngày được thành lập, hiệu Uniqlo có 2.500 cửa hàng trên toàn thế giới, cộng thêm các điểm kinh doanh trong các trung tâm thương mại, con số này lên tới hơn 3.600 điểm bán hàng, trong đó có hơn một phần ba là tại Nhật Bản.
Ngoài xứ hoa anh đào, thị trường lớn nhất của Uniqlo hiện giờ vẫn là Trung Quốc với hơn 790 cửa hàng. Bên cạnh đó, Uniqlo còn hoạt động tại Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Úc, Mỹ, Canada …. Tại châu Á, có Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia. Riêng tại Việt Nam, có đến 24 chi nhánh Uniqlo, chủ yếu ở các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Bình Dương và Hải Phòng.
Mặc dù thành công trên thị trường quốc tế, nhưng Uniqlo vẫn còn gặp khó khăn trong việc thâm nhập sâu rộng thị trường Âu Mỹ, có lẽ cũng vì Uniqlo phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều đối thủ nặng ký như H&M (Thụy Điển), Zara (Tây Ban Nha), Gap và Forever 21 (Hoa Kỳ). Tuy vậy, nhìn chung, doanh thu Uniqlo không ngừng tăng lên. Trong năm 2023, thương hiệu này đã thu về hơn 2.700 tỷ yen, tương đương với 17 tỷ rưỡi euro. Nhà tỷ phú Tadashi Yanai vẫn không che giấu tham vọng đưa Uniqlo lên vị trí hạng đầu trên danh sách các chuỗi cửa hàng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, vượt mặt tập đoàn Ramsbury Invest, sở hữu H&M và tập đoàn Inditex, hiện nắm giữ thương hiệu Zara.
Ở tuổi 75, chủ nhân Uniqlo hiện là người giàu nhất nước Nhật. Dù là tỷ phú, nhưng ông Tadashi Yanai cho biết ông không tôn thờ đồng tiền. Đối với doanh nhân này, tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Nếu cứ chạy theo đồng tiền, thì con người càng dễ bị mù quáng. Tuy làm việc rất nhiều, nhưng ông vẫn dành một chút thời gian để chơi gôn, tìm sự khuây khỏa thư giãn trong cái thú sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật. Quan trọng hơn nữa, ông không muốn lãng phí thời gian, mà theo ông có giá trị hơn đồng tiền. Nhớ lại cái thời bố ông phải làm việc cặm cụi, đôi khi thâu đêm suốt sáng, ông lại càng trân quý cuộc sống gia đình, những khoảnh khắc đơn giản ấy lại đáng nhớ hoài. Thời gian không như danh vọng tiền tài : một khi đã đánh mất thì không thể nào lấy lại.